Thị trấn Nokia ở Phần Lan vốn có cảnh sắc không mấy ấn tượng với vài căn hộ nép mình trong tuyết. Dọc theo con đường dài lê thê là các cửa hàng treo đầy biển giảm giá.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy nơi tù túng này lại là xuất phát điểm của một thương hiệu từng mang đến cuộc cách mạng điện thoại di động trên toàn cầu vào cuối những năm 1990. Nó cũng giúp Phần Lan đứng vào hàng ngũ những nước giàu của thế giới.
Thời hoàng kim của Nokia là đầu những năm 2000, khi hãng cung cấp đến 40% lượng điện thoại di động trên thế giới và là thương hiệu đầu tiên của Phần Lan nổi tiếng toàn cầu.
Ngay tại quê hương, tác động của Nokia còn lớn hơn. Theo viện nghiên cứu Kinh tế Phần Lan, Nokia đóng góp một phần tư tăng trưởng từ 1988 đến 2007, thời kỳ mà Bộ trưởng Tài chính Alexander Stubb gọi là "phép lạ kinh tế" với nước này.
Nokia nhanh chóng phát triển huy hoàng, và cũng mau tàn lụi. Thời điểm Nokia đánh mất ngôi vị thống trị cũng trùng với giai đoạn Phần Lan bước vào cơn suy thoái dài nhất trong lịch sử đất nước này. "Nokia rất lớn ở Phần Lan, dựa trên mọi con số. Và khi nó bị thu hẹp lại, chúng tôi không khỏi kinh sợ khi nghĩ về hậu quả", Kari Kankaala, Giám đốc phát triển Kinh tế và Đô thị của thành phố Tampere, Phần Lan, nói với với BBC.
Nokia là "xương sống của tất cả mọi thứ"
Tampere cách thị trấn Nokia tầm 15 phút lái xe. Đây là nơi Nokia đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của mình. Thời hoàng kim, trung tâm này có đến 4.000 nhân viên lành nghề. Ống khói bằng gạch đỏ cũ là bằng chứng cho cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra từ thế kỷ 19, nhưng những thăng trầm trong kinh doanh di động của Nokia mới làm nên lịch sử của vùng đất này.
"Nokia là xương sống của tất cả mọi thứ ở đây", ông Kankaala nói. "Các trường đại học dựa trên sự hợp tác với Nokia, các nhà thầu phụ thuộc vào Nokia, những đứa trẻ lớn lên với mong ước được làm việc cho Nokia", "Còn hiện giờ, tỷ lệ thất nghiệp ở đây rất kinh khủng, khoảng 14-15%", Kankaala cho biết.
Để lấp đầy khoảng trống của Nokia, các công ty công nghệ cao đã chuyển về đây. Với việc tập trung vào mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông, Nokia vẫn duy trì hình ảnh một doanh nghiệp Phần Lan thành công. Nhưng tình trạng bất ổn kinh tế rộng lớn ở Phần Lan cũng kéo theo việc ngày càng ít người kiếm được việc làm.
Hiệu ứng iPhone
Tại Tampere, các nhân viên cũ của Nokia vẫn chưa hiểu vì sao năm 2007, họ là cái tên dẫn đầu thị trường di động, nhưng đến 2014 đã bị Microsoft mua lại.
"Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân là chúng tôi đã thu nhỏ điện thoại của mình hơn so với Motorola", Mika Grundstorm, cựu quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Nokia ở Tampere chia sẻ. Theo Mike, Nokia đã theo đuổi việc tạo ra những chiếc điện thoại pin lâu nhất trong một kích thước nhỏ nhất có thể.
Mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi smartphone xuất hiện, đặc biệt là iPhone của Apple năm 2007.
"Mọi thứ dần trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Chúng tôi không còn nắm rõ mục tiêu của mình là gì nữa. Dễ sử dụng, pin lâu hay kích cỡ điện thoại?". "Nếu anh muốn pin, chúng tôi có các thiết bị có thể chạy được cả tuần. Nhưng rồi anh có điện thoại mới này, rất tuyệt vời, nhưng ngày nào cũng phải cắm sạc. Điện thoại như vậy sao mà bán?", Mike nói.
Chết chìm trong cơn bão smartphone nói chung và iPhone nói riêng, Nokia đã ngừng trò chơi cút bắt của mình vào năm 2014, khi mảng di động của công ty này được bán cho Microsoft.
"Phần Lan sẽ quay trở lại bản đồ công nghệ thế giới với những kỹ năng công nghệ cao và các công ty start-up", Toumas Kytomaa, cựu kỹ sư phần mềm của Nokia khẳng định. Ảnh: BBC.
Bất chấp sự sụp đổ của Nokia, nhiều người ở Phần Lan vẫn lạc quan với những di sản công ty này để lại. Đó chính là sự thay đổi trong văn hoá kinh doanh ở Phần Lan. Ngày càng nhiều những công ty khởi nghiệp thời "hậu Nokia" xuất hiện xung quanh thủ đô Helsinki.
Tuomas Kytomaa là một ví dụ. Anh là kỹ sư phần mềm, đã dành gần trọn đời làm việc cho Nokia. Năm ngoái, sau một thời gian ra nước ngoài, Toumas quay về Phần Lan, gia nhập hãng bán lẻ trực tuyến Zalando và mở một hãng công nghệ riêng.
Với Toumas, di sản mà Nokia để lại là rất nhiều người tài đang đợi được trọng dụng. "Những người tài không mất đi đâu cả", "Quy mô khổng lồ của Nokia ở Phần Lan cũng có nghĩa nơi này đang có cả biển nhân tài. Phần Lan đang trở lại với những nhân công công nghệ cao và các công ty khởi nghiệp", Toumas chia sẻ.
Dù tương lai của ngành công nghiệp công nghệ cao ở Phần Lan có ra sao đi chăng nữa, cũng có người tin rằng Phần Lan sẽ xuất hiện một Nokia thứ hai, với tầm ảnh hưởng lớn tương tự.
"Khi Nokia chiếm ưu thế trong mảng kinh doanh này, đã có rất nhiều điều tốt đẹp đến với Phần Lan", nhưng tình hình giờ đã thay đổi. Sự mới mẻ không đến từ các công ty lớn nữa, mà là từ công ty nhỏ - các công ty khởi nghiệp", Seppo Haataja, cựu quản lý tại bộ phận R&D của Nokia, chia sẻ.
Theo Zing
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng