Ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi nói thẳng: "Nếu họ không mua của chúng tôi, chúng tôi bán cho người khác!"
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định nỗ lực của Washington nhằm vào công ty công nghệ của Trung Quốc sẽ làm tổn hại danh tiếng trên toàn cầu của Mỹ.
"Nếu chính quyền Mỹ luôn đối xử với các quốc gia khác, những công ty hoặc cá nhân nước ngoài theo cách hung hăng như vậy, thì sẽ không có ai dám đầu tư vào Mỹ nữa," ông Nhậm trả lời trong cuộc phỏng vấn với CNN tại trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến.
Trong những tháng trở lại đây, chính phủ Mỹ đã tăng cường áp lực và thuyết phục các đồng minh dừng việc sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei trong quá trình xây dựng mạng không dây thế hệ tiếp theo có tên gọi "5G".
Washington cho rằng Huawei có thể giúp chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin tình báo qua các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, Huawei đã phủ nhận mọi cáo buộc về rủi ro an ninh và yêu cầu chính quyền của ông Trump cung cấp bằng chứng để chứng tỏ vấn đề.
Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập và CEO của Huawei, đã dành nhiều lời ca ngợi nền kinh tế Mỹ, mô tả thị trường Mỹ là đầu tàu trong lĩnh vực đổi mới. Nhưng ông Nhậm khẳng định công ty Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - đang bị đối xử bất công.
Đây là lý do Huawei quyết định thực hiện nước cờ kiên quyết nhất trong cuộc chiến chống lại áp lực từ Mỹ. Huawei đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ vào hồi tuần trước, mục tiêu nhằm vào một luật gần đây yêu cầu các cơ quan liên bang Mỹ không được sử dụng sản phẩm của Huawei.
"Chúng tôi chọn lên tiếng vào thời điểm hiện tại bởi chính phủ Mỹ coi chúng tôi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Họ phải có bằng chứng. Mọi người trên thế giới đều đang nói về an ninh mạng và họ chọn cách bài trừ Huawei."
"Thế còn Ericsson thì sao? Cisco nữa? Chẳng phải họ đều có vấn đề an ninh mạng hay sao? Tại sao Huawei lại bị bài trừ?" - ông Nhậm nhắc tới một số nhà sản xuất thiết bị mạng lớn của phương Tây.
Được biết, Huawei là thành quả được ông Nhậm Chính Phi xây dựng trong hơn 30 năm qua. Hiện tại, công ty này đã đạt doanh thu 100 tỉ USD hàng năm và bán được số lượng điện thoại thông minh nhiều ngang "ông lớn" Apple. Huawei đã giúp ông Nhậm trở thành một trong những tỷ phú lớn của thế giới.
Ông Nhậm đã phủ nhận mọi cáo buộc rằng công ty đang nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, khẳng định đây là tập đoàn tư nhân. Ông Nhậm tuyên bố thà đóng cửa doanh nghiệp còn hơn là nhận lệnh từ Bắc Kinh và sử dụng thiết bị Huawei vì mục đích do thám.
"Chiến lược của ông Trump hoàn toàn sai lầm"
Nỗ lực của Huawei đã không cản được việc chính phủ của ông Trump theo đuổi chiến dịch chống lại công ty này. Ít lâu sau khi Huawei đệ đơn kiện, Đại sứ Mỹ tại Đức đã gửi một lá thư cảnh báo tới chính phủ Đức, viết rằng Mỹ sẽ hạn chế lượng thông tin tình báo cho Berlin nếu Huawei tiếp tục được xây dựng hệ thống mạng 5G trên lãnh thổ Đức.
Theo ông Nhậm, những hành vi như vậy sẽ làm tổn hại hình ảnh của Mỹ đối với các nhà đầu tư nước ngoài và Mỹ sẽ không còn là môi trường "tuyệt vời" để làm kinh doanh như đã quảng bá nữa.
Ông Nhậm đánh giá tổng thống Donald Trump là một nhà lãnh đạo tài năng vì đã cắt thuế cho doanh nghiệp Mỹ, nhưng kêu gọi ông Trump nghĩ lại về phương pháp tiếp cận các doanh nghiệp và công ty nước ngoài.
"Chiến lược của ông Trump hoàn toàn sai lầm. Nếu ngày hôm nay ông ấy đe dọa một đất nước, ngày mai đe dọa một công ty hoặc bắt giữ người vô cớ, thì chẳng còn ai dám đầu tư vào Mỹ nữa."
Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc Huawei và giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu với nhiều tội danh, trong đó có vi phạm cấm vận của Mỹ đối với Iran. Bà Mạnh - con gái của ông Nhậm Chính Phi - đã bị bắt giữ tại Canada và hiện đang đối diện với việc bị dẫn độ sang Mỹ.
Huawei và bà Mạnh đã phủ nhận các cáo buộc, trong khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu thả bà Mạnh ngay lập tức.
"Ông Trump nên cởi mở và chấp nhận mọi hình thức đầu tư. Nếu ông ấy bao dung hơn, thì tất cả những đầu tư liên quan tới nước Mỹ sẽ giúp đảm bảo sự thịnh vượng của Mỹ trong một thế kỉ tới".
Huawei giữa tâm điểm căng thẳng Mỹ - Trung Quốc
Huawei là một trong những công ty toàn cầu thành công nhất của Trung Quốc và đã đặt mục tiêu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống 5G trên khắp thế giới. Mạng viễn thông thế hệ mới được cho là sẽ kết nối mọi thứ từ điện thoại thông minh tới robot và xe ô tô tự lái, hệ thống đèn hiệu giao thông nối mạng Internet.
Huawei đã mắc kẹt trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trên đường đua đạt được thành tựu công nghệ của tương lai. Chính quyền ông Trump đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc vì những khoản ưu đãi mất cân đối đối với các công ty Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp chủ chốt.
Những năm qua, Huawei đã gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường Mỹ. Ông Nhậm cho rằng chính phủ Mỹ không có điều kiện để đánh giá đúng đắn về sản phẩm của Huawei.
"Không hề có thiết bị của Huawei trong mạng lưới của Mỹ - điều đó có giúp mạng của Mỹ hoàn toàn an toàn hay không? Nếu không, làm sao họ có thể nói với các quốc gia khác rằng mạng viễn thông sẽ an toàn khi không có Huawei? Đó là lí do và quan điểm của chúng tôi khi kiện chính phủ Mỹ".
Ông Nhậm cho rằng những nỗ lực của Mỹ trong việc buộc các nước phương Tây như Đức và Anh không sử dụng sản phẩm của Huawei không phải là vấn đề lớn.
"Nếu họ không mua từ chúng tôi, chúng tôi sẽ bán cho người khác. Chúng tôi có thể giảm lượng sản phẩm.
Chúng tôi không phải công ty đại chúng, do đó chúng tôi không cần lo về việc giảm lợi nhuận dẫn tới sụt giảm giá cổ phiếu. Chúng tôi có thể giảm nhân viên và giảm chi phí một chút, nhưng Huawei vẫn sẽ tồn tại".
Ông Nhậm khẳng định ông "rất bình tĩnh" về vụ án của con gái.
"Mạnh Vãn Chu không có tội, vì thế nếu luật pháp minh bạch và công bằng, tôi tin rằng con gái tôi sẽ sớm vượt qua mọi chuyện".
Các công tố viên Mỹ nói rằng chính ông Nhậm cũng nói dối FBI hồi năm 2007 về hoạt động kinh doanh với Iran. Tuy nhiên, FBI chưa bao giờ cáo buộc ông Nhậm.
Khi được hỏi liệu ông có tới Mỹ để theo dõi vụ bắt giữ của con gái Mạnh Vãn Chu hay không, ông Nhậm nói ông không có lí do để tới đây.
"Thị trường Mỹ khá nhỏ đối với chúng tôi. Tôi không có lí do để tới Mỹ. Hãy để luật sư xử lí vụ việc này," nhà sáng lập Huawei tuyên bố.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng