Khả năng nhận thức của động vật vẫn còn là một ẩn số lớn.
Khả năng nhìn vào gương và nhận ra bản thân là một kỹ năng nhận thức được con người thừa nhận, nhưng có rất ít loài động vật khác có thể làm được điều này. Một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng những chú khỉ có thể được huấn luyện để vượt qua một thử nghiệm gọi là “thí nghiệm gương”, nghiên cứu cũng cho rằng còn có nhiều loài động vật khác có thể nhận thức được chính bản thân chúng. Đây là một kết quả thú vị, nhưng nó cũng cho thấy rằng chúng ta vẫn chưa đánh giá chính xác được khả năng nhận thức của một số loài động vật.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trong Tập chuyên đề của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS), một nhóm nghiên cứu từ Viện Khoa học Thần kinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã tuyên bố rằng, với việc huấn luyện đúng cách, loài khỉ Rhesus có khả năng sẽ nhận ra chúng ở trong gương - một khả năng thường không xuất hiện ở loài này.
Theo nghiên cứu, những con khỉ Rhesus cho thấy chúng có một mức độ nhất định về nhận thức bản thân, mặc dù chúng thiếu đi khả năng tự nhận thức bẩm sinh để nhận ra chính mình trong sự phản xạ. Nghiên cứu mới cũng chỉ ra sự bất cập trong những thử nghiệm gương trước đây như một thước đo cho sự tự nhận thức ở một số loài, và khả năng tự nhận thức này có thể phổ biến hơn ở nhiều loài động vật khác so với chúng ta ước tính.
Khi các nhà khoa học nói về tự nhận thức, họ đang đề cập đến khả năng nội quan, cùng với khả năng để nhận ra chính mình là một cá thể (Tôi) tách biệt với các cá thể khác. Chúng ta tin rằng tất cả mọi người đều có thể tự nhận ra bản thân mặc dù chúng ta không thể chứng minh được điều đó. Hầu hết chúng ta đều tuyên bố rằng mình có thể tự nhận thức, và để có được điều đó, chúng ta đã thực hiện một bước nhảy vọt của đức tin và chấp nhận nó như một thực tế.
Tuy nhiên, chúng ta lại không thể chắc chắn điều này với các loài động vật khác. Trở lại đầu những năm 1970, trong một nỗ lực để vượt qua giới hạn này, nhà tâm lý học Gordon Gallup Jr đã phát triển một thí nghiệm gương, còn được biết đến với tên gọi thí nghiệm tự nhận thức bản thân trong gương. Thí nghiệm nhằm mục đích kiểm tra khả năng tự nhận thức của các loài động vật khác con người. Từ khi thí nghiệm này được giới thiệu, chỉ có rất ít loài đã vượt qua được thử nghiệm này, bao gồm vượn người, voi, cá heo và chim ác là. Một số loài động vật khác không vượt qua được thử nghiệm gồm chó, mèo và thậm chí cả khỉ.
Nhưng theo nghiên cứu mới của PNAS chỉ ra, một loài động vật không có khả năng tự nhận thức trong thí nghiệm gương không có nghĩa là nó hoàn toàn thiếu đi khả năng tự nhận thức, trong trường hợp này là loài khỉ Rhesus.
Bản thân những con khỉ không thể vượt qua thử nghiệm gương. Kỳ lạ thay, các nhà khoa học lại quan sát được chúng sử dụng gương để điều tra môi trường xung quanh, nhưng lại không thể nhận ra ai đang nhìn lại chúng ở trong gương. Tận dụng điều này, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khoa học thần kinh Mu-ming Poo và Neng Gong đã đặt những con khỉ trước một tấm gương và huấn luyện chúng chạm vào các chấm ánh sáng đỏ trên một tấm bảng mà chỉ có thể được nhìn thấy thông qua gương.
Cuối cùng, sau nhiều tuần huấn luyện, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu di chuyển vị trí các chấm sáng từ bảng sang khuôn mặt khỉ. Tại thời điểm đó, những con khỉ có thể chạm vào các chấm trên mặt chúng được đánh dấu ở các vị trí trên gương - một việc mà trước đây chúng chưa từng được huấn luyện để thực hiện.
Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để chứng minh rằng loài khỉ có thể tự nhận thức. Có thể chúng chỉ phản ứng lại đơn thuần vì đã được đào tạo, và không thực sự hiểu mình đang làm gì. Nhưng phần tiếp theo của thử nghiệm sẽ tiết lộ thêm các thông tin.
Sau khi kết thúc việc huấn luyện, những chú khỉ có khả năng duy trì được kỹ năng phát hiện mới của chúng. Không giống như những người anh em không được huấn luyện, những con khỉ đã được huấn luyện cho thấy các hành vi tự định hướng khi chúng nhìn vào gương, như việc tìm hiểu các bộ phận trên cơ thể chúng mà chúng chưa từng được nhìn thấy (những hành động này giống với các loài đã vượt qua thử nghiệm gương ở trên).
Thử nghiệm đã cho thấy loài khỉ Rhesus có thể tự nhận thức, nhưng có cái gì đó đã ngăn cản chúng có thể tự học kỹ năng này. Với việc huấn luyện trực quan, có vẻ như một kết nối não bộ được tạo thành ở những loài động vật vượt qua thử nghiệm gương. Trong các nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học sẽ cố gắng tìm hiểu và xác định phần nào của não chịu trách nhiệm thực hiện kết nối này.
Ngoài việc chứng minh về sự tự nhận thức của loài khỉ Rhesus, nghiên cứu này cũng chỉ ra những thiếu sót cơ bản trong thí nghiệm gương, cho rằng đây là một phương pháp thiếu căn cứ để đo lường sự tự nhận thức. Việc vượt qua thí nghiệm gương chỉ cho thấy một mức độ nào đó của sự nhận thức, và những loài động vật không vượt qua được thử nghiệm không có nghĩa là chúng hoàn toàn không có sự tự nhận thức. Bởi chúng ta chưa thực sự hiểu hết về ý thức và sự tự nhận thức, vậy nên việc mô tả sự tự nhận thức có hay không ở một loài mới chỉ dừng lại ở mức độ “thầy bói xem voi” mà thôi.
Tham khảo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng