Nước kém phát triển thứ hai trên thế giới khởi động dự án tiền điện tử

    Trung Khánh , Báo tin tức 

    Hai tháng sau quyết định sử dụng bitcoin làm tiền tệ chính thức, Cộng hòa Trung Phi đã đưa ra Dự án Sango phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình bất chấp việc nhiều nền tảng tiền mã hoá đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

    Ngày 3/7, Cộng hòa Trung Phi, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và đang chìm trong cuộc nội chiến kéo dài 9 năm, đã chính thức khởi động việc xây dựng đồng tiền điện tử của riêng mình mang tên Sango đồng thời cho biết sẽ tạo ra "trung tâm tiền điện tử đầu tiên của châu Phi" với mức thuế phí bằng 0.

    Nước kém phát triển thứ hai trên thế giới khởi động dự án tiền điện tử - Ảnh 1.

    Cộng hòa Trung Phi sẽ khởi động Dự án Sango dựa trên Bitcoin vào ngày hôm nay. Ảnh: the-news-page.com


    Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin Archange Touadéra đã đưa ra thông báo này trong một "sự kiện trực tuyến" để ra mắt "hệ thống kỹ thuật số mới ứng dụng công nghệ blockchain". Tuyên bố kể trên được đưa ra hai tháng sau khi Cộng hòa Trung Phi trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau El Salvador sử dụng bitcoin làm tiền tệ chính thức - cùng với đồng franc CFA - và hợp pháp hóa việc sử dụng tiền điện tử.

    Chưa có chi tiết cụ thể nào được đưa ra về các thể thức và thời gian tạo ra "Sango Coin" này cũng như "Crypto Island", một nền tảng cho phép đồng tiền ảo trên trở thành "chất xúc tác cho quá trình token hóa tài nguồn nguyên thiên nhiên dồi dào" của Cộng hòa Trung Phi.

    "Sáng kiến Sango", tên của ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Pháp tại Cộng hòa Trung Phi, xuất hiện vào lúc tiền điện tử trên thế giới đang rơi vào khủng hoảng, nơi giá bitcoin rơi tự do và nhiều nền tảng tiền điện tử có nguy cơ phá sản.

    Vào cuối tháng Tư, việc Cộng hòa Trung Phi áp dụng bitcoin như một loại tiền tệ tham chiếu đã gây ra sự bối rối và chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

    Theo Liên hợp quốc, Cộng hòa Trung Phi là quốc gia kém phát triển thứ hai trên thế giới, nơi chỉ có 14,3% trong số hơn 5 triệu dân được sử dụng điện vào năm 2022, trong đó 71% sống dưới mức nghèo khổ quốc tế (dưới 1,90 USD mỗi ngày) và hơn một nửa đang cần hỗ trợ nhân đạo.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày