Thị trường OTT Việt đang dần trở nên buồn tẻ, sau khi Zalo vừa cán qua mức 40 triệu người dùng...
Trong truyện kiếm hiệp Kim Dung và khi được dựng thành phim võ hiệp Hồng Kông, thường có các nhân vật tuy quy ẩn giang hồ nhưng “độc cô cầu bại”.
Nếu lấy tình hình thị trường OTT Việt những năm 2012-2013 làm tâm điểm của sự cạnh tranh mạnh mẽ và hào hứng, thì nay thị trường này đang dần trở nên buồn tẻ, sau khi Zalo vừa cán qua mức 40 triệu người dùng vừa mới đây.
OTT Wala là ứng dụng ra mắt trên thị trường Việt sớm nhất, không có tiền để đầu tư tiếp, nhóm startup trẻ đã phải bán lại cho VNPT và được khoác lên một cái tên mới là VietTalk.
Viber mới đây tổ chức một cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội nhưng cũng chỉ như một viên sỏi ném xuống ao bèo.
Với Facebook Messenger, đã có lúc người ta nói nhiều đến sức mạnh có thể đánh bạt Zalo của OTT này. Lập luận này không phải là không có lý, bởi Facebook mạnh thế, và người dùng Facebook Messenger tới thời điểm này cũng rất đông và thường xuyên.
Tuy nhiên, khi dùng Viber và Facebook Messenger, người dùng chủ yếu dùng để nhắn tin text, gửi ảnh và thoại. Còn dùng Zalo, có nhiều hơn những tính năng đa dạng và những tiện ích phục vụ giải trí và đời sống hàng ngày, bởi OTT này từ lâu đã được định hướng phát triển trở thành một nền tảng di động cho các ứng dụng và tiện ích khác “đậu” vào.
Cũng có ý kiến phân tích rằng, Viber phải rút văn phòng khỏi Việt Nam vì họ chơi cuộc chơi toàn cầu, và ở phạm vi Việt Nam họ không thể cung cấp sâu sát các dịch vụ, tiện ích được như Zalo, và đó chính là lợi thế của OTT Việt để “chiều chuộng” người tiêu dùng Việt.
Tương tự, Facebook Messenger cũng vậy, khi họ phát triển một dịch vụ hay tiện ích, tính năng mới nào đồng thời trên phạm vi toàn cầu, khó có thể địa phương hóa được như Zalo. Và cũng trên thực tế, Messenger cũng chưa được Facebook đẩy mạnh một cách quyết liệt sau khi họ đã mua lại WhatsApp.
Thế còn các OTT của ba nhà mạng lớn của Việt Nam là VinaPhone, Viettel và MobiFone thì sao?
VinaPhone có Viet Talk, Viettel có Mocha và MobiFone có Halo. Khi đề cập đến OTT của nhà mạng những năm 2012-2013, nhiều ý kiến có vẻ “khiếp sợ” vì tiềm lực của nhà mạng, vì đường truyền 3G nhà mạng nắm trong tay. Nhưng khi lần lượt từ cuối năm 2014 tới nay, cả ba nhà mạng đều đã tung ra OTT của riêng mình, cỗ xe Zalo vẫn cứ thẳng tiến.
Có phải vì VinaPhone, Viettel, MobiFone mỗi năm doanh thu hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng và lợi nhuận từ vài ngàn tỉ đồng trở lên vẫn không chặn nổi một Zalo chưa thu hồi nổi vốn đã đầu tư?
Không hẳn thế. Nhưng vấn đề cần được phân tích ở một hướng khác để sáng tỏ hơn. VietTalk, Mocha, Halo dù gì thì cũng chỉ là một dịch vụ/một ứng dụng trong hàng trăm dịch vụ/ứng dụng mà nhà mạng đang cung cấp.
Nhà mạng chưa thể và cũng không thể đổ dồn tất cả các nguồn lực vào cho các ứng dụng này như một con đường duy nhất sống còn để cạnh tranh như VNG trong những năm qua đã dồn cả ngàn tỉ đồng chỉ nhằm đạt được một mục tiêu là Zalo phải số 1 thị trường về lượng người dùng.
Mặt khác, giả sử cả VietTalk, Mocha, Halo đều thành công thì liệu đóng góp được bao nhiêu doanh thu và lợi nhuận trong đống lợi nhuận kếch xù của nhà mạng mỗi năm?
Chính vì thế, OTT của nhà mạng cuối cùng cũng chỉ là những điểm xuyết “màu xanh xanh, chấm thêm màu vàng” mang đến cho người dùng tạo ra sự đa dạng về dịch vụ và tiện ích mà thôi. Chứ đó không phải là thứ dịch vụ cốt lõi của nhà mạng với chiến lược đẩy mạnh tổng lực và sống còn.
Bởi vậy, sự lên đỉnh trong cô đơn của Zalo tại thị trường OTT Việt Nam đang là một thực tế, dù có thể những người theo chủ nghĩa cạnh tranh chẳng thích thú gì với điều này.
Theo VnEconomy
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng