Palit GTX 750 Ti StormX: Thần lực ép xung!
(GenK.vn) - Đây là phiên bản ép xung sẵn cao nhất trong số các dòng GTX 750 Ti đang có mặt trên thị trường.
Tiếp nối GTX 750 StormX mà tôi đã review trong bài viết trước, “khách mời” của ngày hôm nay là một card đồ họa cao cấp hơn của Palit: GTX 750 Ti StormX. Đây là một sản phẩm gây cho tôi rất nhiều ấn tượng từ thiết kế tuyệt đẹp, hiệu năng ấn tượng và cả cái cách mà Palit làm hài lòng người dùng của họ.
Sản phẩm được phân phối bởi Tân Doanh, có giá bán lẻ 3.800.000 VNĐ.
Palit GTX 750 Ti StormX
Trước tiên là màn đập hộp:
Phụ kiện đi kèm gồm sách hướng dẫn và đĩa cài driver.
Hình thức quá đẹp, quá chuẩn! Vẫn lấy tông đen làm chủ đạo, GTX 750 Ti StormX mang nét lầm lì như một card đồ họa tầm high-end. Bên cạnh đó việc sử dụng màu vàng gold lại có tác dụng tạo nên nét sang trọng. Chiều dài của card tương đối lý tưởng đối với một card đồ họa, nhìn rất thuận mắt.
Giống như đa số các phiên bản GTX 750 Ti khác trên thị trường, StormX không yêu cầu nguồn phụ và chỉ yêu cầu một bộ nguồn 300W để hoạt động tốt.
Dòng chữ StormX in trên card càng làm tăng độ ngầu và kích thích.
Lật lưng card lên: board mạch thực tế khá ngắn, tương đương board reference của Nvidia. Palit cố tình làm cho tản nhiệt ra để card đẹp hơn.
2 quạt tản nhiệt 11 cánh kiểu chân vịt. GTX 750 StormX cũng dùng cánh quạt chân vịt như thế này.
3 cổng xuất hình cơ bản nhất hiện nay: D-Sub, DVI, HDMI (mini).
Bên dưới mặt nạ là miếng tản nhiệt nhôm. Các lá nhôm được gia công kỹ lưỡng, đều nhau tăm tắp. Diện tích tiếp xúc tăng lên tối đa để trao đổi nhiệt với môi trường tốt hơn.
Tuy card rất dài nhưng thực chất Palit GTX 750 Ti StormX sử dụng board mạch reference ngắn của Nvidia.
3 phase điện chịu trách nhiệm cấp nguồn cho GPU. Mỗi phase được điều khiển bởi 2 mosfet trở kháng thấp.
Khác với GTX 750 StormX dùng chip nhớ SKhynix, Palit lựa chọn chip SAMSUNG tên mã K4G41325FC dành cho sản phẩm cao cấp hơn này. 4 chip nhớ dung lượng 512 MB tạo thành bộ nhớ 2 GB.
GTX 750 Ti StormX được ép xung sẵn lên rất cao, tới 1202/1502 MHz (mặc định của Nvidia là 1020/1250 MHz). Đây đang là chiếc GTX 750 Ti ép xung sẵn cao nhất trên thị trường.
Thunder Master – Tool ép xung của Palit
Theo xu thế chung, Palit cũng đã phát triển một công cụ ép xung của riêng họ tên là Thunder Master. Giao diện đẹp và dễ sử dụng, cho phép lưu 5 thiết lập (profile) để có thể kích hoạt chỉ bằng một cái click chuột.
Phần mềm còn hỗ trợ theo dõi thông số hoạt động của card như xung nhịp, nhiệt độ, tốc độ quạt, điện áp…
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 660W
Card đồ họa:
Zotac GTX 750 Ti – 1033/1250 MHz (xung gốc của Nvidia 1020/1250 MHz)
Zotac GTX 660 Synergy – 993/1502 MHz (xung gốc của Nvidia 980/1502 MHz)
Sapphire R7 260X OC – 1050/1500 MHz (xung gốc của AMD 1100/1625 MHz)
Sapphire R7 265 Dual-X – 925/1400 (bằng xung gốc của AMD)
Palit GTX 750 StormX – 1085/1275 MHz (xung gốc của Nvidia 1020/1250 MHz)
Palit GTX 750 Ti StormX – 1202/1502 MHz (xung gốc của Nvidia 1020/1250 MHz)
Phần mềm và game thử nghiệm
- Nvidia Driver 337.88 WHQL
- AMD Driver Catalyst 14.2 beta 1.3
- 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
- 3DMark 11: Thiết lập Performance Preset (1280 x 720)
- 3DMark 2013: Fire Strike
- Batman: Origins (DX 11)
- BioShock Infinite (DX 11)
- Crysis 3 (DX 11)
- Dirt 3 (DX 11)
- Hitman Absolution (DX 11)
- Metro: Last Light (DX 11)
- Sleeping Dogs (DX 11)
- Sniper Elite V2 (DX 11)
- Tomb Raider (DX 11)
Kết quả thử nghiệm
Ép xung - Nhiệt độ - Độ ồn
Thời điểm tôi thực hiện bài test này, nhiệt độ phòng đang là 31 độ C.
Xung nhịp vốn đã được Palit đẩy lên mức rất cao nên khả năng ép xung thêm của GTX 750 Ti StormX không nhiều. Tôi chỉ có thể kéo lên một chút tới 1310/1650 MHz. Hiệu năng cũng tăng thêm không nhiều, chỉ 8%.
Nhiệt độ hoạt động của Palit GTX 750 Ti StormX (nhiệt độ phòng 31 độ C, benchtable):
- Idle: 35 độ C.
- Gaming (Default 1085/1275 MHz): 63 độ C; fan 40%.
- Gaming (@1310/1650 MHz): 66 độ C, fan 40%.
Trong tiết trời hè, nhiệt độ như thế này là tương đối tốt. Card hoạt động hoàn toàn êm ái, không một tiếng động dù là nhỏ nhất.
Kết luận
Tổng kết so sánh hiệu năng của Palit GTX 750 Ti StormX và một số sản phẩm khác trong tầm giá:
Ép xung không phải là việc mà ai cũng thích (và dám) làm. Palit đã giúp đỡ người dùng trong việc khai thác tối đa sức mạnh của GPU. Nhờ vậy Palit GTX 750 Ti StormX mạnh vượt trội hơn hẳn so với các card GTX 750 Ti khác, và chắc chắn đang là card đồ họa không nguồn phụ mạnh nhất thời điểm hiện tại. Bên cạnh hiệu năng tốt, ngoại hình quá ngầu pha chút sang trọng và tinh tế chắc chắn cũng khiến không ít game thủ phải “thòm thèm”. Và trên hết, để sở hữu phiên bản ấn tượng này bạn chỉ phải bỏ ra 3.800.000 VNĐ – không hề cao hơn các card GTX 750 Ti khác.
Ở đầu bài viết, tôi đã nói về cách mà Palit làm hài lòng người dùng. Đó là việc hãng đã biết “gãi đúng chỗ ngứa” của game thủ. Thay vì lan man vào những thứ như tăng chiều dài board mạch, thêm phase điện… Palit chỉ đầu tư mạnh vào ngoại hình vì họ cảm thấy mạch reference của Nvidia đã quá đủ để OC cao. Kết quả: một card đồ họa xung cao, mạnh, đẹp, giá tốt ra đời. Có lẽ việc đầu tiên tôi sẽ làm ngay sau khi viết xong bài viết này là gọi điện order ngay một chiếc.
Ưu:
- Ép xung sẵn cao, hiệu năng mạnh.
- Hình thức đẹp hết chỗ chê.
- Tản nhiệt êm, mát
- Giá hợp lý.
Nhược:
- Thương hiệu mới ở Việt Nam.
- Chưa có hàng tại miền Bắc và miền Trung.
Giá tham khảo một số sản phẩm khác trong tầm giá:
- Gigabyte GTX 750 OC: 3.330.000 VNĐ
- MSI GTX 750 Gaming: 3.400.000 VNĐ
- Zotac GTX 750: 3.450.000 VNĐ
- Asus GTX 750 OC: 3.550.000 VNĐ
- Sapphire R7 260X: 3.350.000 VNĐ
- MSI R7 260X OC: 3.850.000 VNĐ
- Asus R7 260X DC2 OC: 3.890.000 VNĐ
- Zotac GTX 750 Ti: 3.850.000 VNĐ
- MSI GTX 750 Ti Gaming: 3.900.000 VNĐ
- Sapphire R7 265 Dual-X: 3.950.000 VNĐ
- Zotac GTX 660 Synergy: 4.050.000 VNĐ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng