Các nhà mạng thống lĩnh thị trường bị khống chế giá trần, trong khi đó các nhà mạng mới tham gia có thể tự đặt ra giá bán
Dịch vụ 3G đang được các mạng di động bán dưới giá thành.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, phải điều chỉnh cước dịch vụ 3G theo đúng quy định để tránh trường hợp doanh nghiệp thống lĩnh thị trường chèn ép doanh nghiệp mới tham gia và không gây ra sự đổ vỡ cho thị trường.
Sau khi ICTnews và Infonet thông báo sẽ thực hiện giao lưu trực tuyến về vấn đề "Vì sao tăng cước 3G", chúng tôi đã nhanh chóng nhận được nhiều câu hỏi của độc giả và giới truyền thông quan tâm đến vấn đề này.
Trả lời câu hỏi của độc giả Huy Trương (TP.HCM) về vấn đề các doanh nghiệp kinh doanh di động là doanh nghiệp nhà nước, thế thì mục tiêu chính hoạt động của các doanh nghiệp này là gì khi tăng cước 3G trong khi vẫn có lãi? Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, nếu xét trên toàn dịch vụ viễn thông thì cả 3 doanh nghiệp điều chỉnh giá đợt này đều kinh doanh có lãi mặc dù lợi nhuận năm 2013 dự kiến giảm so với năm 2012. Đã là doanh nghiệp thì dù là doanh nghiệp nhà nước, liên doanh hay cổ phần đều phải kinh doanh và đặt mục tiêu có lợi nhuận. Nhà nước sẽ điều tiết để mục tiêu phát triển kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ để người dân có thể sử dụng dịch vụ với giá hợp lý. Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp di động đều là doanh nghiệp nhà nước mà có cả liên doanh hoặc cổ phần như SPT hay Hanoi Telecom.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu chỉ là một trong những tiêu chí doanh nghiệp mong muốn đạt được khi xây dựng phương án kinh doanh. Tỷ lệ này phụ thuộc nhiều vào khả năng của doanh nghiệp và hoàn cảnh thực tế từng thời kỳ - ví dụ lạm phát cao, hay tốc độ biến động công nghệ nhanh thì tỷ lệ này cao ngoài tỷ lệ này còn phải tính lợi nhuận trên chi phí, vốn. Nhà nước không xây dựng tỷ lệ chung lợi nhuận trên doanh thu cho doanh nghiệp nhà nước, đó là quyền của doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của độc giả Chí Thanh (TP. HCM) là ngành viễn thông với mục tiêu hướng tới và thực hiện thị trường tự do cạnh tranh nhưng hiện nay các doanh nghiệp viễn thông lại làm người ta liên tưởng đến đến câu chuyện của ngành xăng dầu. Đó chính là sự độc quyền của các "ông lớn". Nhiều người đánh giá đây là bước đi thụt lùi của ngành viễn thông? Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, viễn thông đang là một trong những ngành có cạnh tranh rất tốt nên người dân có quyền được lựa chọn dịch vụ và sử dụng giá cước rất hợp lý. Phần lớn các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều cạnh tranh thông qua giảm giá mà cụ thể là dịch vụ truy nhập Internet qua mạng di động có giá cước rất thấp so với giá thành và so với giá cước khu vực. Trong khi đó, hầu như các thiết bị viễn thông Việt Nam phải nhập, chi phí này chiếm tỷ trọng rất lớn - trên 80% trong giá thành trong khi giá cước Việt Nam chỉ bằng khoảng 39,6% (sau điều chỉnh) so với ASEAN.
Ông Trung cho hay, các doanh nghiệp kinh doanh phải xây dựng giá cước trên cơ sở giá thành dịch vụ, cung cầu của thị trường và tương quan dịch vụ trong nước và thế giới. Điều đó được quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Viễn thông : “Giá cước viễn thông được xác định dựa trên cơ sở những căn cứ sau đây: Trên cơ sở giá thành, quan hệ cung - cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới”. Để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh cần phải tách bạch trong kinh doanh tránh bù chéo giữa các dịch vụ. Từ khi ra đời dịch vụ di động 3G để thu hút khách hàng, tăng lưu lượng sử dụng, doanh nghiệp đã giảm giá cước truy nhập Internet xuống dưới giá thành rất nhiều lấy các dịch vụ di động khác bù lỗ cho dịch vụ này. Nhận biết được việc này Bộ đã yêu cầu dịch vụ phải báo cáo giá thành có dịch vụ truy nhập Internet qua mạng di động (tại Thông tư 11/2013/TT-BTTTT có quy định: Dịch vụ truy nhập Internet (2G, 3G) nằm trong Danh mục dịch vụ viễn thông thực hiện báo cáo giá thành) và có quy định tại Thông tư 18/2013/TT-BTTT yêu cầu dịch vụ truy nhập Internet qua mạng di động phải đăng ký giá cước đối với doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
"Dịch vụ 3G đang được các mạng di động bán dưới giá thành. Với giá cước như trước thời điểm điều chỉnh 16/10/2013 thì việc doanh nghiệp tăng cước là điều cần làm, nếu thị trường không có biến động lớn. Trong tương lai, doanh nghiệp sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng cước như lộ trình doanh nghiệp đăng ký với Bộ TT&TT để đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành để thị trường phát triển bền vững, tránh đổ vỡ", ông Nguyễn Đức Trung nói.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, rất nhiều độc giả đã đặt câu hỏi về tính pháp lý của Bộ TT&TT về quản lý giá cước 3G có đúng hay không? Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, nguyên tắc quản lý Nhà nước đưa ra là quản lý giá là phi đối xứng, hiểu theo nghĩa tất cả các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường được phép bán trên giá thành. Bộ TT&TT không ấn định giá thành nhưng có ngưỡng để doanh nghiệp phải tuân thủ. Ví dụ, giá bán không được dưới giá thành, còn giá cụ thể do doanh nghiệp đặt ra. Chúng tôi cho rằng như vậy là bảo vệ thị trường. Có những nước để tự do cạnh tranh hoàn toàn và khi đó có thể sụp đổ thị trường, khi đó người ta sẽ quay lại quy kết trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về viễn thông.
"Trong quản lý thị trường có nhiều vấn đề, trong đó có quản lý về giá. Nhiệm vụ của chúng tôi là không để cho thị trường tự chủ thông qua cạnh tranh mà phải có luật. Không chỉ riêng ngành viễn thông mà các ngành khác chắc cũng có vấn đề giá. Điều đặc thù của ngành viễn thông là tham gia cam kết quốc tế, theo đó, Cục Viễn thông phải tham gia quản lý giá thành. Các nước cũng tiến hành như vậy. Nếu không làm như vậy thì dẫn đến tình trạng thế nào? Nếu các doanh nghiệp được phép bán dưới giá thành thì doanh nghiệp mới tham gia thị trường không có cơ hội tham gia thị trường này. Theo quy định, những doanh nghiệp mới tham gia thị trường được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành, đó là điều thuận lợi cho các doanh nghiệp mới. Quy định như vậy để doanh nghiệp thống lĩnh thị trường không được phép chèn ép doanh nghiệp mới tham gia thị trường", ông Nguyễn Đức Trung nói.
Theo Ictnews.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng