(GenK.vn) - P-15 Termit, tên lửa đối hạm đầu tiên trong biên chế Hải quân Liên Xô đồng thời cũng là loại tên lửa đối hạm có lịch sử tham chiến sớm nhất và dày dạn chiến công nhất.
Hải quân Liên Xô trước kia và Hải quân Nga ngày nay vẫn chủ yếu lấy tàu mặt nước và tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình đối hạm làm nắm đấm thép, đảm nhiệm vai trò tấn công của hạm đội. Để phục vụ học thuyết quân sự của mình, ngay từ những năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ 20 việc nghiên cứu phát triển các thế hệ tên lửa đối hạm đã được triển khai và vẫn tiếp tục kéo dài đến thời điểm hiện tại. Loạt bài "GIA ĐÌNH TÊN LỬA HÀNH TRÌNH ĐỐI HẠM CỦA LIÊN XÔ VÀ NGA " hy vọng sẽ giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về nhóm vũ khí được đánh giá là "Sức mạnh vượt trội" của Hải quân Liên Xô và Hải quân Nga trên đại dương.
Thông số cơ bản của tên lửa P-15/ P-15U/ P-15M/ P-15TM Termit (SS-N-2 Styx)
Dài: 5,79/ 5,79/ 6,49/ 6,49 m
Đường kính: 780 mm
Sải cánh: 2.500/ 2.500/ 2.400/ 2.400 mm
Tầm bắn: 45/ 75/ 85/ 100 km
Tốc độ: Mach 0,9
Đầu đạn: 453/ 453/ 513/ 513 kg HE
Trọng lượng phóng: 2.125/ 2.300/ 2.500/ 2.500 kg
Tàu trang bị: Tàu tên lửa cỡ nhỏ dự án 183R-Komar, dự án 205-Osa, dự án 206MR-Matka, dự án 1241RE-Tarantul; Tàu khu trục dự án 56U-Kildin, dự án 57B-Krupny, dự án 61U-Kashin.
Nước sử dụng Nga, Algeria, Angola, Croatia, Cuba, Ai Cập, Phần Lan, Ấn Độ, Iraq, Bắc Triều Tiên, Libya, Ba Lan, Syria, Việt Nam ...
Chiến tranh Lạnh nổ ra dẫn tới việc Liên bang Xô Viết phải đua tranh với Mỹ trên đại dương. Do chưa bao giờ là một thế lực hải quân, Liên Xô phải tìm một cách nào đó để vượt qua sự thống trị của Mỹ trong vùng biển xanh và câu trả lời được đưa ra chính là tàu ngầm và tên lửa có điều khiển. Như tàu sân bay là biểu tượng cho sức mạnh của hải quân Mỹ, tàu ngầm được trang bị tên lửa đã trở thành biểu tượng sức mạnh của hải quân Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay tiếp tục đi theo hướng này với hy vọng khôi phục lại một số vinh quang xưa.
Sau chiến tranh thế giới II, việc đạt đến sự cân bằng với Hải quân Mỹ hiển nhiên là một nhiệm vụ quá khó đối với Hải quân Liên Xô, nhưng vũ khí và công nghệ mới sẽ cung cấp cho họ khả năng đầy đủ. Do đó, ba chương trình tên lửa chống tàu được tiến hành song song bắt đầu vào năm 1947 gồm: Kometa (NATO - AS-1 Kennel) phóng từ trên không, Shchuka phóng từ biển và Shtorm phóng từ bờ.
Vào tháng 2/1953, chỉ chương trình tên lửa đầu tiên là được chấp nhận để đưa vào biên chế trong khi những chương trình khác bị hủy vì thiếu những kết quả thoả mãn. Những phân tích sâu hơn cho thấy việc xử lý tên lửa như một khung phi cơ không người lái là cách tiếp cận sai vấn đề. Kết quả là từ đầu năm 1954, tất cả các chương trình tên lửa của Liên Xô và sau đó là của Nga đã được dẫn dắt bởi các cơ sở thiết kế hệ thống dẫn đường chứ không phải các cơ sở thiết kế tên lửa.
Năm 1955, chương trình Shchuka được khôi phục dưới mã "KSShch" và được dẫn dắt bởi các nhà thiết kế hệ thống dẫn đường. Tên lửa đã được triển khai với số lượng vừa phải trên các khu trục hạm lớp Kildin-(56EM/ M) và Krupny. Đó là một thất bại hoàn toàn, mặc dù được thiết kế như một vũ khí tấn công tầm xa với tầm bắn lý thuyết 185 km nhưng phạm vi hoạt động thực tế của tên lửa chỉ là 30-35 km do hệ thống dẫn đường còn gặp nhiều khiếm khuyết.
Tên lửa đối hạm đầu tiên của Liên Xô P-1 (NATO: SS-N-1 Scrubber) được radar của tàu khu trục dẫn đến mục tiêu thông qua sóng radio. Phiên bản KSShch-B với radar chủ động và được chỉ thị mục tiêu thông qua trực thăng Ka-15RC đã không bao giờ được trang bị do trọng lượng radar ngắm bắn là quá nặng nề để một trực thăng hạm tàu hạng nhẹ có thể mang theo. Toàn bộ hệ thống đã được thu hồi vào giữa năm 1960.
Tất cả các tên lửa chống tàu sân bay sau đó được phát triển bởi OKB-52 (NPO Mashinostroyenia kể từ năm 1983) tại Reutovo gần Moscow. Tổ chức này được dẫn dắt bởi nhà thiết kế nổi tiếng Valdimir N. Chelomey cho đến khi ông qua đời vào năm 1984 và sau đó đến lượt Gerberd A. Efremov. OKB-52/NPO Mashinostroyenia cũng là cơ sở phát triển một số tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Liên Xô và Nga .
Năm 1955, Liên Xô bắt đầu triển khai chương trình trang bị tên lửa cho các tàu hải quân nhỏ để thay thế ngư lôi với vai trò là vũ khí chống tàu chính. Người ta cho rằng ở cự ly khoảng 35 km một tàu nhỏ có thể phát hiện mục tiêu như tàu tuần dương sớm hơn 15 phút trước khi bản thân nó bị lộ diện do có diện tích phản xạ radar (RCS) nhỏ. Các nhà phân tích dự đoán rằng xác suất bắn trúng của tên lửa vào mục tiêu cỡ tàu tuần dương sẽ cao hơn ngư lôi khoảng 10 lần. Ngoài ra, thời gian của cuộc tấn công từ khi được khởi động cho đến lúc kết thúc là ngắn hơn nhiều so với ngư lôi khiến cho kẻ thù có rất ít thời gian để phản ứng.
Việc nghiên cứu phát triển một tên lửa chống tàu phù hợp để trang bị cho những tàu hải quân nhỏ được thực hiện bởi OKB-155-1 (một bộ phận của OKB-155 Mikoyan-Gurevich) ở Dubna, gần Moscow. Với nguồn gốc MiG của mình, tên lửa P-15 Termit ( SS-N-2 Styx ) có vẻ ngoài của một máy bay nhỏ với cánh chính delta và cánh đuôi để kiểm soát hoạt động. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng đi kèm tầng khởi tốc dùng nhiên liệu rắn.
Termit đời đầu có tầm bắn 45 km, tốc độ tối đa 1.150 km/h (Mach 0,9), độ cao hành trình 150-300m được duy trì bởi một máy đo độ cao, tên lửa ổn định đường bay thông qua con quay hồi chuyển giai đoạn đầu kết hợp với radar chủ động giai đoạn cuối. Tàu chiến đầu tiên được trang bị P-15 là Komar thuộc dự án 183R với hai bệ phóng. Tàu được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực KLEN với radar điều khiển Rangout cùng thiết bị định hướng quang học phụ trợ PMK-453.
Lần thử nghiệm đầu tiên của Termit diễn ra vào tháng 10/1957 trên biển Đen và những vụ thử tiếp theo đều có kết quả rất tốt dẫn đến việc tên lửa được chấp nhận đưa vào biên chế cuối những năm 1950. Khoảng thời gian từ 1958 đến 1965, có không ít hơn 112 tàu Komar được đóng mới, nhiều chiếc được xuất khẩu và sử dụng trong nhiều trận đánh.
Vào ngày 21/10/1967, tên lửa P-15 của Ai cập bắn từ tàu Komar đã nhấn chìm khu trục hạm Eliat của Israel, đây là chiến công đầu tiên của một tên lửa chống tàu và điều đó cho thấy những hạm đội hải quân cỡ vừa đang phải đối mặt với một nguy cơ thực sự lớn.
Trong nửa cuối những năm 1960, 427 tàu tên lửa dự án 205 Osa II đã được đóng, mỗi chiếc vũ trang với bốn tên lửa P-15. Mặc dù chúng không còn phục vụ trong hải quân Nga nhưng khoảng 150 chiếc Osa II vẫn còn phục vụ cho đến ngày nay trong lực lượng hải quân của nhiều quốc gia khác. Vào cuối những năm 1950, Trung Quốc nhận được những tên lửa P-15 đầu tiên từ Liên Xô và họ đã sớm phát triển phiên bản copy Type-601 Silkworm của riêng mình, Silkworm được sử dụng trong chiến tranh Iran-Iraq cũng như trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất và đã thu được kết quả khá tốt.
Mùa hè năm 1958, đầu dò hồng ngoại giai đoạn cuối Kondor được thử nghiệm để phục vụ mục đích hiện đại hóa P-15. Đầu dò có tầm hoạt động 10 km vào ban ngày, 5 km ban đêm và có góc quét 2,50. Sau đó, phiên bản Snegir tiên tiến hơn đã được sản xuất để lắp trên phiên bản hiện đại hóa P-15U.
Vào cuối những năm 1960, một phiên bản mới của P-15 đã xuất hiện với cánh gấp được cho phép giảm bớt kích thước của bệ phóng. Tên lửa được sản xuất thành hai phiên bản P-15U dùng radar chủ động và P-15T sử dụng đầu dò hồng ngoại Snegir, chúng có 2 phiên bản xuất khẩu tương ứng được định danh P-21 và P-22. Những tên lửa này được sử dụng trên tàu tên lửa Osa-U và thế hệ tàu chiến Tarantul mới hơn, đồng thời cũng được sử dụng để hiện đại hóa một vài khu trục hạm lớp Kynda và Kashin.
Trong Hải quân Liên Xô, tên lửa P-15U/T đã được thay thế bằng P-15M và P-15TM vào năm 1970, hai phiên bản này sử dụng đầu dò hồng ngoại cải tiến Snegir-M và radar tìm mục tiêu mới. Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường quán tính giai đoạn đầu thay thế con quay hồi chuyển, tầm bắn tăng lên 85 km và độ cao hành trình được giảm xuống dưới 100m thông qua sự kiểm soát của một radar đo cao, phiên bản xuất khẩu của P-15M và P-15TM tương ứng là P-26 và P-27.
P-15 Termit là tên lửa đối hạm tầm ngắn đi vào phục vụ từ cuối những năm 1950 và là tên lửa đối hạm đầu tiên được chấp nhận đưa vào biên chế, nó cũng được ghi nhận là tên lửa đối hạm đầu tiên đã đánh chìm được tàu chiến. Mặc dù đã rất cũ nhưng các phiên bản P-15 vẫn miệt mài phục vụ trong hải quân Nga và hải quân nhiều nước khác cho đến tận ngày nay.
Theo Soha
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng