Pha trà không chỉ nhúng nước là xong, đây là mọi điều khoa học dạy bạn uống trà đúng cách
Sữa có thể được uống cùng trà, nhưng thứ tự đúng là bạn phải thêm trà vào cốc có sữa.
Trà là một trong những loại đồ uống lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới. Chúng ta biết trà xuất hiện trong buổi sớm của các nền văn minh, bởi nó được mô tả từ khi lịch sử bắt đầu được ghi chép. Không chỉ là một đồ uống đơn thuần, trà cũng xuất hiện trong các tài liệu y thuật cổ như một vị dược liệu.
Ngày nay, mọi người vẫn uống trà vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tựu chung lại, hoặc là họ thích hương vị của nó, hoặc là họ quan tâm đến lợi ích sức khỏe. Nghiên cứu chỉ ra rằng trà giúp cải thiện tâm trạng và chức năng nhận thức, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường.
Trà là một trong những loại đồ uống lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới.
Có một lượng vi chất dinh dưỡng nhất định trong trà bao gồm florua, megie và kẽm. Tuy nhiên, lợi ích chủ yếu của trà khiến chúng ta quan tâm đến từ nồng độ 3 hoạt chất sinh học: catechin, caffeine và L-theanine.
Catechin thuộc nhóm polyphenol, các hóa chất có tính chất chống oxy hóa. Các phân tử này có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào cho cơ thể. Caffeine thì chính là thành phần giúp bạn thấy tỉnh táo khi uống trà còn L-theanine thì giúp bạn thư giãn.
Cả 3 hợp chất trên cũng chính là thành phần tạo nên hương vị của trà. Thường thì bạn sẽ cảm thấy trà đắng xen lẫn vị chát, tùy thuộc vào nồng độ các chất được hòa tan từ lá trà khi pha. Nhưng nếu bạn thấy trà ngọt, hãy cảnh giác bởi trà đó đã được thêm đường, hoặc cũng có thể nó chẳng phải trà đúng nghĩa.
Loại trà nào tốt nhất?
Trà đen, trà ô long, trà xanh và trà trắng đều có nguồn gốc từ cây chè (Camellia sinensis). Sự khác biệt giữa các loại trà này đến từ thời gian thu hoạch và phương pháp chế biến, đặc biệt là quá trình oxy hóa xảy ra với lá chè.
Trà đen trải qua quá trình tiếp xúc dài với oxy nồng độ cao, nó bị oxy hóa hoàn toàn. Trong khi đó, trà ô long chỉ bị oxy hóa một phần còn trà xanh và trà trắng không trải qua quá trình chế biến oxy hóa.
Sự khác biệt giữa trà trắng và trà xanh, đó là trà trắng được thu hoạch sớm hơn, trong khi trà xanh thu hoạch ở thời điểm muộn hơn.
Mặc dù vậy, phải nói rằng các công đoạn chế biến không gây ảnh hưởng quá lớn đến L-theanine. Nồng độ của hợp chất này trong tất cả các loại trà là tương đương nhau. Caffeine thì khác. Trà đen là loại trà chứa nhiều caffeine nhất.
Trong khi đó, catechin cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình oxy hóa. Bởi vậy, trà trắng và trà xanh là hai loại chứa nồng hộ catechin cao nhất.
Trà trắng, trà xanh, trà ô long và trà đen
Đến đây, bạn có thể nhận ra tại sao trà xanh thường được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu cho các lợi ích sức khỏe. Nó chứa ít caffeine và bảo tồn được hàm lượng lớn các chất chống oxy hóa.
Tuy nhiên thì tất cả các loại trà đều là một nguồn L-theanine, caffeine và catechin lành mạnh. Chỉ trừ một số trường hợp sau phải được cảnh báo.
Đó là các loại sản phẩm chế biến gọi là “trà” nhưng thực chất lại không phải trà nguyên chất. Các loại nước đóng chai, trà đóng gói hòa tan có thể chỉ chứa một phần rất nhỏ những hoạt chất sinh học, có nguồn gốc từ trà. Thay vào đó, chúng lại có lượng đường cao.
Trà thảo mộc và trà trái cây không phải là trà thực sự bởi nó không có thành phần từ cây chè. Do vậy mà tính chất của trà thảo một và các loại trà thật là không thể đánh đồng.
Bản thân trà cũng có thể gây hại, chẳng hạn như trong trường hợp tiêu thụ quá nhiều caffeine. Một hoạt chất khác trong trà là tannin cũng có thể liên kết với sắt. Hậu quả là nó làm giảm hấp thụ sắt vào cơ thể, nếu bạn uống trà trong hoặc ngay sau bữa ăn.
Pha trà cũng phải khoa học
Trà nên được pha với nước sôi mới đun trong vòng 2-3 phút
Chọn loại trà không quan trọng bằng cách bạn biết cách pha trà đúng cách. Kiên nhẫn là một yếu tố quan trọng. Nếu chỉ nhúng túi trà của mình 15-30 giây, bạn sẽ không tận dụng được tối đa các hoạt chất sinh học có trong đó.
Thay vì nóng vội, hãy làm theo hướng dẫn: Trà nên được pha với nước sôi mới đun trong vòng 2-3 phút. Đó là khoảng thời gian đủ để hòa tan 60% catechin, 75% caffeine và 80% L-theanine.
Một điểm nữa, bạn càng hòa tan được nhiều hoạt tính sinh học, hương vị trà càng trở nên rõ rệt. Nghiên cứu chỉ ra, với việc ủ trà từ 20-30 phút ở 80oC, bạn sẽ chiết xuất được tối đa các hoạt chất sinh học.
Mặc dù vậy, điều này dường như không có tính thực tế, bởi chẳng ai đủ kiên nhẫn để chờ nửa tiếng, và canh đúng 80oC cho một cốc trà. Hơn nữa, hương vị của nó lúc này lại không phải thực sự ngon.
Cuối cùng, một điều không kém quan trọng: Độ pH của nước. Các thí nghiệm khoa học cho thấy nước có độ pH thấp (hay tính axit) hòa tan các hoạt chất sinh học tốt hơn nước có độ pH cao.
Vì vậy, rõ ràng có một lợi ích khi bạn cho thêm một lát chanh, hay chút nước cốt vào cùng tách trà của mình. Hãy làm điều này trước, chứ không phải khi tách trà đã được chuẩn bị xong.
Có nên dùng lò vi sóng?
Vi sóng có thể hữu ích trong việc chiết xuất hoạt chất sinh học trong trà.
Một người theo phong cách trà đạo truyền thống nghe thấy điều này sẽ phát hoảng. Một là họ cho rằng công nghệ hiện đại không nên có mặt trong một không gian thuần túy tính cổ xưa. Thứ hai, vi sóng không thể đủ đun sôi và kiểm soát tốt nhiệt độ của nước.
Thế nhưng, nghiên cứu trên tạp chí Journal of Food Composition and Analysis lại chỉ ra thực tế rằng lò vi sóng có thể hữu ích trong việc chiết xuất hoạt chất sinh học trong trà.
Các hướng dẫn đúng bao gồm: Thêm nước mới đun sôi vào tách cùng với túi trà của bạn. Ngâm nó trong 30 giây. Đưa cả cốc vào lò vi sóng, thiết lập mức năng lượng trung bình và chờ khoảng 1 phút.
Phương pháp này được công nhận là sẽ giúp chiết xuất nhiều hợp chất sinh học trong trà, hơn cả cách pha tiêu chuẩn trong vòng 3 phút.
Sữa có thể ảnh hưởng đến lợi ích sức khỏe của trà?
Một số nghiên cứu chỉ ra sữa làm thay đổi hoạt tính của các chất chống oxy hóa, và từ đó ảnh hướng tới lợi ích sức khỏe của trà.
Mặc dù vậy, cũng có nghiên cứu khác nhìn sâu hơn vào nồng độ chất chống oxy hóa đạt được trong máu, sau khi tình nguyện viên uống trà với sữa và không sữa. Kết quả là không có sự khác biệt.
Một điều nữa mà nhiều người thắc mắc, nếu trà có thể thêm sữa, bạn nên thêm sữa vào trà hay trà vào sữa? Theo Hiệp hội Hóa học Hoàng Gia Anh, thêm trà vào sữa là một phương pháp đúng hơn, bởi nó có thể ngăn ngừa sự kết tụ của protein trong sữa, dẫn đến hương vị của sữa bị ảnh hưởng.
Sữa có thể được uống cùng trà, nhưng thứ tự đúng là bạn phải thêm trà vào cốc có sữa
Trà nguyên lá hay trà túi cắt nhỏ?
Trà nguyên lá có thể chứa nhiều hoạt chất sinh học hơn, vì chúng có chất lượng lá cao hơn. Thế nhưng trà cắt vụn và đóng túi có ưu điểm, giúp các hoạt chất hòa tan vào nước nhanh và dễ dàng.
Một ưu điểm nữa của trà túi, nó thường chứa cả phần cuống cắt nhỏ, mà cuống lá chè lại có nhiều L-theanine hơn lá. Bởi vậy, trong khi trà nguyên lá cho hương vị ngon hơn, trà túi cũng không hẳn là một lựa chọn quá tồi.
Cuối cùng, phải nói rằng chúng ta uống trà vì hai mục đích chính: tận hưởng hương vị và lợi ích sức khỏe. Nếu bạn là một người sành vị trà, hãy pha nó theo phong cách cá nhân mà bạn thích. Nhưng nếu bạn muốn tận dụng được tối đa lợi ích sức khỏe, có một nguyên tắc khi pha trà:
Kiên nhẫn. Dù bạn chọn loại trà nào đi chăng nữa, càng kéo dài thời gian pha, lợi ích sức khỏe bạn nhận được càng xứng đáng.
Tham khảo Theconversation
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng