Nói nhưng không ai tin mình, nhà khoa học này tự uống vi khuẩn vào bụng để chứng minh một giải Nobel
Đến giờ, ông vẫn chưa từ bỏ được niềm vui tự lấy thân mình làm thử nghiệm.
Cuối thể kỷ 19 cho đến hơn 100 năm sau đó, viêm loét dạ dày vẫn được các bác sĩ chẩn đoán như một triệu chứng của căng thẳng thần kinh, hay còn gọi là stress.
Thật khó tin, nhưng quan niệm sai lầm này mới chỉ chấm dứt vào năm 1984, sau khi Barry Marshall, một bác sĩ người Australia, tự mình uống vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) để chứng minh nó mới là nguyên nhân thực sự của tình trạng loét dạ dày.
Sự dũng cảm đã mang về cho Barry Marshall một giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2005, ghi nhận những phát hiện của ông về vi khuẩn Helicobacter pylori và chứng viêm loét dạ dày tá tràng.
Hiện đang công tác tại Đại học Tây Úc, thỉnh thoảng bác sĩ Barry Marshall vẫn lấy chính cơ thể mình ra làm thử nghiệm. Ông là một tấm gương điển hình trong số hàng trăm nhà nghiên cứu thích "hiến thân" cho khoa học.
Trộn vi khuẩn vào súp để uống, Barry Marshall đã nhận được giải Nobel cho phát hiện của mình
"Đã từng có một quan niệm cổ hủ cho rằng căng thẳng gây ra loét dạ dày, và nó đã tồn tại tới gần 100 năm khiến không ai còn nghi ngờ nó nữa", tiến sĩ Barry Marshall nói.
"Không ai thực sự biết bằng chứng cho điều này đến từ đâu. Trên thực tế, có một vài thí nghiệm với những tác nhân khác [có thể gây loét dạ dày], nhưng chúng không bao giờ được lặp lại, không bao giờ có cơ hội vì chỉ được thực hiện một lần. Các nhà nghiên cứu cứ lái [kết quả] sao cho nó phù hợp với quan niệm cũ của mọi người, và mọi chuyện cứ diễn ra như thế mãi".
Năm 1981, Marshall đang học năm thứ ba trong một chương trình học bổng y khoa. Ông làm việc với Tiến sĩ Robin Warren, bác sĩ trưởng Khoa Bệnh học tại Bệnh viện Hoàng gia Perth. Warren đề nghị Marshall xem xét một mô hình kỳ quặc mà ông ấy nhận thấy: các bác sĩ khác gửi cho Warren những bệnh nhân bị loét dạ dày nặng, và tất cả họ đều bị nhiễm một vi khuẩn đặc biệt sống trong ruột gọi là Helicobacter pylori.
Marshall nghi ngờ những con vi khuẩn này có liên quan đến các vết loét. Do đó, ông bắt đầu lên ý tưởng nuôi cấy Helicobacter pylori và thực hiện thí nghiệm.
Ban đầu, Marshall chỉ thực hiện thí nghiệm trên chuột và lợn. Nhưng những con vật uống Helicobacter pylori không hề có dấu hiệu bị loét dạ dày, khiến cho ý tưởng đó đi vào bế tắc.
Các bác sĩ khác và cả cộng đồng các nhà nghiên cứu đều quay lưng với giả thuyết của Marshall, tiếp tục cho rằng vi khuẩn không phải nguyên nhân của loét dạ dày.
Mặc dù vậy, Marshall vẫn kiên trì. Ông có một vài bệnh nhân sau khi uống kháng sinh đã khỏi những vết loét, điều này càng củng cố niềm tin của ông. Cuối cùng, để chứng minh điều đó Marshall quyết định thử nghiệm Helicobacter pylori trên người, thực tế, với chính cơ thể mình.
"Tôi đã nuôi vi khuẩn trong đĩa petri rồi cho vào súp thịt bò nướng, sau đó tôi uống những con vi khuẩn ấy", Marshall nói.
Trong vòng 5 ngày sau đó, ông bắt đầu nôn mửa do nhiễm trùng. Nội soi được thực hiện để tìm kiếm những vết loét trong dạ dày của Marshall và đúng như dự đoán, chúng đã bắt đầu xuất hiện.
Hiện đang công tác tại Đại học Tây Úc, thỉnh thoảng bác sĩ Barry Marshall vẫn lấy chính cơ thể mình ra làm thử nghiệm
Phải mất gần một thập kỷ nghiên cứu sâu hơn để Marshall chứng minh hoàn toàn giả thuyết của mình. Nhưng cuối cùng, cộng đồng y tế đã chấp nhận phát hiện của Marshall.
Từ đó, những bệnh nhân viêm loét dạ dày mới được chỉ định làm xét nghiệm nhiễm khuẩn H. pylori. Nếu có, họ sẽ được điều trị khỏi bằng kháng sinh, thay vì tiếp tục có những vết loét mạn tính làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng