Nhiều TP du lịch tại VN đã và đang triển khai dự án phủ sóng Internet WiFi miễn phí với nguồn vốn lên đến hàng triệu USD. Tuy nhiên chi phí “nuôi” hệ thống miễn phí này đang là dấu hỏi lớn.
Thiết bị phát WiFi được lắp đặt tại một tuyến phố ở TP Đà Nẵng - Ảnh: Phan Chung
Tại Đà Nẵng, từ tháng 11-2012, dự án WiFi miễn phí đã được triển khai với kinh phí đầu tư hơn 1 triệu USD tiết kiệm từ các gói thầu thuộc tiểu dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại TP Đà Nẵng (thuộc dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Thời điểm đó, theo Sở Thông tin và truyền thông (TTTT) TP Đà Nẵng (chủ dự án), giai đoạn 1 sẽ có 170 bộ WiFi được lắp đặt trên cột đèn chiếu sáng tại các tuyến đường khu vực trung tâm TP; các khu vực công cộng, các trường đại học, điểm du lịch và 29 sở, ban, ngành trên địa bàn.
Cũng theo chủ dự án, bộ truy nhập WiFi Đà Nẵng sẽ vận hành trên hai băng tần 2,4GHz và 5,8GHz; có khả năng phục vụ cho 200 người truy cập/địa chỉ IP... Dự kiến sau năm tháng lắp đặt, giai đoạn 1 của dự án sẽ có dung lượng hệ thống đạt 20.000 người dùng, có khả năng phục vụ đồng thời 10.000 lượt truy cập. Tiếp đó vào tháng 1-2013, giai đoạn 2 của dự án cũng đã được triển khai với việc tiếp tục lắp đặt thêm 130 bộ WiFi vào các địa điểm tương tự, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 2 triệu USD. Dự kiến hệ thống WiFi miễn phí này sẽ được đưa vào khai thác từ tháng 9-2013.
Trước đó, nhiều TP khác cũng đã triển khai phủ sóng WiFi.
Đua nhau phủ sóng WiFi
Hà Nội làm thử nghiệm
Chiều 24-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Kim Lan Hương - trưởng phòng ứng dụng công nghệ thông tin (Sở TTTT Hà Nội) - cho biết sở đang nghiên cứu phương án chọn một tuyến phố thông minh để phủ sóng WiFi miễn phí. Bà Hương cho biết theo phương án Sở TTTT đang nghiên cứu, tuyến phố thông minh được lựa chọn là khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. “Đây là điểm du lịch thu hút và phục vụ lượng du khách trong nước cũng như quốc tế lớn nhất thủ đô. Vì vậy, việc lựa chọn khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm phủ sóng WiFi miễn phí sẽ góp phần hỗ trợ phát triển du lịch, tạo đà cho quá trình thu hút khách để kích cầu phát triển kinh tế” - bà Hương nói.
XUÂN LONG
Năm 2012, Hội An (Quảng Nam) trở thành TP đầu tiên ở Đông Nam Á đưa hệ thống WiFi vào phục vụ miễn phí người dân và khách du lịch. Từ đó xuất hiện cuộc đua sóng WiFi giữa các TP lớn.
Ông Hồ Quang Bửu, giám đốc Sở TTTT Quảng Nam, cho biết hệ thống Internet WiFi tại TP Hội An được đầu tư với tổng kinh phí 25 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa do Trung tâm Điện toán truyền số liệu khu vực 3 (VDC3) cùng Sở TTTT Quảng Nam phối hợp thực hiện. Với 350 điểm phát sóng, hệ thống WiFi phủ sóng tại tất cả các điểm trong đô thị cổ Hội An, giúp người dân và du khách có thể truy cập Internet miễn phí với tốc độ 256Kbps.
Tháng 4-2012, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và VNPT chi nhánh Quảng Ninh bắt đầu lắp hệ thống WiFi cho TP Hạ Long. Ông Lê Minh Kỳ, trưởng phòng bưu chính viễn thông Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh, cho biết hiện tại dự án phủ sóng WiFi toàn TP Hạ Long đang ở giai đoạn hoàn tất với 106 trạm thu, phát sóng. Theo lộ trình, sắp tới Quảng Ninh sẽ triển khai phủ sóng WiFi tới các thành phố, thị xã trong tỉnh như Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn... với tổng kinh phí có thể lên tới khoảng 200 tỉ đồng.
Tại Huế, ông Dương Tuấn Anh, giám đốc VNPT Thừa Thiên - Huế, cho biết đang phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông (VNPT Technology) triển khai dự án phủ sóng Internet WiFi trên toàn TP Huế và vùng phụ cận. Hiện dự án đang ở giai đoạn khảo sát địa điểm lắp đặt các trạm phát sóng WiFi, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2013. Ông Anh cho hay dự án này giảm được chi phí rất nhiều bởi sử dụng hạ tầng của VNPT Thừa Thiên - Huế, bước đầu chỉ đầu tư mới các thiết bị thu phát sóng WiFi với chi phí khoảng 3 tỉ đồng. Khi dự án đưa vào hoạt động, du khách và người dân được sử dụng sóng WiFi miễn phí khi truy cập thông tin về dịch vụ công, bao gồm: cổng thông tin UBND tỉnh, UBND TP Huế, các sở ban ngành, và các thông tin về du lịch - văn hóa (điểm tham quan, khách sạn...).
Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải trả cước phí các dịch vụ giá trị gia tăng và các tiện ích khác khi truy cập Internet, bằng cách nạp tiền qua thẻ card. Một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ dịch vụ WiFi (các điểm tham quan và dịch vụ du lịch...) sẽ phải có hợp đồng với nhà đầu tư để trả các khoản chi phí.
Khó mang lại hiệu quả
Ngày 24-5, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Hội An, nhiều du khách cho hay ngồi ngay đường Trần Phú (trung tâm chính của Hội An) cũng không dễ gì vào WiFi một cách dễ dàng. Ông Trần Thái Do, Công ty TNHH&DV thương mại Á Đông Silk, cho biết dù WiFi ngay đầu ngõ nhà nhưng ông phải dùng đường truyền của riêng mình vì truy cập rất yếu... Tuy nhiên ông Lê Mạnh Hùng, giám đốc Trung tâm VDC3, lại cho rằng hệ thống WiFi ở TP Hội An vẫn đang được vận hành tốt, đảm bảo phục vụ người dân và du khách. Về phản ảnh tốc độ truy cập chậm, ông Hùng giải thích: “Đây là WiFi miễn phí nên du khách, người dân vào lướt web tìm kiếm thông tin, đọc báo bình thường thì hoàn toàn đảm bảo. Còn việc người dân vào mạng WiFi miễn phí để tải phim, ảnh dung lượng lớn thì chậm là điều chắc chắn. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, chúng tôi đang hướng tới việc phát hành thẻ để bán cho người có nhu cầu sử dụng. Hiện thẻ đã in xong và sẽ phát hành vào tháng 6 này, ai muốn dùng tốc độ cao phải mua thẻ”. Ông Hùng cũng thừa nhận hiện có một số điểm WiFi không hợp lý nên đơn vị đã khảo sát dời lắp đặt qua vị trí khác.
Về chi phí “nuôi” hệ thống WiFi này, ông Trương Văn Bay, phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết TP mất hơn 100 triệu đồng/tháng. Số tiền này trích từ ngân sách mà nguồn thu chủ yếu từ việc bán vé cho du khách tham quan phố cổ. Trong khi đó, theo lời kể của ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2012 phương án đầu tư xây dựng mạng WiFi miễn phí ở TP Huế buộc tỉnh phải chi khoảng 2 tỉ đồng để trả cho VDC3. Phương án này không được chấp thuận bởi ngân sách tỉnh không thể “nuôi” sóng WiFi miễn phí lâu dài. Sau này khi Tập đoàn VNPT chỉ định VNPT Technology trực tiếp đầu tư thực hiện dự án WiFi ở TP Huế thì dự án mới được tiến hành. Đây là dự án xã hội hóa do doanh nghiệp đầu tư, UBND tỉnh chỉ hỗ trợ về địa điểm các trạm phát sóng, cung cấp nguồn điện và đảm bảo hoạt động an toàn.
Tương tự, từ ngày 1-6-2013, TP Hạ Long sẽ bắt đầu áp dụng hình thức thu phí qua thẻ cào đối với người dùng WiFi. Theo đó, nếu không trả phí thì du khách chỉ được truy cập miễn phí vào một số trang thông tin điện tử của tỉnh. “Trong dự án này tỉnh không bỏ một đồng ngân sách nào, vốn đầu tư và chi phí duy trì hoạt động đều do VNPT đầu tư. Để điều hòa lợi ích của doanh nghiệp, trước mắt nhà đầu tư sẽ áp dụng hình thức thu phí qua thẻ cào do VNPT phát hành. Việc sử dụng thẻ cào rất đơn giản, như dịch vụ trả trước của điện thoại di động. Như vậy, về cơ bản là nhà đầu tư cung cấp hệ thống, cơ sở hạ tầng để du khách và người dân sử dụng dịch vụ tiện ích hơn” - ông Lê Minh Kỳ nói.
Riêng tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh, du khách và người dân vẫn được sử dụng dịch vụ WiFi miễn phí phủ sóng trên đảo. Ông Nguyễn Mạnh Cường, phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết dịch vụ được triển khai từ tháng 1-2012 với 60 trạm thu phát sóng. Các hệ thống thiết bị, đầu phát do VNPT chi nhánh Quảng Ninh hỗ trợ, ngân sách huyện trích 100 triệu đồng để cùng thực hiện triển khai. Theo ông Cường, hiện tại mỗi tháng ngân sách huyện phải trích hơn 20 triệu đồng để duy trì dịch vụ. “Huyện chưa có phương án thu phí dịch vụ WiFi trên đảo, người dân và du khách vẫn được dùng miễn phí. Hiện tại sử dụng ngân sách để duy trì nhưng hiệu quả quảng bá thương hiệu, thu hút khách du lịch từ dịch vụ này khá lớn nên có thể coi là kinh doanh có lãi” - ông Cường nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc một số địa phương chủ trương triển khai phủ sóng WiFi miễn phí như Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng... có thể sử dụng nguồn lực nào cho phát triển, Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng cho rằng về mặt nguyên tắc các địa phương nào có nguồn lực thì có thể thực hiện việc phủ sóng WiFi như vậy, Bộ TTTT không hạn chế triển khai việc này. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng với tình hình hiện nay thì các địa phương không có khoản ngân sách nào để triển khai việc phủ sóng này mà phải thực hiện xã hội hóa, cho doanh nghiệp tham gia thực hiện mới có thể triển khai được.
Lo ngại an ninh mạng
Với kinh nghiệm từng triển khai cung cấp Internet WiFi miễn phí tại TP.HCM cách đây vài năm, ông Vũ Anh Tú, giám đốc kỹ thuật Công ty FPT Telecom, chia sẻ: “Đối với WiFi, việc đảm bảo an ninh là cực kỳ quan trọng. Đơn vị cung cấp có thể sẽ phải đối diện với các cuộc tấn công mạng làm ngừng dịch vụ hoặc ăn cắp, giả mạo thông tin... Bên cạnh đó băng tần 2,4GHz và 5,8GHz là băng tần không cần đăng ký, do đó bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể sử dụng thiết bị hoạt động trong cùng dải tần gây nhiễu sóng của nhà cung cấp dịch vụ, từ đó gây ra khó khăn trong việc quản lý mạng lưới”.
Cụ thể những lo ngại về an ninh mạng, tiến sĩ Lưu Thanh Trà, Trường ĐH Hoa Sen, phân tích: “Chúng ta có thể xem xét các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hệ thống WiFi bao gồm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức nhà nước, chính phủ”. Với cá nhân, các thiết bị người dùng thường sử dụng để truy cập là điện thoại di động và máy tính xách tay. Đầu tiên thiết bị của họ sẽ liên tục bị hao pin, nóng thiết bị, nếu pin không tốt có thể gây cháy nổ. Vì người dùng cá nhân không phải ai cũng hiểu rõ điện thoại, laptop của mình nên chúng khá dễ bị xâm nhập chiếm quyền điều khiển thông qua mạng
WiFi, bị lợi dụng bởi những người xấu để thực hiện các mục đích như quay phim, nghe lén, thậm chí điều khiển các thiết bị khác trong nhà. Nguy cơ đặc biệt với lứa tuổi trẻ vị thành niên vì người lớn khó có thể kiểm soát nội dung chúng sẽ xem gì, làm gì qua kết nối WiFi trên các thiết bị di động. Trong khi thực tế hiện nay các nội dung đồi trụy, lừa đảo, trò chơi trực tuyến luôn sẵn sàng thu hút trẻ em.
Theo Tuổi Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng