Phát hiện "Cung điện pha lê ngầm" 480 triệu năm tuổi: Có bí mật gì ẩn giấu bên trong?

    Đức Khương,  

    Giữa vùng núi đá vôi hiểm trở thuộc thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, một phát hiện tình cờ từ công trình tưới tiêu nông nghiệp đã làm chấn động không chỉ giới khoa học địa chất mà còn cả công chúng: một hệ thống hang động ngầm chứa đầy pha lê và các trầm tích địa chất hiếm gặp, được đặt tên đầy mỹ miều là "Cung điện pha lê ngầm".

    Nơi đây, từng bị chôn vùi trong lòng đá dolomit suốt 480 triệu năm, giờ đã hé lộ những bí mật địa chất chưa từng được biết đến: một kho tàng di sản tự nhiên mang tầm cỡ toàn cầu.

    Khác với những hang động thông thường được hình thành do quá trình phong hóa hay dòng chảy ngầm, "Cung điện pha lê ngầm" là kết quả của một chuỗi phản ứng địa hóa và vật lý phức tạp, diễn ra trong suốt hàng trăm triệu năm.

    Nằm sâu dưới lớp đá dolomit thời kỳ Ordovic, hang động này sở hữu mái vòm cao trên 100 mét, một con số hiếm thấy trong các cấu trúc ngầm tự nhiên. Điều kỳ diệu nằm ở chỗ, những giọt nước ngấm qua lớp đá trong suốt hàng triệu năm đã bị phân tử hóa thành dạng khí dung giàu canxi bicarbonate, ngưng tụ thành vô số hình thái tuyệt mỹ như hoa đá, san hô đá, nho đá…

    Tất cả được kết tinh trên nền măng đá và đáy hang, tạo nên một quần thể “lắng đọng nguyên tử” hiếm có,  thứ mà giới nghiên cứu chỉ mới mô phỏng được trong lý thuyết.

    Phát hiện "Cung điện pha lê ngầm" 480 triệu năm tuổi: Có bí mật gì ẩn giấu bên trong?- Ảnh 1.

    Điểm nhấn ấn tượng nhất của hang động là một sảnh lớn trải dài hàng chục ngàn mét vuông, nơi hàng ngàn nhũ đá trắng tinh khiết dựng đứng như một khu rừng băng giá giữa lòng đất.

    Các nhũ đá này có cấu trúc trắng như tuyết do canxi cacbonat trong nước đạt độ tinh khiết gần như tuyệt đối, không lẫn tạp chất. Một số nhũ đá chỉ phát triển với tốc độ 0,1mm mỗi năm, đồng nghĩa với việc nhiều cấu trúc trong hang đã cần đến hàng triệu năm để hình thành.

    Điều này khiến cho "Cung điện pha lê ngầm" được đánh giá là một báu vật trong thế giới hang động, vượt xa các hang động nổi tiếng khác ở cả Trung Quốc và quốc tế.

    Không chỉ có nhũ đá, hang còn lưu giữ số lượng lớn ngọc trai hang động, một loại trầm tích cực kỳ hiếm và khó hình thành. Những viên ngọc này trong suốt, tinh khiết, cấu tạo bởi các lớp đồng tâm bao quanh một lõi nhỏ. Sự hiện diện dày đặc và chất lượng cao của ngọc trai hang động tại đây càng nâng tầm giá trị độc đáo của di sản địa chất này.

    Phát hiện "Cung điện pha lê ngầm" 480 triệu năm tuổi: Có bí mật gì ẩn giấu bên trong?- Ảnh 2.

    Sở dĩ hang động được ví như một "ngân hàng gen trầm tích hang động" là bởi nó nằm gần Khu bảo tồn thiên nhiên sông Dashaha, nơi gần như không bị con người xâm phạm. Nguồn nước tinh khiết, môi trường ổn định, cùng với đặc tính phản ứng hóa học độc đáo của đá dolomit đã tạo điều kiện lý tưởng cho quá trình lắng đọng diễn ra liên tục trong hàng trăm triệu năm.

    Nhiều dạng trầm tích tại đây trước giờ chỉ tồn tại trong lý thuyết, như nón tinh thể màng canxi, phiến canxi, ống ngỗng, đá mây hay đá thoi giờ được tìm thấy một cách sống động trong lòng hang, cung cấp bằng chứng vật lý quý giá giúp giới khoa học lần ra manh mối về lịch sử địa chất và sự biến đổi khí hậu của Trái Đất.

    Đặc biệt, việc phát hiện và phân tích mảng canxi, những lớp trầm tích mỏng tại đáy hang đã giúp các nhà nghiên cứu thu được thông tin chi tiết về khí hậu và mực nước biển từ hàng trăm triệu năm trước.

    Những dấu vết nguyên tố vi lượng còn sót lại chính là dòng "ký ức" hóa học quý giá, mở ra cơ hội mới trong việc tái dựng lịch sử môi trường và dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai.

    Tuy nhiên, trước một di sản mong manh và quý giá như vậy, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: làm thế nào để bảo tồn mà vẫn phục vụ nghiên cứu và giáo dục? Bởi chỉ một thay đổi nhỏ về độ ẩm, nhiệt độ hay tác động của vi sinh vật cũng có thể làm hư hại kết tinh tích lũy hàng ngàn năm.

    Trong quá trình khảo sát ban đầu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những dấu vết tổn thương nhỏ trên bề mặt nhũ đá, một lời cảnh tỉnh về mức độ nhạy cảm của di sản này.

    Phát hiện "Cung điện pha lê ngầm" 480 triệu năm tuổi: Có bí mật gì ẩn giấu bên trong?- Ảnh 3.

    Để bảo vệ “Cung điện pha lê ngầm” khỏi bàn tay con người, nhóm nghiên cứu do chuyên gia Zhang Yuanhai dẫn đầu đã đề xuất chiến lược bảo vệ "can thiệp tối thiểu". Cụ thể, lối vào hang đã được phong tỏa hoàn toàn; chỉ những nhà khoa học được trang bị bảo hộ vô trùng mới được phép tiếp cận vùng lõi.

    Ngoài ra, bằng công nghệ quét laser 3D và nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhóm đã xây dựng một cơ sở dữ liệu mô phỏng 3D đầu tiên trên thế giới về sự phát triển không gian và trầm tích trong hang động. Điều này không chỉ giúp ghi lại trạng thái ban đầu của hang mà còn phục vụ nghiên cứu dài hạn.

    Phát hiện "Cung điện pha lê ngầm" 480 triệu năm tuổi: Có bí mật gì ẩn giấu bên trong?- Ảnh 4.

    Không dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu đang phát triển hệ thống tham quan ảo (VR) để công chúng có thể khám phá hang động qua hình thức "đại diện kỹ thuật số". Hang động thực tế sẽ hoàn toàn không mở cửa đón khách du lịch nhằm bảo vệ tối đa hệ sinh thái vi mô trong lòng đất.

    Đồng thời, một khu vực bảo vệ rộng 5 km quanh hang động cũng đã được thiết lập, nghiêm cấm mọi hoạt động gây bất ổn địa chất như khai thác hay nổ mìn.

    Phát hiện "Cung điện pha lê ngầm" 480 triệu năm tuổi: Có bí mật gì ẩn giấu bên trong?- Ảnh 5.

    Phát hiện về “Cung điện pha lê ngầm” không chỉ là bước ngoặt trong ngành địa chất toàn cầu, mà còn là lời nhắc nhở đầy tính thời đại: những kho báu thiên nhiên kỳ vĩ nhất luôn tồn tại lặng lẽ, và giá trị thật sự của chúng chỉ được bảo toàn khi con người học cách trân trọng và giữ gìn.

    Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, câu chuyện về “cung điện dưới lòng đất” ở Quý Châu cũng là một bài học lớn về cân bằng giữa phát triển, khám phá và gìn giữ di sản tự nhiên cho thế hệ mai sau.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ