Nhắc đến Công viên Kỉ Jura 1993 là nhắc tới bước đột phá của công nghệ CGI trong điện ảnh. Điều thú vị là CGI chỉ "góp công" khoảng 6 phút. Tất cả các cảnh còn lại đều được thực hiện bằng mô hình hoặc... diễn viên đóng thế.
Sau 27 năm, bom tấn Công viên Kỉ Jura (Jurassic Park) của đạo diễn Steven Spielberg vẫn khiến người xem mãn nhãn bởi hiệu ứng hình ảnh ấn tượng cùng dàn "diễn viên" khủng long sống động như thật.
Phát hành lần đầu tiên vào năm 1993, Công viên Kỉ Jura được xem là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng đồ họa máy tính). Hiện nay, nó được ứng dụng triệt để trong rất nhiều siêu phẩm đình đám như Terminator 2, song ở thời điểm của Công viên Kỉ Jura, loại kĩ xảo còn khá mới mẻ với ngành công nghiệp điện ảnh.
Dù vậy, trên thực tế, "bí kíp" thành công của Spielberg là chỉ coi CGI như phương án cuối cùng. Thay vào đó, Spielberg tận dụng sự kết hợp nhuần nhuyễn kĩ thuật stop-motion (dùng nhiều hình ảnh chụp tĩnh để tạo ra chuyển động) với kĩ xảo chuyển động bằng mô hình cơ khí với kích thước thật, cho những cảnh quay chuỗi chuyển động. Rất nhiều phân cảnh mang tính biểu tượng của bộ phim cũng được thực hiện bằng những kĩ xảo thực tế này.
Suốt 120 phút phim, CGI chỉ "góp công" có vỏn vẹn 6 phút. Spielberg chỉ đồng ý ứng dụng công nghệ CGI vào phim của mình sau khi thấy kết quả thử nghiệm ấn tượng mà hãng Industrial Light & Magic (ILM) trình chiếu.
Trong lúc chờ đợi hiệu ứng hình ảnh mới trong Thế giới Khủng long 3 (Jurassic World 3) dự kiến trình làng năm 2022, cùng xem lại cách mà Spielberg và ê-kip đã đưa những loài khủng long lên màn ảnh vào năm 1993.
T-rex được tạo ra chủ yếu nhờ mô hình cơ khí
Vẻ mặt hung tợn thường trực cùng hàm răng đồ sộ của khủng long T-rex xuất hiện lâu nhất trong cảnh phá chuồng lao ra tấn công 2 chiếc Ford Explorer cùng nhóm người ngồi trên xe. Các cảnh quay này phần lớn được thực hiện bằng một con T-rex mô hình kích thước thật, do bậc thầy về hiệu ứng Stan Winston tạo ra.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, thay vì diễn với phong nền xanh, các diễn viên được diễn chung với "bạn diễn" là một con quái vật khổng lồ, được tạo hình y như thật.
Dù vậy, không phải tất cả các cảnh có T-rex đều được làm theo cách này. CGI đóng vai trò hỗ trợ trong các đoạn T-rex cần nhiều chuyển động nhanh và liên tục. Một trong số đó là khi nó tấn công chiếc xe Jeep do Robert Muldoon cầm lái. Con T-rex phiên bản CGI cũng xuất hiện sau đó trong một cảnh tấn công đàn Gallimimus và tham gia trận chiến "săn mồi".
Triceratops là mô hình thật, làm thủ công tỉ mỉ
Con Triceratops bị ốm mà Ellie Sattler gặp ngay đầu phim về cơ bản là một mô hình khủng long ngoại cỡ, được làm tỉ mỉ bằng tay. Lớp da của con khủng long được làm từ đá cuội. Nhóm của Winston cũng không quên gắn thêm chiếc sừng nứt để có được tạo hình giống thật. Các thanh điều khiển được gắn 2 bên sườn của con vật, tạo ra chuyển động thở nặng nhọc như bị ốm.
Nếu Công viên Kỉ Jura được sản xuất vào thời nay, rất có thể những cảnh dạng như thế này sẽ được tổ hiệu ứng xử lý bằng công nghệ CGI, bởi nó cho phép tạo ra cử động linh hoạt hơn, với mức độ kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên, cùng với các kĩ xảo thực tế của Winston vẫn phát huy tác dụng đáng kinh ngạc, ngay cả trong các cảnh quay cần sự tương tác giữa người và khủng long.
Raptor do diễn viên đóng thế
Một trong những cảnh "săn mồi" ấn tượng nhất nằm ở phân đoạn 2 con raptor truy dấu Lex và Tim ở nhà bếp của công viên. Phần lớn hành động của loài ăn thịt xảo quyệt này, bao gồm cảnh một con raptor học cách mở cửa, đều do diễn viên trong bộ khung khủng long thể hiện. Các nhân viên thiết kế của đoàn phim còn may riêng đôi chân raptor để các diễn viên có thể chui vào, phục vụ cho cảnh quay bắt góc từ chân hướng lên.
Đồng thời, Stan Winston cũng sử dụng mô hình raptor cao gần 2m, được điều khiển bằng cơ để phục vụ cho cảnh quay được trọn vẹn. Công nghệ CGI chỉ "góp mặt" trong các cảnh rộng, ở những đoạn đánh nhau cao trào hoặc những chuyển động mạnh mẽ, hùng dũng, không thể lột tả được bằng mô hình.
Dilophosaurus là mô hình
Giống như nhiều loài khác, Dilophosaurus được tạo bằng mô hình kích thước thật, điều khiển bằng dây cáp điện. Cơ chế phun ra lửa của Dilophosaurus mô phỏng một khẩu súng sơn, với nọc độc gel trộn với màu thực phẩm.
Các loài ăn cỏ lớn thường được tạo ra bằng CGI
Điều thú vị là những loài khủng long ăn cỏ hiền lành nhất, bao gồm cả Brachiosaurus, mới là kết quả của CGI. Những cảnh bầy Brachiosaurus chạy nhảy hoặc quẩn quanh nơi ẩn náu của Tex, Tim, Alan được tạo ra nhờ công nghệ máy tính.
Để mô phỏng loài vật này, ILM đã nghiên cứu tư thế và hình dáng sinh học của loài chim không biết bay trong đời thực như gà hay đà điểu. Đó là lí do vì sao mà khủng long Gallimimus trong Công viên Kỉ Jura lại có rất nhiều nét "hao hao" giống loài chim.
Dù vậy, trong những đoạn cận đầu, cổ, Spielberg vẫn trở lại với phương thức truyền thống của mình là sử dụng mô hình cơ khí và phối hợp chúng thật nhịp nhàng với những con khủng long CGI.
Theo Screenrant
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng