Những hũ da người này sẽ cứu sống hàng triệu động vật thí nghiệm đang xả thân phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm

    zknight,  

    Mỗi năm chỉ tính riêng ở Mỹ, số da thừa từ các thủ tục căng da mặt và da bụng có thể gom lại để phủ hết diện tích của một sân bóng đá.

    Khi một người phụ nữ bước vào phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, cô ấy sẽ lọt vào tầm ngắm của Genoskin. Công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Toulouse, Pháp sẽ hỏi người phụ nữ có thực hiện thủ thuật căng da bụng hay da mặt không? Nếu có, họ muốn xin lại mảnh da thừa sau khi đã cắt bỏ để thực hiện một số thí nghiệm.

    Chỉ tính riêng ở Mỹ, số da thừa từ các thủ tục này mỗi năm có thể gom lại để phủ hết diện tích của một sân bóng đá. Theo quy trình y tế thông thường, số da này sẽ được tiêu hủy, nhưng Genoskin coi đó là một sự lãng phí. Họ tới hỏi những người phụ nữ xem các bác sĩ có thể giữ lại chúng, cắt nhỏ và nuôi bên trong các giếng gel có công thức bí mật được hay không?

    Mục đích của Genoskin là giữ cho những miếng da ấy còn sống, để phục vụ các nghiên cứu sinh học, dược phẩm và mỹ phẩm.

    "Một khoảng thời gian sau khi nuôi, những miếng da này sẽ phát triển thành một cơ quan có chức năng", Tiến sĩ Eric Merle, giám đốc thương mại của Genoskin cho biết. "Và điều thú vị là chúng vẫn mọc được lông, có thể bị nám", thậm chí thể hiện phản ứng kích ứng, miễn dịch và chữa lành các vết thương xuất hiện trên đó.

    photo-1

    Đây là gì? Một hũ da người được nuôi trong giếng thí nghiệm của Genoskin!

    Nếu bạn đang sử dụng một số sản phẩm của GlaxoSmithKline, Sanofi hay Unilever, có lẽ, bạn sẽ phải cảm ơn những hũ da này. Bởi Genoskin đã phân phối chúng tới phòng R&D của các công ty để thực hiện nhiều thí nghiệm kiểm tra độ an toàn và hiệu của của chúng.

    Mặc dù nghe và trông vào những hũ da này có vẻ kinh dị, Genoskin cho biết công việc của họ có ý nghĩa cả về mặt khoa học lẫn đạo đức. Hãy cùng tìm hiểu tại sao họ lại có ý tưởng kỳ lạ này.

    Đằng sau những món đồ mỹ phẩm long lanh là những thí nghiệm mà bạn chưa từng biết tới

    Mỹ phẩm bao gồm những sản phẩm được sử dụng trực tiếp trên làn da của con người. Do đó, chúng cần phải được thử nghiệm độ an toàn trước khi được sản xuất hàng loạt. Các nhà khoa học của công ty mỹ phẩm cần thử nghiệm một loạt các thông số như độ hấp thụ của sản phẩm trên da, nồng độ melanin, tác động gây viêm hoặc phản ứng miễn dịch tiềm năng của chúng.

    Một số mỹ phẩm cần thử nghiệm trong cả các kịch bản khắc nghiệt khi nó phản ứng với các độc tố, chất ô nhiễm trong môi trường hoặc cả tia UV từ ánh nắng mặt trời. Ước tính có khoảng nửa triệu động vật thí nghiệm đang phải chịu đựng những sự giày vò ấy mỗi năm, phía sau những gian hàng mỹ phẩm lung linh nhiều màu sắc đang được bày bán.

    Những hũ da người này sẽ cứu sống hàng triệu động vật thí nghiệm đang xả thân phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm - Ảnh 2.
    Những hũ da người này sẽ cứu sống hàng triệu động vật thí nghiệm đang xả thân phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm - Ảnh 3.

    Thỏ thường được lấy làm động vật thí nghiệm cho mỹ phẩm.

    Những con chuột sẽ bị cạo lông, bôi mỹ phẩm lên da mỗi ngày sau đó bị giết chết sau khoảng 28-90 ngày tùy thời gian thí nghiệm. Những con chó, thường là giống chó săn thỏ đáng yêu (Beagle) sẽ bị ép hít một thành phần trong mỹ phẩm, sau đó bị giết chết trong khoảng thời gian tương tự.

    Để thử nghiệm tác động của mỹ phẩm lên phụ nữ mang thai, các nhà khoa học sẽ sử dụng những con thỏ đang chửa, cho chúng ăn hoặc bôi mỹ phẩm trong 21 ngày, sau đó giết chết chúng cùng những con thỏ con còn chưa ra đời.

    Chính vì sự tàn nhẫn phục vụ cho nhu cầu làm đẹp (không cần thiết về mặt y tế) này của con người, tại một số nước như Vương Quốc Anh, Ấn Độ, Israel, Na Uy và Cộng đồng Liên minh Châu Âu (EU), những thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật đã bị cấm. Australia cũng đã cấm tiêu thụ các sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất dựa trên quá trình thử nghiệm với động vật.

    Hầu hết các dữ liệu thu được từ thử nghiệm trên động vật "không có ý nghĩa" khi áp dụng cho con người, tiến sĩ Merle cho biết. Da động vật và da người không hoàn toàn giống nhau, do đó, dữ liệu từ thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật chưa chắc đã đúng với con người.

    "Những con chuột lang không những chẳng liên quan gì [đến nhu cầu sắc đẹp của con người chúng ta], chúng còn quá đỗi dễ thương và dữ liệu của chúng cũng không phù hợp để áp dụng sang con người", tiến sĩ Merle nói.

    Những hũ da người này sẽ cứu sống hàng triệu động vật thí nghiệm đang xả thân phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm - Ảnh 4.
    Những hũ da người này sẽ cứu sống hàng triệu động vật thí nghiệm đang xả thân phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm - Ảnh 5.

    Tại các quốc gia cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật, các công ty phải chuyển hướng sang thử nghiệm trên da người. Mục tiêu đầu tiên mà họ nhắm vào là các ngân hàng mô, cung cấp da tươi, đông lạnh từ thi thể người chết hiến tặng.

    Mặc dù vậy, da chết không phải lúc nào cũng phản ứng được với các thử nghiệm như da sống. Một số thử nghiệm sau đó đã phải tuyển dụng tình nguyện viên hiến tặng da ngay khi họ còn sống. Nhưng thường thì việc hiến tặng này chỉ là trích những mẩu mô da rất nhỏ, như sinh thiết, để phục vụ nghiên cứu lâm sàng và chẩn đoán.

    "Không có một bệnh nhân nào trong một nghiên cứu lâm sàng nào cho phép [các công ty mỹ phẩm] biến họ thành một miếng phô mai Thụy Sĩ [ám chỉ việc khoan những lỗ lớn trên da của họ để lấy ra một miếng da sâu chứa đầy đủ thành phần như biểu bì, chất béo dưới da, các mạch máu… khiến người họ bị thủng theo đúng nghĩa đen]", tiến sĩ Merle nói.

    Những giếng da được "nuôi trồng" trong phòng thí nghiệm

    Để giải quyết tất cả những bất cập trên – con người thì có nhu cầu làm đẹp, động vật thì có quyền được sống – Genoskin đã đưa ra một hướng tiếp cận đột phá. Họ muốn tận dụng chính da của những người muốn làm đẹp để phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm.

    Những hũ da người này sẽ cứu sống hàng triệu động vật thí nghiệm đang xả thân phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm - Ảnh 6.

    Những mẫu da được nuôi trong những giếng gel.

    Ý tưởng mà Genoskin đang thực hiện là liên kết với các bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ ở Pháp và Mỹ để hỏi xin những mảnh da thường được loại bỏ từ thủ tục căng da mặt hoặc thu hẹp bụng. Thông thường, các nhân viên của Genoskin sẽ tiếp cận những phụ nữ da trắng trong độ tuổi từ 30 đến 60, nhưng cũng có khoảng 20% ​​người hiến là nam giới.

    Khi một cuộc phẫu thuật được đặt lịch tại một trong những bệnh viện mà Genoskin đã liên kết, bệnh nhân sẽ được hỏi liệu họ có muốn quyên góp da của mình cho khoa học hay không? 

    Tiến sĩ Merle tiết lộ, sau khi những bệnh nhân biết da thừa của họ có thể giúp ích như thế nào, khoảng 80% những người được hỏi sẽ đồng ý. Những người này sẽ được hỏi lại một lần nữa trước khi họ phẫu thuật, và họ có thể đổi ý bất cứ lúc nào, ông cho biết thêm. 

    Quy trình của Genoskin cũng tuyệt đối bảo mật, thông tin của người hiến tặng sẽ được cam kết giữ bí mật. Các mẫu da được thu thập vô danh, chỉ bao gồm thông tin về tuổi tác, giới tính, sắc tộc và một số tiểu sử bệnh lý của người hiến mà thôi

    Genoskin nói rằng quy trình của họ phù hợp với Tuyên bố Helsinki, một thỏa thuận lần đầu tiên được Hiệp hội Y tế Thế giới thông qua vào năm 1964, đưa ra tiêu chuẩn đạo đức cho việc sử dụng vật liệu sinh học của con người trong nghiên cứu y học.

    Theo quy trình này, công ty đang kết nối được với khoảng 1.000 người hiến tặng da mỗi năm. Tiến sĩ Merle mô tả công việc điều phối việc này giống như việc của một "kiểm soát viên không lưu". Genoskin sẽ quét lịch phẫu thuật sắp tới của các bệnh viện và phòng khám liên kết với họ và đưa ra các yêu cầu khi có ca phẫu thuật phù hợp.

    Những hũ da người này sẽ cứu sống hàng triệu động vật thí nghiệm đang xả thân phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm - Ảnh 7.

    Một mẫu da có cả vết tàn nhan của Genoskin.

    Hiện nay, đại dịch COVID-19 đang khiến các ca phẫu thuật thẩm mỹ không cần thiết bị trì hoãn trên toàn thế giới. Giống với các sân bay, hệ thống không lưu của Genoskin cũng đang bị đình trệ. Nhưng bắt đầu từ ngày 11 tháng 5, sau khi Pháp gỡ bỏ một phần trình trạng phong tỏa, họ đã ngay lập tức kết nối được với hai cuộc phẫu thuật mới.

    Genoskin thường trả phí cho bệnh viện ngay trong ngày cuộc phẫu thuật diễn ra để đóng gói và gửi mẫu da của bệnh nhân về cho họ. Da sẽ được đựng trong một hộp chứa các giếng dung dịch do Genoskin phát triển. Trước đó, nó đã được cắt thành các vòng tròn thịt nhỏ, có bán kính rộng khoảng 2,5 cm.

    Bên dưới các giếng này là một công thức gel đặc biệt, cho phép toàn bộ cấu trúc da lấy dưỡng chất, sống được và thậm chí tiếp tục phát triển trên đó. Các mẫu da này bao gồm đủ các lớp bao gồm biểu bì, hạ bì và mỡ.

    Chúng được phát triển thành nhiều dòng sản phẩm khác nhau, phục vụ các thí nghiệm khác nhau như InflammaSkin, cho các thử nghiệm thuốc chống viêm, HypoSkin có lớp chất béo dày để phục vụ thử nghiệm tiêm, NativeSkin được thiết kế để làm các thí nghiệm miễn dịch.

    Genoskin sẽ điều phối hoạt động vận chuyển, qua FedExed tới các nhà khoa học cần chúng trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau cuộc phẫu thuật. Các mẫu da trong giếng sau đó có thể được tiêm, bôi lên các chất mỹ phẩm, cắt, đốt bằng tia UV hoặc trải qua bất kỳ quá trình nào khác mà một nhà nghiên cứu muốn làm với chúng.

    Những hũ da người này sẽ cứu sống hàng triệu động vật thí nghiệm đang xả thân phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm - Ảnh 8.

    Các mẫu da của Genoskin được nuôi trong giếng gel chứa môi trường nuôi cấy đặc biệt.

    Mặc dù nghe có vẻ kinh dị, Genoskin nói rằng cách làm việc của họ phù hợp cả về mặt khoa học lẫn đạo đức. Nó cung cấp một giải pháp thay thế cho thử nghiệm trên động vật và dữ liệu thử nghiệm từ da người được cho là xác thực hơn nhiều so với thử nghiệm trên da chuột, thỏ hoặc chó.

    "Chúng tôi đã biến thứ sản phẩm thừa đó thành những mẫu thử nghiệm đáng tin cậy, bởi chúng có nguồn gốc từ chính con người", tiến sĩ Merle nói. Những mẫu da này rất thật, nó ấm như da thật khi bạn chạm vào, nó có thể tự chữa lành các vết thương, có thể tiếp tục phát triển lông và thậm chí thể hiện phản ứng miễn dịch.

    Đó là tương lai của thử nghiệm lâm sàng

    Một nhược điểm duy nhất của những giếng da của Genoskin, đó là chúng vẫn còn khá đắt. Chi phí cho các bệnh viện, cho quá trình bảo quản da khá tốn kém. Mặc dù ngành công nghiệp mỹ phẩm đang phải chịu áp lực lớn từ phía dư luận về thí nghiệm trên động vật, "họ vẫn đang chi nhiều tiền hơn cho những chiếc lọ lạ mắt thay vì cho khoa học", tiến sĩ Merle nói.

    Genoskin thì chưa phải là một hướng tiếp cận rẻ tiền. Công ty hiện vẫn chưa gọi vốn, nhưng theo báo cáo tài chính được công khai, họ mới có lãi từ sau năm 2018, bù vào khoản bị lỗ 167.696 USD trước đó. Đổi lại, năm 2019, Genoskin đã mở rộng được quy mô lên gấp đôi, tiến sĩ Merle nói.

    Những hũ da người này sẽ cứu sống hàng triệu động vật thí nghiệm đang xả thân phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm - Ảnh 9.

    Đây sẽ là tương lai cho các thử nghiệm tiền lâm sàng trên da người.

    Công ty hiện đã kiếm được nhiều nguồn khách hàng từ các công ty công nghệ sinh học, một lĩnh vực đang bị siết chặt hơn ngành mỹ phẩm. Trong tương lai, khi các thử nghiệm trên động vật tiếp tục đi ngược lại xu thế nhân đạo, Genoskin tin rằng hướng tiếp cận của họ sẽ là một giải pháp hoàn hảo cho vấn đề.

    "Và cũng sẽ đến một lúc nào đó các cơ quan quản lý sẽ nói: 'Không, bạn không thể thử nghiệm trên người còn sống nữa. Tôi không quan tâm họ có phải là tình nguyện viên hay không. Tôi chỉ muốn xem dữ liệu trước đó.' Đó là tương lai tất yếu", tiến sĩ Merle nói.

    Khi được hỏi công chúng đang phản ứng thế nào với công việc của Genoskin, ông nói: "Chúng tôi thường nhận được những bình luận kinh ngạc hơn là những bình luận không hay". Mọi người thường ngạc nhiên với những gì mà khoa học có thể làm được. Và đặc biệt là khi nó vừa nhân đạo vừa hữu ích.

    Tham khảo Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày