Phần mềm nguồn mở “made in Việt Nam” NukeViet đã hỗ trợ toàn diện IPv6

    PV,  

    Tuyên bố bắt đầu hỗ trợ cho IPv6 từ tháng 7/2012, đến nay nhóm phát triển NukeViet cho biết phần mềm NukeViet đã hỗ trợ toàn diện cho IPv6 và phiên bản NukeViet 4.0 sắp ra mắt sẽ là một bộ phần mềm thực sự hiện đại, sẵn sàng cho việc triển khai các ứng dụng trong môi trường IPv6.

     Gian trưng bày của NukeViet tại Hội thảo quốc gia ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở 2013 (Ảnh: nukeviet.vn)

    Gian trưng bày của NukeViet tại Hội thảo quốc gia ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở 2013 (Ảnh: nukeviet.vn)

    Sắp có phiên bản cổng thông tin NukeViet cho chính quyền điện tử

    NukeViet là một phần mềm của Việt Nam được phát hành theo giấy phép phần mềm nguồn mở. Ban đầu, NukeViet được sử dụng để xây dựng website và xuất bản nội dung trên Internet. Nhưng từ phiên bản NukeViet 3.0 phát hành năm 2010, NukeViet được phát triển với định hướng để làm nền tảng phát triển các ứng dụng trên nền web.

    Hiện nay, NukeViet đã có các sản phẩm như: NukeViet CMS (gồm bộ lõi NukeViet và các module cấu thành lên CMS, được phát hành cùng lúc mỗi khi NukeViet ra mắt phiên bản mới) chuyên sử dụng để vận hành các website tin tức; NukeViet Portal chuyên sử dụng để làm Cổng thông tin doanh nghiệp; NukeViet Edu Gate là giải pháp cổng thông tin chuyên dùng cho Phòng/ Sở GD&ĐT; NukeViet Shop chuyên sử dụng để xây dựng các website bán hàng trực tuyến…

    Nhóm phát triển NukeViet cho biết, trong thời gian tới, NukeViet sẽ sớm tung ra một phiên bản cổng thông tin dùng riêng cho chính quyền điện tử. Tên gọi của sản phẩm này hiện vẫn chưa được "tiết lộ” nhưng nhóm khẳng định chắc chắc rằng phiên bản cổng thông tin NukeViet dùng cho chính quyền điện tử sẽ được phát hành theo giấy phép phần mềm nguồn mở.

    Ngoài NukeViet Edu Gate và NukeViet Portal là giải pháp thương mại cung cấp cho các nhóm khách hàng cao cấp, NukeViet CMS và NukeViet Shop đều là những sản phẩm phần mềm nguồn mở cho phép mọi lập trình viên và các doanh nghiệp tham gia phát triển, khai thác, kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho người sử dụng. Và vì là phần mềm nguồn mở, NukeViet hoàn toàn miễn phí giấy phép sử dụng phần mềm với tổ chức, cá nhân sử dụng NukeViet. Người sử dụng có thể tự vận hành phần mềm miễn phí hoặc mua các dịch vụ chuyên nghiệp từ các nhà cung cấp và việc này không bị gò bó như sử dụng các giải pháp phần mềm thương mại nguồn đóng.

    Phần mềm nguồn mở “cô đơn” của người Việt

    Có thể nói NukeViet là phần mềm nguồn mở “cô đơn” của người Việt. Bởi lẽ, nhắc đến phần mềm nguồn mở ở Việt Nam thì NukeViet là cái tên duy nhất mang thương hiệu Việt được sinh ra trong giai đoạn những năm đầu thời kỳ phần mềm nguồn mở đi vào Việt Nam và còn phát triển cho đến ngày nay.

    Cuộc vận động sử dụng, phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam nhiều năm qua còn gặp nhiều khó khăn vì thói quen sử dụng phần mềm nguồn đóng vi phạm bản quyền phía người sử dụng. Đại đa số người sử dụng chưa quan tâm đến yếu tố miễn phí của phần mềm nguồn mở, do phần mềm nguồn đóng bẻ khóa vẫn có thể sử dụng lậu “miễn phí”.

    Về phía các doanh nghiệp phát triển phần mềm, việc phát triển phần mềm nguồn mở tốn công sức, thời gian trong khi thương mại hóa lại khó khăn khiến cho các doanh nghiệp “quay lưng” với việc phát triển mà chủ yếu đi sâu vào khai thác các phần mềm nguồn mở có sẵn do nước ngoài làm ra cũng khiến cho Việt Nam vắng tên trên bản đồ phần mềm nguồn mở thế giới.

    Ngoài NukeViet, cũng đã có nhiều phần mềm nguồn mở mang thương hiệu Việt ra đời nhưng chỉ vài ba năm là biến mất do không tìm được hướng đi hoặc không thể thương mại hóa để tạo nguồn thu nuôi sống đội ngũ phát triển.

    Trong lịch sử 12 năm phát triển, NukeViet đã đạt được nhiều thành tích: giải Ba Nhân tài Đất Việt 2011 ở Lĩnh vực CNTT/Sản phẩm đã ứng dụng rộng rãi (không có giải Nhất, Nhì); NukeViet CMS là hệ quản trị nội dung nguồn mở duy nhất của Việt Nam nằm trong Danh mục các sản phẩm phần mềm nguồn mở được khuyến khích sử dụng theo Thông tư số 08 ngày 1/3/2010 của Bộ GD&ĐT quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục; NukeViet CMS cũng là hệ quản trị nội dung nguồn mở được quy định ưu tiên mua sắm, sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước theo Thông tư 20 ngày 5/12/2014 của Bộ TT&TT quy định về các sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước.

     NukeViet CMS là hệ quản trị nội dung nguồn mở được quy định ưu tiên mua sắm, sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước theo Thông tư 20 ngày 5/12/2014 của Bộ TT&TT (Ảnh: nukeviet.vn)

    NukeViet CMS là hệ quản trị nội dung nguồn mở được quy định ưu tiên mua sắm, sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước theo Thông tư 20 ngày 5/12/2014 của Bộ TT&TT (Ảnh: nukeviet.vn)

    Theo số liệu thống kê ước tính của Công ty CP Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) - đơn vị hậu thuẫn chính cho phần mềm nguồn mở NukeViet, tính đến hết năm 2015, đã có khoảng hơn 10.000 website/ cổng thông tin trên toàn cầu sử dụng phần mềm nguồn mở NukeViet.

    Từ chỗ là phần mềm phái sinh từ một phần mềm nguồn mở của nước ngoài có tên PHP-Nuke, NukeViet đã phát triển lớn mạnh và trở thành phần mềm nguồn mở “thuần Việt” với 100% dòng code được viết mới và do người Việt làm chủ về công nghệ. Từ chỗ là phần mềm phát triển một cách tự phát và được duy trì bởi sự tình nguyện một nhóm thanh niên người Việt yêu công nghệ, NukeViet đã trở thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh với cộng đồng người sử dụng, cộng đồng các lập trình viên, cùng với hàng trăm doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ dựa trên nền tảng phần mềm này.

    Hiện tại, ngoài tiếng Việt và tiếng Anh được hỗ trợ chính, NukeViet đã được sử dụng ở nhiều quốc gia với 9 ngôn ngữ khác nhau mặc dù nhóm phát triển NukeViet chỉ hỗ trợ chính cho người Việt.

    Phần mềm nguồn mở đầu tiên của Việt Nam tuyên bố hỗ trợ IPv6

    Tuyên bố bắt đầu hỗ trợ cho IPv6 từ tháng 7/2012, đến nay nhóm phát triển NukeViet cho biết phần mềm NukeViet đã hỗ trợ toàn diện cho IPv6 và phiên bản NukeViet4.0 sắp ra mắt dự kiến sẽ là một bộ phần mềm thực sự hiện đại và sẵn sàng cho việc triển khai các ứng dụng trong môi trường IPv6.

    Chia sẻ về hành trình gian nan để NukeViet có thể hỗ trợ toàn diện IPv6, đại diện nhóm phát triển cho biết, năm 2012, được sự hỗ trợ của NetNam, nhận thức rõ tầm quan trọng của IPv6, VINADES đã nâng cấp và cải tiến NukeViet nhằm tương thích và sẵn sàng cho IPv6. Công việc tưởng chừng đơn giản đối với một bộ mã nguồn nhưng trên thực tế lại không hề đơn giản chút nào.

    Khó khăn đầu tiên là tên miền và hosting sử dụng IPv6 nhằm có môi trường IPv6 chạy NukeViet đã được NetNam hỗ trợ giải quyết. Kể cả công cụ giả lập IPv6 để kết nối vào mạng IPv6 thông qua mạng IPv4 cũng đã được NetNam hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đặt website lên và chạy thì không thực hiện được bởi NukeViet với hệ thống an ninh được kiểm soát nghiêm ngặt không cho phép các truy cập từ một địa chỉ IP không hợp lệ. Tất nhiên theo “hiểu biết” của NukeViet về IPv4 thì truy cập từ IPv6 bị nhận diện là một địa chỉ không hợp lệ và phần mềm chặn lại, báo lỗi.

    “Phần này đã đụng vào toàn bộ hệ thống NukeViet bao gồm cơ chế nhận diện IP của người truy cập, nhận diện địa chỉ website, kiểm tra tường lửa admin... ảnh hưởng đến một loạt chế độ gửi/nhận dữ liệu. Nhóm phát triển NukeViet đã mất 2 tháng thử nghiệm, sửa lỗi để phần mềm hoàn toàn tương thích trên mạng IPv6 với các yếu tố thử nghiệm IPv6 bao gồm: Tên miền, Máy chủ, Đường truyền và thiết bị đầu cuối của người sử dụng (Máy tính, hệ điều hành, trình duyệt”, đại diện nhóm phát triển NukeViet chia sẻ.

    Hiện tại, phần mềm nguồn mở NukeViet đã sẵn sàng cho IPv6. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhóm phát triển, trong hơn 10.000 website đang sử dụng NukeViet hiện vẫn chỉ có 1 website duy nhất đang sử dụng NukeViet chạy trên IPv6 là website của Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) tại địa chỉ http://vfossa.vn. Như vậy, cho dù phần mềm đã sẵn sàng nhưng môi trường mạng chưa hỗ trợ thì IPv6 cũng sẽ chưa được đưa vào sử dụng.

    Trên thực tế, việc phần mềm và thiết bị hỗ trợ IPv6 trước hay chờ đến khi hạ tầng sẵn sàng cho IPv6 rồi mới chuyển đổi đang được các doanh nghiệp “loay hoay” giống như việc giải bài toán “con gà hay quả trứng có trước?”. Như trường hợp của NukeViet, nhóm phát triển NukeViet cho biết thực tế việc xây dựng ứng dụng sẵn sàng cho IPv6 rất mất công trong khi lợi ích thì chưa thấy đâu. Nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhà mạng NetNam thì bây giờ NukeViet có lẽ cũng chưa tương thích với IPv6.

     Danh sách các website sử dụng tên miền Việt Nam tham gia World IPv6 Launch (Ảnh chụp màn hình ngày 6/6/2012. Nguồn: nukeviet.vn)

    Danh sách các website sử dụng tên miền Việt Nam tham gia World IPv6 Launch (Ảnh chụp màn hình ngày 6/6/2012. Nguồn: nukeviet.vn)

    Trường hợp của NukeViet có thể coi là một điển hình và đây chính là lý do các doanh nghiệp phần mềm và thiết bị chưa mặn mà với việc sẵn sàng cho IPv6. Cho đến ngày 6/6/2012 (được chọn là Ngày thế giới kích hoạt IPv6) Việt Nam mới có 8 website sử dụng IPv6 trong tổng số hơn 3000 website trên toàn cầu tham gia World IPv6 Launch. Và tính đến ngày IPv6 Việt Nam 2016 (6/5/2016), trên diễn đàn IPv6 toàn cầu, Việt Nam cũng mới chỉ có 13 website hỗ trợ IPv6, trong đó có website của Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA.VN) được vận hành bằng NukeViet và sử dụng IPv6 từ năm 2012 cho đến nay.

    Theo ICT News

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày