"Những người Belarus vô hình": Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl

    zknight,  

    Một tấm hình có thể là bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của họ.

    Đã hơn 30 năm kể từ khi thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra, nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn chưa hề chấm dứt. Vụ nổ đã đẩy một lượng lớn các hạt phóng xạ vào bầu khí quyển Trái đất, làm ô nhiễm một khu vực rộng lớn xung quanh, lan sang cả các nước láng giềng của Ukraine.

    Riêng Belarus đã phải hứng chịu tới 70% lượng bụi phóng xạ từ Chernobyl. Tỷ lệ trẻ sơ sinh gặp khuyết tật bẩm sinh ở nước này đã tăng đến 250% sau năm 1986. Các nạn nhân phóng xạ ở Belarus được chính phủ tài trợ, họ sống trong các tổ chức gọi là "internats" hiếm khi được biết đến.

    Cho đến khi Jadwiga Bronte, một nhiếp ảnh gia người Ba Lan thực hiện bộ ảnh có tên "Những người Belarus vô hình", khắc họa lại cuộc sống của những nạn nhân phóng xạ trong "internats", nơi mà cô mô tả nó vừa có dáng dấp của một trại tị nạn, một trại trẻ mồ côi nơi những đứa trẻ dị tật bị bỏ lại từ khi mới sinh ra và một nhà tế bần, nơi những người già neo đơn nương tựa.

    Những người Belarus vô hình: Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl - Ảnh 1.

    "Những người Belarus vô hình": Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl

    Dưới đây là tổng hợp một số phỏng vấn với Jadwiga Bronte, nhiếp ảnh gia sẽ tiết lộ cho chúng ta biết cuộc đời khốn khổ và vô hình của hàng ngàn nạn nhân phóng xạ ở Belarus đang bị xã hội che giấu và ruồng bỏ. Tất cả bắt đầu sau thảm họa Chernobyl.

    Vì lý do gì mà cô đã quyết định thực hiện dự án của mình?

    Chủ đề này luôn mang tính cá nhân đối với tôi. Tôi sinh ra ở nước láng giềng Ba Lan, một tiểu bang vệ tinh của Liên Xô vào thời điểm xảy ra thảm họa Chernobyl năm 1986. Sau khi tìm hiểu thêm về hậu quả của thảm họa này từ một bài tiểu luận hình ảnh tuyệt vời có tên là "Chernobyl Legacy" của Paul Fusco, tôi cảm thấy việc đến Belarus và tác nghiệp về chủ đề này như là một nhiệm vụ.

    Tôi quyết định đến Belarus để ghi lại những câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ rơi, những đứa trẻ bị khuyết tật về thể chất cũng như tinh thần từ hậu quả của vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở Chernobyl, tất cả từ mối liên hệ cá nhân của tôi với chủ đề này.

    Tôi muốn biết tình huống nhạy cảm này đã được Belarus thời hậu Xô viết xử lý như thế nào sau hơn 30 năm.

    Những người Belarus vô hình: Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl - Ảnh 2.

    Cô có thể miêu tả lại điều kiện trong các trại "internats" được không?

    Điều kiện trong đó khác xa với những gì chúng ta thấy ở Tây Âu. Các trại "internats" thường rất đông. Không có nhiều hoạt động diễn ra trong đó, ngoài việc xem TV hoặc đi dạo.

    Một số tổ chức phi chính phủ quốc tế sẽ đến đó để giúp tổ chức các kỳ nghỉ hè cho cư dân, và họ gửi đến một số tình nguyện viên mỗi năm để dành thời gian và chơi với cư dân. Những người già ở internats là đối tượng có điều kiện sống tồi tệ nhất, và mọi người được đối xử mà không có sự tôn trọng.

    Thật sự rất đau lòng, chụp ảnh ở những nơi như vậy là điều rất khó khăn đối với tôi.

    Những người Belarus vô hình: Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl - Ảnh 3.

    Chụp ảnh những người dễ bị tổn thương rõ ràng đi kèm với nhiều hàm nghĩa đạo đức. Tôi cảm thấy có vẻ như cô đã làm tốt trong dự án này, nhưng trước khi bấm máy, cô có lo ngại gì hay không?

    Diễn tả trực quan từ lâu đã là một vấn đề lớn trong nhiếp ảnh, đặc biệt là khi nói đến những người dễ bị tổn thương. Chụp ảnh khuyết tật là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm, nó luôn dung hòa cả hai khái niệm đạo đức và thẩm mỹ.

    Nhiều nhiếp ảnh gia tài liệu và phóng viên ảnh từng bị chỉ trích vì cách tiếp cận và lựa chọn thẩm mỹ của họ trong nhiều trường hợp. Có một lý do tại sao ngày nay hầu như [chúng ta] không còn thấy nhiều ảnh của người khuyết tật nữa; đó có thể là do cách tiếp cận quá khứ đối với chủ đề này và những vấn đề lớn với "hình tượng tốt" của "sự khác biệt".

    Người khuyết tật gần như trở thành một phép ẩn dụ cho "sự khác biệt".

    Những người Belarus vô hình: Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl - Ảnh 4.

    Theo nghiên cứu về diễn tả trực quan người khuyết tật mà tôi thực hiện trong năm nay, phán đoán của chúng tôi đối với đạo đức trong nhiếp ảnh thay đổi bằng cách biết khi nào và tại sao bức ảnh được chụp. 

    Nhận thức của tôi về các cách tiếp cận lịch sử xung quanh các chủ đề này đã trở thành nền tảng cho cách tiếp cận của tôi đối với dự án ở Belarus; nó khiến tôi tập trung vào ý định của mình trong mỗi cú bấm máy.

    Đối với tôi, cư dân của các tổ chức tôi đến thăm là những người tuyệt vời, xinh đẹp và mạnh mẽ. Thông qua công việc của mình, tôi muốn chứng minh rằng những người khuyết tật có khả năng học tập, làm việc, xây dựng các mối quan hệ lâu dài và đóng góp cho xã hội.

    Tôi cảm thấy đâu đó một niềm hạnh phúc thuần khiết trong hầu hết các chân dung tôi chụp. Tôi hy vọng người xem cũng có thể nhìn thấy nó. Làm việc trên một chủ đề tế nhị như vậy thực sự khó khăn; sẽ luôn có một số lời chỉ trích. Tuy nhiên, tôi tin rằng mọi người luôn luôn nhận thức được và thông cảm.

    Những người Belarus vô hình: Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl - Ảnh 5.

    Cô đã làm việc với các đối tượng thế nào để giúp họ thoải mái?

    Mối quan tâm chính của tôi là không tạo ra tình huống căng thẳng hoặc gây lo lắng. Tôi đã đến thăm một số trại "internats" khác nhau. Ở một số nơi, tôi sẽ ở lại trong nhiều ngày. 

    Điều này sẽ cho chúng tôi cơ hội dành thời gian chất lượng để thực hiện một số hoạt động cùng nhau và xây dựng mối quan hệ - bằng cách đi dạo trong sân sau, chơi với một quả bóng hoặc bóng bay, vẽ hoặc tô màu.

    Một số cô gái lớn tuổi thích trang điểm và sơn móng tay. Với những đứa trẻ, tôi sẽ dắt chúng đi chơi loanh quanh, chơi nhạc hoặc chỉ đơn giản là nói chuyện với chúng.

    Những người Belarus vô hình: Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl - Ảnh 6.

    Có ai đó mà cô đặc biệt cảm thấy kết nối hay không?

    Tôi đã đến thăm một số tổ chức khác nhau và ở mỗi nơi tôi sẽ tìm thấy một số nhân vật xuất sắc. Hai người thực sự thu hút sự chú ý của tôi là Lyosha và Sveta.

    Lyosha là một cậu bé tự kỷ nghiêm trọng, rất năng động và thiếu kiên nhẫn, nhưng trước ống kính, cậu sẽ bình tĩnh lại ngay lập tức. Cậu ấy yêu ánh sáng đèn flash và sẽ tĩnh động lại để tạo dáng cho đến khi ánh sáng lóe lên.

    Sveta là cô gái trẻ tuyệt vời và xinh đẹp này, rất thông minh và thân thiện. Cô ấy rất tự tin về vẻ ngoài của mình và thích được chụp ảnh.

    Những người Belarus vô hình: Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl - Ảnh 7.

    Có một bức ảnh trông giống như một bức tranh tường của một người phụ nữ. Ý nghĩa đằng sau đó là gì?

    Đó là một tấm ảnh cũ của một người phụ nữ, một người mẹ của một "cư dân" tại nhà tế bần. Rất hiếm khi cư dân ở đây có hình ảnh của cha mẹ mình, vì hầu hết họ bị bỏ rơi ngay sau khi sinh.

    Tuy nhiên, đối với cá nhân tôi bức tranh này có hai ý nghĩa. 

    Thứ nhất, đó là một phép ẩn dụ cho thời gian trôi qua, nhưng vẫn còn đó những kết nối tâm lý và hoài niệm từ thời đại Xô viết. Thứ hai, đó là những người vô hình này có thể vĩnh viễn vô hình đến cuối cùng có thể chẳng còn có ai nhớ đến họ.

    Một tấm hình có thể là bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của họ.

    Những người Belarus vô hình: Nạn nhân bị lãng quên của thảm họa hạt nhân Chernobyl - Ảnh 8.

    Sau dự án này cô sẽ làm gì tiếp theo?

    Tôi đang làm việc trong một phần mở rộng của dự án có tên là "Bà mẹ của những người vô hình". Phần này của dự án sẽ tập trung vào những bà mẹ bị buộc phải từ bỏ đứa con tàn tật của họ, hoặc bị thuyết phục ép buộc phá thai nếu cái thai đó bị nghi ngờ mắc dị tật.

    Dự án này sẽ [khắc họa cuộc sống của] các bà mẹ Belarus thiếu tiếng nói. Họ sống ở một đất nước hậu Xô viết, nơi tôn giáo, chính phủ và xã hội có ảnh hưởng lớn đến họ và quyết định từ bỏ con cái của chính họ.

    Cảm ơn, Jadwiga.

    Tham khảo Vice, Pbs

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày