NVIDIA đặt mục tiêu trở thành bá chủ của lĩnh vực chơi game trực tiếp từ đám mây
Nếu thành công, NVIDIA sẽ làm được một điều mà Sony dù đã rất cố gắng nhưng tới nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Khi Sony vẫn chưa thể đạt được kết quả mong đợi với PlayStation Now, NVIDIA vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ GeForce Now, cho phép người dùng có thể chơi game PC hoặc console trên các đầu giải mã TV (set-top box) tại gia. Thay vì sử dụng sức mạnh phần cứng trực tiếp trên PC hay các máy chơi game như PS4 và Xbox One, GeForce Now sẽ chạy các tựa game này trên máy chủ kết nối qua nền web rồi "phát" nội dung game về set-top box của người dùng.
Hiện tại, GeForce Now đang là một trong những công nghệ hàng đầu của lĩnh vực "game đám mây" với hơn 100 đầu game được hỗ trợ.
"Chúng tôi vẫn đang trên đường trở thành Netflix của thế giới game. Đám mây cho chúng tôi khả năng phân tích tốt cũng như rất nhiều dữ liệu. Khoảng một nửa khách hàng của chúng tôi là thế hệ từ 8X – 0X, và một nửa trong số này là các bậc cha mẹ thích dành thời gian chơi game với con mình", Phil Eisler, giám đốc quản lý chương trình GeForce Now tại NVIDIA khẳng định.
"Các ông bố game thủ có tuổi 35 hoặc hơn thường khó tìm được thời gian chơi game với con cái. Họ thích sự tiện dụng của các hệ máy chơi game và các nội dung hoài cổ. Nhưng thế hệ 8X trở đi thường thiếu kiên nhẫn và muốn được tiếp cận game càng nhanh càng tốt". Đây cũng là lý do vì sao NVIDIA chọn các game thủ có gia đình làm trọng tâm marketing cho GeForce Now.
Hãng đồ họa hàng đầu thế giới cũng đang đẩy mạnh chất lượng game. Trong năm nay, các trung tâm dữ liệu của NVIDIA sẽ chuyển dịch từ GPU Kepler sang GPU Maxwell, cho phép tăng gấp đôi hiệu năng game. Hiện tại, hiệu năng game từ GeForce Cloud đang cao gấp rưỡi Xbox One, và đến cuối năm nay, con số này sẽ tăng lên mức 3 lần. Khi NVIDIA tiếp tục nâng cấp lên GPU Pascal vào năm sau, hiệu năng của GeForce Cloud sẽ tiếp tục gia tăng một lần nữa và "đè bẹp" các hệ console truyền thống.
Vào tuần trước, tại sự kiện Game Developers Conference, NVIDIA cũng đã ra mắt một chương trình hỗ trợ các nhà phát triển có thể đưa tựa game của mình lên GeForce Now. Tính năng GeForce Now Link của nền tảng này cho phép các nhà phát triển có thể kết nối với Origin hoặc Uplay để thu thập và cập nhật thông tin về achievement (thành tích) của các game thủ. Mô hình chi trả cho các nhà phát triển sẽ được thực hiện qua 2 cách: bán bản quyền trong cửa hàng trực tuyến hoặc nhận phí hàng tháng khi đưa tựa game vào thư viện game dành cho người dùng trả phí.
Lauri Hyvärinen, CEO của FrozenByte khẳng định về sự kiện này: "Chúng tôi tham gia GeForce Now để giúp các tựa game của mình có thể được stream dễ dàng. Chương trình dành cho các nhà phát triển sẽ giúp mọi thứ trở nên đơn giản và cho phép chúng tôi phát hành game chỉ trong vài bước".
Lĩnh vực stream game qua mạng đã chứng kiến nhiều thăng trầm. Tên tuổi tiên phong cho lĩnh vực này là OnLive đã phá sản. Những gì còn sót lại của OnLive sau đó đã được Sony mua lại để tích hợp vào dịch vụ PlayStationNow, cho phép người chơi PS4 có thể thử nghiệm các tựa game PlayStation cũ. Một đối thủ mới xuất hiện là Utomik cũng mới ra mắt nhiều dịch vụ chơi game trên đám mây.
"Mục tiêu của chúng tôi là chạy các tựa game trong vòng 30 giây, và hiện chúng tôi đang phát triển cách thức giảm con số đó còn một nửa. Các dịch vụ khác sẽ mất nhiều phút. Do đó chúng tôi đang tập trung vào cách chơi game tiện dụng nhất", ông Eisler khẳng định.
GeForce Now hiện mới chỉ được cung cấp tới các khách hàng Mỹ và Châu Âu. Quá trình mở rộng toàn cầu hiện vẫn đang thực hiện lần lượt trên từng quốc gia.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng