Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thanh toán qua di động ở Việt Nam vẫn phát triển rất chậm so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện mới có khoảng 10% giao dịch thanh toán dùng dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking.
Phát biểu tại Lễ vinh danh Ngân hàng điện tử được yêu thích tại Việt Nam – My eBank 2014 do Báo điện tử VnExpress tổ chức tại Hà Nội tối 19/11/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự phát triển CNTT – viễn thông cũng như hoạt động ứng dụng CNTT – viễn thông trong lĩnh vực ngân hàng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Ngay từ những năm cuối của thế kỷ trước, ở nhiều nền kinh tế, ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến. Đến thời điểm này, ở nhiều quốc gia phát triển, thanh toán không dùng tiền mặt đạt tới trên 90% tổng số giao dịch thanh toán. Ở Việt Nam, ngay từ năm 1960 đã có quy định ban hành thể lệ giao dịch không dùng tiền mặt. Từ năm 2004, dịch vụ Internet Banking bắt đầu được triển khai. Năm 2005 bắt đầu có Luật giao dịch ngân hàng điện tử”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ vinh danh Ngân hàng điện tử được yêu thích tại Việt Nam năm 2014. Ảnh: X.B
Cũng theo Phó Thủ tướng, phát triển ngân hàng điện tử với các dịch vụ hiện đại, an toàn, tiện ích là xu hướng tất yếu, không chỉ giúp ngân hàng quản lý rủi ro tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn, giúp cho khách hàng chủ động hơn, thuận tiện hơn trong thực hiện giao dịch, mà còn giúp thực hiện tốt hơn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Phát triển ngân hàng điện tử là một giải pháp hữu hiệu để thực hiện minh bạch hóa các giao dịch thanh toán nói riêng, nền kinh tế nói chung, góp phần phòng chống tham nhũng lãng phí rất hiệu quả. Xu hướng phát triển ngân hàng điện tử mở ra cơ hội cho lĩnh vực CNTT, để ngành CNTT có thể phát triển nhiều công cụ mới, hợp tác với các ngân hàng cung cấp nhiều dịch vụ an toàn, thuận lợi và thân thiện với khách hàng. Qua đó giúp bỏ dần, bỏ nhanh thói quen dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn bày tỏ sự băn khoăn về sự phát triển ngân hàng điện tử, thanh toán qua di động tại Việt Nam: “Mặc dù hiện nay chúng ta đã có hơn 130 triệu thuê bao di động, nhiều hơn gấp 1,5 dân số, đã có 34 triệu người sử dụng Internet, trong đó 1/3 truy cập Internet qua thiết bị di động. Nhưng thanh toán qua di động ở Việt Nam vẫn rất chậm so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay ước lượng chỉ có khoảng 10% giao dịch thanh toán dùng dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking.
Ở góc độ đại diện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết: “Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại đã dành nguồn lực lớn đầu tư cho công nghệ, phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Với những dịch vụ ngân hàng điện tử như Internet Banking, Mobile Banking, khách hàng có thể dễ dàng truy cập từ xa để thực hiện giao dịch thanh toán chuyển tiền, và nhiều tiện ích khác mà không cần phải đến quầy giao dịch của ngân hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch cho khách hàng và ngân hàng. Nhưng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng cần phải tiếp tục hoàn thiện, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử”.
Khẳng định dịch vụ ngân hàng điện tử nói riêng, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển của các ngân hàng trên thế giới, trong đó có các ngân hàng của Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ thêm: “Dưới góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, dịch vụ ngân hàng điện tử nói riêng, đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp phát triển các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi các ngân hàng chưa có điều kiện phát triển hệ thống mạng lưới và giao dịch, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của các vùng miền trên cả nước”.
Theo ictnews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng