Nở rộ cách kiếm tiền mới trên TikTok: Đăng 3 video mỗi ngày, kiếm về hơn 20 triệu/tuần - Làm giàu quá dễ?
Chỉ cần làm việc vài giờ mỗi ngày, người đăng bài có thể kiếm được 1000 USD/tuần. Lời hứa hẹn nghe rất lôi cuốn, nhưng thực hư ra sao?
Giấc mơ làm giàu từ đăng lại nội dung trên TikTok
Kể từ tháng 6, Li Na, 27 tuổi, dành ít nhất hai giờ mỗi ngày cho công việc phụ trên TikTok. Cô đăng tối đa ba video trang điểm trên tài khoản cá nhân hàng ngày, với nội dung chia sẻ các mẹo và mô tả những thay đổi ấn tượng trước và sau.
Nhưng Li không tự làm ra bất kỳ video nào. Thay vào đó, cô tìm các clip lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Douyin, Bilibili và Xiaohongshu, sau một vài chỉnh sửa nhẹ, cô đăng lại chúng lên TikTok.
Li và nhiều người khác đăng những video này với hy vọng chúng cũng sẽ lan truyền tương tự trên TikTok, giúp họ kiếm thu nhập thông qua Quỹ sáng tạo của ứng dụng hoặc từ hoạt động tiếp thị liên kết.
Cách làm này được gọi là banyun trong tiếng Trung Quốc, được hiểu là "chuyển đổi" hoặc "đăng lậu". Hình thức thu hút rất nhiều sự chú ý trong năm qua, khi có các "chuyên gia" và những người ảnh hưởng triển khai các buổi đào tạo về cách kiếm tiền thông qua banyun.
Họ hứa rằng sau khi được đào tạo, bất kỳ ai cũng có thể thu được lượng lớn người theo dõi trên TikTok và kiếm tiền bằng cách quảng cáo sản phẩm, chỉ bằng vài giờ làm việc mỗi ngày.
Nhưng các chuyên gia này đang bán một giấc mơ lỗi thời và sai lầm, George Gu, người sáng lập NewMe, công ty thương mại điện tử mạng xã hội chuyên về TikTok, nói với Rest of World.
Chính sách nền tảng của TikTok không cho phép đăng bất kỳ nội dung nào vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Nếu bị báo cáo, những tài khoản đó có nguy cơ bị xóa, đình chỉ hoặc chấm dứt vĩnh viễn.
Jamie Favazza, người phát ngôn của TikTok, viết trong email gửi tới Rest of World: "Banyun không được phép xuất hiện trên TikTok và chúng tôi xóa nội dung cũng như cấm các tài khoản có hành vi này ngay khi phát hiện ra".
Mindy Liu, 22 tuổi, quyết định thử banyun sau khi đọc một bài đăng trên ứng dụng truyền thông xã hội về phong cách sống Xiaohongshu về người phụ nữ bắt đầu kinh doanh thương mại điện tử trên TikTok tại nhà.
Liu đã liên hệ với Xindi Consulting, tài khoản đăng bài và nhanh chóng được kết nối với một "người cố vấn" trên WeChat. Người cố vấn nói về mọi thứ nghe có vẻ rất dễ dàng, cho biết Liu có thể nhanh chóng tạo ra thu nhập 1.000 USD (hơn 20 triệu đồng) mỗi tuần từ Quỹ sáng tạo của TikTok và hoạt động tiếp thị liên kết.
Người cố vấn của Liu cũng báo khoản phí đào tạo là 550 USD, chiếm hơn một nửa số tiền tiết kiệm của cô. Sau cùng, cô vẫn quyết định chi trả.
Đổi lại, Liu nhận được tập tài liệu khổng lồ dài hơn 100 trang, nêu chi tiết các bước cần thực hiện. Cô chọn các sản phẩm gia dụng làm lĩnh vực kinh doanh và lùng sục trên mạng xã hội Trung Quốc để tìm các video phổ biến về các mẹo tổ chức và thủ thuật sản phẩm.
TikTok bị chặn ở Trung Quốc, vì vậy Liu cần một mạng riêng ảo (VPN) đáng tin cậy; cô mua dịch vụ từ người cố vấn với giá thêm 70 USD/năm. Cô sử dụng ứng dụng CapCut để chỉnh sửa video, đồng thời cắt và lật hình ảnh từ trái sang phải để tránh vi phạm bản quyền.
Li, người quản lý tài khoản chuyên về nội dung trang điểm, cũng xóa một khung hình sau mỗi 2–3 giây của video trước khi đăng lại lên TikTok. Sự khác biệt dẫn đến chất lượng video gần như không thể bị phát hiện ra bởi con người, điều mà cô được hứa rằng chỉ cần như vậy là đủ để đánh lừa TikTok.
Phần thưởng không bao giờ đến
Bất chấp những nỗ lực, phần thưởng không bao giờ đến. Sau hai tháng, tài khoản trang điểm của Li chỉ có 84 người theo dõi. Mặc dù các video cô đăng lại rất nổi tiếng trên Douyin nhưng chúng chỉ thu được hơn vài trăm lượt xem trên TikTok. Hầu hết có ít hơn 10 lượt thích.
Liu cố gắng liên hệ với người cố vấn trên WeChat nhưng nhận ra họ đã biến mất: Tài khoản của họ đã bị xóa. Liu nói với Rest of World: "Bây giờ tôi đang rất đau khổ về tinh thần và tài chính. Tôi bắt đầu làm banyun trên TikTok vì không có nhiều tiền. Giờ thì tôi mắc nợ vì phí đào tạo".
Ngay cả những người đăng banyun đạt được mức độ thành công nhất định cũng phải vật lộn để duy trì.
Xiaoting Wang trả cho một cố vấn banyun khoảng 700 USD để bắt đầu công việc kinh doanh. Có sẵn nền tảng về chỉnh sửa video, cô nhận thấy việc chỉnh sửa và đăng lại video rất dễ dàng và bắt đầu tạo một vài tài khoản chuyên về thú cưng vào tháng 10 năm ngoái.
Đến tháng 2 năm sau, một trong những tài khoản phát triển đủ lớn để tham gia Quỹ sáng tạo của TikTok - bước cuối cùng được cho là để làm giàu trong vở kịch banyun.
Nhưng thu nhập của Wang kể từ đó vẫn ở mức từ 1 đến 3 USD, thấp hơn nhiều so với mức 100 USD một ngày mà người cố vấn đã hứa. Khi liên hệ với người cố vấn để xin thêm lời khuyên, họ biến mất.
"Nó đã suy tàn", Wang nói với Rest of World. "Tôi bắt đầu thấy ba giờ mỗi ngày bỏ ra không đáng giá."
Vào tháng 5, cô bán toàn bộ tài khoản cho một công ty phát trực tiếp với giá 2.000 nhân dân tệ (278 USD).
Bất chấp những khó khăn, Li và Liu vẫn chưa từ bỏ TikTok. Li dự định tạo video trang điểm của riêng mình với hy vọng nó sẽ thành công hơn là ăn cắp nội dung từ nơi khác.
Trong khi đó, Liu chuyển sự chú ý sang TikTok Shop, nền tảng thương mại điện tử mới của ByteDance.
Cô đã tham gia một nhóm WeChat có tên là "Người chơi TikTok", gồm những người làm nội dung và người bán sản phẩm. Tất cả đều đang tìm kiếm cách thức kiếm tiền từ tài khoản cá nhân, tận dụng tối đa những gì họ cảm thấy là sự phát triển tất yếu của thương mại điện tử TikTok trên toàn thế giới.
"Người Trung Quốc đã quen với mua sản phẩm trên Douyin. Việc người nước ngoài bắt kịp nó chỉ là vấn đề thời gian", Liu đánh giá.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng