Những vụ kiện "ngớ ngẩn" của làng game thế giới
Hôm nay, chúng ta sẽ điểm qua những vụ kiện tụng “dở hơi” nhất làng game thế giới.
Mojang chuẩn bị tung ra một sản phẩm mới mang tên Scrolls. Bị chọc vào chỗ ngứa, Bethesda lập tức kêu oan rằng đây là sự vi phạm nghiêm trọng tới thương hiệu The Elder Scrolls của họ. Mọi chuyện cứ như một trò đùa. Trên thực tế, đây giống như một cuộc thôn tính cá lớn nuốt cá bé hơn là vấn đề bản quyền thông thường.
Nói đi cũng phải nói lại, trong lịch sử của ngành công nghiệp game từ trước tới nay, không phải là chúng ta chưa từng chứng kiến những vụ ra tòa dở khóc dở cười như thế này. Trong nội dung của bài viết này, chúng ta sẽ điểm qua những vụ kiện tụng “dở hơi” nhất làng game thế giới.
Tim Langdell vs làng game
Tim Langdell, nhà sáng lập của Edge Games, có lẽ ông là một thành viên trong “Hội những người phát cuồng vì từ Edge” nên không chỉ sử dụng nó để đặt tên cho công ty mình, mà ông còn muốn sở hữu độc quyền nó. Langdell đăng ký bản quyền thương hiệu và đăng hẳn một trang riêng trên website của Edge Games chỉ để thông báo về điều đó.
Chưa vừa lòng, Langdell sau đó tiếp tục mở một cuộc thôn tính với bất kỳ ai trong ngành giải trí điện tử dám dính dáng tới “tên đệm” quí báu của ông.
Ông kiện Mobigame – một nhà sản xuất game iPhone, chỉ vì họ cho phát hành một tựa game mang tên là Edge. Điều kiện mà Langdell đưa ra cho địch thủ: một là đổi tên sản phẩm, hai là phải “cống nạp” cho ông một phần lợi nhuận từ việc bán game!?
Trên thực tế, Mobigame cũng phải sợ hãi vì sự điên rồ thái quá của vị tổng giám đốc này, họ đã thay đổi tên sản phẩm của mình trước khi luật sư của hãng khẳng định chắc chắn rằng Langdell chẳng có “quyền hành” gì để đưa ra điều kiện trên những sản phẩm App Store cả.
Bị thua kiện, Tim Langdell vẫn chưa từ bỏ sự “hung hãn” của mình. Ngược lại, ông tiếp tục đổi mục tiêu và đệ đơn kiện Electonic Arts vì tựa game Mirror’s Edge của họ. Sau khi phiên tòa kết thúc, không những chịu một thất bại nặng nề, ông còn bị tước đi bản quyền thương hiệu của chính mình.
Có lẽ Tim Langdell là người kiên trì và cũng là người điên rồ nhất làng phát triển game. Thua 2 vố đau, ông vẫn muốn bảo vệ cái gọi là thương hiệu riêng của công ty. Lần này, mục tiêu không phải là bất kỳ một nhà sản xuất game hay một hãng phát hành game nào cả, mà là tờ tạp chí game có tên Edge của nhà phát hành Future. Cái tên của họ đã có từ những thập niên 90 từ thế kỷ trước, và cũng dễ hiểu khi Langdell tiếp tục phải nhận thất bại.
Có lẽ Bethesda cũng nên ghi lại “bảng vàng thành tích” của Tim Langdell để không phải lặp lại những vụ kiện ngớ ngẩn thế này, nhất là những vụ kiện này liên quan đến các từ ngữ hết sức thông dụng trong từ điển tiếng Anh!
Gate Five vs Beyonce
Gate Five - một nhà sản xuất game nhỏ nhưng lại có tham vọng khá lớn. Cuối năm ngoái 2010, họ bắt tay cùng ngôi sao Beyonce để tung ra một sản phẩm trò chơi âm nhạc đình đám mang tên Starpower: Beyonce. Có lẽ vì quá mong chờ muốn tạo nên cơn sốt nên nhà sản xuất này đã sai lầm khi chọn đối tác của mình là một ngôi sao với tính cách khá đỏng đảnh.
Sau khi mọi thỏa thuận trong hợp đồng được cả 2 bên gật đầu đồng ý, Beyonce bỗng dưng giở bệnh “sao”, rút khỏi dự án và đặt ra điều khoản với số tiền khổng lồ. Gate Five không thể đáp ứng được nhu cầu của “đối tác” và đành phải hủy bỏ dự án. Hậu quả để lại là họ phải chịu tổn thất nặng nề và phải cho 70 nhân viên ra "đứng đường" do lịch phát hành game dự kiến diễn ra đúng vào dịp Giáng Sinh.
Đầu năm nay, Gate Five không đành chịu “ngậm tăm” và đưa đơn kiện với khoản bồi thường khá “lố bịch” lên tới 100 triệu USD (dĩ nhiên đây chỉ là dự kiến lợi nhuân của họ khi game ra mắt). Phiên tòa kết thúc, bị đơn Beyonce phải bồi thường cho nguyên đơn 6 triệu USD, tuy nhiên có lẽ khoản tiền này cũng không thể nào bù đắp nổi tổn thất mà Gate Five phải hứng chịu.
Beyonce phải nhận một bài học về tính kiêu kỳ thái quá, trong khi nhà sản xuất Gate Five cũng rút ra kinh nghiệm "xương máu" rằng không nên quá tham vọng và cũng không nên bắt tay với “sao” ca nhạc nào nữa.
Đây có lẽ là vụ đấu khẩu quyết liệt và cũng là thú vị nhất làng game từ trước đến nay. Silicon Knights và Epic Games, kẻ tám lạng người nửa cân, không ai chịu nhường ai và cũng gần năm năm rồi chưa phân rõ thắng bại.
Vụ kiện bắt đâu từ năm 2007 đến giờ vẫn chưa có hồi kết. Tóm tắt lại một cách ngắn gọn, Silicon Knights buộc tội Epic Games đã phá hoại công nghệ Unreal Engine 3 vì họ đã cấp phép cho các nhà phát triển game khác được sử dụng. Unreal Engine 3 là một công nghệ đồ họa game tuyệt vời, nó được sử dụng trong rất nhiều tựa game bom tấn như Gears of War, Gears of War 2, Batman: Arkham Asylum, Mirror's Edge, BioShock, Mass Effect...
Trong khi đó, sự bắt tay giữa Silicon Knights và Epic Games trong một dự án mang tên Too Human lại chẳng đi đến đâu. Hứng chịu thất bại, từ bạn hóa thù, Silicon Knights đệ đơn kiện Epic Games vì lý do làm giảm tiến độ và chất lượng của dự án game. Chủ tịch của SK, ông Denis Dyack không ngại ngần phát biểu với báo giới về việc ông và studio của mình đã bị "ngược đãi" và đối xử tệ bạc như thế nào.
Mỗi bên đều đưa ra những lập luận rất vững vàng và sẽ chưa ngã ngũ cho đến khi vụ kiện được đưa ra tòa án liên bang trong thời gian tới đây. Cho dù bên nào thắng kiện, thì ai cũng đều sẽ phải chấp nhận những tổn thất nhất định. Trong con mắt nhiều người dân Mỹ, đây giống như một cuộc tranh cãi trẻ con hơn là một vụ kiện giữa 2 nhà sản xuất game quy mô lớn.
Chúng ta sẽ tiếp tục với phần 2 của loạt bài viết này để đến với những vụ kiện không kém phần ngớ ngẩn. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết sau!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng