Quay trở lại thời điểm năm 2011, khi Samsung giới thiệu chiếc điện thoại Galaxy Note với kích thước màn hình 5,3 inch, nhiều người đã gọi đó là hành động “điên rồ”. Chỉ khi doanh số bán hàng của Note lên tới 10 triệu chiếc, chúng ta mới thấy được hướng đi của Samsung là có cơ sở. Chính từ đó, khái niệm “phablet" đã ra đời và mở ra cánh cửa cho một phân khúc điện thoại hoàn toàn mới.
Trong khi các đối thủ của Samsung vẫn còn nghi ngờ và cố gắng chiến đấu với những chiếc điện thoại có màn hình 4 đến 4,7 inch thì Note 2 với màn hình 5,5 inch tiếp tục gây được tiếng vang lớn.
LG có vẻ như là một nhà sản xuất “thức thời” hơn cả, sau khi trình làng smartphone Optimus G với màn hình 4,7 inch, hãng đã mạnh dạn đẩy kích thước màn hình của điện thoại
Optimus G Pro lên tới 5,5 inch. Đây là một thách thức lớn cản trở nghiêm trọng tới doanh số của
Galaxy Note 2 trong thời điểm này bởi khi mà Galaxy S4 vẫn đang rục rịch chờ thời điểm lên kệ thì Note 2 và cả S3 vẫn được nhiều người mua tin tưởng lựa chọn.
Giới thiệu điện thoại Samsung Galaxy Note 2.
Về mặt cấu hình phần cứng, không cần bàn cãi chúng ta có thể khẳng định
Optimus G Pro sở hữu các thông số tốt hơn Galaxy Note 2. Cụ thể, G Pro được trang bị vi xử lý Snapdragon 600 cực kỳ mạnh mẽ cùng màn hình Full HD, trong khi Note 2 sử dụng chip Exynos 4412 và màn hình độ phân giải 720p. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu năng của Note 2 vẫn rất khá và đặc biệt máy có nhiều tính năng thông minh cũng như bút S Pen độc đáo.
Về mức giá, cả 2 smartphone này đều thuộc phân khúc hàng cao cấp với mức giá không dưới 13 triệu đồng. Do đó, cuộc “đại chiến Sumo” của Optimus G Pro và
Galaxy Note 2 hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn. Sau đây, chúng tôi sẽ so sánh chi tiết 2 chiếc phablet này.
Thiết kế
Optimus G Pro và Galaxy Note 2 có rất nhiều điểm chung về ngoại hình và thiết kế. Note 2 vẫn đi theo “cảm hứng" thiết kế truyền thống của Samsung với vỏ nhựa và 4 góc bo tròn mạnh. LG cũng đã lựa chọn hướng đi tương tự trên Optimus G Pro, và có phần trái ngược với kiểu dáng vuông vắn truyền thống trước đây của điện thoại LG.
Mặt sau của Optimus G Pro và Galaxy Note 2.
Mặt sau cùng được làm từ chất liệu nhựa song việc “trang chí” thêm các hình vân phản xạ xen kẽ nhau giúp G Pro trông đỡ đơn điệu hơn so với mặt sau hoàn toàn nhẵn bóng của Note 2.
Với kích thước màn hình cùng là 5,5 inch tỷ lệ 16:9 nhưng Optimus G Pro có rìa màn hình cực mỏng nên chiều rộng của máy nhỏ hơn Note 2 khoảng 4 mm. Cả 2 thiết bị đều sử dụng phím Home vật lý và 2 nút điện dung tạo thành bộ 3 nút bấm Android truyền thống. Trong khi phím Home của Note 2 lớn và bấm có cảm giác với hành trình phím sâu thì nút Home trên G Pro lại khá nông, ấn không thật tay. Bù lại, LG đã trang bị quanh phím Home của G Pro một dải đèn LED đổi màu thông báo trạng thái khá tiện lợi.
Cả hai phablet đều sở hữu nút Home vật lý.
Note 2 và Optimus G Pro tiếp tục bộc lộ những điểm tương đồng từ cách bố trí phím cứng ở cạnh máy. Cả 2 thiết bị đều đặt phím nguồn ở bên phải và cụm phím chỉnh âm lượng bên trái. Với kích thước “khổng lồ”, cách bố trí này nhìn chung đều đem lại sự tiện dụng cho người dùng. Đáng chú ý là Optimus G Pro còn bổ sung thêm một nút bấm khác gọi là QButton. Nó được đặt ở phía trên bên trái của điện thoại cho phép người dùng tùy biến để truy cập nhanh một ứng dụng bất kỳ.
Ở cạnh trên, ngoài jack tai nghe 3.5, Optimus G Pro còn được hỗ trợ cổng hồng ngoại “IR Blaster” hỗ trợ điều khiển từ xa giống như Galaxy S4 và HTC One. Ở cạnh đáy, cả hai phablet đều có cổng microUSB và MHL.
Trong khi đó ở góc dưới bên phải, Galaxy Note 2 có một khe cắm đặc biệt dành cho bút S Pen, đó là tính năng cho phép Note 2 sử dụng kèm với các ứng dụng rất hữu ích và được phát triển bởi Wacom. Chiếc bút này nằm gọn gàng ở cạnh máy, việc lấy ra hay nhét vào cũng rất dễ dàng.
Bộ phát hồng ngoại trên Optimus G Pro và khe cắm S-Pen trên Galaxy Note 2.
2 smartphone đều có thể tháo nắp lưng và thay pin phụ. Khi mở nắp lưng, bạn sẽ thấy các khe cắm thẻ microSD, microSIM và nguồn pin. G Pro sở hữu pin dung lượng 3.140 mAh còn Note 2 có pin 3.100 mAh.
Camera sau của G Pro và Note 2 không bị nhô lên quá nhiều so với mặt lưng nên có thể giảm được khả năng trầy xước.
Cả 2 phablet cùng có độ dày 9,4 mm nhưng LG Optimus G Pro gọn và nhẹ hơn 9 g so với Note 2. Hai thiết bị đều cho cảm giác cầm chắc chắn, không hề ọp ẹp dù chất liệu xây dựng chính là nhựa. Bên cạnh đó, kiểu dáng chung cũng như kích thước của 2 chiếc điện thoại này không chênh lệch nhau quá nhiều. Tuy vậy, LG Optimus G Pro có thiết kế bắt mắt hơn. Việc thiếu bút S Pen cũng là lý do giúp G Pro nhỏ và nhẹ hơn so với Note 2.
Màn hình
Cùng kích cỡ 5,5 inch và tỷ lệ 16:9 nhưng màn hình của Optimus G Pro và Galaxy Note 2 lại có công nghệ hoàn toàn khác nhau. G Pro sử dụng màn hình True HD IPS Plus với độ phân giải 1080p cho mật độ điểm ảnh lên tới 401 ppi còn Note 2 có màn hình Super AMOLED độ phân giải 720p với mật độ điểm ảnh chỉ là 267 ppi.
Khi ra mắt G Pro, LG đã khẳng định rằng màn hình của smartphone này hiển thị màu sắc chính xác tuyệt đối 100% và không bị ám màu như các điện thoại đang có mặt trên thị trường. Thông qua thử nghiệm, có thể nhận định rằng màn hình của Optimus G Pro thực sự tuyệt vời. Màu sắc được làm nổi bật rõ ràng và thể hiện rất sống động.
Màn hình của Note 2 không thể đạt độ sắc nét như G Pro. Nếu để ý kỹ, bạn vẫn có thể nhìn thấy điểm ảnh trên Note 2. Tuy nhiên, smartphone của Samsung lại có độ tương phản tốt hơn so với G Pro với màu đen thể hiện rất sâu. Khi quan sát dưới trời nắng, Note 2 cũng hiển thị rõ hơn một chút so với đối thủ.
Song từng đó dường như vẫn chưa thể giúp Note 2 giành chiến thắng khi đọ màn hình với G Pro. Rõ ràng màn hình độ phân giải cao hơn cùng khả năng hiển thị màu sắc chung thực là một lợi thế lớn của Optimus G Pro trước Note 2.
Thời lượng pin
Màn hình đẹp hơn nhưng cũng chính là điểm tiêu tốn pin nhất của thiết bị. Và Optimus G Pro đã phải chấp nhận hi sinh điều này. Cùng sở hữu nguồn pin xấp xỉ nhau khoảng 3.100 mAh nhưng nhìn chung thời lượng sử dụng của G Pro thấp hơn Note 2 đáng kể.
Theo kết quả thử nghiệm, ngoài thời lượng đàm thoại tốt hơn thì Optimus G Pro đều thua về thời lượng duyệt web và phát video so với Note 2.
Có thể nói, tới thời điểm này, Galaxy Note 2 vẫn là chiếc điện thoại có thời lượng pin thuộc hàng đầu bảng. Sử dụng với cường độ trung bình, máy có thể hoạt động tới gần 3 ngày mới cần sạc lại pin, trong khi kết quả đó ở G Pro là 50 giờ.
Dù kết quả của G Pro vẫn tương đối khả quan với thời lượng lướt web liên tục là 6 giờ 40 phút và phát video trong 8 giờ 40 phút nhưng trong cuộc so sánh 1:1 này phần thắng vẫn hoàn toàn nghiêng về Galaxy Note 2.
Giao diện và tính năng
Cả 2 phablet đều chạy hệ điều hành Android 4.1.2 Jelly Bean với giao diện tùy biến riêng. Ở G Pro là Optimus UI còn Samsung sử dụng TouchWiz quen thuộc. Đây là 2 giao diện được đánh giá đẹp và giàu tính năng nhất hiện nay.
Giao diện Optimus UI trên G Pro.
Giao diện TouchWiz của Galaxy S4.
Bình thường khi điện thoại đang ở trạng thái chờ, bạn sẽ phải nhấn phím nguồn hoặc một phím cứng nào đó để vào màn hình khóa nhằm xem các thông tin về ngày giờ hay cuộc gọi nhỡ. Tuy nhiên, Note 2 có một tính năng gọi là “Quick glance”, khi máy đang ở trạng thái chờ, bạn chỉ cần che cảm biến khoảng cách thì màn hình sẽ tự sáng lên đồng thời hiển thị thông tin thời gian, thời lượng pin, cuộc gọi nhỡ, tin nhắn mới, bài nhạc đang bật hay báo thức sắp tới. Nhưng bạn cần lưu ý là nếu bạn úp máy xuống thì chức năng này cũng tự hoạt động và khá tốn pin. Do đó, hãy tùy tình huống để kích hoạt tính năng “Quick glance” của Note 2.
Màn hình Homescreen của Note 2 và G Pro đều có nhiều tùy chỉnh tương đương nhau. Ngoài ra, các phablet này cũng có bộ widget cài sẵn rất đa dạng. Nếu bạn kéo bảng “notification” xuống thì có thể thấy thanh “shortcut” bật/tắt nhanh các loại kết nối hay một số tính năng được cả LG và Samsung hỗ trợ rất sâu. Song có thể nhận thấy LG còn tích hợp thêm một thanh ứng dụng QSlide ngay phía dưới.
QSlide trên G Pro và Multi-Window của Note 2.
Về cơ bản, QSlide trên Optimus G Pro là một dạng chạy đa nhiệm gần giống Multi-Window của Note 2. Đối với Galaxy Note 2, bạn có thể bật 2 ứng dụng cùng lúc chạy theo chế độ chia đôi màn hình. Còn QSlide của G Pro là tổng hợp một số ứng dụng trong đó người dùng có thể bật tối đa 2 ứng dụng. Điểm mạnh của QSlide là bạn có thể thay đổi vị trí hiển thị của màn hình ứng dụng nhỏ trên nền màn hình chính và có thêm một thanh trượt điều chỉnh độ trong suốt của ứng dụng mở từ QSlide.
Một tính năng cao cấp mà TouchWiz của Samsung sở hữu đó là Smart stay. Bình thường, nếu bạn để chế độ sau 30 giây tự tắt màn hình thì nếu không tương tác vào thì màn hình máy sẽ tự tắt sau thời gian đã chỉnh. Nhưng nếu bạn kích hoạt Smart stay thì camera trước của Note 2 sẽ phát hiện bạn có đang nhìn vào màn hình hay không, nếu bạn vẫn đang chăm chú vào màn hình máy thì Note 2 sẽ không chuyển về chế độ khóa. LG Optimus G Pro cũng sở hữu một tính năng tương tự nhưng mang tên là “Wise screen”. Có thể nói 2 tính năng này đều hoạt động khá nhạy và thực sự hữu dụng.
Video trải nghiệm giao diện của LG Optimus G Pro.
Video trải nghiệm giao diện của Samsung Galaxy Note 2.
S Pen
S Pen là tính năng độc quyền và có giá trị đáng kể dẫn tới thành công của dòng điện thoại Galaxy Note. S Pen cũng chính là điểm mấu chốt quan trọng để bù lại những điểm thua kém về thiết kế và cấu hình phần cứng của Note 2 so với G Pro. Vậy tại sao S Pen lại quan trọng như vậy và bạn có thể làm những gì với nó?
Trước hết, có thể nói S Pen gần như có vai trò tương tự ngón tay người dùng và có thể tương tác với màn hình của Note 2 không giới hạn nhưng cho độ chính xác rất cao. Khi bạn xem lịch hẹn trong ứng dụng lịch hay kiểm tra email trong Gmail, bạn chỉ cần đặt S Pen cách màn hình khoảng 1 cm, gần với mục muốn xem và nội dung chi tiết sẽ được hiển thị ngay lập tức dưới dạng cửa sổ “pop up”. Tương tự như vậy, khi xem video hay ảnh, bạn cũng có thể xem trước nội dung mà không cần trực tiếp truy cập vào từng mục. Đây là tính năng Air View mà Galaxy S4 cũng đã được trang bị.
Song đúng như tên gọi của thiết bị là Galaxy Note, tính năng ghi chú vẫn là “vũ khí” chủ đạo của bút S Pen. Bạn có thể chú thích, cắt ảnh hay ghi bằng chữ viết tay mọi lúc mọi nơi với S Pen. Điều này biến Note 2 trở thành một cuốn sổ thông minh bỏ túi cực kỳ đa năng. Ngoài ra, với khả năng tối ưu có thể nhận biết tới 1.024 mức độ áp lực nên bạn hoàn toàn có thể vẽ bằng S Pen. Tùy thuộc vào việc bạn ấn mạnh hay nhẹ mà sẽ tạo thành các nét vẽ với độ dày mỏng khác nhau.
Khám phá những tính năng đỉnh cao của bút S Pen.
Vì vậy, xét về tổng thể, có thể khẳng định Note 2 vẫn sở hữu bộ khung tính năng tốt hơn với bút S Pen cực kỳ thông minh so với Optimus G Pro.
Thông số phần cứng
Đây có lẽ là phần dễ đoán nhất kết quả phần chiến thắng thuộc về smartphone nào. Tất nhiên, đó là G Pro. Smartphone của LG được trang bị vi xử lý Snapdragon 600 tốc độ 1,7 GHz còn Note 2 chạy chip lõi tứ Exynos 4412 tốc độ 1,6 GHz. Cả 2 đều sở hữu 2 GB RAM nên vấn đề chạy đa nhiệm không phải vấn đề lớn.
Về cơ bản, Galaxy Note 2 có điểm số benchmark thấp hơn khá nhiều so với Optimus G Pro. Tuy vậy, Note 2 vẫn có thể chạy rất mượt mà, có chăng nếu làm chậm nhiều lần chúng ta mới thấy được G Pro có tốc độ mở ứng dụng nhanh hơn so với Note 2. Còn ở tốc độ thông thường, sự chênh lệch rất khó để nhận biết. Bên cạnh đó, tốc độ duyệt web trên 2 smartphone này đều rất đáng nể với độ phản hồi tức thì.
Camera
Sự cách biệt về phần cứng một lần nữa lại hiện hữu. Note 2 chỉ sở hữu camera 8 MP còn ở Optimus G Pro là 13 MP. So sánh giữa 2 cảm biến này có vẻ như là một sự bất công cho Galaxy Note 2 nhưng biết đâu chưa hẳn thông số cảm biến tốt hơn đã đem lại chất lượng ảnh chụp cao hơn. Dưới đây là so sánh ảnh chụp của 2 thiết bị (ảnh của G Pro ở trên và Note 2 ở dưới).
Cả G Pro và Note 2 đều được hỗ trợ nhiều tùy chỉnh camera về các chế độ chụp khác nhau như panorama, HDR, chụp nhanh, nhận diện khuôn mặt, chụp bằng khẩu lệnh hay chụp hình khi đang quay video. Tuy nhiên, với tư cách là một hậu bối, G Pro được trang bị thêm một số “vũ khí” khá thú vị như “Time machine” hay VR Panorama.
Cùng sở hữu bộ cảm biến hình ảnh của Sony nhưng với thông số tốt hơn nên G Pro duy trì được mức độ sắc nét của ảnh khá cao đặc biệt thực sự rõ ràng khi crop 100%. Mức độ nhiễu trên ảnh của Note 2 cũng cao hơn so với đối thủ. Tuy vậy, các chi tiết ở phần tối bức ảnh lại được Note 2 thể hiện tương đối rõ.
Màu sắc ảnh của G Pro thể hiện thật và sát với thực tế. Một số người có thể thích các bức ảnh với màu đậm của Note 2 nhưng số đông vẫn ưa chuộng sự chân thực hơn.
Về khả năng quay video, LG Optimus G Pro cũng ghi điểm ở tính năng mà Note 2 không có đó là quay video từ cả camera trước và sau. G Pro cũng có cả tính năng quay HDR. Tuy nhiên, chức năng này của máy hoạt động không được như ý muốn do khi kích hoạt quay HDR, màu sắc của đoạn video không còn chính xác và nhiễu xuất hiện rất nhiều.
Xét về khả năng quay video thông thường của 2 smartphone, Optimus G Pro lại tỏ ra thua kém so với Galaxy Note 2. Mặc dù có thể sản xuất những đoạn video chạy mượt mà ở tốc độ 30 fps song màu sắc của video thường xuyên thiếu chính xác, mức độ chi tiết thấp do chế độ tự động lấy nét và phơi sáng làm việc với tần suất quá cao. Trong khi đó, video của Note 2 cho tỷ lệ khung hình ổn định, ít nhiễu, màu sắc có phần bão hòa nhưng vẫn chấp nhận được.
Video quay mẫu của Optimus G Pro.
Video quay mẫu của Galaxy Note 2.
Cuối cùng, về mặt tổng quan, Optimus G Pro sở hữu nhiều tính năng chụp hình và quay video hơn. Bên cạnh đó, smartphone này cũng cho chất lượng hình ảnh tốt hơn so với Note 2. Song có phần hơi bất ngờ là Note 2 vẫn duy trì được khả năng quay video tốt hơn đối thủ của mình.
Âm thanh và chất lượng cuộc gọi
Cả 2 phablet đều được đánh giá tốt về chất lượng âm thanh. Galaxy Note 2 nổi bật hơn nhờ sở hữu loa âm lượng lớn. Tuy vậy, khi đàm thoại, Note 2 vẫn để lọt một chút tạp âm so với Optimus G Pro. Nhưng vấn đề tạp âm của Note 2 chỉ phát hiện chính xác trong điều kiện thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, còn trong thực tế, hầu như chất lượng âm thanh của Note 2 vẫn không thua kém so với G Pro.
Kết luận
Trước đây, Optimus Vu đã thất bại thảm hại khi cố vượt qua cái bóng quá lớn của Galaxy Note. LG cần một sự thay thế thích hợp và trọng trách lần này được đặt lên vai của Optimus G Pro với trách nhiệm đánh bại cả Galaxy Note 2 và Galaxy S4.
Optimus G Pro được đánh giá cao hơn nhiều so với đối thủ về mặt cấu hình phần cứng, thiết kế dù tương đồng nhưng cũng đẹp hơn một chút. Song dù dã có mặt trên thị trường khá lâu nhưng vị thế của Note 2 vẫn còn rất chắc chắn. So với G Pro, Note 2 sở hữu 2 ưu điểm đáng giá là thời lượng pin cực tốt và bút S Pen.
Với tầm giá có thể chênh lệch nhau không nhiều, việc bạn lựa chọn Note 2 hay G Pro sẽ còn tùy thuộc vào từng tiêu chí chọn lựa. Nếu bạn cần một chiếc điện thoại với cấu hình “vô địch”, chạy được mọi loại game trong một thời gian dài nữa thì hãy chọn Optimus G Pro, còn nếu cần một cuốn sổ thông minh, ghi chép mọi lúc mọi nơi với rất nhiều tính năng tuyệt vời thì không có smartphone nào xứng đáng hơn Note 2.