Những điều chưa biết về bàn phím chơi game

    PV, Hoàng Béo 

    Kết nối PS2 được xem là tốt nhất cho bàn phím chơi game.

    1. Kiểu bàn phím: Thường và Cơ
     
    Có nhiều loại bàn phím đang lưu hành trên thị trường, nhưng ở riêng mảng thiết bị phục vụ gamer, người dùng hầu như chỉ gặp hai kiểu cơ bản: Bàn phím thường sử dụng màng cao su (Rubber Dome) và bàn phím cơ với thiết kế mỗi phím là một cơ cấu cơ học riêng (Mechanical Switch).
     
     
    Thông tin chi tiết về đặc tả kỹ thuật hai loại bàn phím đã từng được GameK nhắc đến. Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở cảm giác gõ, bàn phím cơ luôn đem tới sự thoải mái và tối ưu hơn hẳn bàn phím thường, sự vượt trội đương nhiên cũng tỷ lệ thuận với giá thành sản phẩm.
     
     
    Điều đáng nói, dù ở đẳng cấp hơn hẳn nhưng xét về kiểu dáng và tính năng phụ thì hầu hết sản phẩm bàn phím cơ lại thua đứt chủng loại bàn phím thường cao cấp. Điều này khiến cho nhiều gamer phải đắn đo lên xuống trước mỗi quyết định mua hàng của mình.
     
    2. Khả năng nhận đa phím (N-key rollover)
     
     
    Thuật ngữ N-key rollover hay Anti Ghosting thể hiện khả năng thiết bị có thể nhận tín hiệu từ nhiều phím bấm trong cùng một thời điểm. Nói chung, xét về nhu cầu chơi game, khả năng nhận đa phím giống như điều bắt buộc. Không có nó, gamer sẽ nếm trải vô số khó khăn trong các tình huống thực hiện combo hay cần thao tác ở tốc độ cao (APM cao).
     
     
    Có nhiều cách để nhà sản xuất đưa tính năng cần thiết trên vào sản phẩm của mình, trong đó quan trọng nhất là thiết kế bảng mạch để nhận tín hiệu từ phím bấm. Nhưng cũng bởi công việc hơi phức tạp và đòi hỏi chí phí cao nên với các mẫu bàn phím (không tính bàn phím cơ) như Razer, Logitech, SteelSeries hay nhều hãng khác, chỉ áp dụng N-key rollover cho số lượng phím nhất định, nằm tại các cụm thường được dùng trong game (ASDF, WASD, CRT…).
     
    3. Công nghệ in ký tự
     
     
    Mỗi phím bấm đại diện cho một hoặc vài chức năng, thể hiện thông qua ký tự in trên bề mặt. Nhiều gamer cho rằng chuyện in ấn thế nào là việc của nhà sản xuất. Tuy nhiên, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ khác nếu biết có những công nghệ giúp ký tự cực kỳ bền màu còn một số khác lại nhanh chóng biến mất chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
     
     
    Theo thống kế, Pad Printing được xem như công nghệ in ký tự phổ biến nhất trên thị trường, xuất hiện cả với sản phẩm phổ thông và cao cấp. Tương tự như hình thức sơn vẽ, Pad Printing rất có lợi thế về giá thành rẻ, in được nhiều màu sắc nhưng nhanh mờ và tạo cảm giác cộm khi ngón tay tiếp xúc.
     
     
    Với dòng sản phẩm cao cấp hơn, các kỹ sư áp dụng phương pháp khắc laser với ưu điểm vô cùng bền màu, nhưng có nhược điểm là đường nét kém sắc, chỉ dùng tốt trên các mẫu phím có màu trắng. DAS rất nổi tiếng với nhiều thiết bị dùng công nghệ khắc ký tự bằng laser.
     
     
    Hình thức cuối cùng và đỉnh nhất là Double-Shot Injection. Đây không phải công nghệ in mà thực chất là hình thức ghép hai phần ngoài và trong của phím để tạo thành ký tự nổi bật (như hình vẽ). Bằng cách này, nhà sản xuất đem đến cho người dùng những phím bấm có ký tự sắc nét, không bao giờ phai màu. Ngoài ra, sử dụng Double-Shot Injection thì ký tự trên mỗi phím chỉ bao gồm một màu đồng bộ.
     
    4. Tần suất gửi tín hiệu (Polling Rates)
     
     
    Trong nghiên cứu về chuột chơi game, tần xuất gửi tín hiệu từ thiết bị đến máy tính (Polling Rates) là chi tiết vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác trong từng pha hành động. Với bàn phím, mặc dù vẫn tồn tại khái niệm Polling Rates, nhưng ý nghĩa của nó không còn quá cần thiết.
     
    Điều này khá dễ hiểu bởi lẽ tốc độ gõ phím của con người khó lòng vượt qua được tần suất gửi tín hiệu từ bàn phím đến máy tính ở tốc độ thấp (khoảng 200MHz – 200 lần/ giây).
     
    5. Với bàn phím, kết nối PS2 tốt hơn USB
     
     
    Kết nối PS2 cổ điển được đánh giá tốt hơn USB vì ba lý do chính. Thứ nhất, nó đảm bảo tính năng N-key rollover hoạt động tối ưu, với USB dù bàn phím có hỗ trợ đến đâu thì gamer cũng chỉ thao tác được cùng lúc tối đa 6 phím.
     
    Thứ hai, sử dụng kết nối USB, tín hiệu từ bàn phím đến máy tính có thể bị ảnh hưởng bởi các thiết bị đang dùng cổng USB khác. Và cuối cùng, dùng kết nối PS2 của riêng bàn phím, gamer sẽ dư thêm một cổng USB quý giá, cần thiết cho nhiều thiết bị ngoại vị hiện đại. Tất nhiên, nếu bàn phím của bạn là loại tích hợp nhiều chức năng phụ như đèn nền, màn LCD... thì kết nối USB luôn bắt buộc.