(Genk.vn) - Xe bọc thép có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường và là phương tiện không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại.
Xe bọc thép Patria AMV của phần Lan
Khái niệm xe bọc thép chiến đấu tương lai mới của Patria được xây dựng dựa trên sự thành công trên thị trường của xe bọc thép bánh lốp Patria AMV, nhưng với hiệu suất vượt trội trên tất cả các thông số kỹ thuật của nền tảng phương tiện bọc thép bánh lốp 8x8 hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Theo đó, xe chiến đấu mới của Patria được thiết kế cấu trúc mô đun rất linh hoạt, cho phép dễ dàng điều chỉnh cho các nhiệm vụ, vai trò khác nhau và tạo ra tiềm năng phát triển theo các yêu cầu của khách hàng trong tương lai.
Xe chiến đấu Patria theo khái niệm mới có trọng lượng 30 tấn, cung cấp khả năng mang tải nặng tới 13 tấn mà không phải hy sinh tính cơ động trên địa hình phức tạp. Đây là một nền tảng lý tưởng cho các hệ thống vũ khí có cỡ nòng lên tới 120mm, bao gồm cả hệ thống pháo cối 120mm Patria Nemo.
Xe bọc thép Patria AMV được xuất xưởng và bàn giao cho Lục quân Phần Lan vào năm 2001. Patria AMV được nghiên cứu – chế tạo nhằm tạo ra những điều kiện cơ động, chuyên chở và bảo vệ tốt nhất cho người lính khi tác chiến. Patria AMV là phiên bản tiếp theo của xe chiến đấu XA-203 cũng do hãng Patria sản xuất.
Vũ khí cơ bản của mỗi chiếc Patria AMV là súng máy 12,7 mm, lựu pháo 40 mm. Trong quân đội Phần Lan Patria AMV được đặt tên là XA-360. Patria AMV có thể kháng cự được các loại đạn và mảnh bom với kích thước 30 mm.
Patria AMV được đánh giá là một trong những chiến xa có khả năng chống mìn tốt nhất thế giới. Khung xe có thể chịu được sức công phá của 10 kg thuốc nổ TNT.
Xe bọc thép Typhoon-K của Nga
Ngoài Patria AMV của Phần Lan, được coi là cường quốc quân sự, Nga đã cho ra đời hàng loạt xe bọc thép hàng đầu thế giới. Mới đây nhất là tháng 7/2013 vừa qua, Công ty Kamaz của Nga đã giới thiệu xe bọc thép chở quân mới - Typhoon-K.
Kamaz-63969 Typhoon-K đang được phát triển trên cơ sở phân tích các tổn thất chiến đấu của binh sĩ, binh khí kỹ thuật trong các chiến dịch diễn ra trong thập kỷ qua, nghiên cứu kinh nghiệm chế tạo và sử dụng xe bọc thép dạng MRAP của nước ngoài, khả năng chiến đấu của chúng, cũng như các phương tiện phát hiện và tiêu diệt đối phương.
Kamaz-63969 là xe bọc thép chở quân dẫn động toàn phần với công thức bánh 6x6. Vỏ giáp của xe chống được đạn 14,5 mm kiểu B-32, cũng như đạn xuyên - cháy. Ngay trên đỉnh nóc khoang lái là một ụ súng máy điều khiển từ xa, giúp xe vừa đảm nhận nhiệm vụ chở quân trên chiến trường, vừa có thể tham gia chi viện hỏa lực đổ bộ hoặc bảo vệ cho các binh sỹ trong xe.
Khả năng chống mìn của xe bảo đảm sự sống sót cho kíp xe khi bị mìn 8 kg TNT nổ dưới gầm. Hai bên thành xe sử dụng áo giáp phức hợp, bao gồm cả một lớp giáp lót, các lá tháp và các tấm giáp gốm trên cơ sở đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Typhoon-K trang bị kíp xe gồm 2 người, khoang chở quân phía sau mang được 10 binh sỹ.
Typhoon được thiết kế theo kiểu mô đun, do đó rất dễ thay thế các bộ phận và bảo dưỡng. Cabin rộng với 16 ghế ngồi cho 16 binh sĩ vũ trang đầy đủ. Ghế ngồi gắn kết chặt chẽ với mái, thành và gầm xe để tạo sức đề kháng tốt hơn trước sức ép của mìn. Có đai an toàn, gá tựa đầu để tăng khả năng bảo vệ cho binh sĩ.
Các binh sĩ trong xe cũng có thể sử dụng súng để tấn công ra bên ngoài thông qua lỗ cửa sổ. Ngoài ra, Typhoon còn được lắp máy lọc không khí FVUA-100A để chống lại các cuộc tấn công bằng vũ khí sinh/hóa học. Bên trong cabin có thêm một máy điều hóa không khí.
Phía nóc xe có thể lắp đặt một mô đun súng máy điều khiển từ xa, binh sĩ sẽ quan sát hình ảnh bên ngoài thông qua camera trong cabin và tấn công đối phương.
Hiện nay, cả 2 mẫu xe Kamaz-63969 và Kamaz-63968 đều đang được thử nghiệm. Trong đó, các kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, thiết kế bảo vệ của Typhoon-K đã trải qua những sửa đổi căn bản về việc giảm tối đa trọng lượng cũng như kích thước, tối ưu hóa việc lắp ráo và tháo dỡ xe để bảo dưỡng cũng như cải thiện độ an toàn cho xe.
Xe bọc thép Nexter Aravis của Pháp
Tiếp theo là xe bọc thép Nexter Aravis (Pháp). Ban đầu, dòng xe này được nghiên cứu độc lập bởi công ty Nexter Systems vào năm 2007. Những chiếc Aravis sử dụng trong quân đội Pháp được lắp đặt hệ thống ụ súng điều khiển từ xa Kongsberg với một súng máy 12,7 mm M2HB, thiết bị liên lạc PR4G của Thales, camera quan sát Exavision cùng các thiết bị điện tử tìm kiếm mìn khác.
Với khối lượng tuy chỉ có 13 tấn, nhưng Aravis được trang bị giáp đạt cấp IV tiêu chuẩn STANAG, có nghĩa là nó cố thể chịu được đạn xuyên cỡ 14,5 mm bắn từ khẩu KPVT của những chiếc BTR-80 hay các khẩu súng bắn tỉa chống thiết giáp. Xe cũng được thiết kế để chịu được sức công phá của 10 kg thuốc nổ cũng như mảnh văng của đạn pháo 155 mm.
Xe có thể chở theo 7 người bao gồm cả trưởng xe và lái xe trong một khoang rộng 8,3m3 được bọc giáp hoàn toàn. Xe cũng được trang bị lốp xe có khả năng tự vá, tự bơm căng khi bị thủng.
Aravis cũng rất cơ động trên chiến trường khi với động cơ Mercedes-Benz OM924 218 mã lực, nó có thể đạt tốc độ tới 100 km/h và sở hữu bình xăng 197 lít, có thể đảm bảo cho xe hoạt động với bán kính 750 km. Nếu cần thiết, Aravis hoàn toàn có thể chở trực tiếp bằng máy bay vận tải tới chiến trường.
Xe bọc thép Foxhound của Anh
Quân đội Anh mới đây đã cho ra mắt mẫu xe tuần tra bọc thép hạng nhẹ với tên gọi Foxhound. Không chỉ bảo vệ binh lính bên trong khỏi các vụ nổ, phương tiện còn có thể di chuyển linh hoạt với tốc độ cao trên nhiều loại địa hình như một con cáo - đúng như tên gọi Foxhound. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa quân đội Anh và các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực xe hơi như McLaren và BMW.
Foxhound sở hữu sự cân bằng giữa đặc tính bọc thép toàn bộ và khả năng di chuyển linh hoạt trên chiến trường. Bộ quốc phòng Anh cho biết phương tiện mang lại khả năng bảo vệ chưa từng thấy đối với kích thước và trọng lượng (8 tấn) của nó.
Tương tự loại xe bọc thép chống bom chuyên dụng MRAP của quân đội Mỹ, Foxhound cũng có thiết kế phần thân chữ V để đảm bảo mảnh vỡ bắn ra 2 phía mà không gây tổn hại cho binh lính bên trong.
Mặc dù được trang bị lớp thép bảo vệ dày nhưng xe vẫn nhẹ và có thể xoay trở dễ dàng trên nhiều loại địa hình. General Dynamics Land Systems: Force Protection Europe (GDLS: FPE), nhà thầu chịu trách nhiệm chế tạo Foxhound đã hợp tác với các nhóm kỹ sư đến từ BMW, McLaren F1, Ricardo và World Rally Championships để tối ưu hóa tốc độ của Foxhound lên đến 112 km/h.
Bên cạnh đó, Foxhound cũng là mẫu xe đầu tiên được thiết kế theo dự án "hệ thống mở" của quân đội Anh. Theo đó, Foxhound có thể được nâng cấp với các trang thiết bị mới nhưng vẫn giữ được sự đồng nhất và vận hành song song với các phương tiện và công nghệ khác, qua đó khiến phương tiện không bị "quá đát".
Động cơ của Foxhound có thể được lấy ra và thay thế hoàn toàn chỉ trong 30 phút. Ngoài ra, xe vẫn có thể di chuyển bằng 3 bánh trong trường hợp một bánh bị phá hủy khi gặp mai phục.
Xe bọc thép chống mìn Buffalo của Mỹ
Buffalo là dòng xe bọc thép kháng mìn của Mỹ được thiết kế để tháo gỡ bom, thuốc nổ đặt trên đường. Chiếc xe được thiết kế với mục đích chính là loại bỏ bom, mìn chôn dấu trên đường để đội hình xe (binh lính) vượt qua. Có thể coi Buffalo như người lính công binh hiện đại.
Buffalo có trọng lượng tối đa 25 tấn, dài 8,2m, rộng 2,6m, cao 4m. Kíp lái 2 người và chở thêm 4 lính. Xe được lắp động cơ 450 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 105km/h. Buffalo được trang bị cánh tay điều khiển từ xa dài khoảng 5m dùng để xử lý vật liệu nổ.
Sau khi Buffalo được đưa vào sử dụng, tỉ lệ thương vong của lính Mỹ do bom mìn tự tạo (IED) giảm đáng kể.
Xe bọc thép Namer của Israel
Xe bọc thép chở quân Namer được thiết kế bởi hãng Israel Military Industries (IMI) dành cho nhiệm vụ bảo vệ lính bộ binh chống lại mìn tự thạo, súng máy và vũ khí chống tăng trong các cuộc hành quân, tuần tra, trinh sát.
Namer thiết kế dựa trên khung gầm cơ sở xe tăng Merkav Mk.4, xe có khả năng chở 10 lính bộ binh. Namer lắp súng máy hạng nặng M2 Browning 12,7mm hoặc súng phóng lựu Mk19 lắp trên hệ thống giá điều khiển tự động Samson. Xe có thể mang theo khẩu pháo cối 60mm nếu cần.
Israel có kế hoạch phát triển thêm các biến thể xe chiến đấu bộ binh, xe chỉ huy, xe hỗ trợ kỹ thuật, xe cứu thương dựa trên Namer. Những chiếc Namer đầu tiên được đưa vào trang bị từ năm 2008.
Theo Baodatviet
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng