Giữa muôn vàn lựa chọn smartphone đến từ các thương hiệu Trung Quốc với thiết kế na ná nhau, Obi Worldphone - thương hiệu được sáng lập bởi cựu CEO Apple John Sculley đã đem lại luồng gió mới với những nét rất riêng về thiết kế, cũng như giá thành được đảm bảo ở mức vừa phải.
Thiết kế
Không như những smartphone tầm trung nhàm chán với những đặc điểm chung là sử dụng nhôm nguyên khối với những đường diamond-cut, mặt lưng cong hay sở hữu màu vàng hồng, Obi WorldphoneSF1 có thiết kế kết hợp giữa hai chất liệu sợi thủy tinh cao cấp và kim loại ở hai phần đỉnh máy.
Thoạt nhìn qua, rất nhiều người đã nhận ra những đường nét quen thuộc của những chiếc Lumia đời đầu trên SF1, do chiếc smartphone này có hai cạnh bên được bo cong. Tuy nhiên, hai cạnh trên và dưới của SF1 lại được trau chuốt với chất liệu kim loại với các chi tiết có sự đối xứng hợp lý, gợi nhớ tới thiết kế cổng kết nối Lightning với các lỗ loa được dàn đều trên các thiết bị Apple. Mặc dù vậy, có lẽ Obi Worldphone nên thiết kế lại các đời smartphone sau với mặt dưới phẳng và mặt trên cong, như vậy sẽ giúp cho người dùng có thể đặt thiết bị đứng trên một mặt phẳng bất kỳ.
Các chi tiết được thiết kế rất cân xứng.
Điểm độc đáo nhất trên SF1 nằm ở màn hình “nổi”. Thật vậy, màn hình này được thiết kế nổi lên khoảng 2 mm so với thân máy, vừa giúp thiết bị “ăn gian” một ít độ mỏng, vừa tạo được nét lạ rất riêng cho SF1. Tuy nhiên, thiết kế này khiến cho phần nhựa bảo vệ tấm kính màn hình rất dễ xước, biến dạng trong quá trình sử dụng dù chỉ gặp các tác động thông thường như khi nhét vào túi quần. Rất may mắn là phần kính cường lựa Gorilla Glass 4 lại đem lại khả năng chống trày xước tuyệt vời cho phần hiển thị của thiết bị này.
Phần viền nhựa bao quanh màn hình dễ gặp "tai nạn".
SF1 được trang bị các phím bấm nằm hết về một phía bên trái, bao gồm cụm phím tăng/giảm âm lượng và phím nguồn. Qua trải nghiệm thực tế, các phím bấm này có hành trình phím vừa phải, cảm giác bấm rất tốt nhưng việc sắp đặt ở cùng một phía khiến cho thiết kế tổng thể mất đi sự cân bằng. Sẽ tốt hơn nếu như phím nguồn trên SF1 được đặt ở cạnh phải, nơi phần lớn người dùng thuận tay phải sẽ dùng ngón cái để mở máy.
Phần cứng
Bên cạnh thiết kế “lạ”, Obi Worldphone SF1 cũng sở hữu khả năng hiển thị khá tốt. Màn hình của máy có kích thước 5 inch, độ phân giải Full HD đem lại trải nghiệm nhìn sắc nét, màu sắc được cân chỉnh hài hòa, không quá rực. Ngoài ra, hình ảnh trên chiếc smartphone này khá trong trẻo và các hình ảnh như nổi lên trên màn hình, một phần do việc thiết kế phần kính hiển thị lồi độc đáo.
Phần nhìn tốt nhưng loa của SF1 lại chưa thực sự hoàn thiện. Âm thanh phát ra từ loa ngoài của SF1 có âm lượng chỉ ở mức vừa phải, chất âm cũng chỉ trung bình khi thiếu âm trầm, thừa âm treble khiến cho cảm giác hơi “chói”. Dù vậy, trải nghiệm khi kết nối với tai nghe 3,5 mm trên thiết bị này lại khá hài hòa, đặc biệt còn có thể tùy biến EQ với sự trợ giúp của Dolby Audio.
SF1 được quảng bá rất nhiều ở khả năng chụp ảnh, và quả thực chiếc smartphone này sở hữu nền tảng camera rất có tiềm năng. Ảnh chụp thử (tự động hoàn toàn) từ chiếc smartphone này cho khả năng cân bằng màu sắc khá tốt, chất ảnh trong trẻo trong những điều kiện phức tạp, nhưng đôi khi lại ngả hồng khi chụp ngoài trời khi có mây. Trái lại, khả năng lấy nét của SF1 dù sử dụng công nghệ lấy nét theo pha nhưng không nhanh và chưa chuẩn xác do sử dụng cách lấy nét theo vùng. Trong điều kiện ánh sáng yếu, ảnh từ SF1 thường hơi rung và nhiễu trong khi ảnh chụp ngoài trời hay bị dư sáng ở vùng trời. Tuy nhiên, chiếc smartphone này được trang bị một số tính năng khá thú vị như Optizoom giúp tối ưu độ nét, chi tiết cho bức ảnh; chụp trước lấy nét sau ReFocus và tối ưu đèn Flash với Chrome Flash.
Xem ảnh chụp từ Obi SF1:
SF1 có pin dung lượng 3.000 mAh, đủ cho nhu cầu sử dụng hơn một ngày với cường độ thông thường và có thể coi là khá tốt. Với nhu cầu sử dụng cao hơn, chiếc máy này cũng có thêm khả năng sạc nhanh tích hợp do sử dụng bộ xử lý Snapdragon 615 của Qualcomm.
Phần mềm
Obi Worldphone SF1 sở hữu giao diện tùy biến LifeSpeed được xây dựng trên nền tảng Android 5.0.2. Nhìn chung, giao diện này thoạt nhìn qua rất bắt mắt, giữ được những ưu điểm của Android gốc với không nhiều thay đổi lớn ngoài bộ biểu tượng phẳng, thêm tùy chọn những cài đặt hay dùng trong Settings hay màn hình khóa.
Thực tế, màn hình khóa của giao diện này không thân thiện khi bắt người dùng phải kéo vòng tròn ở chính giữa lên trên để mở khóa, thay vì vuốt từ bất cứ đâu như nhiều chiếc smartphone Android khác. Một số người khi lần đầu trải nghiệm chiếc smartphone này đã gặp rắc rối khi mở khóa khi vuốt các biểu tượng theo vòng tròn, thay vì kéo-thả biểu tượng mở khóa ở chính giữa ra ngoài. Bên cạnh đó, SF1 cũng không có khả năng chạm hai lần vào màn hình để mở khóa.
Rất may mắn là nếu không thích giao diện này, người dùng có thể thay thế bằng giao diện Android mặc định bằng cách chọn UI Style trong phần cài đặt Hiển thị của máy.
Dù có nền tảng phần cứng khá tốt nhưng SF1 vẫn còn hiện tượng giật khi sử dụng, đôi khi còn treo ứng dụng. Hiện tượng này xuất hiện không nhiều nhưng cũng phần nào ảnh hưởng tới trải nghiệm nói chung của người dùng. Nhìn chung, SF1 cho hiệu năng sử dụng ở mức trung bình khá, có thể cải tiến bằng các bản cập nhật phần mềm.
Kết luận
Nếu đã quá nhàm chán với những chiếc smartphone Android mang đậm nét Trung Quốc, SF1 sẽ là một lựa chọn rất đáng lưu tâm khi mang những đường nét thiết kế kiểu Mỹ. Với mức giá dưới 6 triệu đồng, thiết kế độc đáo và trải nghiệm tốt, camera ổn là những điểm sáng của chiếc smartphone được “đỡ đầu” bởi John Sculley.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng