Chính phủ Nhật Bản đã gửi một bức thông điệp rõ ràng tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng: "Hãy đến Nhật đầu tư, nhưng đừng đụng vào các công ty công nghệ chủ chốt của chúng tôi".
Trong một video quảng bá cho Nhật Bản hồi năm 2014, Thủ tướng Nhật Shinzo Abesays đã phát biểu một câu tiếng Anh với các nhà đầu tư nước ngoài: "Chúng tôi đang chờ sự đầu tư của các bạn. Hãy đến đầu tư tại Nhật".
Thế nhưng, Foxconn, công ty Trung Quốc, nhà thầu gia công lớn nhất của Apple, dường như đang bị "phản bội", bị đối xử ngược lại với lời chào mời đó. Foxconn muốn mua lại công ty Nhật Bản Sharp để phục vụ cho mục đích phát triển, và nó gặp phải sự cản trở dữ dội từ phía chính phủ.
Thương vụ những tưởng sẽ kết thúc sớm này giờ đây đang bị trì hoãn, và nó là ví dụ để chứng minh rằng: chính phủ Nhật Bản dù muốn thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng nếu nhà đầu tư nào "nhòm ngó" tới các công ty chủ chốt của nước này, họ sẽ bị gây khó.
Kể từ sau vụ đánh bom nguyên tử vào Nhật hồi hậu chiến thế giới lần thứ 2 (1945), mô hình doanh nghiệp có sự hợp sức chặt chẽ của chính phủ trở nên phổ biến tại đất nước mặt trời mọc.
Thuật ngữ “Japan Inc.” được tạo ra để mô tả một quốc gia mà các nhà lãnh đạo chính trị cũng như lãnh đạo doanh nghiệp hợp tác để tránh những "kẻ xâm lăng" từ nước ngoài và thống trị thị trường xuất khẩu. Những sức ép từ Mỹ và sự tan vỡ của bong bóng kinh tế cách đây hơn 2 thập kỷ đã thay đổi đáng kể tình hình.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã có thể thâm nhập thị trường Nhật một cách dễ dàng hơn, theo những cách mà trước đây họ nghĩ rằng sẽ không bao giờ xảy ra. Sự thâm nhập này thậm chí lớn đến nỗi, một sản phẩm như iPhone của Apple đã trở thành chiếc smartphone phổ biến nhất tại Nhật.
Vậy nhưng, Nhật Bản đang có xu hướng quay về chính sách "bài ngoại", từ chối nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi họ muốn thâu tóm những công ty Nhật được mệnh danh là "tượng đài" nắm giữ các công nghệ tiên tiến - kể cả khi những công ty này đang thua lỗ triền miên.
Sharp: Ví dụ điển hình về sự "nuông chiều" của chính phủ Nhật
Theo các nguồn tin ban đầu, Foxconn , hay còn được biết đến với cái tên Hon Hai Precision Industry Co., đã đồng ý bỏ ra 5,3 tỷ USD để mua lại Sharp - công ty điện tử tiêu dùng ra đời cách đây đã hàng thập kỷ (mức giá sau đó được đẩy lên tới 6,2 tỷ USD).
Con số Foxconn đưa ra cao hơn rất nhiều số tiền mà quỹ đầu tư Innovation Network Corp, hay còn có tên INCJ, của Nhật Bản, sẵn sàng chi trả. Vậy nhưng, Innovation Network Corp có một lợi thế mà Foxconn thiếu: quỹ này về cơ bản là một quỹ đầu tư do chính phủ Nhật bảo trợ, và Nhật Bản không hề muốn Sharp rơi vào tay một công ty nước ngoài như Foxconn.
Nhờ khoản tiền cực lớn của mình, Foxconn vẫn có cơ hội trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc đấu giá, thế nhưng trường hợp của Sharp là một ví dụ điển hình của những khó khăn, trở ngại mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt khi muốn thâu tóm các công ty lớn, nắm giữ những công nghệ giá trị cao của Nhật.
Sharp không phải là trường hợp duy nhất được chính phủ Nhật chống lưng. Hãng điện tử Toshiba cũng đang liên tục đối mặt với các khó khăn tài chính, đặc biệt là sau vụ scandal khai vống lợi nhuận hồi giữa năm ngoái. Toshiba dự định bán mảng thiết bị y tế của mình và nhận được sự quan tam từ các công ty Mỹ.
Thế nhưng, các lãnh đạo của chính phủ Nhật một lẫn nữa "nhúng tay" vào, và họ muốn ít nhất có một công ty Nhật nằm trong danh sách các công ty sở hữu mảng thiết bị y tế của Toshiba. Đó là chưa kể tới, trong quá khứ, nhiều vụ sáp nhập, như trường hợp của Japan Display, cũng được đạo diễn bởi chính phủ quốc gia này.
Chân dung Innovation Network: "Bình sữa" chưa bao giờ cạn của các công ty Nhật
Trong các thương vụ liên quan tới các công ty Nhật Bản, INCJ là cái tên rất đáng chú ý. Quỹ này được thành lập năm 2009, và theo như mô tả, mục đích của nó là để "thúc đẩy, tạo ra thế hệ doanh nghiệp mới qua sự cách tân mở". INCJ đã đầu tư vào một loạt startup và các dự án công nghệ cao. Nó trở thành một công cụ ưa thích của Bộ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - bộ có chức năng giám sát các chính sách liên quan tới công nghiệp.
Năm 2011, INCJ đã đạo diễn vụ sáp nhập mảng màn hình của 3 hãng điện tử tiêu dùng lớn để tạo nên "đế chế" mới có tên Japan Display Inc. Công ty này lần đầu tiên chào bán cổ phiếu ra công chúng vào năm 2014, nhưng INCJ vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 36% cổ phần tính đến 30/9/2015. Nếu quyền kiểm soát Sharp tiếp tục rơi vào tay INCJ, mảng màn hình của Sharp nhiều khả năng sẽ đi theo con đường giống Japan Display.
Năm 2012, INCJ mua lại phần lớn cổ phiếu của công ty sản xuất chip Nhật Renesas Electronics Corp. sau khi chính phủ từ chối lời chào mua từ công ty Mỹ KKR. Theo những nguồn tin thân cận, chính phủ Nhật Bản trong những tháng gần đây cũng từ chối ý định mua lại Renesas từ một công ty nước ngoài khác, lần này là hãng Infineon Technologies AG - một nhà sản xuất chip của Đức.
Theo chuyên gia Nicholas Benes, chính phủ Nhật đang bỏ qua các cơ hội, trong khi đó, Benes, Giám đốc đại diện của Viện Đào tạo Giám đốc Nhật Bản, cho rằng: "Nếu mục đích của INCJ là để giúp đỡ các công ty Nhật đổi mới và thích nghi với toàn cầu hóa, một trong những cách tốt nhất họ nên làm là để các công ty có quy mô toàn cầu mua lại công ty Nhật".
INCJ cũng đã có những đàm phán với Toshiba về khả năng quỹ này sẽ bỏ tiền vào đầu tư cho công ty, giúp Toshiba cân bằng tài chính và cấu trúc lại một số mảng kinh doanh đang gặp khó khăn, bao gồm mảng điện tử và thiết bị gia dụng - theo những nguồn tin thân cận với vấn đề.
Những lời bào chữa từ chính phủ
Lãnh đạo chính phủ Nhật cũng như lãnh đạo của INCJ nói rằng, quỹ này không chỉ đơn thuần ném tiền cho các "gã khổng lồ" một thời đang gặp khó khăn, mà họ có sự chọn lọc công ty để đầu tư với hy vọng rằng, những công ty này sẽ có sự cách tân, đổi mới trong tương lai.
Họ cũng nói thêm rằng, việc chính phủ can thiệp vào các vụ mua bán từ nhà đầu tư nước ngoài này là hợp pháp, bởi khi đó người Nhật có nguy cơ mất việc làm cũng như quốc gia này bị mất lợi thế về công nghệ so với các nước khác.
"Công nghệ của Nhật Bản là hàng đầu thế giới và chúng tôi muốn giúp đỡ để công nghệ ngày càng trở nên có tính tranh đua cao hơn" - Bộ trưởng bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Motoo Hayashi phát biểu khi được hỏi về câu chuyện của Sharp. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, "chính phủ không nên can thiệp quá sâu vào các vấn đề riêng tư".
Một thành viên của chính phủ Nhật nói rằng, việc đầu tư vào Sharp sẽ giúp người Nhật giữ lại được công nghệ tấm nền màn hình tiên tiến - công nghệ mà hiện nay cả Sharp và Japan Display đang sở hữu. Nếu được Apple lựa chọn để dùng cho các thế hệ iPhone trong tương lai, đây hẳn sẽ là một "đại thành công", giúp Sharp vực dậy tình hình.
Yasuo Nakane, nhà phân tích của Mizuho Securities, nói rằng các cổ đông người Nhật lo lắng Foxconn có thể đưa hàng loạt kỹ sư Nhật Bản ra làm việc tại các nhà máy ngoài Nhật. Điều này sẽ giúp các quốc gia khác tha hồ hưởng lợi từ những nghiên cứu của người Nhật. Nếu điều đó xảy ra, "công nghệ màn hình tiên tiến của Nhật Bản sẽ bị thông dụng hóa" - Nakane cho biết. Đây là nhận định có cơ sở, khi mà hầu hết các nhà máy của Foxconn được đặt tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Foxconn cũng đã tìm cách trấn an các cổ đông khi nói rằng, họ sẽ giữ lại bộ phận quản lý của người Nhật và giữ lại, không cắt giảm việc làm tại Nhật Bản. Foxconn cũng sẵn sàng chấp nhận các khoản nợ nần của Sharp, trong đó bao gồm các khoản vay ngắn hạn trị giá hơn 5 tỷ USD - tính đến cuối tháng 9 năm ngoái. Vậy nhưng, với việc cho tới tận bây giờ, thương vụ này vẫn đang bị trì hoãn, và nó cho thấy sự nuông chiều của chính phủ Nhật có vẻ đang đi quá đà.
Theo Trí thức trẻ/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng