Nokia đã đến lúc cần một cuộc "thay máu", Windows Phone sẽ là dấu chấm hết?
"Con đường đến địa ngục đã được lát vàng, vui lòng đi đường khác thôi." Đó là suy nghĩ của các cổ đông Nokia trong cuộc họp thường niên vừa diễn ra.
Trong vài năm qua, cựu vương một thời Nokia luôn trung thành tuyệt đối với nền tảng Windows Phone của Microsoft. Tưởng như Windows Phone 7 đã trở thành cái kết không có hậu dành cho hãng điện thoại Phần Lan nhưng phải nói rằng thật phi thường, Nokia vẫn đứng dậy và tiếp tục phát triển với Windows Phone 8. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Pierre Ferragu đến từ công ty tư vấn Bernstein Research: “Đã đến lúc Nokia chuyển sang nền tảng Android”.
Đây là vấn đề không hề mới mà chúng ta đã đưa ra mổ xẻ từ rất lâu rồi nhưng Ferragu cho rằng Nokia không còn nhiều thời gian nữa: “Nokia cần một liều thuốc trước khi không còn khả năng tự quyết định số phận của mình”. Cách đây không lâu, hãng điện thoại Phần Lan đã khai tử Symbian, hiện nay, hãng chỉ còn tập trung kinh doanh điện thoại chạy Windows Phone và các feature phone giá rẻ.
Feature phone không phải giải pháp bền vững
Có thể nói feature phone đã từng là nguồn sống chủ yếu của Nokia khi doanh số điện thoại Windows Phone 7 cực kỳ ảm đạm. Đến giờ nó vẫn đóng góp rất nhiều cho hãng, mỗi quý Nokia có thể tiêu thụ tới 50 triệu chiếc điện thoại giá rẻ, chủ yếu ở thị trường các nước đang phát triển (châu Á, châu Phi và Mỹ latinh). Nhưng đây không thể trở thành giải pháp dài hạn của tương lai. Bởi lẽ rào cản về giá giữa feature phone và smartphone đang ngày càng thu hẹp. Smartphone đang có xu hướng trở thành một món hàng bình dân nhưng so với feature phone rõ ràng nó sở hữu nhiều tính năng hơn hẳn. Thậm chí hiện nay, Samsung cũng đang sản xuất những chiếc smartphone với giá bán cực rẻ, đơn cử như Samsung Rex 60 C3312R hỗ trợ màn hình cảm ứng rộng 2,8 inch, giao diện Samsung TouchWiz, 2 sim 2 sóng online và có giá bán chính hãng chỉ 1,3 triệu đồng.
Nhưng feature phone vẫn có rất nhiều ưu điểm mà chúng ta đã công nhận từ rất lâu là nó rất rẻ và có độ bền tốt. Song sự giới hạn về chức năng, chủ yếu phục vụ nghe gọi và nhắn tin khiến feature phone gần như không tạo thêm được sức hấp dẫn gì khác. Bên cạnh đó, nếu không có các ứng dụng để truy cập chúng, không có nền tảng lâu dài thì hầu như các feature phone cũng không có giá trị cho nhà cung cấp dịch vụ. Trong thế giới đang phát triển, các mạng di động thường là hình thức truy cập Internet đáng tin cậy, việc sở hữu 1 chiếc điện thoại có thể tận dụng lợi thế này là điều vô cùng quan trọng. Tại Mỹ và châu Âu, sự lây lan của các mạng xã hội đang giúp tăng thị phần smartphone một cách nhanh chóng. Theo dự đoán, đến năm 2018, kỷ nguyên của điện thoại feature phone sẽ chấm dứt hoàn toàn.
Windows Phone tồn tại nhiều “bất cập”
Thực sự nếu so sánh với Android hay iOS, đúng là Windows Phone vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là một nền tảng khá non trẻ nhưng khi mà Android hay iOS ngày càng trở nên hoàn thiện thì người dùng Windows Phone vẫn phải “cam chịu” sống thiếu nhiều tính năng tưởng chừng rất đơn giản. Với người dùng Việt đó là bộ gõ Telex chuẩn, thanh thông báo, khóa xoay màn hình, hệ thống điều chỉnh âm thanh riêng biệt cho chuông, nhạc hay loa ngoài…
Cuộc cạnh tranh trong chính thị trường Windows Phone cũng không hề đơn giản. Đã có rất nhiều nhà sản xuất trình làng các sản phẩm chạy Windows Phone, nhưng ngoài Nokia thì Samsung, HTC, Huawei đều lặng lẽ rút lui. Sở dĩ Nokia có được vị thế độc tôn trên mảnh đất Windows Phone là vì hãng có những thế mạnh trong thiết kế và công nghệ. Song nhìn lại doanh số tiêu thụ điện thoại Lumia đã nói lên tất cả.
Trong 24 tháng qua (tính từ khi Nokia công bố lựa chọn nền tảng Windows Phone), hãng điện thoại Phần Lan bán được khoảng 20 triệu điện thoại Lumia. Cùng thời gian đó, Apple bán ra 248 triệu iPhone còn doanh số smartphone Android vượt mức 800 triệu máy, dẫn đầu là Samsung. Hiện tại, Android đang thống lĩnh thị trường smartphone toàn cầu với thị phần lên tới 75%, iOS nằm ở vị trí á quân với 17% còn Windows Phone chiếm vỏn vẹn 3,1%.
Quý IV/2012, Nokia bán được 4,4 triệu smartphone Lumia, 700.000 chiếc ở Bắc Mĩ. Quý I/2013, lượng Lumia được bán gia tăng lên 5,6 triệu, 400.000 ở Bắc Mĩ. Những con số này thực sự nhỏ bé bởi nó không làm tăng lợi nhuận hãng thu được là bao. Trong báo cáo tài chính thường niên công bố vài tháng trước, Nokia co biết đã phải trả cho Microsoft 650 triệu USD tiền bản quyền Windows Phone. Năm 2012, Nokia mất khoảng 3 tỉ USD lợi nhuận, lợi nhuận quý IV/2012 của hãng có sự khởi sắc là dương 585 triệu USD. Tuy nhiên trớ trêu thay phần lớn đến từ kết quả kinh doanh của hệ thống mạng Nokia-Siemens chứ không phải mảng kinh doanh smartphone. Có lẽ đây cũng là lý do Nokia đã sẵn sàng để mua lại 50% Siemens Networks của Đức với giá 1,7 tỷ Euro, thương vụ này sẽ sử dụng nguồn nợ ngắn hạn để thực hiện.
Một vài tháng trước, người dùng rất kỳ vọng vào việc Nokia sẽ công bố những sản phẩm chiến lược của mình. Nhưng rút cuộc, Lumia 925 hay 928 không đủ sức khỏa lấp những kỳ vọng lớn đã đặt ra. Ngay lập tức, Nokia phải đối mặt với rất nhiều sức ép từ các cổ đông và nhà đầu tư. Họ cho Elop 2 năm khi ông này tuyên bố chắc nịch là “ Windows Phone sẽ giúp công ty cạnh tranh với Samsung và Apple”. Tuy nhiên, đã hơn một năm trôi qua, với đà thay đổi chậm chạp này có thể Elop sẽ cần nhiều thời gian hơn thế. Tại hội nghị thường niên của Nokia vừa được tổ chức ở Helsinki, ông Hannu Virtanen, đại diện các cổ đông của Nokia đã tuyên bố: “Stephen Elop là một người tốt…, bộ máy quản lý đang làm việc hết sức, nhưng như vậy là chưa đủ. Mọi người có thấy những cảnh báo từ kết quả vừa rồi? Con đường đến địa ngục đã được lát vàng, vui lòng đi đường khác thôi.”
Chọn Android vào lúc này có phải lối thoát dễ dàng cho Nokia?
Hiện nay, nếu định thực hiện một cuộc thay máu, không có nền tảng nào tốt hơn Android của Google. Bởi điểm qua những cái tên như Firefox OS, Ubuntu hay Sailfish đều còn quá non trẻ về tính năng và lượng ứng dụng hỗ trợ.
Nếu 2 năm trước, vào thời điểm đầu 2011, khi mà hợp đồng cũ Nokia ký với Microsoft chính thức kết thúc, hãng điện thoại Phần Lan quyết định chuyển hướng sang Android thì có thể mọi chuyện sẽ khác. Đó cũng là lúc mà Samsung mới đang chập chững lên đỉnh và sau đó soán ngôi vương của Nokia vào năm 2012.
Nhưng thời điểm này, một cuộc thay đổi là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hãng điện thoại Phần Lan. Bởi hiện nay, không chỉ Samsung, mà cả LG, Sony và HTC họ cũng đang rất khát khao trở lại. Tất cả các nhà sản xuất này đều có một lực lượng sản phẩm hùng hậu trải rộng toàn bộ thị trường từ phân khúc cao cấp đến những dòng điện thoại giá cực rẻ. Không chỉ đầu tư về số lượng, mỗi nhà sản xuất cũng đang dần chú ý phát triển các công nghệ mới bởi họ ý thức được rằng việc chỉ đi cóp nhặt các công nghệ từ hãng khác mà không đẩy mạnh khâu R&D sớm muộn cũng khiến mình đi vào con đường cụt.
Đó là những thách thức mà Nokia sẽ phải đối mặt. Tất nhiên chuyển sang Android, Nokia cũng không thể đặt ngay mục tiêu là lật đổ Samsung hay lấn lướt Apple. Nhưng giống như Sony hay LG, họ vẫn âm thầm tồn tại và chiến đấu. Cộng với một lượng người dùng trung thành cực kỳ đông đảo trên toàn thế giới, các công nghệ độc quyền đặc biệt là camera và thiết kế “không đụng hàng”, cơ hội để Nokia lọt vào top 3 nhà sản xuất Android là vẫn có thể thực hiện được.
Nếu Nokia đồng ý chuyển đổi thì chắc chắn Google cũng rất sẵn lòng hỗ trợ bởi gã tìm kiếm khổng lồ luôn muốn lôi kéo càng nhiều nhà sản xuất về với mình càng tốt. Theo như hợp đồng ký với Microsoft, Windows Phone 8 sẽ được hỗ trợ đến ngày 8 tháng 7 năm 2014, nhưng đã đến lúc Nokia phải tự quyết định tương lai cho mình. Đông đảo người dùng và các nhà đầu tư đều đang muốn Nokia tiến tới Android.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng