Liệu camera selfie của Samsung Galaxy J7 Prime có "thần thánh" như quảng cáo?
Tôi tin rằng bạn đã từng ít nhất một lần xem đoạn clip này.
Đây là đoạn clip quảng cáo của chiếc Galaxy J7 Prime - sản phẩm mới nhất của Samsung trong phân khúc 6 triệu đồng. Mặc dù không đề cập trực tiếp, nhưng có thể thấy rõ mục tiêu của Samsung khi tung ra nó là để "dìm hàng" hai đối thủ chính của J7 Prime, đó là Apple iPhone và Oppo F1s. Trong đó, Oppo F1s được coi là "kỳ phùng địch thủ" của J7 Prime, khi cả hai đều sở hữu thiết kế nhôm nguyên khối, màn hình lớn, cấu hình khá mạnh, hỗ trợ cảm biến vân tay và có mức giá khá tương đồng.
Galaxy J7 Prime là sản phẩm được Samsung hướng đến giới trẻ, vậy nên được đầu tư rất nhiều vào khả năng selfie
Thế nhưng, không chỉ "dìm" một cách chung chung, Samsung trực tiếp tấn công đối thủ ở khả năng chụp selfie. Với việc đây là một hoạt động được giới trẻ, đặc biệt là các bạn nữ thường xuyên làm trên chiếc smartphone của mình, chắc chắn một sản phẩm với khả năng selfie tốt sẽ tạo được nhiều cảm tình hơn với đối tượng người dùng trên. Một điều nghịch lý là trước đó, Oppo F1s cũng được quảng bá là chiếc điện thoại hoàn hảo trong lĩnh vực này - khi luôn đi đôi với biệt danh "chuyên gia selfie". Vậy biết tin ai bây giờ? Đương nhiên, do người ta nói rằng "đừng bao giờ tin vào quảng cáo", để đi tìm "chuyên gia selfie" thật sự thì chỉ có cách duy nhất là mang cả hai máy ra và... selfie thôi!
Nhưng liệu Galaxy J7 Prime có đánh bại được "chuyên gia selfie" Oppo F1s?
Trước khi đi vào phần chính, tôi có một lời "thú nhận" muốn gửi đến các bạn: Mặc dù có bút danh là Minh Trang, nhưng tôi lại là con trai. Trai chuẩn 100%. Vậy nên, tôi không phải là một người thật sự ham hố đến chuyện selfie này lắm, và không có nhiều kinh nghiệm trong việc "tạo dáng" để tạo ra những bức ảnh ảo diệu.
Thế nhưng có một điều mà tôi biết rất rõ, đó là để đánh giá camera selfie phức tạp hơn rất nhiều so với camera chính. Bình thường, chúng ta có những yếu tố như màu sắc, độ chi tiết, mức noise... để dựa vào và đánh giá, thì với camera selfie, chúng đều là vô nghĩa. Đôi khi, một bức ảnh selfie nhòe nhoẹt, màu sắc sai lệch hoàn toàn so với thực tế lại được đánh giá cao hơn, đơn giản là vì chúng... "ảo" hơn! Và cũng đúng như tên gọi của nó, chẳng ai định nghĩa được cái "ảo" đấy là gì, mà nó dựa trên con mắt của mỗi người.
Vậy nên, mong các bạn lưu ý: tất cả những quan điểm trong bài viết này đều mang tính chất cá nhân. Cho dù tôi có đánh giá camera của chiếc máy nào tốt hơn, bạn cũng không nhất thiết phải khăng khăng nghe theo tôi. Thay vào đó, hãy tự tin đưa ra sự lựa chọn của riêng mình - dựa trên chính kiến của chính bạn. Mỗi người có một quan niệm riêng về vẻ đẹp mà.
Với việc cả hai đều được chú trọng vào khả năng selfie, cả Samsung và Oppo đều bổ sung vào ứng dụng chụp ảnh có sẵn của mình những tính năng làm đẹp. Trong khi J7 Prime ẩn đi những tính năng này trong một nút bấm nhỏ và chỉ xuất hiện khi chuyển sang camera selfie, thì F1s với giao diện "đậm chất mượn iPhone" của mình, bổ sung hẳn một chế độ mang tên "Làm đẹp" và cho phép sử dụng cả camera trước và sau.
Giao diện ứng dụng camera Oppo F1s (trái) và Galaxy J7 Prime (phải)
Một điều khá nghịch lý là mặc dù chê bai khả năng làm đẹp của Oppo F1s trong clip quảng cáo, Galaxy J7 Prime lại cho phép người dùng có nhiều điều chỉnh hơn với khuôn mặt của mình. Cụ thể, người dùng có thể chỉnh màu da, mặt thon/V-line hay mắt to. Trong khi đó, Oppo F1s chỉ cho chỉnh màu da và độ mịn của khuôn mặt. Người dùng có thể tùy ý lựa chọn mức độ làm đẹp để tạo ra kết quả vừa ý nhất với cả hai máy.
Đầu tiên hãy cùng đến với Galaxy J7 Prime và kết quả tạo ra khi điều chỉnh mức độ của từng tính năng ở mức thấp (1), vừa (5) và cao (7).
Mặc dù Samsung gọi đây là "thay đổi màu da", nhưng tôi thấy nó giống làm mịn da thì đúng hơn
Điều chỉnh Kích cỡ mắt
Cằm V-line
Và tiếp theo là đến Oppo F1s.
Trái: Khi chưa sử dụng tính năng làm mịn da mặt & màu da trắng. Phải: Đã điều chỉnh mức độ mịn & màu da hồng hào
Nhìn chung, các tính năng này của cả hai máy sẽ đem lại kết quả tốt nếu như người dùng sử dụng nó một cách có chừng mực. Nhưng, tôi cảm thấy việc tạo ra một bức ảnh đẹp trên Oppo F1s dễ dàng hơn rất nhiều so với Galaxy J7 Prime. Với việc J7 Prime chia ra làm ba tính năng riêng lẻ, người dùng phải liên tục chuyển qua lại giữa chúng. Trong khi đó, giao diện của Oppo F1s cho phép điều chỉnh cả hai thông số cùng trên một màn hình, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.
Khi đặt hình selfie của hai máy cạnh nhau, có thể thấy rõ thế mạnh của Oppo F1s. Nhờ vào màu da hồng hào, chủ thể bức hình trở nên có hồn hơn rất nhiều. Như đã nói ở trên, đây là một quan điểm cá nhân - bạn cũng có thể thích màu da "trắng như Bạch Tuyết" của Galaxy J7 Prime hơn (nhiều bạn nữ thích cái này hơn).
Tuy nhiên, một yếu tố mà chắc chắn F1s chiến thắng áp đảo trước Galaxy J7 Prime là độ chi tiết của bức ảnh. Nhờ vào cảm biến 16MP (so với 8MP của J7 Prime), Oppo F1s cho những bức hình sắc nét hơn rất nhiều, ngay cả khi đã áp dụng các hiệu ứng làm mịn. Đương nhiên, 16MP là độ phân giải quá thừa thãi cho những bức ảnh selfie, đặc biệt là khi chúng sẽ bị nén lại khi đăng tải lên các mạng xã hội. Nhưng, ưu thế vẫn là ưu thế.
Độ phân giải 16MP giúp hình ảnh của Oppo F1s cho độ chi tiết vượt trội so với Galaxy J7 Prime
Với điều kiện ánh sáng ít lý tưởng hơn như trong phòng, Oppo F1 tiếp tục thể hiện những ưu thế của mình về màu sắc và độ chi tiết. Trong khi đó, Galaxy J7 Prime có vẻ như quá lạm dụng việc tăng độ sáng của bức ảnh, khiến một số chi tiết ở bước ảnh dưới đây như trần nhà như bị 'cháy' hoàn toàn.
Việc lạm dụng tăng độ sáng khiến ảnh của Galaxy J7 Prime không những không tự nhiên, mà còn gây mất chi tiết ở các vùng sáng.
Khi mang đêm buông xuống cũng là lúc cả hai chiếc máy buộc phải thể hiện những lợi thế về công nghệ của mình để giúp đưa ra một bức ảnh đẹp. Với Oppo F1s là ống kính khẩu độ f/2.0 và công nghệ 'Screen Flash", giúp biến màn hình thành đèn flash. Galaxy J7 Prime lại có lợi thế ở ống kính khẩu độ f/1.9 lớn hơn.
So sánh khả năng selfie trong điều kiện thiếu sáng
Mặc dù kết quả do tính năng Screen Flash tạo ra khá tệ, nhưng khi tạm gạt nó đi thì Oppo F1s cho khả năng chụp selfie tối tốt hơn rất nhiều so với Galaxy J7 Prime. Da mặt của chủ thể trong bức ảnh của Oppo F1s hồng hào hơn, sáng sủa hơn và chi tiết hơn Galaxy J7 Prime, trong khi các hiệu ứng làm đẹp vẫn có thể phát huy hiệu quả của mình. Ảnh của J7 Prime nhiễu hơn rất nhiều và màu sắc cũng bị bệt đi.
Điều cuối cùng mà tôi muốn đánh giá ở cả hai máy là khả năng hỗ trợ của các phần mềm bên thứ ba. Selfie giờ đây không chỉ đơn thuần là những bức ảnh tĩnh vô vị nữa, mà nó còn là những đoạn video ngắn với những hiệu ứng ngộ nghĩnh, được tạo ra bởi các phần mềm như SNOW Camera.
So sánh video tạo bởi SNOW Camera giữa Oppo F1s và Samsung Galaxy J7 Prime
Và lại một lần nữa, Galaxy J7 Prime khiến tôi phải buồn lòng khi cho một đoạn video với frame rate thảm hại. Oppo F1s lại không gặp phải tình trạng này. Không rõ chuyện gì đang xảy ra với Galaxy J7 Prime: do GPU yếu hơn, màn hình độ phân giải cao hơn hay chỉ đơn giản là TouchWiz không được tối ưu hóa? Người dùng thì chẳng quan tâm đến lý do tại sao, họ chỉ biết rằng Oppo cho video mượt hơn là đã thấy thích rồi.
Xin lỗi Samsung, nhưng Oppo đã giành chiến thắng
Không chỉ cho những bức ảnh có độ "lừa tình" cao hơn, Oppo F1s còn thể hiện rõ ưu thế trong điều kiện ánh sáng thấp, nhờ vào cảm biến có kích thước lớn và phần mềm dễ sử dụng. Với các ứng dụng bên thứ ba, F1s cũng cho những đoạn video với hiệu ứng mượt mà hơn J7 Prime - mặc dù điều này có thể thay đổi khi các ứng dụng, cũng như phần mềm của máy được nhận các bản cập nhật sau này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng