Phó tổng giám đốc Viettel: "Nhà nước can thiệp sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp"

    PV,  

    Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng việc quản lý giá cước vẫn theo cách nhà nước can thiệp sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thị phần khống chế phải đăng ký từng gói cước với cơ quan quản lý dẫn đến bị động, mất cơ hội kinh doanh.

    Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực thi Luật Tần số Vô tuyến điện và Luật Viễn thông vào sáng 18/3/2016, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel kiến nghị, Bộ TT&TT cần thay đổi chính sách quản lý cước đối với doanh nghiệp có thị phần khống chế, cũng như tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp viễn thông có thể tham gia kinh doanh trong các lĩnh vực khác. Đồng thời, Bộ cũng cần có chính sách để quản lý thuế và cấp phép đối với doanh nghiệp OTT.

    Theo ông Tống Viết Trung, 5 năm thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện là cơ hội để đẩy nhanh các dịch vụ viễn thông và dịch vụ có ứng dụng sóng tần số vô tuyến điện trong đời sống xã hội.

    Hai bộ Luật này cũng như Luật Cạnh tranh, Luật Giá thúc đẩy phát triển dịch vụ viễn thông, đưa dịch vụ viễn thông phát triển từ 5% lên 100% trong 4 năm. 5 năm Viettel từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một Tập đoàn hùng mạnh và đang cung cấp dịch vụ ở 9 nước.

    Giai đoạn vừa qua đã đánh dấu sự phát triển sự bùng nổ của thị trường viễn thông , tuy nhiên hiện nay thị trường viễn thông đã phát triển sang một giai đoạn mới. Thị trường viễn thông ngày càng mở rộng, xóa nhòa các khoảng cách về biên giới về loại hình dịch vụ, mở rộng khái niệm về cạnh tranh không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn mở rộng cạnh tranh quốc tế, không chỉ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống mà còn cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ mới.

    Chuỗi giá trị trong viễn thông cũng được mở rộng tạo ra một thị trường năng động sáng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới, tuy nhiên cũng làm phức tạp thêm cho các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông.

    Trong bối cảnh đó cần có một tiếp cận mới, đưa ra các quyết sách mới xây dựng hành lang pháp lý để đảm bảo duy trì thị trường phát triển cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của các thành tố tham gia thị trường viễn thông.

    Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, một số quy định trong các văn bản thi hành Luật còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với tình hình thị trường trong giai đoạn mới, cũng như chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

    Ông Tống Viết Trung cho hay, việc quản lý giá cước dịch vụ chưa đổi mới vẫn theo cách nhà nước can thiệp sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thị phần khống chế vẫn bị quản lý giá cước, phải đăng ký từng gói cước với cơ quan quản lý dẫn đến bị động, mất cơ hội kinh doanh.

    Do vậy trong thời gian tới việc quản quản lý giá cước cần theo hướng tôn trọng việc định giá của doanh nghiệp, đảm bảo tính chủ động của các doanh nghiệp. Hiện tại chúng ta đang thực hiện chính sách quản lý cước chặt hơn đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, đề nghị trong thời gian tới nhà nước chỉ nên có chính sách ưu tiên với những doanh nghiệp mới tham gia thị trường, như vậy mới đảm bảo thị trường cạnh tranh thực sự.

    Bênh cạnh đó, doanh thu dịch vụ viễn thông cơ bản sẽ không chiếm tỷ lệ cao trong doanh thu. Doanh thu viễn thông được cộng doanh thu từ các thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối, thiết bị y tế, điện thoại di động cùng với xử lý các cơ sở dữ liệu.

    Điều này làm cho doanh thu từ các dịch vụ mới sẽ tăng cao hơn nhiều lần so với dịch vụ viễn thông truyền thống. Để giúp doanh nghiệp viễn thông làm được điều này, đề nghị Bộ TT&TT cần có môi trường thuận lợi, xóa bỏ các rào cản để doanh nghiệp viễn thông tham gia vào các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, nông nghiệp, ngân hàng, quản lý điện nước và xây dựng mô hình thành phố thông minh.

    Ông Trung cũng đề cập đến việc, xu hướng kinh doanh dịch vụ qua nền Internet ngày càng được phát triển, tính biên giới không được được áp dụng, hiện nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT đang phát triển mạnh vào thị trường Việt Nam nhưng chính sách thuế và giấy phép chưa được áp dụng. Điều này tạo ra sự không bình đẳng, cũng như tạo ra các mối đe dọa đến an ninh quốc gia và bảo mật thông tin cá nhân khách hàng.

    “Do đó, đề nghị Bộ TT&TT sớm có chính sách quản lý thuế và giấy phép phù hợp đối với loại hình dịch vụ OTT”, ông Trung kiến nghị.

    Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày