Những người Nhật "retro" giữa thời đại 5G: Công nghệ phát triển như vũ bão nhưng giới trẻ vẫn mải mê với những giá trị xưa cũ
Không như đa phần thanh thiếu niên thế giới chạy đua theo các sản phẩm công nghệ cao, giới trẻ Nhật Bản rất hoài cổ. Họ vẫn thích đĩa hát, băng cassette, máy chụp hình kiểu cũ.
"Retro" là một từ tiếng Latin, mang nghĩa "thời gian đã qua". Nó được dùng như một thuật ngữ chỉ lối sống hoài cổ, ưa nhìn về và yêu thích những giá trị trong quá khứ thay vì hướng tới tương lai hứa hẹn tiến bộ hơn.
Đi đầu về máy ảnh, vẫn trân trọng những chiếc máy phim xưa cũ
Mặc dù là một trong những đất nước đi đầu về công nghệ tân tiến, Nhật Bản không buông rơi những món đồ cũ. Từ các ông bà lão cho đến trẻ thơ, ai nấy giữ chắc sợi dây kết nối với quá khứ. Chỉ cần ghé Nippori, "thị trấn cổ xưa" trong lòng Tokyo sầm uất, bạn liền cảm nhận được sự "retro" ở khắp nơi.
Tại Nhật, nỗi niềm hoài cổ có mặt khắp mọi nơi
Giữa thế giới đang phát sốt vì các loại máy ảnh hay di động đời mới có tính năng chụp hình "đẹp không cần sửa", Nippori thu hút giới trẻ Nhật Bản bằng cửa hàng bán mua và sửa chữa máy ảnh cổ Mitsuba-dou. Bên trong cửa hàng này, không có lấy một bóng camera đời mới. Tất cả đều là máy chụp ảnh đời cũ, phải thay phim và pin.
"Đa phần khách hàng của chúng tôi đều là những người từ 10-20 tuổi," – Shinichiro Inada, chủ cửa hàng cho hay. Bản thân Shinichiro cũng mới 31 tuổi. Anh mở Mitsuba-dou vào năm 2016, vô cùng thành thạo trong việc tháo lắp, chỉnh sửa máy ảnh cũ.
Máy ảnh cơ, chụp bằng phim rất được ưa chuộng
Tất nhiên, Mitsuba-dou không thể thiếu các khách hàng là nhiếp ảnh gia. Nhiều người luống tuổi đến đây với chiếc máy ảnh ra đời từ cách đây cũng ngang ngửa số năm sống trên đời của mình. Một số còn lục lọi kho đồ cũ, moi ra chiếc máy ảnh thường nghịch từ vài chục năm trước, đem đến Mitsuba-dou nhờ sửa lại. Sau nhiều năm dùng máy ảnh kỹ thuật số hiện đại, các nhiếp ảnh gia này lại thấy máy cũ thì thật và giàu chất nghệ thuật hơn.
Công nghệ cứ việc tiến, còn người tiếp tục "retro"
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật Bản, tổng ngân sách mà chính phủ dùng cho nghiên cứu, phát triển công nghiệp công nghệ cao chỉ thua Mỹ và Trung Quốc. Trên toàn cầu, các mặt hàng điện tử gia dụng, ô tô, robot, di động… thương hiệu "made in Japan" có mặt khắp nơi. Thế nhưng cũng chính trong đất nước chẳng thua kém ai về công nghệ này, lại vẫn tồn tại những sân chơi đậm chất hoài cổ nhất.
Sau suốt nhiều năm đi khắp thế giới, Bellamy Hunt (Anh), một người đam mê máy ảnh quyết định dừng chân ở Khu phố Kichijoji, Tokyo. Vào năm 2004, ông mở một cửa hàng bán máy chụp ảnh cơ, đặt tên là Japan Camera Hunter.
Bellamy Hunt trong cửa hàng bán máy ảnh kiểu cũ của mình
Trước khi tự kinh doanh, Hunt từng dành 2 năm làm thêm trong một cửa hàng máy ảnh của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ở Nhật. Ông nhận ra, người Nhật để cao sự chính xác đến mức độ hoàn hảo. Cái gọi là sai sót, dù chỉ một li cũng không được cảm thông. Ghi nhớ điều ấy, Hunt ngày càng cẩn trọng. Sự hài lòng của khách hàng cũng chính là niềm tự hào của chủ tiệm.
Bên cạnh các siêu thị điện tử đầy sản phẩm công nghệ hiện đại, các cửa tiệm bán đồ cổ của Nhật Bản vẫn hoạt động kinh doanh tốt. Họ cũng sử dụng mạng Internet, kết nối với khách mua trên mọi miền Trái đất. Nếu tới bất cứ cửa hàng đồ cổ nào của Nhật, xin hãy nhớ thể hiện sự tôn trọng và cẩn thận! Người bán hàng Nhật Bản kỹ tính nhưng cũng rất nhiệt tình. Họ sẵn sàng tìm kiếm cả cửa hiệu để tìm ra món tốt nhất, phù hợp với khách.
Đến nghe nhạc cũng thích băng cassette và đĩa than
Kể từ khi các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến đua nhau phát triển, băng cassette hình như cũng bị ném bay khỏi thị trường âm nhạc. Thế nhưng cũng tại Nhật Bản, ngay giữa lòng Thủ đô Tokyo, cửa hàng chuyên bán băng cassette Waltz mở cửa. Nó được khai trương cách đây 4 năm (vào năm 2015), rất đông khách khứa ra vào.
Trong cửa hàng là một bộ sưu tập 6.000 băng cassette khác nhau. Tuy cái tên cassette không còn phổ biến nữa, nhưng đa phần chúng ta vẫn biết. Khoảng 10-15 năm về trước, loại hình công cụ ghi âm này vẫn khá thịnh hành.
Băng cassette, đĩa than tiếp tục thu hút người yêu nhạc
Tại Waltz, ngoại trừ các băng cassette cũ còn có các băng mới. "Tôi cho rằng âm nhạc nên là một vật phẩm hữu hình," - Taro Tsunoda, chủ cửa hàng nêu ý kiến. Quả thật, với công nghệ số hóa và trực tuyến, âm nhạc đã… đi vào hư ảo. Chúng ta không cần tới băng, đĩa ghi âm, vẫn có thể thoải mái nghe nhạc.
Có điều với nhiều người, sự tiện lợi ấy dường như cũng gây mất mát. Vào năm 2010, trong khu vực bờ biển phía Tây nước Mỹ, băng cassette chậm chạp hồi sinh. Dẫu âm nhạc là vô hình, không ít thính giả vẫn thích cầm nắm và cảm nhận bằng xúc giác. Sang năm 2018, doanh số bán băng cassette còn tăng hẳn 18,9% so với năm 2017.
Ngoài các khách hàng Nhật Bản, Waltz còn thu hút người mua nước ngoài. Có đến hơn một nửa lượng khách ghé thăm cửa tiệm là người ngoại quốc.
Tương tự với đĩa than. Vào năm 2001, Akira Takamasu, giáo sư xã hội học làm việc tại Đại học Kansai, Nhật Bản liều lĩnh thành lập một công ty thu âm vinyl (đĩa than). Ai dè "liều" mà thắng lớn. Người Nhật càng lúc lại càng mê vinyl. Họ bảo rằng bản ghi âm trên đĩa than có âm thanh rất đặc biệt, ấm áp và sâu lắng.
Trong vai trò là một nhà nghiên cứu, Takamasu chỉ ra nguyên nhân khiến người Nhật ưa đồ cổ. Đó là hậu quả thời kỳ bong bóng kinh tế 1986-1991. Trong khoảng thời gian này, mọi thứ hiện đại đều đắt đỏ. Cư dân "đất nước mặt trời mọc" đành lôi đồ cũ ra sửa mà dùng. Lâu dần, việc đó hình thành thói quen, phản ánh sự trì trệ.
Có điều, dù là vì "bong bóng kinh tế" hay thực tâm yêu thương quá khứ, người Nhật thành công chứng minh một điều: Thứ đã cũ, vỡ cũng chỉ cần sửa đi là dùng được.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng