Phó TGĐ Viettel Solutions: Thách thức tiếp theo là khiến hệ thống Một cửa quốc gia thông minh hơn!

    Thu Hà, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 

    “Trong thời gian tới, Viettel sẽ cùng phía Tổng cục Hải quan hợp tác để đưa những công nghệ hiện đại như AI, Blockchain… vào hệ thống Một cửa quốc gia (MCQG). Điều này sẽ hỗ trợ thao tác nghiệp vụ chính xác hơn, tăng hiệu quả xử lý hồ sơ, giấy tờ”, ông Phạm Anh Đức, Phó TGĐ Viettel Solutions cho biết.

    Báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế MCQG vừa công bố cho biết hơn 90% doanh nghiệp có trải nghiệm tích cực với hệ thống này. Là đơn vị phát triển giải pháp công nghệ cho MCQG, ông Phạm Anh Đức - Phó TGĐ Viettel Solutions cho rằng, yếu tố quan trọng nhất đưa tới thành công là quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan muốn số hóa hệ thống.

    Phó TGĐ Viettel Solutions: Thách thức tiếp theo là khiến hệ thống Một cửa quốc gia thông minh hơn! - Ảnh 1.

    Khi được đặt hàng xây dựng hệ thống Hải quan một cửa (tiền thân của hệ thống MCQG) vốn chưa từng có tại Việt Nam, Viettel đánh giá đâu là điểm mấu chốt cần giải quyết?

    Chuyển đổi số ở bất cứ đâu người ta cũng nhắc đến vai trò quyết định của ban lãnh đạo, người đứng đầu. Trong trường hợp này là lãnh đạo của Tổng cục Hải Quan, Bộ Tài chính hay lớn hơn là Thủ tướng – người đứng đầu Chính phủ. Quyết tâm của người lãnh đạo gần như quyết định chính cho sự thành công của cả hệ thống.

    Công nghệ không phải là thứ quá khó. Khó nhất trong chuyển đổi số là thay đổi quy trình làm việc. Nếu không có sự quyết tâm thay đổi của người lãnh đạo thì tuyệt nhiên sẽ không làm được. Hiện nay, mức độ quyết tâm của các lãnh đạo đang rất cao. Việt Nam đã và đang có những nền tảng thuận lợi.

    Ở thời điểm ban đầu xây dựng hệ thống, Viettel đã tiếp cận công việc với phía Tổng cục Hải quan như thế nào?

    Viettel đã cử một đội ngũ chuyên trách, trong đó, có một thành viên trong Ban Giám đốc trựctiếp cùng làm. Điều này giúp Viettel hiểu được những vướng mắc của đơn vị nghiệp vụ về thủ tục, quy trình… từ đó đưa ra được phương án thay đổi quy trình, tiến lên số hóa với từng bước cụ thể ra sao. Phải lường trước được khó khăn thì Viettel mới có được bước đi chính xác.

    Vậy khó khăn mà các ông đã tìm ra là gì cũng như cách thức nào để giải quyết?

    Như tôi đã nói ở trên, công nghệ không phải vấn đề quá khó. Vướng mắc lớn nhất là chúng tôi không có nghiệp vụ Hải quan, không hiểu sâu về những gì Hải quan đang làm. Đấy là điểm khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào xử lý bài toán được giao.

    Còn ở thời điểm hiện tại, khi hệ thống MCQG đi vào hoạt động được 6 năm, thách thức của Viettel là gì?

    Đó là làm cho hệ thống thông minh hơn. Giai đoạn trước công việc khá đơn giản là số hoá. Nghĩa là doanh nghiệp thay vì đến Hải quan nộp hồ sơ, thủ tục bằng giấy thì dùng hệ thống phần mềm. Còn nay, chúng ta phải nghĩ đến việc làm thế nào để đưa những công nghệ hiện đại như AI, Blockchain… vào, khiến hệ thống thông minh hơn, hỗ trợ nghiệp vụ hải quan tốt hơn.

    Ông có thể nói cụ thể hơn?

    Ví dụ Viettel đang phối hợp với Tổng cục Hải quan để đưa ra một số bài toán như dùng Blockchain để truy xuất nguồn gốc. Công nghệ này sẽ giúp tiết giảm rất nhiều thời gian cho xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao hiệu suất làm việc cho cơ quan quản lý, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

    Phó TGĐ Viettel Solutions: Thách thức tiếp theo là khiến hệ thống Một cửa quốc gia thông minh hơn! - Ảnh 2.

    Khi nghiên cứu các hệ thống tương tự trên thế giới, ông thấy hệ thống MCQG còn có thể cải thiện gì thêm?

    Nếu xét về góc độ số hoá, hệ thống của Việt Nam đã ngang với hệ thống của các nước hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, như tôi vừa chia sẻ thì thách thức tiếp theo đến từ việc tích hợp các công nghệ mới vào để hệ thống thông minh hơn, tự động hóa hơn, tiết giảm hơn nữa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

    Ngoài ra, vấn đề nghiệp vụ của các đơn vị liên quan cũng còn nhiều vướng mắc. Do vậy, ngoài yếu tố công nghệ, để cải thiện hệ thống MCQG, các Bộ, ngành cũng cần thúc đẩy cải cách hơn nữa về câu chuyện nghiệp vụ.

    Vậy những cải thiện sắp tới cụ thể là gì?

    Hiện nay số lượng thủ tục được đưa lên hệ thống MCQG mới là 198/250. Do vậy, mục tiêu của Tổng cục Hải quan và Viettel là hoàn thiện 250 thủ tục này lên Cổng theo Quyết định 1254 của Thủ tướng. Tức thời gian chỉ còn từ nay đến hết năm 2020.

    Xa hơn chính là bài toán nâng cao công nghệ, tính năng của hệ thống. Ở giai đoạn đấy, Viettel sẽ gần như song hành với phía Hải quan trong việc thay đổi nghiệp vụ, áp dụng công nghệ mới chứ không phải số hóa theo yêu cầu.

    Cảm ơn ông!

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày