Những nhóm cracker khét tiếng trong thế giới game

    PV, Vân Hương - Tổng hợp 

    Với game thủ, họ là những người hùng. Nhưng trong mắt các nhà phát hành, họ là những “cơn ác mộng”. Họ chính là các cracker - những Robin Hood của thế giới ảo.

    Razor1911
     
    Thành lập từ năm 1985, Razor1911 được coi là lão làng trong giới cracker và cũng là "băng đảng" danh tiếng lẫy lừng nhất. Tên ban đầu là Razor2992, sau một thời gian ngắn nhóm đổi tên thành Razor1911 (trong ngôn ngữ lập trình 16 bit thì 1911 tương đương 777 – con số nhằm trêu chọc các nhóm cracker khác thường dùng số 666 - con số của quỷ dữ). Quả thật, mục đích ban đầu của nhóm là "bẻ khoá" các game hệ Commodore 64, và sau này mở rộng trên nhiều hệ máy khác.
     
    Razor1911 được cộng đồng game nể phục nhờ tài crack nhanh và không ngán bất cứ game nào. Thông thường, khi một game phát hành, chỉ một vài ngày sau đã có bản crack của Razor1911. Cá biệt có những trường hợp hãng phát hành "ăn trái đắng" khi tựa game của họ đã bị crack ngay trước ngày ra mắt.
     
     
    Đã rất nhiều game đỉnh gục ngã trước tài nghệ bẻ khoá của Razor1911. Ngày 23/7/1996, nhóm đã crack thành công Quake ngay sau khi nó phát hành. Ngày 14/10/2006, tung ra bản crack game Battlefield 2142 4 ngày trước khi phát hành chính thức.
     
    Năm 2007, nhóm đã đùa giỡn với Microsoft bằng hành động biến đổi ShadowRun – game dành riêng cho Windows Vista, trở thành game chạy trên Windows XP và đặc biệt là crack thành công các bản patch dành cho game Halo 2.
     
     
    Hoạt động của Razor1911 phần nào bị gián đoạn trong thời gian FBI triển khai hai chiến dịch chống ăn cắp ban quyền là Bucaneer (2001) và Flashlight (2004). Tuy vậy, sau khi các chiến dịch này kết thúc vài tháng, Razor1911 lại tiếp tục trở lại, hung dữ và táo tợn hơn. Razor1911 gần như không "tha" bất kì game đỉnh nào. Call of Duty: Modern Warfare 2, Bioshock 2, Mass Effect 2, Napoleon: Total Wars…đều lần lượt đến tay game thủ thông qua các bản crack bất hợp pháp.
     
    Mới đây, có tin nói Razor1911 đã "đầu hàng" với tựa game Assassin's Creed 2 do gặp rắc rối với các cơ quan an ninh. Tựa game này cho tới nay vẫn chưa được crack thành công và Ubisoft vẫn có thể cười ngạo nghễ trước mũi các nhóm cracker.
     
     
    Reloaded
     
    Thành lập sau Razor1911 một thời gian, Reloaded đã nhanh chóng chứng tỏ họ cũng là một “đại ca” trong giới cracker bằng những bản crack ấn tượng. Chắc nhiều người chơi game còn nhớ các phiên bản Pro Evolution Soccer với dòng chữ Reloaded kèm theo. Đây không phải là bản mở rộng của PES mà là một cách đánh dấu “bản quyền” của nhóm cracker Reloaded.
     
     
    Reloaded thường được giới cracker đem ra so sánh với Razor1911. Điều đặc biệt là hầu hết những tựa game nào Reloaded đã crack được thì Razor1911 sẽ thôi hoặc ngược lại. Như vậy, có thể thấy cuộc cạnh tranh ngầm giữa hai nhóm cracker lừng danh. Cũng có một số trường hợp ngoại lệ (như game The Sim3) chẳng hạn, tuy vậy số lượng không nhiều.
     
    Một điều thú vị khác là đôi khi những đoạn mã của Reloaded lại được sử dụng như những công cụ chống crack. Năm 2008, Ubisoft đã áp dụng cách này cho game Tom Clancy’s Rainbow Six: Vegas 2.
     
    EA là nạn nhân thường xuyên của Reloaded.
     
    Skidrow
     
    Tên tuổi của Skidrow cũng gắn liền với những tựa game bom tấn. Hầu hết các game Razor1911 và Reloaded đã crack đều có trong bộ sưu tập của Skidrow. Nhóm cracker này thường để lại thông điệp trên những game đã bị crack như một sự “trêu tức” nhà sản xuất. Skidrow đang được giới game thủ chơi game không bản quyền coi là cứu tinh trong vụ Assassin's Creed 2 vì họ đã hứa sẽ sớm "bẻ" tựa game này.