Phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn hấp dẫn để thu hút các tập đoàn hàng đầu

    Nhã Mi,  

    Trước nền tảng và tiềm năng lớn đối với các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 đã chính thức được phát động với chủ đề "Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất thông minh chinh phục thị trường toàn cầu".

    Phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn hấp dẫn để thu hút các tập đoàn hàng đầu - Ảnh 1.

    12 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 vừa được vinh danh.

    12 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 đã được vinh danh tại Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp Khai mạc Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2203) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

    Sự kiện được diễn ra vào sáng 28/10/2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, NIC phối hợp với các đối tác uy tín tổ chức, đã ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Sự kiện vinh dự được tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu-trường đại học, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đổi mới sáng tạo tiêu biểu, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

    Tại buổi lễ, Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ông Simon Milner - Phó chủ tịch phụ trách Chính sách công khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta đã trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 và vinh danh 12 doanh nghiệp tham gia. Đây đều là các giải pháp tích hợp đã được thị trường kiểm chứng và tập trung giải quyết các vấn đề của xã hội ở quy mô lớn, đóng vai trò tiên phong tạo nền tảng dẫn dắt và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

    Cũng tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao kỷ niệm chương cho 4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc nhất thuộc 03 nhóm tham gia là: Tập đoàn, doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; và Startups. Lên nhận giải có sự xuất hiện của Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, đại diện giải pháp FPT akaBot và Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đại diện giải pháp oneSME, là hai giải pháp tiêu biểu xuất sắc thuộc nhóm Tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

    Phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn hấp dẫn để thu hút các tập đoàn hàng đầu - Ảnh 2.

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao kỷ niệm chương cho 4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc nhất

    Sự tham gia của các tập đoàn tại “sân chơi công nghệ lớn” này cũng thể hiện rõ trách nhiệm xã hội hướng tới việc dựng xây đất nước hùng mạnh, góp phần thúc đẩy chính phủ và các tổ chức liên quan tạo môi trường thuận lợi hơn cho đổi mới sáng tạo. Đồng thời là đầu tàu lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo đến cộng đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trên hành trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

    Cụ thể, Top 12 giải pháp được vinh danh gồm:

    1. Giải pháp: Nền tảng Chuyển đổi số - oneSME từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - Top 4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc
    2. Giải pháp: Tự động hóa quy trình với trợ lý robot ảo (RPA) - FPT akaBot từ Tập đoàn FPT  - Top 4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc
    3. Giải pháp: Nền tảng Quản trị Doanh nghiệp hợp nhất - MISA AMIS từ Công ty Cổ phần MISA  - Top 4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc
    4. Giải pháp: Giải pháp tiết kiệm năng lượng - BenKon từ Công ty Cổ phần BenKon  - Top 4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc
    5. Giải pháp: Dịch vụ quản trị tổng thể cho Hộ kinh doanh cá thể - VNPT HKD từ Tập đoàn VNPT
    6. Giải pháp: Phần mềm Phân tích và Quản lý hình ảnh thông minh - CIVAMS từ Tập đoàn CMC
    7. Giải pháp: Công nghệ đa vận chuyển thông minh - SuperShip từ Công ty Cổ phần SuperShip Việt Nam
    8. Giải pháp: Nền tảng Quản lý Giao tiếp Đa kênh cho Doanh nghiệp - Omicall từ Công ty TNHH Công nghệ ViHAT
    9. Giải pháp: Nền tảng Quản lý chuỗi cung ứng và xưởng sản xuất cho thương hiệu thời trang toàn cầu - Wetex từ Công ty Cổ phần Công nghệ Retex
    10. Giải pháp: Nền tảng phân tích dữ liệu Thương mại điện tử - Metric từ Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu
    11. Giải pháp: Giải pháp giám sát và quản lý công trình xây dựng - viAct từ Công ty viAct (Hong Kong)
    12. Giải pháp: xuất khẩu xuyên biên giới dành cho SMEs - 1Export từ Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ 1Export (Philippines)

    Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) được phát động từ tháng 10/2022 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” . Là chương trình thường niên hiện thực hóa Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN), VIC đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp công nghệ gỡ nút thắt tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.

    Trải qua hành trình tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, Thách thức Đổi mới sáng tạo đã gây được tiếng vang và tạo được sức hút mạnh mẽ thông qua những con số ấn tượng: 758 giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số được gửi tới từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động và phát triển; Hơn 70 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ, quản lý doanh nghiệp, phát triển thị trường, đầu tư… đồng hành; Hơn 30 đơn vị cam kết và đồng hành, bao gồm nhiều tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp uy tín như FPT, CMC, VNPT, Goldsun Media…

    Lễ Khánh thành NIC cơ sở Hoà Lạc cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi cao. NIC Hoà Lạc cùng các khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn tại Việt Nam. Trước nền tảng và tiềm năng lớn đối với các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 cũng chính thức được phát động với chủ đề "Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất thông minh chinh phục thị trường toàn cầu"

    Trong bối cảnh FDI toàn cầu tiếp tục dịch chuyển, Việt Nam mong muốn thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, nhất là các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, chip bán dẫn. Chính vì vậy, ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn lựa chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng. Đặc biệt, trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 10/2023, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ của hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố chung của 2 quốc gia đã xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Hơn thế, hàng loạt tập đoàn bán dẫn hàng đầu trên thế giới có “quyết tâm cao” với Việt Nam.

    Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn  2021-2030 đã xác định phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, Việt Nam đang mở rộng hợp tác với các quốc gia để hình thành hệ sinh thái và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào ngành bán dẫn, vào chuỗi cung ứng này, trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến những tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và cho biết, Việt Nam khuyến khích các tập đoàn sản xuất đã có hoạt động tại Việt Nam nghiên cứu mở rộng hoạt động; các tập đoàn chưa có hoạt động tại Việt Nam thì tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời tin tưởng đây là điểm khởi đầu để cùng nhau xây dựng một khối liên kết mạnh mẽ và bền vững trong lĩnh vực bán dẫn, đóng góp vào sự phát triển chung của ASEAN và tạo ra một tương lai tươi sáng cho ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.

    Hướng đến tầm nhìn chung và mục tiêu phát triển của đất nước, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 kêu gọi sự chung tay để hình thành nên hệ sinh thái, cùng nhau đóng góp chung cho ngành công nghiệp bán dẫn của khu vực và thế giới. Trong đó, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tập đoàn dẫn đầu để tìm kiếm các giải pháp tích hợp, đã được thị trường kiểm chứng và sẵn sàng triển khai; Các nguồn lực hỗ trợ, hợp tác hiệu quả để tạo ra công nghệ, giá trị thúc đẩy thương mại hóa, tận dụng tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất thông minh nhằm thúc đẩy sự phát triển chung vì sự phát triển thịnh vượng và bền vững của đất nước.

    Phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn hấp dẫn để thu hút các tập đoàn hàng đầu - Ảnh 3.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày