Pixar – Một di sản vĩ đại khác của Steve Jobs

    PV,  

    Sau 3 ngày ra mắt, Finding Dory bỏ hầu bao tới 136,2 triệu USD. Finding Dory là siêu phẩm thứ 17 của Pixar kể từ khi thành lập năm 1995. Và, ít ai biết, Pixar cũng là một di sản lớn của huyền thoại công nghệ Steve Jobs, sau Apple.

    Người ta thường bảo, sự hoành tráng, dữ dội luôn có sức gây ấn tượng và ảnh thưởng hơn những thứ nhỏ bé, dịu dàng. Tuy nhiên, sự thật nhiều khi chẳng thế. Một Warcraft đầy gai góc đã thất bại thảm hại trước Finding Dory trong sáng tại thị trường khó nhất quả đất: Bắc Mỹ. Sau 3 ngày ra mắt, trong khi Warcarft chỉ thu về được 25 triệu USD, ngược lại, Finding Dory bỏ hầu bao tới 136,2 triệu USD.

    Mặc dù ông đã ra đi được vài năm, nhưng hình bóng của Jobs vẫn còn thấp thoáng trong các tác phẩm của Pixar, như lời thú nhận của Andrew Stanton, đạo diễn của Finding Nemo và Finding Dory: “Steve Jobs đã dạy chúng tôi rằng, công việc của chúng tôi là biết những gì khách hàng muốn gì trước khi họ thật sự muốn. Chúng tôi là những nghệ sỹ. Chúng tôi phải luôn sáng tạo, vì đó là thiên chức của một người nghệ sỹ chứ không phải bởi sợ hãi sự phê bình của mọi người. Trong quá trình làm phim, tôi luôn cố đóng vai là một khán giả và tự hỏi mình muốn gì ở một người nghệ sỹ mà mình thích, chứ không phải với tư cách là nhà sản xuất”.

    Thật ra, Pixar không phải là thứ Jobs chú tâm nhất trong cuộc đời mình. Ông chỉ coi Pixar là nơi để “giải trí” sau một tuần làm việc căng thẳng ở Apple. Nhưng, kể cả thế, với khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ của bản thân, Jobs vẫn khiến Pixar phát triển lớn mạnh, để trở thành một trong những hãng phim hoạt hình được đánh giá cao nhất ở thời điểm hiện tại. Những triết lý về sáng tạo, quan niệm thẩm mỹ, chuẩn giá trị…của Jobs vẫn sẽ được các thế hệ đạo diễn, kỹ thuật viên của Pixar quán triệt ở thời điểm hiện tại và cả mãi sau này. Ông chính là người dẫn đường cho Pixar.

    Đạo diễn Andrew Stanton (giữa) chụp ảnh với Jobs trong ngày ra mắt Finding Nemo.
    Đạo diễn Andrew Stanton (giữa) chụp ảnh với Jobs trong ngày ra mắt Finding Nemo.

    Sau khi bị đá ra khỏi Apple năm 1985, Jobs dùng 5 triệu USD để mua Pixar (lúc đó còn có tên là Graphics Group) từ Lucasfilm với mục đích là biến nó thành một Apple thứ hai, sau đó đầu tư thêm 5 triệu nữa cho các hoạt động của công ty.

    Theo đó, Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của công ty với 70% phần hùn, 30% còn lại thuộc và các nhà quản lý cùng nhân viên. Nhưng, sau khi nghe về ước mơ làm những bộ phim hoạt hình lộng lẫy, hiện đại và đầy sáng tạo của 2 người đồng sáng lập là Ed Catmull và Alvy Ray Smith, Jobs đã từ bỏ ý định ban đầu và chúng ta có một Pixar như ngày nay.

    Trong những ngày đầu tiên, Ban quản trị của của Pixar gồm 3 người: Jobs, Ed Catmull và Alvy Ray Smith. Trong đó, Job quản lý công việc chung còn 2 người còn lại đảm trách chuyên môn. Vai trò CEO của ông chỉ chấm dứt khi Pixar được Disney mua lại giá 7,4 tỉ USD vào năm 2006.

    Bộ 3 quyền lực của Pixar Jobs – Catmull – Smith trong những ngày đầu.
    Bộ 3 quyền lực của Pixar Jobs – Catmull – Smith trong những ngày đầu.

    Những năm Jobs chỉ làm việc ở mỗi Pixar hết sức nhẹ nhàng, song khi ông quay trở lại làm CEO của Apple năm 1997, mọi chuyện trở nên phức tạp. Jobs luôn cố gắng đến văn phòng của Pixar một lần trong tuần, thường là vào thứ 6. Jobs chẳng biết gì về việc làm phim, nhưng đội ngũ sáng tạo của Pixar phát hiện ra rằng, ông là một nhà phê bình sáng suốt. Nhờ Jobs, những bộ phim của Pixar luôn tương đối hoàn hảo ở nhiều mặt.

    Jobs là một người nóng tính và ông thường đưa những phê phán khắc nghiệt khi bàn bạc công việc. Biết Jobs luôn thoải mái ở Pixar hơn tại Apple, nên một vài nhân viên của Jobs ở Apple thường “tránh nặng, tìm nhẹ”. Andy Dreyfus, cựu đồ họa của Apple kể, lúc nào anh ấy và sếp Tom Suiter muốn giới thiệu cái gì đó cho Steve, họ hay cố gặp ông tại Pixar: “Chúng tôi luôn vui vẻ mỗi khi gặp Steve vào thứ 6, là ngày ông đến Pixar và ông luôn có tâm trạng tốt khi ở đó”. Càng ít có thời gian đến Pixar, ông càng quý trọng nó. Jobs thường hưng phấn một cách thái quá mỗi khi xem một phim mới trước khi ra mắt hoặc lúc dành giải Oscar. Giám đốc sáng tạo của Pixar, John Lasseter miêu tả Jobs là “CĐV nhiệt thành nhất” của Pixar.

    Lúc đến Pixar, tâm trạng của Jobs luôn hào hứng và vui vẻ.
    Lúc đến Pixar, tâm trạng của Jobs luôn hào hứng và vui vẻ.

    Steve Jobs cũng là người tiên phong tạo ra văn hóa làm việc mở của Pixar như bây giờ. Trong khi làm CEO của Pixar, ông cực kỳ quan tâm việc thiết kế và xây dựng văn phòng cho công ty, Steve cho rằng đó là “bộ phim” của mình.

    “Nó được cấp kinh phí và thời gian bằng đúng với một bộ phim và ông ấy là tổng đạo diễn”, Lasseter tiếp tục hồi tưởng. Jobs luôn bị ảm ảnh về việc xây dựng một tòa nhà mở. Thậm chí, ông ấy còn yêu cầu các lò gạch ở Washington mở lại để cung cấp cho ông ấy một loại gạch mờ đặc biệt, nhưng dù thế nào, mọi thứ phải mở. Jobs muốn mọi người trong văn phòng luôn được gặp gỡ và trao đổi với nhau hàng ngày.

    Quá khích hơn, ông còn đưa ra ý tưởng, mà nhiều nhân viên của Pixar lúc đó cho rằng nó “điên rồ”. Jobs muốn chỉ xây duy nhất một nhà tắm ở khu vực trung tâm. Theo đó, dù ai có khép kín đến đâu cũng phải đi tắm, sẽ buộc phải gặp mọi người. Tuy nhiên, trước sự phản đối quyết liệt của toàn bộ nhân viên, một nhà tắm thứ hai đã được xây dựng ở tầng trên. Văn phòng mới sau này của Pixar cũng tiếp tục được thiết kế và xây dựng theo đúng văn hóa mở của Jobs.

    Theo Sa Mộc/NDH

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày