Ô tô bọc thép của Liên Xô, con quái vật "khủng" không kém gì xe tăng

    PnM,  

    Trước Chiến tranh thế giới thứ hai thì lực lượng ô-tô bọc thép vẫn đóng vai trò rất lớn trong trang bị của nhiều quốc gia, đặc biệt là những chiếc ô-tô bọc thép có tháp pháo được chế tạo bởi Liên Xô.

     

    Có thể nhiều người không biết rằng thế hệ người dân Nga xưa cũ khi nghe tới từ “bọc thép” đã từng nhớ tới hình ảnh những chiếc ô tô có tháp pháo phát thanh lời kêu gọi chiến đấu của lãnh tụ Lê-nin. Thời nay, T-34 và "Kalashnikov" mới được coi là hai trong số những thương hiệu Xô Viết có sức ảnh hưởng lớn nhất trong làng vũ khí. Dòng xe tăng huyền thoại này được coi là nắm đấm sắt của Hồng quân Liên Xô. Khi chiếc "Ba Tư" ra đời, nó là một bước đột phá, khiến cho mọi khí tài và phương tiện bọc thép khác ngay lập tức trở nên lỗi thời, kể cả những chiếc ô-tô bọc thép.

    Cộng thêm rằng, hầu hết các ô-tô bọc thép đều đã bị vứt bỏ hoặc phá hủy trong những trận đánh đẫm máu năm 1941, ô-tô bọc thép dần trở thành một phần bị quên lãng của lịch sử. Nhưng những hình ảnh như thế này vẫn còn tồn tại như để nhắc nhở tất cả rằng ô tô bọc thép đã từng có thời huy hoàng như thế nào.

    Xe ô-tô bọc thép BA-10 (đi đầu) và BA-6 (đi phía sau) trong cuộc tấn công bảo vệ Moscow. Xe được sơn ngụy trang màu trắng, xung quanh là tuyết. Ảnh chụp tại mặt trận phía Tây, lữ đoàn tăng số 18, tháng 11 năm 1941.

    Tính đến 22 tháng 6 năm 1941, Hồng quân đã có lượng ô-tô bọc thép mang tháp pháo nhiều hơn bất kỳ một đội quân nào trên thế giới. Nhiều chiếc trong số đó về sau này đã bị kẻ thù thu làm chiến lợi phẩm. Ở một số nước (ví dụ, Tây Ban Nha và Phần Lan) chúng đã phục vụ đến giữa thập niên 50. Đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta bắt gặp trong ảnh những xe thiết giáp Xô Viết mang số hiệu nước ngoài.

    Xe bọc thép BA-I bị quân Đức thu giữ, mang ký hiệu của phát xít Đức

    Vào cuối thế chiến II những chiếc ô-tô bọc thép được sử dụng như những phương tiện hỗ trợ - trinh sát và đảm bảo thông tin liên lạc. Có vẻ như thời vinh quang của chúng đã lùi xa trong quá khứ, khi mà lực lượng nổi bật nhất trên chiến trường là xe tăng?

    Nếu nghĩ vậy thì quả thực rất sai lầm!  Khi Thế chiến II mới nổ ra, một số xe bọc thép có thể chiến đấu ngang cơ với bất kỳ loại xe tăng nào lúc bấy giờ. Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, những trận đánh trên sông Khalkhin Gol và hồ Khasan là minh chứng cho điều này. Những chiếc ô-tô bọc thép có tháp pháo quả thực là những con quái vật trên bánh xe.

    BA-I (1932)

    Cuối năm 1932, chính quyền Liên Xô còn trẻ bắt đầu chuẩn bị cho các trận đánh mang tính quyết định với chủ nghĩa tư bản châu Âu. Dân số Nga sau cách mạng lúc bấy giờ vẫn còn rất đông, việc huy động lực lượng gia nhập quân đội không gặp khó khăn gì. Nhưng về kỹ thuật của nước Nga lúc này lại rất thiếu thốn.  Các tướng đều hiểu - không có "hỏa lực và cơ động" thì sẽ không có sức chiến đấu, thế nhưng lấy đâu ra khí tài bây giờ? Tiềm năng công nghiệp của Đế chế Nga đã bị phá hủy tới mức không thể phục hồi, các nhà máy "vô sản" chưa được xây dựng, lực lượng xe tăng vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, vậy muốn chọc thủng phòng ngự của đối phương thì phải làm sao?

    Một chiếc BA-I diễu hành trên quảng trường Đỏ ngày 7 tháng 11 năm 1934

    Trong hoàn cảnh như vậy, tại nhà máy Izhora người ta đã tìm ra một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả.  Các kỹ sư lắp đặt lớp vỏ bọc thép độc đáo với tháp pháo xoay được từ chiếc xe tăng MS-1 lên một khung gầm được gia cố nhẹ của xe tải ba trục thông thường "Ford - Timken" (Liên Xô khi đó đã mua của Hoa Kỳ linh kiện để lắp được 1000 cỗ xe như vậy). Họ tạo ra một chiến xa có tốc độ di chuyển nhanh, được trang bị một khẩu pháo 37 mm và một cặp súng máy.

    Mẫu thử nghiệm BA-I tại thao trường Kubinka đang thử khả năng vượt chướng ngại vật, mùa hè 1932

    Khi chiến đấu, tổ lái BA-I (3 người) chỉ có thể đi được khoảng 5-6 km. Khí nóng và khí thải từ khoang động cơ thâm nhập vào cabin khiến tay của lái xe bị đốt cháy, nhiệt độ trong xe lên tới 60 độ C. Chiếc xe biến thành một buồng khí độc – toàn bộ tổ lái sẽ ngất đi do thiếu không khí. Thế nhưng vào thời điểm đó, có được như vậy đã là quá tốt.

    BA-3 (1934)

    Sự thật là, việc phát minh ra BA-I tuy vội vàng nhưng đã khiến hầu hết các quốc gia phía bên kia chiến tuyến bị tụt hậu! Người Đức khi đó mới chỉ manh nha phát triển xe chiến đấu, còn trên khắp châu Âu mới chỉ 3 nước Anh, Ý và Pháp là có xe tăng có thể chiến đấu được.

    Một chiếc BA-3 đang vượt hào

    Xe bọc thép Liên Xô có thể leo dốc trên 20 độ, vượt qua tường có chiều cao 0,3 m và băng qua mương, rãnh rộng tới nửa mét nhờ vào hai bánh "dự trữ" ở hai bên thành xe - các bánh xe này quay tự do trên trục và đảm bảo gầm xe không bị mắc kẹt khi vượt chướng ngại vật.

    Chiếc BA-3 này bị quân Đức tịch thu làm chiến lợi phẩm

    Tại nhà máy Izhora, người Nga đã quyết định nâng cấp xe thiết giáp thế hệ đầu. Phiên bản xe bọc thép mới được đặt tên là BA-3, được lắp tháp pháo của xe tăng T-26 với một khẩu pháo cỡ nòng 45-mm rất mạnh ở thời điểm bấy.  Nó có thể bắn xuyên qua bất cứ khí tài nào của địch trong khoảng nửa cây số bằng đạn xuyên giáp, giống như khi bạn đâm một cây kim xuyên qua lớp vải.

    Xe ô-tô bọc thép BA-3 trên đường phố Moscow nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít 9/5/2015

    Ngoài ra, trong quá trình hiện đại hóa BA-3, các kỹ sư Liên Xô đã khắc phục được nhược điểm có lẽ là bất lợi lớn nhất của chiếc xe - lốp khí nén.  Nói chính xác hơn, họ thay thế lốp xe thường bằng loại lốp chống đạn GC bên trong đổ đầy cao su bọt. Dù kẻ địch có đục bao nhiêu lỗ trên lốp xe đi chăng nữa thì nó vẫn cứ chạy như không hề gì!

    Mời cái bạn xem video chiếc BA-3 tại festival khí tài cổ năm 2014:

     

     

    BA-6 (1936)

    Vào giữa những năm 30, về cơ bản thiết kế của xe bọc thép Liên Xô không có nhiều thay đổi, chỉ đơn giản là không cần thiết: Ngay từ phiên bản BA-I đầu tiên người ta đã dùng bộ vỏ được hàn hoàn toàn từ thép – một giải hàng đầu thời bấy giờ. Tuy nhiên, độ dày của tấm thép chỉ có 8 mm.  Ngần đó đủ để đảm bảo an toàn cho kíp lái khỏi đạn súng bộ binh và các mảnh văng, nhưng quả thật với các loại đạn chống giáp hoặc đạn pháo thì bộ giáp mỏng như vậy không thể chống được. May mắn thay, một chiếc xe với khả năng cơ động cao như vậy thì việc bắn trúng cũng không phải dễ dàng.

    Nhưng dần dần người ta phát hiện có vấn đề với khung xe - các bộ phận thay thế cho "Ford-Timken" dần cạn kiệt, và thế là xe bọc thép bắt đầu được chế tạo từ các xe ô-tô sản xuất trong nước - GAZ-AAA. Chiếc xe tải này được “độ giáp” ở thành phố Gorky, và lột xác thành BA-6. Hai chữ cái BA vẫn được giữ nguyên, vì đó là viết tắt của “Бронированный Автомобиль - Bronirovannyy Avtomobil”, nghĩa là “xe ô-tô bọc thép”.

    Kết quả đạt được khiến người ta rất tự hào: các đặc tính chiến đấu của BA-6 thậm chí còn vượt trội hơn người tiền nhiệm: khung gầm hoàn toàn do Liên Xô sản xuất giúp giảm trọng lượng của xe đi gần một tấn mà không ảnh hưởng tới độ tin cậy và chất lượng vận hành.

    Dưới trần xe bên trong cabin được treo thêm một thùng nhiên liệu. Dưới tác dụng của trọng lực, xăng từ bình này đi vào bộ chế hòa khí. Nếu viên đạn xuyên qua xe vào đúng chỗ này thì toàn bộ tổ lái, pháo thủ sẽ bị cơn mưa nhiên liệu dội xuống người và bị thiêu sống. Trong số những thay đổi ở BA-6 có một bộ dụng cụ đặc biệt để chuyển đổi xe thành bản chạy trên đường sắt.

    Hồng quân Liên Xô đang đổi bánh xe để chạy trên đường sắt

    BA-10 (1938)

    Buồng lái của BA-10 rất tối giản

    Đến năm 1938, xe bọc thép mang pháo của Liên Xô đã đạt đến sự phát triển đỉnh cao. BA-10 trở thành xe tốt nhất và được sản xuất với số lượng lớn nhất trong lớp xe này - khoảng 3400 chiếc đã được xuất xưởng. Với khả năng điều khiển khéo léo của các tài xế Liên Xô, những “hạm đội thiết giáp trên bánh xe” đã trở thành một lực lượng đáng gờm trong cả các cuộc tấn công lẫn trong phòng vệ cơ động.  Đặc biệt, nhiều chiếc BA-10 còn được trang bị điện đàm để giao tiếp với chỉ huy và các kíp lái khác.

    Những chiếc BA-10 có điện đàm với cột ăng-ten nhô cao

    Những điểm khác biệt của BA-10 so với các phiên bản cũ: hệ thống treo được tăng cường với giảm xóc trên trục bánh trước, tháp pháo hình nón được bảo vệ nâng cao - độ dày của giáp ở các khu vực quan trọng đã đạt tới 10 mm.  Nói chung, các xe ô-tô bọc thép của Liên Xô chiến đấu ngang cơ với xe tăng hạng nhẹ thông thường của các quốc gia khác. Thực tế là, ở thời điểm đó các phương tiện chiến đấu trên bánh xích chỉ “bò” – đúng nghĩa đen là bò như rùa, thường xuyên hỏng hóc và mức tiêu thụ nhiên liệu cao. Còn BA-10 có khả năng tăng tốc tới 50 km/h trên đường tốt, cấu tạo khá đơn giản và đáng tin cậy nên khi so với xe bánh xích thì BA-10 thậm chí còn có nhiều lợi thế nhất định.

    Xích "Overroll" giúp xe di chuyển trên những địa hình đất yếu hoặc tuyết dày

    Các kỹ sư đã cố gắng để cải thiện khả năng cơ động của xe bọc thép (vốn hoạt động nhờ bánh chủ động đặt phía sau) bằng loại dây xích “Overroll”.  Mỗi dây xích nặng gần 70 kg và kíp lái mất khoảng 5-8 phút để gắn vào.

    BA-11 (1939)

    Tới đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, ở Liên Xô người ta đã chế tạo được loại xe ô-tô bọc thép thậm chí còn đáng gờm hơn nữa – BA-11. Pháo vẫn có cỡ nòng 45 mm, nhưng độ dày của giáp đã lên tới 13 mm, và những đường bao quanh thân xe được làm hợp lý hơn. Do các tấm thép được đặt nghiêng, trong trường hợp may mắn, BA-11 có thể chịu được một viên đạn pháo cỡ nòng nhỏ (bị giáp nghiêng làm bật nảy ra chứ không xuyên thẳng vào).

    Phần bao quanh xe và tháp pháo, ô bảo vệ tản nhiệt phía trước đều đã được làm lại hợp lý hơn

    Khung gầm xe buộc phải thay thế để có thể chịu được sức nặng khủng khiếp của chiếc xe – 8 tấn. Phiên bản rút gọn của chiếc xe tải ba trục ZIS-6 được chọn làm khung gầm mới. Và lần này nó đã được chế tạo hoàn thiện – lắp đặt bộ kiểm soát phía sau, máy móc được hạ xuống và trang bị động cơ sáu xi-lanh 100 mã lực  (các động cơ 4 xi-lanh trên những thế hệ xe bọc thép cũ chỉ đạt 40-50 mã lực). 

    Để tăng độ độ tin cậy, bộ phận đánh lửa được nhân đôi, hệ thống điện cũng được bọc cách điện. BA-11 được lắp một loại hộp số đặc biệt cho phép đảo chiều đi: chạy xuôi hay ngược đều ở gần như cùng một tốc độ.  Nói cách khác, đây không chỉ là một chiếc ô-tô tải được vũ trang và được bảo vệ bằng lớp giáp, mà đây là một chiếc xe tăng trên bánh hơi có khả năng tăng tốc lên hơn 60 km/h trên đường bằng.

    Khối lượng lên đến 8 tấn khiến BA-11 gặp khó khi đi vào những đoạn đường bùn lầy

    Nhưng, BA-11 chỉ nhanh khi gặp đường tốt. Ở những nơi không có đường đi thì một chiếc xe nặng tới 8 tấn như vậy lại bất lực. Áp lực của các bánh xe lên đất là rất lớn (cao hơn gần 7 lần chiếc T-34), thậm chí loại xích “Overroll” (khi đó dã có trong trang bị của hầu như tất cả những chiếc xe bọc thép ba trục Liên Xô có bánh chủ động nằm sau) cũng không thể giải quyết được một cách triệt để. Vấn đề này có thể được khắc phục bằng cách sử dụng cả hai bánh xe chủ động trước và sau, như các xe tải hoặc địa hình 2 cầu bây giờ, thế nhưng thời điểm đó loại xe như vậy chưa ra đời…

    Trên cơ sở của chiếc BA-11, người ta đã lên kế hoạch chế tạo loại xe bọc thép sử dụng động cơ diesel đầu tiên trên thế giới. Phiên bản mẫu đã được thử nghiệm, nhưng cuộc phong tỏa thành phố Leningrad của quân Đức đã không cho các kỹ sư Liên Xô có cơ hội để hoàn thành chiếc xe. Một điều không hay nữa là: vào giữa cuộc chiến, các xe tăng Đức ngày càng được hoàn thiện.

    Một chiếc BA-11 bị bắn cháy

    BA-11 được chế tạo tổng cộng chỉ 18 chiếc. Xe ô-tô bọc thép mang tháp pháo ở Liên Xô dần bị lãng quên. Thay vào đó, họ chọn cho xe tăng hạng nhẹ sử dụng động cơ ô-tô. Nhưng 10 năm phát triển huy hoàng của xe bọc thép hạng vừa và hạng nặng sẽ vẫn mãi mãi được lịch sử ghi nhận, thời kỳ mà những chiếc xe ô-tô bọc thép là vô đối – kể cả trên đường lẫn trên chiến trường. Vì vậy, hãy dành chút thời gian để tướng nhớ tới những “người anh hùng sắt” bị lãng quên và những người đã điều khiển chúng. Thời điểm này cách đây 76 năm, cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người – Đại chiến thế giới lần thứ hai – đã bắt đầu...

    Theo Auto.Mail.Ru

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày