Những góc tối đằng sau cuộc đời "ông vua nhân bản chó"

    Kuroe,  

    Giáo sư Woosuk Hwang - người lập nên phòng thí nghiệm nhân bản Sooam Biotech - đã từng phải trải qua không ít sóng gió trong suốt hàng chục năm theo đuổi và nghiên cứu lĩnh vực này

    Phòng thí nghiệm Sooam Biotech tại Hàn Quốc hiện có lẽ là nơi đi đầu thế giới trong lĩnh vực nhân bản.

    Tại đây, các nhà khoa học không chỉ nhận nhân bản cún cưng của bạn với giá 100.000 USD, mà còn sử dụng công nghệ tiên tiến của mình để thực hiện các dự án nghiên cứu khác. Trong số đó có thể kể đến việc tăng số lượng các loài đông vật có nguy cơ tuyệt chủng, cấy ghép dị chủng, hay thậm chí là hồi sinh voi ma mút.

    Và để có được một phòng thí nghiệm Sooam như hiện tại cùng với những dự án tiên tiến, không thể không nhắc đến công lao đóng góp của giáo sư Woosuk Hwang – người dành hàng chục năm tâm huyết nghiên cứu về lĩnh vực này.

    Giáo sư Hwang, thời điểm năm 2005

    Từ vươn tới đỉnh cao sự nghiệp như một người hùng…

    Giáo sư Hwang lần đầu tiên lên trang nhất các tờ báo lớn vào năm 1999, khi ông cùng đồng nghiệp tại trường Đại học Quốc gia Seoul (SNU) thực hiện thành công việc nhân bản hai chú bò. Tháng 2 năm 2004, Hwang công bố trên tạp chí khoa học rằng nhóm nghiên cứu của ông đã tách được tế bào gốc của phôi thai con người – thứ được ví như “chén thánh” của ngành y học với khả năng phát triển thành bất cứ loại tế bào nào. Nếu được áp dụng, công nghệ tế bào gốc có thể chữa bệnh Alzheimer, hay giúp những người bị tổn thương cột sống có thể đi lại bình thường.

    Tháng 5 năm 2005, một lần nữa giáo sư Hwang công bố rằng nghiên cứu tế bào gốc của ông và đồng sự đã gần hoàn thiện và chuẩn bị được đưa vào thử nghiệm thực tế.

    Tháng 8 năm 2005, chú chó nhân bản đầu tiên của SNU ra đời. Đây là chú chó duy nhất được nhân bản thành công thông qua quá trình cấy 1095 phôi thai vào 123 chó mẹ. Được biết đến với cái tên Snuppy, chú chó này mang đầy đủ các đặc tính của “cha ruột” – một chú chó Afghan 3 tuổi. Đạt được thành tựu này, giáo sư Hwang tin đây là khởi đầu cho con đường ứng dụng công nghệ nhân bản trong y tế.

    Chú chó nhân bản Snuppy ra mắt báo giới

    “Loài chó có nhiều đặc tính tương đối giống với con người,” ông Hwang chia sẻ trong một bài phỏng vấn hồi năm 2005. “Chúng mắc phải một vài loại bệnh y hệt con người.” Lý do này chính là cơ sở để ông đặt niềm tin vào việc nhân bản chó sẽ hữu ích trong việc phát triển công nghệ chữa bệnh cho con người.

    Vào thời điểm đó, cuộc đời của giáo sư Hwang được báo chí Hàn Quốc ví như “một câu chuyện cổ tích”. Ông được sinh ra vào tháng 12 năm 1953 tại một thị trấn nhỏ ở Buyeo, chỉ sau khi chiến tranh Hàn Quốc mới kết thúc được vài tháng. Khi ấy, thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này chỉ có vỏn vẹn 67 USD, biến Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á.

    Năm Hwang 5 tuổi, cha ruột của ông qua đời. Mẹ ông tập trung đầu tư nuôi bò, vốn là tài sản quý giá đối với gia đình vào lúc đó. Giáo sư Hwang lớn lên cùng với công việc chăm sóc những chú bò của gia đình. “Ước mơ thuở đó của tôi là trở thành một bác sĩ thú y” – ông chia sẻ.

    Theo một số báo cáo quốc tế, Hwang là người duy nhất trong lớp học của ông vượt qua bậc giáo dục tiểu học. Năm 1977 ông kiếm được cho mình tấm bằng cử nhân tại Đại học Quốc gia Seoul, và từ năm 1979 đến 1982 ông tiếp tục theo đuổi việc học tập. Giáo sư Hwang tham gia giảng dạy tại trường đại học Hokkaido, phía bắc Nhật Bản một thời gian ngắn, trước khi ổn định cuộc sống của mình tại trường Đại học Quốc gia Seoul vào năm 1986.

    Thành công trong việc nhân bản bò vào năm 1999 biến ông trở thành ngôi sao đối với báo giới Hàn Quốc. Ông tự tin tuyên bố loài vật tiếp theo mà ông nhân bản sẽ là hổ, với niềm tin rằng điều này sẽ giúp “tinh thần dân tộc Hàn Quốc” tăng cao.

    Hwang được báo chí mệnh danh là “Ông vua nhân bản”, “Niềm tự hào của Hàn Quốc”, với việc nhân bản Snuppy được tạp chí Time gọi là “phát kiến của năm”. Ông trở thành người nổi tiếng, được người hâm mộ chặn đường để xin chữ ký, thậm chí còn được hãng hàng không Hàn Quốc tài trợ vé máy bay hạng nhất trong thời gian 10 năm. Chính phủ nước này gọi ông là “Nhà khoa học tối cao”.

    Con tem đặc biệt được phát hành để ghi nhận công lao của giáo sư Hwang

    “Tôi muốn được nhân loại nhớ đến như một nhà khoa học thực thụ. Tôi muốn công nghệ này được áp dụng với toàn bộ loài người” – Giáo sư Hwang chia sẻ vào thời điểm đó.

    Và rồi, cuối năm 2005, bỗng chốc mọi thứ sụp đổ đối với giáo sư Hwang.

    Đến mất hết tất cả như một kẻ tội đồ đáng khinh bỉ

    Young-Joon Ryu tham gia vào phòng thí nghiệm của giáo sư Hwang tại Đại học Quốc gia Seoul vào năm 2002. Chính ông cũng là người viết bản thảo đầu tiên cho công bố đã đem lại thành công cho Hwang trên các mặt báo vào năm 2004. Cũng vào năm này, Ryu rời Đại học Quốc gia Seoul để làm việc tại Bệnh viện Ung thư Hàn Quốc.

    “Khi thấy báo cáo của Hwang vào năm 2005, công bố rằng ông đã tạo ra được 11 chuỗi tế bào gốc, tôi đã thấy có gì đó không đúng” – Ryu cho hay. “Tôi đã cùng tham gia vào những thí nghiệm đó, tôi biết nó khó thực hiện đến như thế nào. Có kết quả trong thời gian ngắn như vậy quả thực không hợp logic một chút nào cả”.

    Mọi chuyện tiến đến cao trào khi Ryu chứng kiến cảnh Hwang hứa với một chú bé 10 tuổi tật nguyên rằng cậu sẽ sớm có thể đi lại được, khi ông cùng các đồng nghiệp đã sẵn sàng thử nghiệm một liệu pháp điều trị mới có thể chữa trị cho cậu bé. “Tôi tức giận lắm” – Ryu chia sẻ trong một buổi phỏng vấn – “Rõ ràng là liệu pháp này vẫn chưa sẵn sàng để có thể thử nghiệm, và làm vậy có thể gây hại đến cậu bé đáng thương kia. Tôi muốn lão chấm dứt trò bịp bợm đó lại”.

    Vẫn còn rất nhiều người dân Hàn Quốc ủng hộ giáo sư Hwang trong lúc khó khăn

    Dù việc chống lại Hwang có thể dẫn đến cái kết cho sự nghiệp của Young-Joon Ryu, nhưng ông vẫn quyết tâm làm điều đó đến cùng. Và thế là ngày mùng 1 tháng 6 năm 2005, Ryu gửi một bức thư tới đài MBC của Hàn Quốc, kêu gọi một cuộc điều tra nhắm vào Woosuk Hwang. Sau đó, chương trình phóng sự điều tra của đài này mang tên PD Su-Cheop lên sóng để tìm hiểu thực hư phía sau những thành công của giáo sư Hwang.

    Cũng trong khoảng thời gian này, đồng nghiệp của Hwang là Shung-Il Roh tổ chức một cuộc họp báo, công bố rằng Roh đã trả tiền cho 20 phụ nữ - mỗi người 1.400 USD để họ đồng ý hiến tặng trứng của mình cho các nghiên cứu của Hwang. Nhà sinh vật học Gerald Schatten của trường Đại học Pittsburgh sau đó cũng ngừng cộng tác với giáo sư Hwang do ông tin rằng, Hwang đã “phạm phải vấn đề đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng”.

    Trước sức ép từ dư luận và đồng nghiệp, ngày 24 tháng 11 năm 2005, giáo sư Hwang tổ chức một buổi họp báo được truyền hình trực tiếp trên khắp các kênh của Hàn Quốc, và tuyên bố từ chức.

    Trước sức ép từ dư luận, giáo sư Hwang buộc phải từ chức

    Kẻ “lật tẩy” Hwang, Young-Joon Ryu cũng bị buộc phải từ chức, và phải lui về ở ẩn 6 tháng để trốn tránh sự truy lung của những người ủng hộ giáo sư Hwang.

    Trường Đại học Quốc gia Seoul cũng tự mở một cuộc điều tra về các nghiên cứu của Hwang. Kết luận cuối cùng của trường vào tháng 12 như sau: “Những kết quả mà giáo sư Hwang công bố trong tạp chí khoa học năm 2005 không phải là một sự nhầm lẫn từ một lỗi nhỏ trong quá trình thí nghiệm, mà chỉ có thể là màn dàn dựng khéo léo của Hwang cùng các đồng sự. Hành động này để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học”.

    Năm 2009, Hwang bị cáo buộc “sử dụng sai nguồn ngân sách nghiên cứu, công bố kết quả khoa học giả mạo, và buôn bán bất hợp pháp nguồn trứng của con người”. Kết quả ông lĩnh án hai năm tù, nhưng được hưởng án treo.

    Nhưng, sự nghiệp của giáo sư Hwang không sớm kết thúc như vậy.

    Thành lập Sooam Biotech, tiếp tục theo đuổi những hướng đi mới

    Kể cả khi mọi thứ tưởng chừng đã trở thành dấu chấm hết đối với giáo sư Hwang, vẫn có rất nhiều người đứng sau ủng hộ ông. Các doanh nghiệp rút quảng cáo của mình ra khỏi “PD Su-Cheop”, buộc chương trình này phải ngưng hoạt động. Hơn 700 phụ nữ Hàn Quốc đăng ký hiến tặng trứng của mình để phục vụ cho các nghiên cứu của Hwang. Thậm chí, có người còn tự thiêu để phản đối những hành động mà anh cho là “lời buộc tội nhắm tới giáo sư Hwang”.

    Năm 2006, vào giữa lúc mọi chuyện rối như mớ bòng bong, cũng là thời điểm giáo sư Hwang thành lập nên Sooam Biotech, với kinh phí được hỗ trợ từ các nhà đầu tư cá nhân. Theo chân ông là 20 người đồng nghiệp cũ tại Đại học Quốc gia Seoul, và rất nhiều nhà nghiên cứu gen tài năng ở khắp các trường đại học trên thế giới.

    Bất chấp tất cả, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu

    Đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều nhà khoa học từ chối tha thứ cho Hwang. Họ cho rằng những điều mà vị giáo sư này làm là “vết nhơ của ngành khoa học – không chỉ giả mạo kết quả nghiên cứu, mà còn ép buộc những người khác phục vụ cho mục đích nghiên cứu của mình”. John Gearhart đến từ trường Đại học Pennsylvania còn thẳng thừng gọi Hwang là “thằng vô lại đáng khinh bỉ”.

    Bất chấp tất cả, Hwang vẫn tiếp tục thực hiện nghiên cứu tại Sooam. Cho đến nay, Sooam đã đạt được khá nhiều thành tựu, cũng như có được nguồn kinh phí dồi dào đến từ việc nhân bản thú cưng cho những ông bà chủ giàu có. Hiện Sooam đã công bố tới 47 nghiên cứu khoa học trên khắp các tạp chí nổi tiếng, cũng như có được cho mình 9 bằng sáng chế cho nhiều đề tài khác nhau.

    Giáo sư Hwang trong một ca phẫu thuật vào năm 2015 tại Sooam Biotech

    Năm 2011, với việc thành công nhân bản chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ, thông qua tế bào trứng của giống chó nhà, giáo sư Hwang đã chứng minh cho toàn thế giới thấy công nghệ chuyển nhân tế bào cơ thể không bị giới hạn trong cùng một loài. Sooam có thể nhân bản thành công các loài động vật quý hiếm bằng cách cấy tế bào cơ thể của chúng vào trứng của loài có họ hàng gần và phổ biến hơn, trong trường hợp này là chó sói đồng cỏ và chó nhà. Đây cũng là tiền đề cho tham vọng hồi sinh loài voi ma mút mà Hwang cùng các đồng sự đang cố gắng thực hiện.

    Hiện tại, Sooam đã trở thành một trong những phòng thí nghiệm về nhân bản thành công nhất trên thế giới, đồng thời cũng đang mở rộng phát triển nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực y khoa khác. Biết đâu đấy, có thể Sooam sẽ thành công trong việc hồi sinh voi ma mút, và giáo sư Hwang, từ vị trí của một kẻ tội đồ, lại trở lại làm người hùng trong mắt các nhà khoa học trên thế giới cũng như của người dân Hàn Quốc. Và thời gian, rồi sẽ trả lời tất cả.

    Tham khảo Techinsider

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày