Ninja Van – startup được đại gia Grab "chọn mặt gửi vàng": CEO làm 22 tiếng 1 ngày, ngủ tại văn phòng, không tuyển người có kinh nghiệm
Vào cuối tháng 4, thị trường giao nhận Việt Nam bỗng dậy sóng sau cái bắt tay giữa Grab và Ninja Van. Tại sao một startup “lạ lẫm” lại khiến các đối thủ đã có vị thế trên thị trường phải khiếp sợ đến thế?
- Bộ Thông tin và Truyền thông: Nên coi Grab, Go-Viet là chủ thể mới, cần tăng khả năng cạnh tranh cho taxi truyền thống thay vì giảm khả năng cạnh tranh của taxi công nghệ
- Grab vừa cho Momo thấy như thế nào là "mạnh vì gạo, bạo vì tiền": Hóa đơn tiền điện 500.000 đồng, nhưng nộp qua Grabpay by Moca chỉ mất 400.000 đồng
- Tại sao trò đùa Grab Xích Lô khiến nhiều người mắc bẫy? Vì nó quá hợp lý với tham vọng siêu ứng dụng của Grab
Tinh thần khởi nghiệp
Tìm mãi mà vẫn không kiếm được chiếc áo sơ mi nào phù hợp, Lai Chang Wen quyết định bỏ công việc đang ổn định tại ngân hàng Barclays để lao vào thị trường bán lẻ đầy rủi ro với nhãn hiệu quần áo nam của riêng mình.
Và quyết định đó ngay lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội từ cha mẹ, bà Siang cho hay: "Tôi rất sốc khi nghe tin từ con trai, đang làm ổn định trong ngân hàng, tại sao lại bỏ sang kinh doanh thời trang?"
Bất chấp những lời khuyên ngăn, Chang Wen cho rằng nhiệm vụ của giới trẻ là giải quyết những vấn đề của xã hội bằng công nghệ và nhiệt huyết.
Không chỉ một, chàng cựu nhân viên ngân hàng quyết tâm thành lập 2 startup cùng một lúc, đó là Marcella - thương hiệu thời trang thiết kế nam và Get Fitted – công cụ đo đạc mức độ phù hợp giữa quần áo trên mạng với số đo người dùng.
Cả hai đều là những trăn trở lớn nhất của Chang Wen, anh nói: "Tôi ít khi tìm được một chiếc áo may sẵn phù hợp, còn quần áo thiết kế thì lại quá đắt so với sản phẩm trên mạng."
Nhưng ý tưởng tốt thôi vẫn chưa đủ, khi đi vào vận hành, số khách hàng mà Marcella và Get Fitted "cực khổ" kiếm được liên tục bị các đối tác bên thứ 3 đánh mất. Tệ nhất trong đó chính là dịch vụ vận chuyển, những đơn hàng ít ỏi của Chang Wen liên tục bị giao nhầm, giao trễ, hoặc thậm chí là thất lạc.
"Khách hàng hoàn toàn không biết hàng hóa mình ở đâu, rất nhiều người phải gác mọi công việc để ở nhà chờ hàng đến. Nhưng đơn hàng lại có thể trễ và thất lạc bất cứ lúc nào."
Thua keo này, ta bày keo khác
Không chịu bỏ buộc, Chang Wen một lần nữa lao vào giải quyết vấn đề, vào năm 2014, anh chàng 27 tuổi thành lập công ty logistics Ninja Van với 2 người bạn trong lúc cả 3 lại chẳng có tí kinh nghiệm gì về vận chuyển. "Lúc đó tôi chỉ biết ngồi nhà và nhận hàng" - Chang Wen cho hay.
Ba nhà sáng lập của Ninja Van: Chang Wen Lai, Shaun Chong và Boxian Tan
Vì đã từ bỏ công việc ổn định và một lần thất bại, Chang Wen biết rằng mình cần phải cố gắng hơn nếu muốn thành công và quyết định đem hẳn chiếu ngủ vào văn phòng.
"Phải tự mình lo hết mọi chuyện, tôi và những người bạn phải làm ngoài giờ mỗi ngày và không bao giờ dám rời xa chiếc điện thoại. Tôi gần như không còn thấy mặt người thân và bạn bè, bao nhiêu cuộc hẹn đã bị hủy vào phút chót vì sự cố phát sinh, dần rồi tôi chỉ còn biết đến công ty." - Chang Wen cho hay.
Tất cả những nỗ lực trên đến từ cam kết "giao hàng 1 ngày" của Ninja Van, dịch vụ lần đầu tiên có mặt tại đảo quốc sư tử, quốc gia hiện chỉ có một hệ thống bưu điện chậm chạp.
Trong thời gian đầu, cả ba nhà sáng lập phải làm liên tục 22 giờ mỗi ngày, ngủ ngay tại văn phòng và sẵn sàng lao vào nhận hàng, lưu kho và chạy đi gửi hàng để đảm bảo cam kết.
"Những tháng đầu chẳng khác gì địa ngục, mọi thứ đều rối tung lên, chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu." - Chang Wen cho hay.
Kho hàng của Ninja Van
Nhưng dù khó khăn đến mấy, Chang Wen vẫn từ chối tuyển những nhân sự có kinh nghiệm trong ngành logistics, không phải vì công ty thiếu tiền trả lương, mà vì Chang Wen sợ những nhân sự này sẽ hướng công ty theo "lối mòn" kém hiệu quả.
Thay vì sử dụng hệ thống tiếp nhận qua giấy tờ truyền thống, cả ba quyết định công nghệ và thuật toán sẽ là nền tảng cho mọi hoạt động, những gói hàng đầu tiên được phân tích kỹ lưỡng đến từng phút, từ lúc nhận hàng cho đến tận tay khách hàng.
Ninja Van cũng đầu tư hẳn một thuật toán để tối ưu hóa quá trình giao hàng, giúp tài xế vừa hoàn thành nhiều đơn hàng, vừa tiết kiệm được nhiên liệu.
Không những thế, Ninja Van còn áp dụng hệ thống "crowdsourcing" vào giờ cao điểm, giúp công ty nhanh chóng kêu gọi sự trợ giúp từ các đối tác và nhân viên bán thời gian, vừa giảm tải cho nhân viên toàn thời gian, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, Chang Wen cho hay: "Ngay từ những ngày đầu gia nhập, các kỹ thuật viên liền được yêu cầu ra nhận hàng, kiểm đếm kho và trực tiếp giao hàng để biết được quy trình hoạt động thực tế của công ty. Còn những nhân viên vận hành luôn được huấn luyện về sản phẩm, công nghệ … mà các phòng ban khác đang sử dụng"
Kết quả
Chưa đầy 2 năm vận hành, Ninja Van đã tự hào sở hữu hơn 200 xe bán tải và nhanh chóng gọi được 2,5 triệu USD Series A.
Để vươn ra khỏi quê nhà Singapore, Ninja Van tiếp tục gọi thành công 30 triệu USD vào năm 2016, trong đó chủ yếu là vốn từ B Capital.
Eduardo Saverin của quỹ đầu tư B Capital
Saverin – đại diện của B Capital cho hay: "Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, Chang Wen đã minh chứng được bản thân, anh ta sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được thành công.
Chúng tôi cũng chẳng cần nhìn đâu xa khi ngay trong phòng họp là bộ chăn mền mà anh ấy đang dùng để ngủ mỗi tối. Nó minh chứng cho quyết tâm của Chang Wen."
Ngoài ra, Ninja Van còn được giới chuyên gia đánh giá cao khi tạo được một môi trường làm việc mà mọi người đều biết rõ việc làm của nhau, sẵn sàng "lao vào hỗ trợ" nếu cần thiết.
Không những thế, khách hàng của Ninja Van cũng có khả năng quản lý và theo dõi toàn bộ hoạt động vận chuyển, tương tự như cách Uber và Grab cung cấp thông tin cho người dùng.
Với những lợi thế trên, Ninja Van nhanh chóng trở thành đối tác vận chuyển của các sàn thương mại lớn, đặc biệt là Lazada của Alibaba.
Đến đầu năm 2018, Ninja Van tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi gọi được tổng cộng 87 triệu USD tiền vốn Series C, biến đây trở thành startup logistics có số vốn "khủng" nhất Đông Nam Á, và cũng là một trong những startup lớn nhất trong khu vực.
Và đó chính là lý do mà Ninja Van đã được "đại gia" Grab "chọn mặt gửi vàng" vào đầu năm 2019, startup này sẽ giúp vận chuyển đơn hàng của khách Grab khắp mọi miền Việt Nam – thị trường mà trước giờ vẫn nằm trong tay của các doanh nghiệp Việt như VNPost, Viettel Post, Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm …
Mô hình vận hành "vi diệu" của Ninja Van kết hợp với túi tiền "không đáy" của Grab, một cái bắt tay đảm bảo mang đến "thảm họa" cho các đối thủ trên thị trường.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng