Phát hiện kỳ lạ về COVID-19: Khi virus "hack" vào hệ thống chuyển hóa của cơ thể, chúng sẽ vỗ béo loài người
Virus SARS-CoV-2 đặc biệt thích chất béo, chúng thích làm tổ trong chất béo và sử dụng chất béo như một nguồn năng lượng dự trữ.
Sau gần 3 năm của đại dịch, loài người nhìn vào gương và thấy mình đang béo lên. Một nghiên cứu được thực hiện tại Italia cho thấy cứ 2 người thì có 1 người sẽ tăng cân trong giai đoạn COVID-19. Con số tương tự được báo cáo ở Mỹ, với 61% số người trưởng thành đã tăng cân.
Theo phân tích 19 triệu hồ sơ bệnh án được lưu trữ bởi Epic Systems, một trong những công ty hồ sơ y tế lớn nhất nước Mỹ, COVID-19 đã khiến 39% bệnh nhân tăng ít nhất 1,1 kg, 27% tăng dưới 5,6 kg, 10% tăng trên 5,6 kg và 2% tăng trên 12,4 kg.
Một số nhà khoa học thậm chí đã dùng thuật ngữ "COVID-15", để ám chỉ mọi người sẽ tăng cân trung bình 15 pound (5,6 kg) trong thời gian đại dịch. Nguyên nhân được chỉ ra là vì thời gian giãn cách xã hội đã khiến chúng ta giảm vận động. Bên cạnh đó, mọi người cũng tăng ăn các loại thực phẩm chế biến, đồ ăn sẵn với nhiều chất béo và năng lượng trong đại dịch.
Tình trạng căng thẳng do đại dịch gây ra còn đặt cơ thể vào trạng thái chuyển hóa thức ăn chậm, nồng độ cortisol, hay hormone căng thẳng trong máu cao cũng là nguyên nhân gây tích tụ mỡ bụng.
Nhưng theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications, bản thân việc nhiễm COVID-19 cũng có thể khiến chúng ta tăng cân. Đó là bởi virus SARS-CoV-2 sở hữu một khả năng đặc biệt, chúng biết "hack" vào hệ thống xử lý chất béo của cơ thể, khiến chúng ta tăng sinh chất béo.
Một số quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể sau khi nhiễm COVID-19 có thể được đẩy lên tới 64 lần mức bình thường. Đó là vì virus SARS-CoV-2 đặc biệt thích chất béo, chúng thích làm tổ trong chất béo và sử dụng chất béo như một nguồn năng lượng dự trữ.
Virus thích mỡ trong cơ thể con người
Mỡ hay chất béo trong cơ thể bạn là một dạng chất trơ, nhiệm vụ của chúng chủ yếu là tích trữ năng lượng. Khi bạn ăn vào quá nhiều thức ăn, đặc biệt là đường, phần năng lượng không được sử dụng hết sẽ được chuyển thành mỡ cơ thể.
Mô mỡ được hình thành chủ yếu bởi các tế bào chất béo hay còn gọi là adipocyte. Tuy nhiên, mô mỡ cũng chứa tiền tế bào mỡ, những tế bào khi trưởng thành có thể trở thành tế bào mỡ hoặc một số loại tế bào miễn dịch bao gồm đại thực bào.
Trước đây, mô mỡ đã được biết đến là nơi mà virus cúm và virus HIV ẩn náu. Nhiễm vào trong các mô này, virus có thể trốn tránh được hệ miễn dịch của con người và cả các biện pháp điều trị như thuốc kháng virus.
Một nghiên cứu đăng trên nền tảng trực tuyến BioRxiv cuối năm ngoái cho thấy virus SARS-CoV-2 cũng thích làm tổ trong mô mỡ của con người. "Nếu là một người béo phì, chất béo rõ ràng là một cơ quan đơn lẻ lớn nhất trong cơ thể bạn. Virus corona có thể lây nhiễm và làm tổ trong đó", tiến sĩ David Kass, một giáo sư tim mạch tại Viện Johns Hopkins cho biết.
"Cho dù chúng có làm tổn thương, giết chết mô mỡ hay trong trường hợp tốt nhất chỉ lấy mô mỡ là nơi để sinh sôi - điều đó không quan trọng. Quan trọng là những mô mỡ đã trở thành một loại hồ chứa cho virus".
Một nghiên cứu trên tạp chí Obesity Reviews cho thấy người béo phì có khả năng nhiễm COVID-19 với triệu chứng nặng hơn 113% so với người bình thường. Họ cũng có tỷ lệ phải nhập phòng ICU (chăm sóc đặc biệt) cao hơn 74% và tỷ lệ tử vong cao hơn 48%.
Mặc dù những người béo phì cũng thường có nhiều bệnh lý nền đi kèm, nhưng các nhà khoa học ngày càng tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy nguy cơ mắc và tử vong vì COVID-19 của họ liên quan trực tiếp tới cân nặng.
Ngay cả những người trẻ tuổi thừa cân, chưa phát triển bệnh nền nào cũng có thể tử vong do COVID-19. Nghiên cứu cho thấy khi virus SARS-CoV-2 lây nhiễm tế bào mỡ, chúng có thể kích hoạt các phản ứng viêm và khiến bệnh COVID-19 diễn biến nặng hơn.
"Điểm mấu chốt là virus có thể lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào mỡ. Và bất cứ điều gì xảy ra với mô mỡ sẽ không ở trong mô mỡ. Nó cũng ảnh hưởng đến các mô lân cận", Tiến sĩ Philipp Scherer, một nhà khoa học nghiên cứu về tế bào mỡ tại Trung tâm Y tế UT Southwestern ở Dallas cho biết.
Virus sẽ vỗ béo bạn
Đó là phát hiện từ nghiên cứu mới thực hiện bởi Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon. Trong đó, các nhà khoa học đã nuôi cấy virus SARS-CoV-2 trên 2 dòng tế bào người và quan sát sự ảnh hưởng của nó lên quá trình chuyển hóa 400 loại lipid.
Họ nhận thấy virus đã làm thay đổi 80% chất béo trong một dòng tế bào. Con số ở dòng còn lại là hơn 50%. Cá biệt, có một số quá trình chuyển hóa chất béo đã tăng lên tới 64 lần.
Chất béo bị ảnh hưởng nhiều nhất là chất béo trung tính, một dạng chất béo dự trữ trong cơ thể. "Khi virus nhân lên, chúng cần được cung cấp năng lượng liên tục. Nhiều chất béo trung tính hơn có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng đó cho virus dưới dạng axit béo", phó giáo sư Fikadu Tafesse, tác giả của nghiên cứu mới cho biết.
Cùng với các đồng nghiệp của mình, Tafesse phát hiện bằng một con đường nào đó, sau khi virus SARS-CoV-2 nhiễm vào tế bào người, chúng đã có thể "hack" vào hệ thống chuyển hóa chất béo và khiến tế bào sản sinh ra nhiều lipid.
"Lipid là một phần quan trọng của mọi tế bào. Chúng là mục tiêu hấp dẫn đối với virus", tiến sĩ Jennifer Kyle, một nhà khoa học y sinh đồng tác giả nghiên cứu mới cho biết. Kyle và Tafesse nghi ngờ virus SARS-CoV-2 đã sử dụng 24 trong số 29 protein của nó để can thiệp vào quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể người.
Vì chúng có thể ẩn náu trong chất béo, điều đầu tiên mà virus muốn làm sau khi nhiễm vào cơ thể là xây những chiếc tổ cho mình. Chúng sẽ khiến chúng ta tổng hợp nhiều chất béo hơn, tạo ra một môi trường "ấm áp", an toàn và giàu dinh dưỡng hơn cho sự sinh sôi nảy nở của chúng.
Hiệu ứng này đã từng được Tafesse quan sát thấy khi nghiên cứu virus HIV và Zika.
Thuốc giảm cân có khả năng ngăn chặn sự nhân lên của virus
Bây giờ, nếu logic là virus có thể làm tổ trong chất béo và tận dụng nguồn năng lượng dự trữ ấy để sinh sôi, các nhà khoa học muốn biết liệu việc giảm cân có thể đem lại lợi ích đối với phòng ngừa và điều trị COVID-19 hay không?
Trong thí nghiệm của mình, họ đã sử dụng Orlistat, một loại thuốc giảm cân đã được phê duyệt để đưa vào tế bào người. Orlistat có tác dụng ức chế lipase, một enzyme xúc tác cho quá trình phân hủy chất béo.
Kết quả là những tế bào được tác dụng bằng Orlistat đã giảm được quá trình phân hủy chất béo trung tính thành axit béo, giảm nguồn năng lượng cung cấp cho virus và chặn quá trình tái tạo của chúng chỉ trong vòng 48 giờ.
Đặc biệt hơn nữa, loại thuốc này còn có tác dụng với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2 được thử nghiệm, từ alpha, beta cho đến gamma và delta.
Từ dữ liệu của các nghiên cứu mới, các nhà khoa học gợi ý người thừa cân và béo phì nên có kế hoạch giảm cân khi đại dịch vẫn đang tiếp tục hoành hành. Nghiên cứu mới được công bố trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại trên toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận số ca nhiễm nCoV đã tăng 18% tại 110 quốc gia, ở mức cao nhất kể từ tháng 4. Đợt gia tăng chủ yếu do sự lây lan của biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5, có lợi thế lây nhiễm và khả năng né tránh miễn dịch hiệu quả.
Giảm cân không chỉ giúp phòng ngừa triệu chứng nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2, mà còn cải thiện được sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu cho thấy chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể đã có thể giúp giảm huyết áp, giảm chứng ngưng thở khi ngủ, giảm viêm nhiễm, giảm cholesterol 'xấu' gây bệnh tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và cả ung thư.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng