Facebook gặp ác mộng với phần cứng điện thoại.
1. Quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận
Trước đây, mạng xã hội dường như không mấy quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận. Nhưng càng tiến sát đến gần thời điểm IPO, CEO Zuckerberg càng nhấn mạnh: “Hầu hết mọi người đều muốn tham gia vào những gì to tát, vĩ đại nhưng bên cạnh đó, họ còn có mục tiêu kiếm tiền. Qua quá trình phát triển đội ngũ nhân viên, thị trường quảng cáo và mạng lưới nhà đầu tư, tôi nhận thấy xây dựng một công ty với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ là cách tốt nhất để gắn kết mọi người cùng giải quyết những vấn đề quan trọng”.
Trong báo cáo lợi nhuận quý III/2012 của Facebook, Zuckerberg tiết lộ mỗi nhóm sản phẩm của hãng đều phải đưa ra những chiến lược cụ thể nhằm tạo ra doanh thu từ các sản phẩm của mình. Facebook cũng bắt đầu tính phí 1 USD khi người dùng gửi tin nhắn đến những người không quen biết và mức phí sẽ tăng lên khi người nhận là nhân vật nổi tiếng. Thậm chí, người dùng có thể mất tới 100 USD nếu tin nhắn được gửi đến Zuckerberg. Ngoài ra, với 7 USD, hãng sẽ giúp bài viết của người dùng xuất hiện “ấn tượng” trong News Feed của bạn bè, gia tăng tỷ lệ được nhìn thấy - một tiện ích từng được áp dụng miễn phí trong những ngày đầu của mạng xã hội.
2. Quảng cáo mọi nơi mọi chỗ
Kể từ tháng 5 năm ngoái, Facebook đã bắt đầu “cài” quảng cáo vào giao diện trang chủ dựa trên thói quen duyệt web của người dùng. Giờ đây, người dùng sẽ thấy những quảng cáo xuất hiện bên phải trang và trên News Feed. Nếu những thông tin ẩn danh gần đây được chính thức xác nhận thì không lâu nữa, người dùng có thể sẽ phải xem cả những quảng cáo video “bất đắc dĩ”.
Tháng 3/2013, Facebook đã thiết kế lại giao diện trang chủ News Feed, cho phép người dùng theo dõi hay lọc những nội dung được đăng tải mà mình quan tâm. Tuy nhiên, hãng cũng thừa nhận thiết kế mới nhằm giúp các hãng tiếp thị có thêm không gian để “chèn” quảng cáo và tăng khả năng người dùng có thể nhìn thấy chúng. Các chuyên gia nhận định thay đổi đang mở đường cho sự ra đời tất yếu của những quảng cáo video tới đây.
3. Rớt đau với điện thoại di động
Facebook được “khai sinh” trong thời đại của desktop và từng bị chỉ trích vì các ứng dụng chậm chạp trên smartphone. Thậm chí, khi hãng chuẩn bị cho IPO, giới phân tích và không ít nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về khả năng cạnh tranh của Facebook trong lĩnh vực di động. Không những vậy, bước đi còn có thể gây tổn hại đến sự phát triển dài hạn của hãng.
Tuy nhiên, chính áp lực đã thúc đẩy Facebook có những nỗ lực nghiêm túc và cẩn trọng hơn. Ứng dụng Facebook cho iPhone được cải thiện đáng kể nhờ những cập nhật liên tục nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng. Trong nội bộ công ty, các giám đốc sản phẩm từng bị cấm truy cập vào Facebook phiên bản desktop để sử dụng phiên bản di động. Bên cạnh đó, hãng cũng treo áp phích "Droidfooding" trong khuôn viên nhằm khuyến khích nhân viên chuyển sang sử dụng Android để hiểu rõ hơn về nền tảng. Trong báo cáo thu nhập quý IV/2012, Zuckerberg tuyên bố Facebook đã chính thức trở thành một “công ty trên điện thoại di động”. Thế nhưng, mối lương duyên mới nhen nhóm giữa Facebook và HTC và nhà mạng AT&T (Mỹ) đã nhanh chóng tan vỡ sau khi đứa con chung HTC First sớm bị khai tử chỉ sau hơn một tháng đến với người dùng trước doanh số quá èo uột, khiến người ta bỗng nhớ lại phiên IPO hoành tráng thuở nào bỗng chốc trở thành thảm họa của làng công nghệ, kéo theo bao vụ kiện tụng. Đến nay, cổ phiếu của Facebook đã rớt giá đến 30% kể từ con số 38 USD/cổ phiếu trong đợt IPO một năm trước.
4. Chảy máu chất xám
Việc các doanh nghiệp phải chứng kiến cuộc “di cư” của những vị trí hàng đầu sau IPO không phải điều gì lạ lẫm, nhưng hiện tượng “chảy máu chất xám” của Facebook lại thu hút không ít sự chú ý.
Chỉ trong 3 tháng đầu tiên sau IPO, mạng xã hội đã phải chia tay với người đứng đầu bộ phận tiếp thị quan hệ đối tác. Tiếp theo đó là sự ra đi của một số nhân viên hàng đầu khác bao gồm bà Joanna Shields - Giám đốc điều hành của Facebook tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi, luật sư Ted Ullyot, Giám đốc sản phẩm Blake Ross và gần đây nhất là người đứng đầu bộ phận truyền thông Larry Yu.
Sự ra đi của lớp lãnh đạo cấp cao được đánh giá là một đòn nặng nề đối với mạng xã hội hàng đầu thế giới, khi Facebook vẫn đang tìm cách trấn an các cổ đông sau khi giá cổ phiếu của hãng liên tục bị rớt giá.
5. Một Mark Zuckerberg “bóng bẩy” hơn
Không riêng gì Facebook mà ngay cả bản thân CEO Zuckerberg cũng có những thay đổi đáng kể từ sau IPO. Zuckerberg có xu hướng “hào nhoáng, bóng bẩy” hơn khi xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn, sự kiện ra mắt sản phẩm hay báo cáo thu nhập. Tuy vậy, đây không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vào tháng 9/2012, AllThingsD cho biết hiện Zuckerberg còn có người giúp anh “trau chuốt” từ ngoại hình đến ngôn từ mỗi khi xuất hiện trước đám đông bởi từng lời nói, cử chỉ của anh đều sẽ được “soi xét” rất kỹ lưỡng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
Vậy là, Facebook đã dành cả một năm sau khi trở thành công ty đại chúng để tập trung khắc chế hai điểm yếu lớn nhất của mạng xã hội này: làm thế nào để kiếm tiền và giữ cho hơn 1 tỷ người sử dụng gắn bó lâu dài. Thế nhưng, cùng với một Zuckerberg ngày càng “quần là áo lượt” thì Facebook cũng dần trở nên bóng bẩy hơn, xa lạ hơn. Xem ra, Facebook mới chỉ đang tập trung vào mục tiêu thứ nhất mà quên đi mất rằng, 1 tỷ người dùng khổng lồ kia mới thực sự là sức hấp dẫn thương hiệu lớn nhất của mạng xã hội này.
Theo Sống Mới
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng