Những 'pháo đài' nuôi gà triệu USD ở Mỹ: Có thiết bị chiếu sáng laser, súng bắn âm thanh và hệ thống cửa từ sinh trắc học
Thất thoát về kinh tế đang khiến các ông chủ biến trại gà của mình thành những pháo đài với hệ thống chiếu sáng laser, súng bắn âm thanh và hệ thống cửa từ sinh trắc học.
Sau khi phải tiêu hủy 8 triệu con gà đẻ trứng sau bệnh dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2015, hãng Versova Management đã chi hàng chục triệu USD để nâng cấp các thiết bị chiếu sáng laser, súng sóng âm cùng hệ thống khử trùng hiện đại cho nhân viên trong công cuộc bảo vệ đàn gia cầm khỏi những con chim lạ, vốn là yếu tố dễ lây lan dịch bệnh.
Thế nhưng trong đợt dịch cúm gia cầm mới nhất này, Versova lại mất thêm 2 triệu con gà nữa, cho thấy khoản tiền hàng chục triệu USD mà hãng chi ra trước đó chẳng có tác dụng mấy.
“Chúng tôi đang trong một cuộc chiến cực kỳ thảm khốc khi phải diệt trùng 100% và cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất”, chủ tịch J.T Dean của Versova, một trong 5 hãng sản xuất trứng gà lớn nhất nước Mỹ than thở.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), dịch cúm gia cầm có tỷ lệ tử vong gần 100% với loài gà. Mức độ dễ lây lan của nó kinh khủng đến mức chỉ cần một làn gió bay qua phân chim hoang dã cũng đủ sức mang virus vào chuồng gà thông qua lỗ thông hơi. Hậu quả là các trang trại sẽ phải thiêu hủy cả đàn gà khi chỉ 1 con nhiễm bệnh nhằm chống lây lan mạnh hơn.
Kể từ tháng 2/2022, dịch cúm gia cầm đã khiến 58 triệu con gia cầm trên toàn nước Mỹ bị tiêu hủy, mức kỷ lục trong lịch sử, đồng thời đẩy giá thịt gia cầm cũng như trứng gà lên mức cao chưa từng có trong ngày Lễ tạ ơn.
Cuộc chiến dai dẳng
Trong quá khứ, dịch cúm gia cầm là một hiểm họa cho ngành chăn nuôi gà và trứng gà nhưng chúng chỉ là nhất thời khi chính phủ can thiệp kịp thời với các chính sách hỗ trợ. Thế nhưng hiện nay, nhiều chuyên gia trong ngành cũng như quan chức chính phủ phải thừa nhận rằng đại dịch cúm gia cầm đang lan rộng và khó kiểm soát, khiến nông sản ngành này sẽ còn ở mức cao trong thời gian tới.
Bên cạnh dịch cúm gia cầm, những yếu tố như chi phí nhân công tăng, giá năng lượng và thức ăn gia cầm đi lên càng khiến người tiêu dùng sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng trứng gà và thịt gà.
Số liệu của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy hơn 43 triệu con gà tại Mỹ đã bị thiêu hủy trong năm vừa qua, chiếm ¾ tổng số gia cầm bị thiệt hại tại nước này. Trữ lượng trứng gà cũng giảm tới 29% vào cuối năm 2022 so với đầu năm. Sự thiếu hụt này khiến giá một rổ trứng tại Mỹ có nơi lên đến 5,46 USD, mức cao kỷ lục.
Những hãng sản xuất trứng gà nhỏ thì ngập ngừng trong việc tích trữ hàng khi chi phí tăng cao còn đại dịch chưa được khống chế, người tiêu dùng thì ngày càng đắn đo chi tiêu với các sản phẩm tăng giá hơn.
Với các công ty lớn như Versova thì họ chỉ chăm chú sao cho khỏi bị thua lỗ hơn nữa trong bối cảnh hiện nay.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết virus có thể lây lan từ giày của nhân viên trang trại khi họ dẫm phải phân chim lạ, hoặc một con vịt hoang lẫn vào trong đàn cũng có thể truyền bá dịch bệnh.
Tình hình nghiêm trọng đến mức nhiều trang trại hiện nay trông còn nghiêm ngặt hơn cả các nhà máy sản xuất chip với hệ thống khử trùng tiên tiến nhất. Nhân viên bị yêu cầu mặc đồ bảo hộ và thường xuyên phải khử trùng toàn thân, kể cả đế giày.
Nhiều trang trại còn trang bị cả hệ thống cảnh báo âm thanh hoặc dùng súng âm thanh kết hợp hệ thống chiếu sáng laser để xua đuổi chim lạ mà không phải bắn hạ chúng bởi xác của những con chim này cũng có thể chứa virus.
Mặc dù trong tháng 1/2023, số gia cầm bị tiêu hủy đã giảm xuống dưới 500.000 con, thấp hơn nhiều so với hơn 5 triệu con vào tháng 12/2022 nhưng Bộ nông nghiệp Mỹ nhận định tình hình sẽ còn căng thẳng trong mùa xuân tới khi các đàn chim hoang di cư khắp nước làm lây lan dịch bệnh.
“Mối đe dọa vẫn còn ở ngoài đó và chúng tôi phải tăng cường các biện pháp phòng vệ”, CEO Glenn Hickman của Hickman’s Egg Ranch tại bang Arizona lo lắng.
Canh gác nghiêm ngặt
Hãng Versova cho biết họ có khoảng 17 triệu con gà đẻ trứng và là một trong những hãng sản xuất trứng gà lớn nhất thế giới hiện nay. Với số lượng lớn gia cầm như vậy, hãng đã phải xây dựng các thanh chắn và kiểm soát nghiêm ngặt trại gà không khác gì một pháo đài.
Nhân viên muốn vào làm việc sẽ phải thay đồ, tắm rửa trong khu riêng có cửa từ đóng kín, sau đó mới được vào trang trại. Vào năm 2015, chỉ có 1 trang trại của Versova được trang bị hệ thống tắm rửa riêng và sinh trắc học hiện đại như vậy, thế nhưng giờ hãng đã thực hiện 10/13 trang trại.
Công ty cũng thuê các chuyên gia thú y túc trực thường xuyên để xét nghiệm, đồng thời thay đổi phương pháp chăn nuôi để tránh làm rơi vãi thức ăn gây thu hút chim hoang.
Những con gà lấy trứng thường dễ nhiễm bệnh hơn các loài khác bởi chúng được nuôi trong vòng 1 năm để lấy trứng, trong khi gia cầm lấy thịt sẽ chỉ cần vỗ béo 6-10 tuần là có thể giết mổ được.
Ngoài ra, hãng sẽ hợp tác với Bộ nông nghiệp Mỹ để thực hiện chiến dịch dọn quang quanh khu vực trang trại nhằm hạn chế thu hút chim lạ di cư.
Trước đó vào tháng 10/2022, một trang trại tại Iowa của Versova dương tính cúm gia cầm đã phải tiêu hủy toàn bộ 1 triệu con gà. Công ty đã phải dọn sạch, khử trùng đến từng m2, sau đó dùng thiết bị nhiệt hâm nóng các khu vực chuồng trại lên hơn 38 độ C trong vài ngày để tiêu diệt virus.
Khi đại dịch bùng phát năm 2015, Versova đã phải mất 1 năm để có thể hồi phục trữ lượng trứng phục vụ kinh doanh. Với đợt dịch lần này thì hãng chưa dám khẳng định khi mùa chim di cư vẫn đang còn ở phía trước.
*Nguồn: WSJ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng