Pháp “tuyên chiến” với văn hóa làm việc ngoài giờ: Hết giờ làm là có quyền “ngắt kết nối"
Tiếp tục làm việc và gửi mail sau giờ hành chính sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và nhìn chung sẽ giảm hiệu quả làm việc của nhân viên.
Pháp hiện là quốc gia đi đầu trong việc cấm và cung cấp cho người dân của mình quyền được ngắt kết nối khi hết giờ làm việc.
Mathy, một nhà tâm lý học tại Đại học Sophia Antipolis (Pháp), quyết định sẽ không đụng tới chiếc điện thoại và không đăng nhập vào mail làm việc ngoài giờ hành chính.
"Tôi bắt đầu không đọc và trả lời email vào cuối ngày và vào cuối tuần, dần dần các đồng nghiệp của tôi nhận ra rằng, nếu muốn làm việc với tôi thì họ phải gửi email trong buổi sáng thứ Sáu, không thì phải đợi đến thứ Hai tuần sau," ông cho hay.
Mathy là một đại diện của tầng lớp lao động tại Pháp đang cố gắng xây dựng ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân. Vào đầu năm nay, chính phủ Pháp đã ra một đạo luật mới nhằm cung cấp "quyền được ngắt kết nối" cho tất cả lao động đang làm việc tại quốc gia này. Đây là lần đầu tiên một quốc gia đứng lên tuyên chiến với văn hóa làm việc 24/24 đang nổi lên khắp thế giới.
Tắt và mở
Đạo luật mới này của Pháp đã khiến dư luận và các chủ công ty phản ứng – Liệu nhân viên có thể "ngắt kết nối" hoàn toàn và liệu điều đó có ảnh hưởng tới năng suất làm việc hay không?
Mathy là một trong những người ủng hộ đạo luật mới này. Ông cùng các đồng sự của mình tại Đại học Sophia Antipolis đã dành nhiều năm để nghiên cứu về trí nhớ của con người và khả năng làm nhiều việc cùng một lúc.
"Khi liên tục kiểm tra và trả lời email, con người sẽ bị mất tập trung và không thể làm một dự án nào đó một cách chuyên sâu được."
Mathy cảnh báo rằng việc kết nối liên tục sẽ khiến nhân viên trở nên kém hiệu quả hơn, và thậm chí gây ra nghiện.
"Với tần suất liên tục và tạo cảm giác thành công khi trả lời, email thường xuyên sẽ khiến nhân viên trở nên bị nghiện với công việc."
Và cơn nghiện này sẽ khiến mọi người xao nhãng những việc cần làm, những môi trường cần tập trung và dần dần đánh mất hiệu quả làm việc.
Văn hóa làm việc thời hiện đại
Đạo luật "ngắt kết nối" của Pháp là một thừa nhận rằng văn hóa làm việc 24/24 thời nay đang gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu kết luận rằng làm việc nhiều giờ liên tục sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, các nhân viên bị sụt giảm sức khỏe, tinh thần và mất hết động lực làm việc.
Theo Technologia, một công ty chuyên nghiên cứu về các bệnh văn phòng, 12% nhân viên tại Pháp – khoảng 3,2 triệu người – đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tâm lý do làm việc. Hậu quả của văn hóa làm việc ngoài giờ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn đến cả quốc gia: Mỗi năm Pháp bị mất khoảng 2 đến 3 tỷ euro vì stress. Còn tại Mỹ, stress đã khiến hệ thống bảo hiểm phải chi trả đến hơn 190 triệu USD, theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Harvard và Stanford.
Các nhà nghiên cứu tại Công đoàn Anh cho biết, từ năm 2010 đến nay, số thời gian làm việc trung bình của nhân viên đã vượt quá 48 giờ một tuần, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Ủy ban sức khỏe quốc gia Anh cho hay, tính trên cả nước đã có 11 triệu ngày phép được sử dụng vì các lý do stress, và các bệnh tâm lý tại văn phòng đang dần có biến tướng phức tạp.
Nhưng đạo luật mới có đem lại hiệu quả?
Nhưng một phần dư luận lại chỉ trích đạo luật mới của Pháp với lập luận rằng nếu chỉ ngắt kết nối với công nghệ thì vẫn sẽ không giải quyết được tận gốc của vấn đề.
"Việc làm đó hoàn toàn sai hướng," theo Marc Wratten, chủ một tiệm cà phê kèm không gian làm việc tại Nice. "Chúng ta cần nhìn nhận lại việc "giờ hành chính" chỉ từ 9 giờ đến 5 giờ, mọi người cần có khả năng quản lý lịch làm việc của riêng họ."
Nhiều người dân Pháp thì cho rằng đây chỉ là một chiêu PR của chính quyền, vì đạo luật này không bắt buộc các công ty đang hoạt động phải ngay lập tức áp dụng và cũng không yêu cầu các công ty phải thương lượng ngay về vấn đề này với các nhân viên.
Như Gras Jean Marie, một chủ doanh nghiệp tại Nice, mặc dù ông ủng hộ đạo luật trên nhưng cũng còn khá nhiều băn khoăn.
"Tôi đồng ý với việc rằng cần có một sự phân biệt rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Nhưng pháp luật không thể nào đảm bảo được rằng việc "ngắt kết nối" vào buổi tối hoặc cuối tuần sẽ không bị các công ty đánh giá cả."
Cần lắm những thay đổi từ văn hóa công ty
Nhưng một công ty hàng đầu tại Pháp lại cho rằng đạo luật này sẽ tiếp tục củng cố thêm nỗ lực nhằm thay đổi môi trường làm việc tại đây.
Chỉ trong vòng 2 năm từ 2008 đến 2009, tập đoàn viễn thông Orange (tên cũ là France Telecom) tại Pháp đã có đến 19 trường hợp nhân viên tự tử. Công ty sau đó đã ra sức để thay đổi văn hóa và ảnh hưởng của công nghệ lên đời sống của nhân viên.
Các nhà quản lý tại Orange phải đặt ra "luật" cho riêng công ty, yêu cầu các nhân viên phải quyệt đối hạn chế gửi mail ngoài giờ làm việc và bắt các nhà quản lý không được đánh giá nhân viên qua khả năng làm việc vào thời gian riêng của họ.
Công ty còn mở ra các buổi huấn luyện nhằm giáo dục các nhà quản lý rằng việc gửi mail sau giờ làm chỉ làm tăng độ stress cho nhân viên và như thế sẽ khiến họ ám ảnh và tạo ra thói quen kiểm tra email mọi lúc.
Orange không phải là công ty duy nhất đang thay đổi văn hóa theo lời kêu gọi của chính quyền Pháp. Tập đoàn Volkswagen, công ty năng lượng Areva, và công ty bảo hiểm Axa đều cho phép nhân viên quyền được "ngắt kết nối" sau giờ làm.
Nhưng sau những thành công ban đầu đó vẫn là những lo ngại, một nhân viên được phép "ngắt kết nối" cho hay: "Để giải quyết được tận gốc vấn đề, các công ty cần cho phép nhân viên của mình quyết định giờ làm việc của riêng họ, đó mới là giải pháp tối ưu."
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng