Những lý do nào khiến việc sơn một chiếc máy bay cũng có thể tốn đến 7 tỉ đồng và mất nửa tháng mới hoàn thành xong được?
Để sơn một chiếc máy bay cần trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ và phức tạp. Vậy nên, mức giá để làm được việc đó cũng không rẻ.
Một chiếc máy bay thương mại có giá bao nhiêu? Nghe là đã thấy đắt tiền rồi! Chẳng hạn như một chiếc Boeing 737 có giá khoảng hơn 100 triệu đô (hơn 230 tỉ đồng), còn 777 thì lên tới hơn 300 triệu lận.
Dĩ nhiên, để chế tạo hoàn thiện một chiếc máy bay cần rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, trong đó không thể thiếu chuyện phủ lên nó một lớp sơn. Và bạn biết không, giá để sơn một chiếc máy bay thực sự không dưới 100.000 USD đâu (hơn 2,3 tỉ đồng).
Sơn máy bay - công việc phức tạp hơn bạn nghĩ
Bất kỳ ai từng làm việc trong một nhà máy chế tạo máy bay sẽ hiểu rằng, mọi chiếc máy bay khi ra khỏi dây chuyền lắp ráp đều được sơn màu giống nhau: màu lục cho các bộ phận kim loại, còn màu be (beige) cho các bộ phận bằng vật liệu tổng hợp.
Lớp sơn màu xanh đến từ hỗn hợp phủ làm từ kẽm và chrome, có tác dụng chống ăn mòn. Việc đầu tiên các nhà máy phải làm là đảm bảo sao cho máy bay của họ được phủ màu đồng nhất, giống nhau đến tuyệt đối.
Nhưng đây mới chỉ là bước ban đầu! Để ra được một chiếc máy bay được sơn hoàn hảo, cần phải chuẩn bị nhiều bước nữa.
Sau khi hãng hàng không chốt được thiết kế (thường là hợp tác với các agency bên ngoài), họ sẽ cùng làm việc với nhà máy để tiến hành sơn lớp tiếp theo. Như Airbus và Boeing, hai hãng sản xuất máy bay nổi tiếng nhất thế giới thực chất sở hữu những nhà máy chuyên biệt để phụ trách mảng này. Họ sẽ lập ra một bản kế hoạch chi tiết về quá trình sơn: từ loại sơn được sử dụng, mẫu thiết kế cần tuân thủ, cho đến nguyên vật liệu cần có.
Họ thậm chí còn tạo ra một mô hình 3D của mẫu thiết kế mong muốn bằng máy tính. Mô hình này sẽ được sử dụng để tạo ra giấy nến - những mảnh vải lớn được phủ bên ngoài máy bay, sau này sẽ dùng để xịt sơn lên và tạo ra hình mẫu mong muốn.
Khi tất cả đã sẵn sàng, chiếc máy bay mới được chuyển tới khu vực sơn.
Mọi lớp sơn đều phải được tính toán
Tại khu vực sơn, ban đầu máy bay sẽ được phủ một lớp sơn lót không chứa chrome, bằng chất liệu thân thiện với môi trường. Lớp phủ này có tác dụng kết dính, để các lớp sau bám chắc hơn.
Tiếp theo là lớp sơn nền - thường là màu trắng, nhưng cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào bản thiết kế.
Lớp tiếp theo cũng chính là nước sơn để tạo ra đường nét thiết kế, với sự hỗ trợ của lớp giấy nến tạo ra trước đó.
Và cuối cùng là một lớp sơn bảo vệ trong suốt, có tác dụng niêm phong toàn bộ thiết kế, ngăn cản không khí lưu thông gây hư hỏng lớp sơn, cũng như bảo vệ chúng khỏi tác động của tia UV.
Điều đáng nói ở đây là độ dày của từng lớp sơn đều phải có sự tính toán tỉ mỉ. Bởi lẽ, mỗi lớp sẽ bổ sung một trọng lượng đáng kể cho máy bay, đồng nghĩa với việc gây tốn nhiên liệu hơn và gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành của hãng hàng không - cả về yếu tố kinh tế lẫn môi trường.
Chính sự tỉ mỉ này là nguyên nhân khiến các hãng sơn tập trung hướng đến những công nghệ mới, sao cho quá trình thực hiện được chính xác mà tiết kiệm được lượng sơn tiêu hao.
Chủ yếu là sơn lại
Sự tỉ mỉ trong khâu sơn máy bay là không phải bàn cãi, nhưng nó không có tác dụng vĩnh viễn. Một chiếc máy bay thương mại có thể phải sơn lại vài lần trong suốt nhiều năm vận hành, nhằm đảm bảo về mặt thẩm mỹ, cũng như ngăn được nguy cơ hoen gỉ.
"Các hãng lớn sở hữu hàng trăm máy bay - như United Airlines chẳng hạn - phải lên lịch sơn lại định kỳ, thường là 6 năm/lần," - trích lời Nikki Thomas, quản trị của IAC - công ty sơn máy bay lớn nhất thế giới hiện nay.
Những công ty như IAC đã ký kết với nhiều hãng lớn để sơn những chiếc máy bay mới xuất xưởng của họ. Tuy nhiên, doanh thu chính của ngành này thực chất đến từ việc sơn lại những chiếc đang vận hành. Chẳng hạn như khi 2 hãng hàng không hợp tác hoặc mua lại, đó là lúc IAC ra tay.
"Khi hai hãng hàng không sát nhập, đó là giấc mơ với chúng tôi," - Thomas cười nói. "Như trường hợp của United Airline hồi tháng 4/2019 đã mang đến hơn 1000 chiếc máy bay cần sơn lại."
Dĩ nhiên là chuyện sơn lại cũng không đơn giản. Việc quan trọng nhất là phải lột bỏ lớp sơn cũ trước bằng cách cạo hoặc sử dụng hóa chất. Việc dùng cách nào thì còn phụ thuộc vào tình trạng của chiếc máy bay khi đến với xưởng sơn.
Cực tốn thời gian và tiền bạc
Để sơn hoàn chỉnh một chiếc máy bay thường sẽ mất khoảng 1 - 2 tuần, và mức giá cũng không cố định. Nó phụ thuộc vào kích cỡ của máy bay, cũng như độ phức tạp của thiết kế.
Nikki lấy ví dụ, việc sơn một chiếc máy bay thương mại sẽ tốn đâu đó khoản 150.000 - 300.000 USD (hơn 3,4 tỉ đồng - 6,9 tỉ đồng), nhưng nếu là máy bay cỡ nhỏ thì chỉ rơi vào khoảng 50.000 USD thôi. Tuy nhiên đôi khi sẽ có những đơn hàng đặc biệt, như chiếc chuyên cơ RAF Voyager của thủ tướng Anh thì có thể lên tới cả triệu đô. Hay như chiếc Boeing 737 của hãng Alaska Airlines với thiết kế theo bộ phim "Toy Story" của Disney đã tốn của IAC tới 21 ngày mới hoàn thiện được. Bởi lẽ, thiết kế này cần phải được sơn bằng tay, thay vì dùng sơn xịt truyền thống.
Chiếc Boeing 737 của Alaska Airlines được sơn theo cảm hứng từ bộ phim Toy Story
Dĩ nhiên là có những kiểu sơn giúp làm giảm chi phí. Chẳng hạn, một số hãng máy bay lựa chọn hoàn thiện thiết kế khó bằng decal - chỉ cần dán lên là xong. Tuy nhiên không nhiều hãng chọn cách này, mà IAC cũng hiếm khi có đơn hàng như vậy. Hầu hết đều chọn cách sơn thẳng lên thôi.
Sự khác biệt còn nằm ở việc loại sơn được sử dụng. Một số loại sơn không chỉ đắt tiền hơn, mà còn khó ứng dụng nên sẽ cần đến kỹ thuật cao hơn. Hiển nhiên, chi phí cũng theo đó mà đội lên. Như chiếc Airbus A350 của hãng Virgin Atlantic, họ sử dụng một loại sơn có các phân tử nhôm để tạo sự lấp lánh, cũng như các hiệu ứng thị giác hết sức đặc biệt.
Chiếc A350 của Virgin Atlantic năm 2019
"Thực sự là một mẫu thiết kế cực khó để thực hiện, nhưng nó rất đẹp," - Jean-François Paul, giám đốc trung tâm sơn của Airbus tại Pháp chia sẻ.
Nguồn: CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng