Phi công trẻ 200 giờ bay: Xiaomi Mi Drone máy đầm, gầm cao, nhưng hơi dừ so với tôi
Bài đánh giá sơ bộ về chiếc máy bay Mi Drone đầu tiên của Xiaomi mới cập bến thị trường Việt Nam với giá bán xách tay 11,5 triệu đồng.
Vào ngày 9/7 vừa qua, một trong những chiếc máy bay Mi Drone đầu tiên của Xiaomi đã về tới thị trường Việt Nam. Cũng vào chiều cùng ngày, chúng tôi đã cất cánh thành công chiếc máy bay không người lái này. Sau đây sẽ là những đánh giá sơ về Xiaomi Mi Drone, dưới góc nhìn của một "drone thủ" kinh nghiệm 200 giờ bay.
Phi công trẻ 200 giờ bay: Xiaomi Mi Drone máy đầm, gầm cao, nhưng hơi dừ so với tôi
Máy đầm, gầm cao
Sơ lược về ngoại hình của Xiaomi Mi Drone, chiếc máy bay này có ngoại hình khá ổn, có thể coi là tốt trong tầm giá. Kiểu dáng chung của Mi Drone không hề mới so với loạt flycam hiện có trên thị trường, nhưng bù lại các chi tiết như cánh quạt, thân máy bay, lưới tản nhiệt, hệ thống đèn báo hiệu... đều được Xiaomi làm rất tốt.
So sánh với DJI Phantom 3, máy bay Mi Drone Xiaomi sở hữu kích thước đồ sộ hơn, từ chiều cao cho tới độ rộng sải cánh. Nói theo cách của dân chơi xe hơi, Xiaomi Mi Drone đúng là máy đầm, gầm cao. Bởi nếu coi DJI Phantom 3 là một chiếc sedan, hẳn Mi Drone là một chiếc bán tải đầy cơ bắp và sự mạnh mẽ.
Tiếng động cơ khỏe
Tương tự như thú chơi xe hơi, xe mô tô phân khối lớn, người chơi drone cũng rất quan tâm tới tiếng động cơ. Khi bay lượn trên không, tiếng gào rú của Xiaomi Mi Drone nghe rất sướng tai, nhất là ở những pha cất cánh hoặc hạ cánh. Động cơ này phát ra âm thanh giòn giã, đanh thép chứ không ỉu xìu như các dòng drone bé.
Tất nhiên, không phải "drone thủ" nào cũng yêu thích tiếng động cơ lớn. Bởi trong một số trường hợp, âm thanh này lại gây khó chịu, ức chế cho những người xung quanh. Do đó, ai yêu thích sự mạnh mẽ hẳn sẽ muốn nghe âm thanh máy bay Xiaomi Mi Drone cất cánh mỗi ngày.
Tản nhiệt tốt
Tản nhiệt cũng là một yếu tố rất quan trọng với người chơi drone. Bởi nếu có được cơ chế tản nhiệt tốt, máy bay sẽ vận hành trơn tru hơn, đồng thời kéo dài tuổi thọ sử dụng. Đối với Mi Drone, tản nhiệt là một điểm cộng đáng bàn tới. Xiaomi đã trang bị tổng cộng 4 lưới tản nhiệt trên thân máy bay.
Nhờ có những lưới tản nhiệt này, Xiaomi Mi Drone khi hạ cánh sẽ không khiến người dùng bỏng tay vì vô tình chạm vào như một số dòng drone rẻ tiền. Thay vào đó, các cell pin của máy bay luôn được giữ ở mức 40 độ C - mà theo đánh giá từ "drone thủ" chuyên nghiệp là khá ổn.
Thời lượng bay
Ban đầu, chúng tôi tin rằng viên pin 5.100 mAh được Xiaomi trang bị cho Mi Drone chỉ có thể giúp chiếc máy bay này vận hành liên tục trong khoảng 20 phút hoặc hơn. Thế nhưng, sau lần bay thực tế, thời lượng pin của Mi Drone đạt khoảng 27 phút bay liên tục, nghĩa là gần sát so với những gì Xiaomi công bố.
Đáng nói ở đây, sau 27 phút bay, viên pin của Xiaomi Mi Drone vẫn chưa báo hết. Điều này đồng nghĩa, thiết bị còn có thể thực hiện thêm nhiều màn bay nữa. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, trong lần thử nghiệm này, chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc bay lượn, thay vì vừa bay, vừa chụp ảnh hoặc quay video.
Tốc độ và sự linh hoạt
Đây rõ ràng là điểm yếu lớn của Xiaomi Mi Drone. Nghĩa là với người mới tập chơi drone, tốc độ của Mi Drone hoàn toàn phù hợp, giống với khái niệm chạy rốt-đa cho xe máy mới. Thế nhưng, với người chơi drone chuyên nghiệp, Mi Drone lại khá chậm chạp, thiếu đi sự linh hoạt cũng như những pha tăng tốc cần thiết.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin thanh minh cho chiếc Mi Drone của Xiaomi với 2 lý do sau đây. Thứ nhất, kích thước lớn khi bay lượn trên cao sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi Mi Drone, như sức gió, lực cản không khí... Thứ hai, chính Xiaomi đã chủ động kìm hãm sức mạnh thực sự của Mi Drone.
Cụ thể, Xiaomi đã tự đặt ra chế độ tạm gọi là: 300 phút bay đầu. Nghĩa là trước khi người dùng cán mốc 300 phút bay, tốc độ tối đa mà Mi Drone đạt được sẽ bị hạn chế, thậm chí là khóa hẳn chế độ thông số chỉnh tay. Điều này giải thích tại sao, khả năng tăng tốc của Mi Drone lại thua DJI Phantom 3 bản Standard.
Chúng tôi dự đoán rằng, tốc độ thực sự của Mi Drone sẽ còn nhanh hơn nhiều so với thời điểm hiện tại. Tất nhiên, để đưa ra kết luận cuối cùng, 300 phút bay là cái mốc cần hướng tới. Bởi chỉ khi mở được chế độ thông số chỉnh tay, Mi Drone mới cho phép chúng ta đạt tới tốc độ nhanh nhất.
Bay tầm thấp tốt
Ở độ cao khoảng 30 mét trở xuống, Mi Drone cho khả năng bay lượn tốt, do kích thước lớn, cộng thêm sức nặng vốn có. Như người chơi smartphone, chúng ta có thể quy về khái niệm "đầm tay". Trong khi đó, ở những vùng bay cao hơn, hiện tượng rung lắc, hay thiếu nhạy bén với Xiaomi Mi Drone đã xảy ra.
Kết luận, DJI Phantom 3 bản Standard hoạt động ổn định ở vùng bay cao, còn lợi thế của Xiaomi Mi Drone là bay tốt ở tầm thấp. Do đó, nếu đang hy vọng Mi Drone sẽ cho chúng ta những thức phim hoành tráng về ruộng đồng, núi sông, tốt nhất chúng ta nên bỏ ý định này đi. Bay chơi, hoặc cho người mới bay sẽ hợp hơn.
Tính năng Return Home
Hầu hết các flycam hiện nay đều có tính năng Return Home, nghĩa là drone sẽ tự bay về vị trí cất cánh, áp dụng trong một số trường hợp như mất tín hiệu, sắp hết pin hoặc đơn giản là người chơi muốn rảnh tay làm việc khác. So sánh với DJI Phantom 3 bản Standard, tính năng Return Home trên Mi Drone chính xác hơn.
Không phải là vì Xiaomi làm tốt hơn DJI, mà bởi Mi Drone có thêm hệ thống VPS (Visual Positioning system), trong khi Phantom 3 bản Standard đã bị cắt bỏ, chỉ có GPS mà thôi. Do đó, khi thử nghiệm Return Home, sai số của Mi Drone chỉ là khoảng 1 mét, còn Phantom 3 bản Standard là cả một quãng rất xa.
Sẵn đồ bảo hộ
Nhiều người cho rằng, khi lắp thêm 4 miếng nhựa bảo hộ màu đỏ, Mi Drone trông rất xấu và thô. Nhưng thực tế, chỉ khi chơi drone bạn mới hiểu được tầm quan trọng và cần thiết của 4 miếng nhựa này. Không có đồ bảo hộ, cánh quạt của drone cứ gọi là gãy như chẻ tre, nhiều khi có tiền cũng chẳng mua được đồ thay thế.
Do đó, ngoài 4 cánh quạt dự phòng, Xiaomi đã hào phóng tặng thêm cho người dùng 4 miếng nhựa bảo hộ. Đây là một điểm cộng đáng chú ý. Vì với các mẫu drone thông thường, hoặc như DJI Phantom 3 bản Standard, bạn cứ tập xác định là bỏ tiền túi ra nhé, chưa kể còn mòn mỏi chờ đợi hàng được ship về nữa.
Nhưng...
Mặc dù tỏ ra khá chu đáo, nhưng Xiaomi cũng không thể giấu đi sự thiếu sót của mình. Cụ thể, ngoài ứng dụng mặc định đi kèm Mi Drone, chiếc máy bay này không hề nhận được hỗ trợ từ bất kì ứng dụng nào của các bên thứ 3. Thêm vào đó, Xiaomi hiện cũng chưa bán ra đồ thay thế như pin, cánh quạt...
Điều này cũng giống như việc chúng ta mua về một chiếc điện thoại Windows Phone vậy, tuy ổn định nhưng ứng dụng ít, dễ gây nhàm chán. Đặc biệt, nếu lỡ Mi Drone có gặp phải sự cố hay hỏng hóc, chúng ta cũng chẳng có đồ mà thay, chấp nhận vứt hẳn drone đi, hoặc đắp chiếu chờ cho tới khi Xiaomi mở bán.
Giới hạn về ngôn ngữ
Rất khó để trách Xiaomi trong trường hợp này, bởi theo thông lệ, hầu hết các sản phẩm của hãng đều tập trung cho thị trường nội địa đầu tiên. Do đó, ứng dụng chính chủ toàn tiếng Trung Quốc là điều không hề gây bất ngờ. Nếu tận dụng tối đa Mi Drone, bạn hoặc phải biết tiếng Trung, hoặc chờ bản ứng dụng tiếng Anh.
Lý do "drone thủ" của chúng tôi chê Xiaomi Mi Drone hơi dừ...
Như đã đề cập ở trên, để chỉnh tay thông số Mi Drone, mở giới hạn tốc độ cũng như một vài tính năng ẩn, người chơi cần hoàn thành cột mốc 300 phút bay đầu tiên. Tuy nhiên, không phải người chơi nào cũng hứng thú với chế độ này. Với người mới chơi drone, đây quả là chế độ cực kì lý tưởng.
Bởi Mi Drone do bị giới hạn tốc độ sẽ không có những pha vọt lên quá nhanh khi người dùng bất cẩn. Từ đó, người mới chơi drone sẽ hạn chế được những tai nạn không đáng có. Nói chung, Mi Drone mang tới cho người chơi cảm giác an toàn, làm chủ được tốc độ khi mới tập tành lái drone.
Thế nhưng, với người chơi chuyên nghiệp, chế độ 300 phút bay quả là một cực hình. Bởi khi đã điều khiển drone thành thạo, chẳng ai muốn máy bay của mình phi như rùa bò trên không cả. Điều này giải thích tại sao, "drone thủ" của chúng tôi lại chê Xiaomi Mi Drone hơi dừ và không phù hợp với người chơi chuyên nghiệp.
Kết luận
Điểm mạnh của Xiaomi Mi Drone có lẽ là ngoại hình đẹp, mức giá tốt, trải nghiệm bay ổn định, thời lượng pin sử dụng cao, có đồ bảo hộ tặng kèm. Đối tượng mà Xiaomi hướng tới sẽ là người dùng mới bắt đầu làm quen với drone, cần một thiết bị bay an toàn, dễ dàng làm chủ được tốc độ khi máy bay cất cánh.
Điểm yếu của Xiaomi Mi Drone là chưa có ứng dụng thứ 3, đồ thay thế chưa có, ứng dụng chính chủ cũng toàn tiếng Trung Quốc, 300 phút bay đầu tiên khá tù túng với người chơi chuyên nghiệp. Do đó, dân chơi drone thực thụ sẽ không cần chú ý tới chiếc máy bay không người lái đầu tiên của Xiaomi.
Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá về camera 360 độ (bản quay video Full HD) có trên Xiaomi Mi Drone, đồng thời so sánh chi tiết giữa Mi Drone của Xiaomi và DJI Phantom 3 bản Standard. Nhá hàng về bài viết tiếp theo:"Mua Mi Drone hay Phantom 3 cùng tầm giá?"
Mua Mi Drone hay Phantom 3 cùng tầm giá?
Xin chân thành cảm ơn đơn vị Mi Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng