Những chiến lược xương máu ông chủ Amazon nhắn nhủ trong bức thư gửi các cổ đông

    Ngocmiz,  

    Những bài học được đúc kết ra từ quá trình xây dựng đế chế công nghệ Amazon có thể được áp dụng với cả những doanh nghiệp lớn lẫn startup non trẻ.

    Như đã đưa tin, trong bức thư gửi các cổ đông của Amazon, CEO Jeff Bezos đã bàn luận những chiến lược giúp gã khổng lồ công nghệ này luôn dẫn đầu thị trường trên hầu hết các mảng kinh doanh đang hoạt động.

    Dưới đây là bản tóm tắt những ý chính ông nhắc tới trong lá thư dài của mình.

    Khi một công ty đã vượt qua giai đoạn đầu và trở nên thành công, giai đoạn tiếp theo cũng có thể khó khăn không kém với những cái bẫy như sự tự mãn, bão hòa, sự lạc hậu và suy thoái,… Tất nhiên, thực tế thì những điều này sẽ diễn ra hết sức từ từ, và các kết quả có thể đến sau 1-2 thập kỷ, nhưng dẫu sao thì cuối cùng nó vẫn sẽ đến.

    Để đảm bảo viễn cảnh tồi tệ đó sẽ không đến, chúng ta phải làm thế nào? Có rất nhiều chiến lược, hướng đi khác nhau, và dưới đây là những yếu tố then chốt cần ghi nhớ.

    1. Luôn chú tâm tới khách hàng

    Bạn có thể kinh doanh theo hướng tập trung vào đối thủ, tập trung vào sản phẩm, tập trung vào công nghệ hay mô hình kinh doanh… nhưng tập trung vào khách hàng lại chính là hướng đi tốt nhất để tạo ra sự thành công gia đoạn đầu cho công ty.

    Tại sao vậy? Trong số rất nhiều lợi ích của hướng tiếp cận tập trung vào khách hàng, cái lợi lớn nhất là đây: Khách hàng luôn có những điều chưa hài lòng, ngay cả khi họ nói hài lòng. Thậm chí chính họ cũng không biết, nhưng trong thâm tâm họ luôn mong muốn có được những sản phẩm tốt hơn. Thực tế là chưa ai từng yêu cầu Amazon tạo ra dịch vụ Amazon Prime (gói subscription cho phép thành viên trả một mức phí cố định hàng tháng để được quyền sử dụng không giới hạn các dịch vụ giao hàng nhanh, đọc sách báo, nghe nhạc, xem phim show bản quyền,...), nhưng rõ ràng là họ muốn có nó và đã tích cực đón nhận ngay khi nó ra mắt.

    2. Không giữ khư khư quy trình

    Khi các công ty dần trở nên lớn và phức tạp hơn, các quản lý có xu hướng quản trị theo quy trình để tiết kiệm thời gian và công sức. Quy trình tốt có thể giúp bạn phục vụ tốt khách hàng. Tuy nhiên, nếu không để mắt, các quy trình có thể chính là gốc rễ vấn đề.

    Điều này có thể xảy đến với bất cứ tổ chức lớn nào. Quy trình dần dần sẽ trở thành đại diện cho kết quả mà bạn mong đợi. Dần dần, bạn sẽ không còn nhìn vào kết quả mà chỉ chăm chăm đảm bảo xem mình có làm đúng quy trình hay không.

    Không hiếm khi chúng ta được nghe một lãnh đạo non tay bao biện những kết quả tồi tệ bằng những lý do như “Chúng tôi chỉ làm đúng quy trình.” Một lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm sẽ coi đó là cơ hội để kiểm tra và nâng cấp quy trình. Thế nhưng quy trình không phải điều đáng nói ở đây. Chúng ta phải luôn tự hỏi mình: Liệu chúng ta đang làm chủ quy trình, hay đang để chính quy trình làm chủ chúng ta?

    Một ví dụ khác về điều này là khi nghiên cứu khách hàng qua thử nghiệm sản phẩm bản beta hay rải đơn khảo sát. Kết quả mang về có thể là 55% người dùng hài lòng, cao hơn so với mức 47% ở phiên bản đầu. Những con số như vậy hoàn toàn có thể đánh lạc hướng chúng ta bởi còn rất nhiều câu chuyện đằng sau đó mà bạn phải dành tâm huyết hiểu rõ khách hàng mới biết được. Bạn sẽ khó có thể biết được nếu chỉ nhìn vào kết quả khảo sát.

    3. Bắt kịp những xu hướng bên ngoài

    Không khó để nhận ra các xu hướng chủ đạo đương thời, nhưng những tổ chức lớn lại thường mặc kệ chúng. Thay vì vậy, hãy đi theo xu hướng, càng sớm càng tốt.

    Một vài ví dụ về việc Amazon theo đuổi các các xu hướng hiện nay là trí tuệ nhận tạo và điện toán đám mây. Các hệ thống machine learning mà hãng sử dụng hiện đang hoạt động tích cực trong việc tự động hóa quy trình logistics, hỗ trợ cửa hàng offline Amazon Go, trợ lý ảo, phát hiện gian lận, gợi ý sản phẩm khi mua hàng,… Tương tự đối với cloud, khi mà các công ty lớn như Google, IBM hay Microsoft còn chưa chú tâm đến thì Amazon đã sớm thấy tiềm năng của nó để thành lập Amazon Web Services, dịch vụ vẫn đang dẫn đầu thị trường này nhiều năm nay.

    4. Đưa ra quyết định một cách nhanh chóng

    Không như các startup, các tổ chức lớn thường đưa ra quyết định một cách rất chậm chạp. Có lẽ ai cũng hiểu tốc độ là yếu tố quan trọng ra sao trong kinh doanh.

    Điều đầu tiên cần nhớ là đừng bao giờ sử dụng một hai quy trình chung cho tất cả các vấn đề cần đưa ra quyết định. Ví dụ những quyết định hoàn toàn có thể lật ngược làm lại thì nên triển khai thật nhanh, hay nếu chẳng may quyết sai thì lấy đó làm cơ hội để học hỏi.

    Thứ hai thì bạn nên đưa ra quyết định sớm dựa trên 70% lượng thông tin cần thiết còn hơn là chờ cho đến khi có đủ 90% rồi mới chốt bởi khi đó đã quá muộn.

    Thứ ba, hãy nói với các đồng nghiệp của mình: “Đúng, tôi biết anh không đồng tình, nhưng hãy cứ đặt cược và làm thử xem sao. Anh không đồng ý hay sẽ cùng làm với tôi?”. Khi mà bạn đã ở đến điểm này, chẳng ai có thể chắc chắn được điều gì phía trước và câu trả lời nhiều khả năng bạn sẽ nhận được chính là một lời đồng ý.

    Đôi khi bạn sẽ bị nhấn chìm trong những cuộc tranh luận không đồng tình với đồng nghiệp mà quên mất rằng cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng đưa ra quyết định để test thử xem liệu một phương án có hiệu quả hay không.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày