(GenK.vn) - Các ứng dụng OTT đã trở thành một xu hướng mới của ngành công nghiệp di động, nhưng sau những vụ bán mình bạc tỷ của WhatsApp hay Viber, những điểm yếu của OTT dần lộ ra.
Một thị trường có quá ít rào cản
Như GenK đã đề cập ở nhiều bài trước, thị trường ứng dụng OTT có quá ít rào cản bởi cơ chế định danh của các ứng dụng OTT chủ yếu dựa trên số điện thoại của người dùng. Ở buổi bình minh của các ứng dụng gọi điện và nhắn tin miễn phí thì cơ chế định danh này là một thế mạnh. Vì việc sử dụng số liên lạc có sẵn của người dùng để kết nối họ với nhau giúp họ đỡ “lạc lõng” khi tiếp cận một dịch vụ mới. Hãy nhớ lại ngày đầu tiên bạn dùng Facebook với chỉ vài ba người bạn và newsfeed gần như trống rỗng và khác biệt khi bạn bắt đầu dùng Viber, Line hay Zalo với một danh sách hàng chục bạn.
Thế nhưng, dễ đến thì dễ đi. Cơ chế định danh bằng số điện thoại lại trở thành một vũ khí “đâm sau lưng chiến sĩ” khi thị trường trở nên bão hòa và có tính cạnh tranh cao. Người viết có hơn trăm bạn trên Viber và vài chục ở Zalo, nhưng rất khó để liên lạc với mọi người. Bởi vì nhiều khi nhắn đến một người nào đó và chờ cả tuần không thấy trả lời, đơn giản chỉ vì người dùng đã xóa ứng dụng.
Cơ chế định danh quá dễ dàng đã khiến người dùng không có cảm giác tiếc nuối với “cái nick” của mình như trước. Việc bỏ một ứng dụng ra đi không khiến người dùng phải suy nghĩ nhiều như thời họ phải bỏ khỏi Blog 360 hay Yahoo Messenger. Đơn giản chỉ là xóa ứng dụng và bạn bè của họ vẫn ở đó, với số điện thoại hoặc nick Facebook cũ để liên lạc.
Hãy nhìn trường hợp của Telegram: ứng dụng gần như vô danh tăng trưởng hơn 150 lần sau 2 tháng kể từ khi Facebook mua lại WhatsApp. Ngoài việc Telegram là một ứng dụng đủ tốt, việc người dùng WhatsApp hô hào “di cư” khỏi ứng dụng này khi Facebook mua lại là một nguyên nhân đáng kể để Telegram thành công.
Những đối thủ mới có nhiều cơ hội hơn
Với hơn 1 tỷ người dùng và vẫn còn tiếp tục tăng, Facebook là đối thủ gần như không thể đánh bại, nói cách khác kẻ muốn đánh bại Facebook phải phát triển một nền tảng khác, chứ không phải là mạng xã hội. Hay Google chiếm hơn 90% thị trường tìm kiếm thế giới cũng không có đối thủ ở mảng tìm kiếm. Bing của Microsoft dù được đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm cũng không có đủ sức mạnh để chống lại Google. Quy luật kẻ mạnh là kẻ giành được tất cả khiến những kẻ thống trị ở internet đưa ra những luật lệ riêng.
Vấn đề là ở thị trường OTT, câu chuyện không hoàn toàn giống như vậy. Ở một thị trường mà người dùng dễ rời bỏ và thiếu tính gắn bó với dịch vụ như OTT, các đối thủ mới có thể lật đổ ứng dụng thống trị dễ dàng hơn. Telegram chiếm được một miếng bánh bằng khoảng 1/12 của WhatsApp trong một thời gian ngắn nhờ sự bất mãn của một bộ phận người dùng WhatsApp. Vì thế không loại trừ khả năng xuất hiện một đối thủ đánh bại WhatsApp đơn giản chỉ vì họ có chất lượng tốt hơn. Và khi ấy người dùng sẽ chuyển qua ứng dụng mới và có lại bạn bè thông qua định danh bằng số điện thoại trong danh bạ hoặc nick Facebook.
Gần đây có tin cho rằng các nhà mạng Việt sắp ra mắt ứng dụng nhắn tin mới. Trong khi đó thị trường nước ta đón nhận thêm đối thủ BeeTalk, một sản phẩm có nguồn vốn của Tencent với nhiều hoạt động quảng cáo rầm rộ.
Zalo cho rằng họ đang có mặt trên một nửa số smartphone ở nước ta và đối thủ ngay sát sau họ, Viber cũng có số lượng người dùng gần bằng với Zalo. Nếu nhìn một cách cơ học thì cơ hội cho đối thủ mới giành giật người dùng với các ứng dụng cũ là rất khó. Nhưng với ứng dụng OTT, đây lại không phải là một thách thức thực sự lớn.
Một điểm khác cần lưu ý rằng tại Việt Nam chưa có OTT nào đạt vị thế thống trị. Nên việc một ứng dụng mới toanh có thể cạnh tranh với hai đối thủ lớn không phải là điều quá khó.
Dĩ nhiên, lượng người dùng lên đến hàng chục triệu cũng có những lợi thế nhất định, ít nhất là về mặt nhận diện thương hiệu. Nhưng như đã đề cập ở trên, khi thành công dễ đến và dễ đi, các ứng dụng kỳ cựu cần “phòng thủ” nhiều hơn trước các đối thủ mới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng