Nước cờ mới của Samsung tại Việt Nam: Bắt tay với các nhà phân phối mở một loạt cửa hàng Brand Shop, cạnh tranh trực tiếp với Thế giới Di động, Điện máy Xanh?
Samsung Việt Nam vừa tiến thêm một bước trong việc phát triển hệ thống phân phối, với động thái khai trương Samsung Plaza tại Cầu Giấy. Đây là cửa hàng Samsung Plaza thứ 3 tại Việt Nam theo mô hình Brand Shop - nhãn hàng bắt tay với một nhà phân phối tại địa phương để mở và vận hành. Brand Shop này chỉ bán các sản phẩm của Samsung, sẽ có những model và chương trình ưu đãi độc quyền.
Mới đây, Samsung Việt Nam bắt tay với CTCP Quốc tế Samnec mở Samsung Plaza tại Cầu Giấy. Đây là cửa hàng Samsung Plaza thứ 3 tại Việt Nam theo mô hình Brand Shop - nhãn hàng bắt tay với một nhà phân phối tại địa phương để mở và vận hành.
"Đây là bước phát triển mới của Samsung trong việc phát triển hệ thống phân phối", ông Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc điều hành ngành hàng điện tử nghe nhìn Samsung Toàn quốc - chia sẻ với Trí thức trẻ.
Hệ thống phân phối mới của Samsung có cạnh tranh với các ông lớn bán lẻ điện thoại, điện máy Thế giới Di động?
Samsung Plaza Cầu Giấy gồm 3 tầng, trong đó ngành hàng Tivi được "ưu ái" ở tầng 1 với điểm nhấn là dòng Tivi Qled 8K đầu tiên trên thị trường Q900R. Các dòng Tivi cao cấp là một trong những sản phẩm được Samsung đẩy mạnh nhằm cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp này trong bối cảnh thị trường smartphone đang tăng trưởng ì ạch.
"Lợi nhuận ngành hàng điện thoại di động giảm do tính cạnh tranh cao ở thị trường tầm thấp đến tầm trung, công ty phải tăng chi phí bán hàng nhằm xả hàng tồn kho của các dòng điện thoại cũ", báo cáo Quý 2 của Công ty Điện tử Samsung Electronics (Samsung toàn cầu) cho biết.
Các cửa hàng Samsung Plaza có quy mô nhỏ hơn mô hình Showcase (quy mô hơn 1.000 m2, hiện đang đặt tại Bitexco Financial Tower, TPHCM), nhưng concept trưng bày, chất liệu trình bày, khu trải nghiệm… đều phải theo chuẩn cao nhất của Samsung, ông Tâm cho biết.
Kể từ giữa tháng 3, Samsung bắt đầu tăng cường hiện diện của mình với người tiêu dùng Việt Nam, mở đầu bằng việc ra mắt không gian trải nghiệm Samsung Showcase đặt tại trung tâm Sài Gòn. Mới tháng trước, Samsung liên tiếp ra mắt 3 cửa hàng trải nghiệm (SES - Samsung Experience Store) tại TPHCM, Bình Dương và Hải Phòng.
Nếu như 2 mô hình Showcase và SES tập trung vào trải nghiệm khách hàng, thì Samsung Plaza gánh 2 trọng trách: Trải nghiệm và Bán hàng. "Đấy là lý do Samsung Plaza thường mở ở những vị trí có cộng đồng dân cư tương đối đông. Đấy là 1 tiêu chí khi chúng tôi lựa chọn mặt bằng", ông Tâm nói thêm.
Sự góp sức của Samsung trong mô hình này gồm các hỗ trợ về marketing, trưng bày, đào tạo nhân viên bán hàng. Còn đối tác (với Samsung Plaza Cầu Giấy là Samnec) phụ trách công tác bán hàng, vốn đầu tư, vận hành.
Trả lời câu hỏi của Trí thức trẻ về tính cạnh tranh của mô hình này với các ông lớn hiện hữu đang bán lẻ các sản phẩm của Samsung tới tay người tiêu dùng như Thế giới Di động , ông Tâm cho rằng "nhìn thoáng qua thì có thể nói là có cạnh tranh".
"Nhưng nếu nhìn kỹ lại thì không phải như vậy. Người ta nói "Trăm người bán, vạn người mua". Khách hàng nhiều. Samsung Plaza cũng không phải cạnh tranh trực tiếp với các kênh hiện tại mà có thể bổ sung thêm vào hệ thống hiện tại. Các đại lý truyền thống mỗi ngày cũng mở ra vài store đến vài chục store, và vẫn bán tốt".
"Samsung luôn đưa ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, tiện ích tốt hơn cho sản phẩm của mình, để tăng sự thỏa mãn của khách hàng, tạo thêm nhu cầu mới cho họ... Thực ra như ngành Tivi của Việt Nam trong những năm gần đây phát triển rất mạnh so với các nước khác", Giám đốc điều hành ngành hàng điện tử nghe nhìn Samsung Toàn quốc cho biết.
Thị trường Việt Nam ở đâu trong chiến lược phát triển của Samsung?
Trên thế giới, có một vài thị trường Samsung nắm thị phần rất lớn. Thị phần nói chung của Samsung trên thế giới khoảng 35%. Một số thị trường đặc thù như quê nhà Hàn Quốc, Samsung nắm hơn 50% thị phần, một vài thị trường khác trong đó có Việt Nam, Samsung nắm trên 40%.
"Việt Nam là một trong những thị trường hải ngoại có thị phần cao nhất trên thế giới của Samsung, ngoại trừ Hàn Quốc. Thị phần Tivi của Samsung tại Việt Nam hiện ở mức 43%, rất cao so với mặt bằng chung trên thế giới", ông Tâm nói.
"Samsung xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm, cho nên chúng tôi đầu tư vào đây rất nhiều như nhà máy ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, khu công nghệ cao TPHCM… Vì xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm nên chúng tôi đầu tư Samsung Showcase ở Bitexco - là Showcase tiêu chuẩn toàn cầu. Xét về quy mô thì Showcase Bitexco lớn thứ 4 thế giới, bên cạnh Showcase tại Hàn Quốc, Dubai và Ý".
Mô hình Samsung Plaza, ông Tâm cho biết, được mở rất nhiều tại quê nhà Hàn Quốc. Bởi Samsung có lợi thế là sản xuất rất nhiều sản phẩm, từ điện thoại đến Tivi, các sản phẩm nghe nhìn đến máy giặt, máy lạnh, máy hút bụi, lò vi sóng, thậm chí các sản phẩm nhỏ hơn nhưng chưa xuất hiện tại Việt Nam.
"Samsung có lợi thế là sở hữu sản phẩm rất đa dạng, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, cho nên những mô hình như Samsung Plaza dễ phát triển hơn".
"Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm những vị trí tốt để cùng đối tác mở những mô hình thế này, vì nhu cầu trải nghiệm của người tiêu dùng ngày càng cao. Mô hình này đáp ứng đc nhu cầu đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm và tiếp tục mở trong tương lai", đại diện Samsung cho biết.
6 tháng đầu năm 2019, kết quả kinh doanh của Samsung không mấy khả quan. Quý 2, doanh thu của cả tập đoàn là 49 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế là 4,52 tỷ USD, giảm tới 53%. 6 tháng đầu năm, Samsung đã thu 94,7 tỷ USD và lãi 8,92 tỷ USD, giảm lần lượt 8,8% và 55% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh không khả quan của Samsung toàn cầu kéo lợi nhuận của Samsung Việt Nam đi xuống. Đồ họa: Minh Quân.
Để vớt vát kết quả kinh doanh của năm 2019, với mảng điện thoại (Mobile), Samsung nhắm tới việc đẩy mạnh doanh số với những model mới ở thị trường tầm thấp và tầm trung. Bên cạnh đó, tập trung vào các dòng sản phẩm Galaxy Note 10 và Galaxy Fold ra mắt trong Quý 3.
Vì tính cạnh tranh trên thị trường điện thoại thông minh được dự báo sẽ tăng trong nửa năm sau, Samsung đang lên kế hoạch đẩy mạnh dòng sản phẩm chính, đồng thời mở rộng doanh số của các sản phẩm khác bên cạnh smartphone.
Mảng Điện tử Tiêu dùng (Consumer Electronics) được kỳ vọng doanh số Tivi sẽ tăng lên theo thời vụ, bên cạnh việc tập trung vào các mẫu mã cao cấp. Bên cạnh đó, cung cấp các thiết bị gia dụng mới như tủ lạnh Bespoke và AirDressers.
Kênh bán hàng mới - D2C
Một quảng cáo của Samsung hiện lên newsfeed trên Facebook người dùng.
Bên cạnh việc tập trung vào sản phẩm, Samsung cũng mở rộng phát triển mạng lưới phân phối và bàn hàng.
Ngoài các cửa hàng vật lý (trải nghiệm/bán hàng) như Showcase, SES, Samsung Plaza, tập đoàn cũng đẩy mạnh phương thức bán hàng D2C (Direct to Customer), với lợi thế hệ sinh thái người dùng Samsung đông đảo. Hiện Samsung Việt Nam đang đẩy mạnh quảng cáo bán hàng trên Facebook, đường link dẫn thẳng tới trang chủ của Samsung Việt Nam.
Với việc bán hàng D2C, theo phân tích của ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Acesstrade Việt Nam, doanh nghiệp sẽ có 4 lợi thế:
1- Tăng trải nghiệm người dùng, theo đúng tiêu chí Customer Centric (đặt khách hàng làm trung tâm).
2- Tăng cường Customer Relationship (mối quan hệ với khách hàng), sở hữu khách hàng "thực". Nếu bán hàng qua Lazada hay các nền tảng khác, bạn không có data khách hàng. Bạn có thêm 1 giao dịch, nhưng không có thêm 1 khách hàng. Bạn không biết khách hàng của mình là ai.
"Giờ thì chúng tôi có thể "dọa" ngừng chơi với nhà sản xuất trong 3 tháng. Không có hàng của anh, tôi có thể bán hàng của người khác. Nhưng không có tôi, anh sẽ rớt doanh thu!"
3- Khi bán trực tiếp cho khách hàng và nắm được hành vi khách hàng, bạn có thể tận dung D2C như một kênh nghiên cứu thị trường.
4- Không bị phụ thuộc vào các nhà phân phối - bán lẻ khác. Khi một nhà phân phối - bán lẻ chiếm được thị phần khá lớn, ở cấp độ toàn cầu có thể nhìn vào Amazon, ở Việt Nam có thể lấy ví dụ như Điện máy Xanh hay Thế giới Di động, họ sẽ có "quyền mặc cả" trong tay.
Họ có thể thay đổi chính sách, có quyền đàm phán về chiết khấu.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới cách đây 3 năm, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cho biết: Mức biên lợi nhuận của Điện máy Xanh phụ thuộc vào "tầm" của nhà bán lẻ.
"Trước kia, với chiết khấu 10%, dù Điện máy Xanh có phàn nàn là chiết khấu thấp thì nhà sản xuất có thể nói "mua thì mua, không mua thì thôi. Giờ không ai dám nói vậy. Giờ nhà sản xuất sẽ xem xét xem có thể làm được gì, thảo luận nội bộ để cân nhắc tăng chiết khấu lên hay không. Nhiều khi chúng tôi gặp áp lực đến mức phải ngưng bán hàng. Chúng tôi đã từng phải ngưng bán một số sản phẩm", ông Tài nói.
"Giờ thì chúng tôi có thể "dọa" ngừng chơi với nhà sản xuất trong 3 tháng. Không có hàng của anh, tôi có thể bán hàng của người khác. Nhưng không có tôi, anh sẽ rớt doanh thu!", ông Tài nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng