Cùng Genk khám phá những bí ẩn một thời được chôn giấu trong cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai có thể được coi như một series các kế hoạch liên hoàn. Với mỗi một phương án được đưa ra, sự thành công hay thất bại của nó sẽ được tiếp nối bởi 2,3,4 thậm chí là hàng chục những kế hoạch khác. Có rất nhiều phương án, rất nhiều sự dự đoán vẫn còn được ẩn giấu trong yên lặng. Nếu chúng được sử dụng, rất có thể toàn bộ lịch sử nhân loại đã thay đổi hoàn toàn.
10. Nhật đánh chiếm Úc
Năm 1942, hàng loạt các cuộc hội thảo đã diễn ra giữa những nhà tham mưu thuộc lực lượng quân sự Nhật Bản. Quân đội của họ đã chiếm được một dải rộng trên Thái Bình Dương, và Úc rõ ràng sẽ là mục t iêu tiếp theo. Lực lượng Hải quân đề ra mục tiêu chiếm đóng Úc, nhằm ngăn cản người Anh biến nó thành căn cứ địa của riêng họ. Tuy nhiên, sở chỉ huy đã từ chối đề nghị này, vì họ cho rằng Úc sẽ trở thành một chiến trường vô cùng dai dẳng và làm tốn của họ quá nhiều nguồn lực. Thực chất, Bộ tham mưu muốn một trận đánh chớp nhoáng, càng nhanh gọn càng tốt, nhưng điều này sẽ tiêu tốn của họ đến 10 binh đoàn. Điều này là bất khả thi, bởi phần lớn quân đội của họ vẫn đang sa lầy tại Trung Quốc. Mặt khác, việc vận chuyển binh lính và cung cấp lương thực cho họ sẽ trở thành một cơn ác mộng thực sự.
Thay vào đó, họ đưa ra kế hoạch phong tỏa Úc với chiến dịch FS. Bằng việc đóng quân tại New Guinea, quần đảo Solomon và quần đảo New Caledonia Fiji, Úc sẽ hoàn toàn bị bao vây và bị buộc phải đầu hàng.
Tuy nhiên, chẳng có kế hoạch nào được thực hiện. Hải quân Mỹ đã sớm vào cuộc và đánh tan quân Nhật trên trận địa Thái Bình Dương.
9. Quân Đồng minh tiến vào Đức sớm hơn
Năm 1942, tướng Dwight Eisenhower đã đưa ra ý tưởng tiến quân vào Đức sớm. Theo kế hoạch này, người Đức sẽ phải đón khách vào năm 1943, với mục tiêu làm giảm nhẹ sức ép cho quân Xô Viết bằng cách buộc quân Đức phải chiến đấu trên hai mặt trận.
Tuy nhiên, các tham mưu Anh tin rằng thời điểm này vẫn là quá sớm. Với những phương tiện mà phe Đức sở hữu, họ vẫn có thể dễ dàng bẻ gẫy mọi cuộc tấn công của phía Đồng Minh. Cuối cùng, chiến dịch này đã bị đình lại, nhường chỗ cho chiến dịch Torch, với mục tiêu “mềm” hơn rất nhiều – Bắc Phi. Từ đây, quân Đồng minh có thể dễ dàng tiến vào đập tan Phát xít Ý.
8. Hitler đánh chiếm Thụy Sĩ
Sau thắng lợi trước Pháp năm 1940, Hitler đã nhanh chóng ra lệnh cho những viên tướng của mình đánh chiếm Thụy Sĩ. Được đặt tên “Chiến dịch Chiếc Tẩu”, chiến dịch này ban đầu bao gồm sự tham gia của 21 binh đoàn, nhưng sau đó được rút xuống chỉ còn 11 binh đoàn tham gia ở mặt trận phía Bắc. Phần còn lại sẽ do 15 binh đoàn của phía Ý đảm nhiệm. May mắn là sau đó, Hitler đã bị phân tán bởi mặt trận Xô Viết và Anh, nên đã quyết định hủy bỏ chiến dịch này, mặc dù hắn là một kẻ vô cùng căm ghét Thụy Sĩ, đến mức hắn đã phải thốt lên rằng “Thụy Sĩ là một sự sỉ nhục cho bộ mặt của Châu Âu”.
Về phía Thụy Sĩ, họ đã sẵn sàng để quyết tử. Toàn bộ dân số nước này đã được vũ trang, và hơn 400.000 người đàn ông đã được tập trung để chiến đấu. Họ sẽ bắt đầu phòng thủ ngay từ đường biên giới, trước khi rút dần vào những pháo đài trên dãy núi Alpi, nơi họ sẽ chiến đấu cho đến khi người cuối cùng ngã xuống.
7. Đức đánh chiếm Anh
Ngoài Thụy Sĩ, Hitler cũng đã lên kế hoạch xâm lược toàn bộ Vương quốc Anh sau khi đã giành thắng lợi trước người Pháp. Chiến dịch với cái tên Sư tử biển này đã huy động hơn 160.000 lính Đức tham gia. Tuy nhiên, những viên tướng dưới quyền Hitler đã tỏ ra vô cùng e ngại trước lực lượng Hải quân và Không quân Anh, họ cho rằng, trước khi tiến hành cuộc chiến này, quân Đức cần làm chủ được bầu trời nước Anh.
Cuộc chiến giữa không quân 2 phía đã diễn ra dằng dai trong suốt 3 tháng và đi vào lịch sử với tên gọi Battle of Britain. Kết quả, quân Anh đã đánh bật được những máy bay của Đức ra khỏi không phận của mình và đập tan hoàn toàn âm mưu của Hitler. Chính điều này đã làm cục diện chiến trường thay đổi, buộc Hitler phải tập trung vào mặt trận phía Tây, nơi họ phải đối đầu với Hồng quân Xô Viết.
6. Không quân Anh và Pháp tấn công Xô Viết
Ngay trước khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, Anh và Pháp tỏ ra lo ngại về việc Xô Viết rất có thể đã và đang cung cấp dầu mỏ cho Đức. Đức và Xô Viết đã ký kết một hiệp ước không xâm phạm, cho phép Đức bắt đầu cuộc chiến mà không có sự quấy nhiễu từ phía Xô Viết.
Để đáp trả hành động này, Anh và Pháp quyết định lập ra Chiến dịch Mũi giáo, nhằm mục đích gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Xô Viết bằng cách dội bom vào những khu công nghiệp dầu mỏ quan trọng. Thực tế là, không lực của Anh và Pháp cũng đã đến được nơi cần đến, nhưng họ chưa gây ra bất cứ thiệt hại nào cho người Nga. Ngay sau khi người Đức thành công trong việc xâm lược Âu, chiến dịch này đã bị ngừng lại hoàn toàn, bởi nỗi lo sợ rằng Đức và Xô Viết rất có thể sẽ trở thành đồng minh của nhau.
5. Nhật đánh chiếm Xô Viết
Quay lại thời điểm năm 1937, người Nhật đã vô cùng táo bạo khi lập ra hàng loạt các chiến dịch nhằm đánh chiếm các vùng lãnh thổ biên giới phía Tây của Xô Viết, đặc biệt là Siberia. Trong hội nghị Hoàng Gia tháng 7/1941, người Nhật đã thông qua các chiến dịch này, nhưng chỉ khi phía Đức chiếm ưu thế trong cuộc chiến với Xô Viết. Khi đó, Xô Viết sẽ buộc phải căng sức trên cả hai mặt trận: đối đầu với người Đức ở phía Tây và với người Nhật ở phía Đông.
Cho dù Nhật và Liên Xô đã cùng nhau ký vào một bản hiệp ước trung gian, nhưng không phía nào tin bên còn lại, và cả 2 tiếp tục thiết lập những căn cứ quân sự lớn dọc đường biên giới lãnh thổ.
4. Đức lên kế hoạch tấn công Gibraltar và buộc Tây Ban Nha tham chiến
Năm 1940, sau khi đã rút ra được nhiều điều từ thất bại trước Không quân Anh, người Đức muốn rửa hận bằng việc đánh chiếm Gibraltar, pháo đài của người Anh. Bằng việc chiếm được cứ điểm này, người Đức sẽ hoàn toàn ngăn chặn được Hải quân Hoàng Gia Anh thực hiện những chiến dịch của họ ở Địa Trung Hải, đồng thời cắt đứt đường vận chuyển lương thực và các nhu yếu phẩm từ kênh đào Suez. Người Anh sẽ rơi vào thế bị động và bị buộc phải đầu hàng.
Dưới mật danh Chiến dịch Felix, cuộc xâm lược này sẽ gửi quân đến Tây Ban Nha, một quốc gia trung lập. Lãnh đạo hai bên đã có nhiều ngày trao đổi, thậm chí, Hitler đã trực tiếp đề nghị Francisco Franco, lãnh đạo độc tài phía Tây Ban Nha vào cuộc. Franco ngay lập tức từ chối, bởi việc đưa quân Đức vào lãnh thổ của họ đồng nghĩa với việc Tây Ban Nha đã vào cùng phe với Đức. Dường như Franco lo ngại sự xâm lược của quân Anh hơn là lực lượng của ngài Quốc trưởng.
Tuy nhiên, Hitler dường như vẫn tiếp tục cân nhắc chiến dịch này, ngay cả sau khi quân Đức đã hoàn toàn sụp đổ trước lực lượng Đồng minh vào năm 1941.
3. Nhật sử dụng bom hóa học đối đầu với Mỹ
Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi đã rơi vào vị thế không còn gì để mất, người Nhật quyết định liều mình vào canh bạc vũ khí hóa học. Họ sẽ sử dụng lực lượng cảm tử Kamikaze để nhắm đến những khu dân cư đông người nhưng mức độ bảo vệ kém. Mục tiêu được chọn ra chính là San Diego, California. Nhiệm vụ với cái tên “Operation Cherry Blossoms in the Night” sẽ được thực hiện vào ngày 22/09/1945.
Vào thời điểm này, lực lượng Nhật đã bị tổn thương nghiêm trọng, và họ không còn nhiều nguồn lực để đổ vào chiến dịch này. Mọi chuyện, vì thế đều phải được tính toán kỹ lưỡng. Người Nhật quyết định sử dụng phát minh quân sự tối tân nhất của mình vào chiến dịch này – các tàu ngầm chuyên chở máy bay. Những tàu ngầm này sẽ lặn đến độ sâu không thể bị phát hiện bởi radar, xâm nhập đến cự ly đủ gần để các máy bay có thể đột nhập vào lãnh thổ Mỹ.
Cho đến lúc này, chiến dịch trên không còn nhiều ý nghĩa về mặt quân sự, nhưng người Nhật vẫn liều mình vào canh bạc cuối cùng với hi vọng sẽ chấm dứt sự có mặt của người Mỹ trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, mọi việc đã hoàn toàn sụp đổ khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống lãnh thổ Nhật.
2. Mỹ xâm lược Nhật
Tháng 4/1945, Mỹ đã chỉ định tướng Douglas MacAthur cầm đầu trận chiến cuối cùng với người Nhật. Với mật danh Operation Downfall, chiến dịch này huy động tổng cộng 2.5 triệu binh lính. Chiến dịch này được chia làm 2 chiến dịch nhỏ hơn: Operation Oympic và Operation Coronet. Cả hai đều có quy mô lớn hơn nhiều so với trận D-Day. Cho rằng người Nhật sẽ chiến đấu với tinh thần cảm tử, quân Đồng minh đã quyết định sử dụng vũ khí hóa học.
May mắn cho cả 2 phía là Nhật đã đầu hàng sau khi 2 quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Nếu Operation Downfall diễn ra, con số thương vong sẽ lớn hơn rất nhiều: ước tính sẽ có 400.000 đến 800.000 lính Mỹ thiệt mạng và 4 triệu thương vong. Về phía Nhật, con số thương vong sẽ là khoảng 10 triệu người.
1. Churchill lên kế hoạch tiến hành chiến tranh thế giới lần thứ 3
Sau khi Đức hoàn toàn bị tiêu diệt, châu Âu giờ đây bị phân chia làm 2 nửa: quân Đồng minh ở phía Tây và Xô Viết ở phía Đông. Winston Churchill tỏ ra không tin tưởng Stalin trong việc giải phóng những quốc gia bị Phát xít chiếm đóng, bởi vậy, ông và quân đội của mình đã lập ra chiến dịch Unthinkable, nhằm mục tiêu giúp quân Đồng minh giành ưu thế ở Châu Âu.
Chiến dịch này dự kiến diễn ra vào ngày 1/7/1945, bao gồm việc tái vũ trang cho hơn 100.000 lính Đức và để họ gia nhập lực lượng Đồng minh. Ông cũng đề nghị phía Mỹ diễn lại kịch bản họ đã làm với Nhật: sử dụng bom nguyên tử nếu Xô Viết không chịu nhượng bộ.
Kế hoạch của Churchill chưa bao giờ trở thành hiện thực, bởi quân Mỹ và Đồng minh đều tỏ ra e ngại trước một cuộc chiến mới. Chính Tổng thống Mỹ, Harry Truman đã trực tiếp từ chối lời đề nghị của Churchill. Người Mỹ sẽ không phí sức giúp Anh tống cổ người Nga ra khỏi lãnh thổ Tây Âu.
Tham khảo: Listverse
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng