Hẳn ai cũng có những người bạn "mãi mãi tuổi 20" bên nụ cười rạng ngời vĩnh viễn trên profile. Hình ảnh cuối cùng về những người dùng Facebook vì lí do nào đó mà đột ngột qua đời luôn khiến bạn bè nghĩ mình như vừa mới chạm mặt, cười với nhau ngày hôm qua.
Thi thoảng trong đời làm người dùng cái mạng xã hội (MXH) khổng lồ Facebook này, bạn chắc cũng đã trải qua nỗi buồn như của tôi bây giờ: một ai đó từng quen trên Facebook. Thằng bạn cùng lớp cấp 3 của chúng tôi vừa qua đời trong khi tất cả những gì tôi có thể theo dõi nó, chỉ là từ xa, qua Facebook.
Ngày cả hội bạn cũ đến viếng đứa bạn chung này (cho tôi gọi nó là T.), cả nhóm thanh niên không khỏi áy náy trước những lần nước mắt ngắn dài của người mẹ khi bà nói đến những mẩu chuyện T. chưa kịp kể cho chúng tôi, dù trong một hôm phiếm chuyện ở quán xá hay đôi lời chia sẻ trên thế giới ảo trước khi nó mất.
Với một gia cảnh khiêm tốn, mẹ của T. không dùng Facebook mà chỉ mang trong lòng những kí ức tươi đẹp về đứa con xấu số của mình, bà vẫn chưa thể tin được rằng T. đã không còn nữa.
Ngày xưa, kỷ niệm là vài chục tấm ảnh lưu trong cuốn album gia đình, bây giờ, nó không còn giới hạn nữa.
Trên đường về, tôi lại nghĩ, với mẹ T., đến một ngày nào đó, bà có thể xếp tất cả những niềm đau này thành một câu chuyện buồn. Tuy nhiên, khi về đến nhà, trong lúc vô thức nhìn lại "dòng thời gian tình bạn" của tôi và T., tôi giật mình phát hiện ra thằng bạn của mình vẫn luôn còn đó.
Dẫu rõ ràng, khi người ta mất đi, linh hồn rời khỏi xác, nôm na là "tạm biệt nhân gian", nhưng Facebook vẫn còn lại, cứ như một thể dạng khác của họ. Có lẽ, facebook chính là hình ảnh sống động, vô ưu nhất của một người dù họ đã chết.
Chắc chắn không riêng gì tên T. mà tôi biết, hẳn ai cũng có những người bạn "mãi mãi tuổi 20" bên nụ cười rạng ngời vĩnh viễn trên profile. Hình ảnh cuối cùng về những người dùng Facebook vì lí do nào đó mà đột ngột qua đời luôn khiến bạn bè nghĩ mình như vừa mới chạm mặt, cười với nhau ngày hôm qua. Nếu muốn nhắn nhủ gì cho người ấy, hay lục tìm kỉ niệm xưa đều dễ dàng tìm lại.
Sau cái chết về mặt vật lý, chúng ta – cư dân mạng xã hội Facebook – luôn còn nơi đây. Có lẽ trong thế giới ảo, chúng ta trường tồn theo năm tháng. Đây là cách mà thế giới kỹ thuật số đã thay đổi cái nhìn về sự chết đi của dân cư toàn cầu.
Facebook dần trở thành nghĩa trang ảo
Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2012, chỉ 8 năm sau khi Facebook chính thức hoạt động, 30 triệu người có tài khoản Facebook đã chết và con số này vẫn đang tiếp tục tăng, tốc độ tăng nhanh hơn lượng người dùng mới trên Facebook. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 8000 người qua đời.
Theo trang Digital Beyond ước tính, trong năm 2016 riêng tại Mỹ sẽ có khoảng 1 triệu người dùng Facebook qua đời.
Bên cạnh đó, số lượng người tạo tài khoản mới đang giảm đi nhanh chóng, kèm theo chính sách "tưởng nhớ" người đã mất thay vì xóa hẳn tài khoản của họ, thì sẽ đến một ngày, số lượng tài khoản Facebook của người chết sẽ vượt hẳn người đang sống.
Cụ thể hơn, theo tiến sĩ dự bị Đại học Massachusetts Hachem Sadikki, nếu chính sách "tưởng nhớ" của Facebook không được thay đổi, trong khi các tài khoản số này được bảo quản vĩnh hằng, Facebook sẽ chính thức trở thành nghĩa trang ảo vào đầu năm 2098.
Trong khi đó, theo số liệu đưa ra của trang WebpageFX, nếu Facebook ngừng tăng trưởng lượng người dùng mới, "sự kiện" này sẽ diễn ra sớm hơn, vào năm 2065. Nếu Facebook tiếp tục phát triển như mức tăng trưởng hiện tại, điều này sẽ diễn ra muộn hơn, là năm 2130.
Facebook sẽ chỉ còn là một "nghĩa trang" số hóa trong hơn 100 năm nữa.
Dùng Facebook là tự tay viết tiểu sử cho chính mình
Theo các nghiên cứu, những người dùng trên Facebook đều dành ra trung bình 20 phút mỗi ngày để đăng status, ảnh hoặc check-in. Ai đó luôn có điều muốn chia sẻ. Những mẩu truyện thường ngày, bức ảnh chụp lại bữa tối ngon miệng hoặc album về kì nghỉ đáng nhớ bên những người bạn sẽ trở thành những cột mốc sống động trong cuộc đời mỗi người.
Một cách vô thức, profile của mỗi người lúc này trở thành một tiểu sử chi tiết, vừa đa dạng sắc thái, vừa nhiều kỉ niệm, tường tận đến từng mối quan hệ bạn bè, ngày tháng, bình luận. Lúc này, nếu ai đó có mất đi, linh hồn được số hóa của họ vẫn tiếp tục tồn tại, song hành cùng cuộc sống của những người thân còn lại.
Tuy nhiên, cũng chính vì tiện nghi "vĩnh cửu" phi thường này mà con người gặp ít nhiều rắc rối. Chúng ta thì có thể quên, nhưng dữ liệu số trong thế giới ảo lại không cho phép điều này.
Có thể 50 năm sau, ta xem lại những tấm ảnh ngày tuổi trẻ của chính mình và mỉm cười "ta đã sống, rất vui".
Làm sao sống tiếp giữa "đất nghĩa trang"?
Chúng ta sống tiếp bên cạnh người đã khuất, nhìn lại những kỉ niệm vui vẻ mỗi khi Facebook nhắc khéo "ngày này năm trước", nhìn lấy và chấp nhận đó là những ngày tươi đẹp xưa cũ. Thế giới ảo buộc ta không thể quên đi quá khứ.
Mặt khác, nơi này cho chúng ta lý do để sống thật chân tình, dốc hết nhiệt tâm, bình thản trước chia ly để không gục ngã khi được gợi lại một ngày cũ. Đồng thời, dẫu từ đây nơi này có dần trở thành nghĩa trang ảo, hãy cứ mặc nhiên "viết tiểu sử" của chính mình bằng giọng điệu hóm hỉnh nhất, hạnh phúc nhất. Nếu mai sau đến khi phải ra đi, mọi người sẽ hiểu "ta đã từng sống, ta đã từng rất vui".
Theo Kênh 14 / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng