Project Ara 2016 đã giết chết giấc mơ smartphone module
Thế giới công nghệ tràn ngập những sản phẩm hay ho ở mức… ý tưởng. Nhưng, khi bạn nhìn vào thực tế, dự án smartphone module Project Ara của Google có thể coi là đã chết.
Nếu muốn nói giảm nói tránh, bạn có thể khẳng định rằng Google đã ngừng việc theo đuổi những thứ 100% bất khả thi (module hóa toàn bộ chiếc smartphone) để tập trung vào mang tới khả năng thay thế những bộ phận không thuộc phần cốt lõi của chiếc điện thoại (màn hình, chip và RAM).
Nhưng ngay cả kịch bản mới (và kém ấn tượng hơn) cũng chỉ có thể xảy ra khi phiên bản mẫu hiện tại của Ara được hoàn thiện để đưa ra thị trường. Tất cả các phiên bản Ara trước đó, bao gồm một bản công bố vào năm 2014 và một bản năm 2015, đều đã chết từ trong trứng nước.
Tại sự kiện I/O 2016 mới diễn ra gần đây, Google khẳng định sẽ ra mắt smartphone module vào năm 2017. Sau 4 năm kể từ ngày công bố, chiếc smartphone Ara hoàn thiện sẽ chỉ có 6 ô trống cho phép mở rộng module ở phía sau lưng. Các module thay thế đầu tiên bao gồm camera, loa và màn hình mực điện tử. Google cũng khẳng định sẽ mở nền tảng Ara cho nhiều bên tham gia phát triển phần cứng.
Lãnh đạo của phòng thí nghiệm cao cấp ATAP, bộ phận trực tiếp quản lý dự án Ara tại Google/Alphabet, dự đoán rằng các hacker phần cứng sẽ góp phần xây dựng “những thứ điên khùng” để kết nối vào 6 ô trống trên thân của Ara.
Nhưng bất kể Google nói gì, sự “điên khùng” ở đây là bởi rất ít người quan tâm tới khả năng tùy biến phần cứng của họ. Không tính tới một nhóm nhỏ người đam mê công nghệ sẵn sàng dành nhiều giờ đồng hồ để build ra bộ máy PC tốt nhất, cộng đồng người tiêu dùng phổ thông sẽ chẳng mấy quan tâm tới khả năng tùy biến phần cứng.
Tầm nhìn đầy mâu thuẫn
Ngay cả lãnh đạo dự án Ara tại Google, Rafa Camargo cũng thừa nhận điều tương tự: “Khi chúng tôi thực hiện nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra rằng phần đông người dùng không quan tâm đến khả năng module hóa những linh kiện căn bản của smartphone. Họ cho rằng các linh kiện này phải luôn luôn có mặt, luôn luôn hoạt động một cách ổn định”.
“Luôn luôn hoạt động” và “ổn định” là 2 khái niệm đối nghịch hoàn toàn với triết lý module hóa phần cứng. Ấy vậy mà Google vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển Ara.
Một trong những tính năng thú vị nhất được lựa chọn để phô diễn Ara tại I/O là khả năng tháo rời module camera bằng giọng nói (“OK Google, hãy tháo camera”). Không nằm ngoài dự đoán, các nhà phát triển phần mềm tham dự sự kiện này đã đồng loạt tán thưởng tính năng này.
Khi suy nghĩ thật kỹ, bạn sẽ thấy đây là một tính năng không có ý nghĩa thực tế nhưng lại rất phù hợp với những sự kiện PR rầm rộ. Và Google đã khéo léo lồng ghép vào đó một công nghệ cốt lõi có ý nghĩa quan trọng với tương lai của công ty - công nghệ nhận diện giọng nói, một phần không thể thiếu của tìm kiếm và trợ lý ảo.
Đây là ví dụ điển hình cho tư duy quảng bá nhuần nhuyễn của một công ty sống bằng quảng cáo vốn đã có những chiến dịch marketing siêu đẳng như chương trình cung cấp StreetView cho “phượt thủ” leo núi vào 2 năm trước.
Và đó cũng là lý do vì sao Ara đã được đầu tư phát triển trong một thời gian dài nhưng vẫn không thể chạm tay tới người tiêu dùng. Marketing không phải lúc nào cũng đi kèm với thực tế.
Một tầm nhìn đầy… lỗ hổng
Khoảng cách từ giấc mơ module hóa smartphone cho đến thực tế là một khoảng cách rất dài. Hãy nhớ rằng trong lần đầu tiên bước chân lên sân khấu, bản mẫu Ara của Google thậm chí còn không thể khởi động được. Nhưng những khó khăn về mặt kỹ thuật cũng chẳng thấm vào đâu so với những khó khăn do tính thực tiễn gần bằng... 0 của Ara gây ra. Là một người dùng thông thường, bạn có muốn rơi vào những tình cảnh khó nói dạng như “Mẹ dọn ghế sofa có nhìn thấy cái module màn hình phụ của con bị rơi ra không”?
Chìa khóa để smartphone màn hình cảm ứng trở thành loại thiết bị điện tử phổ biến nhất thế giới không phải là bởi chúng thông minh hay nhiều tính năng hơn mà là bởi chúng rất dễ sử dụng. Năm 2007, so với Nokia N95 thì iPhone chỉ là một chiếc điện thoại “ngu” thực thụ. Ấy vậy mà triết lý của Steve Jobs vẫn thắng thế.
Tiếp tục nhìn từ góc độ một người tiêu dùng, liệu bạn có thực sự cần một chiếc smartphone có khả năng chụp ảnh tốt hơn cả iPhone 6s và Galaxy S7 của ngày hôm nay? Bản chất của smartphone Ara là hơi ngớ ngẩn, bởi những gì Google thực sự muốn nói với người tiêu dùng là “Hãy mua chiếc điện thoại tầm thường này và sau đó bỏ ra một đống tiền để biến nó thành điện thoại cao cấp hơn một chút!”.
Trái ngược với những gì bạn nghĩ, khả năng module hóa smartphone không phải là để phục vụ cho nhu cầu của số đông mà chỉ là để đáp ứng cho nhu cầu của một số rất ít người dùng, ví dụ như những người cần camera 41MP hay cảm biến đo glucose trong máu chẳng hạn.
Và tại sao bạn lại cần gắn cảm biến glucose lên smartphone? Thời đại Internet of Things hứa hẹn mang tới hàng trăm nghìn, hàng triệu phụ kiện có thể gắn lên cơ thể một cách dễ dàng và cũng không đòi hỏi kết nối vật lý tới smartphone hay tablet. Khi vẽ ra kịch bản về tính năng gắn cảm biến lên smartphone, Google lại một lần nữa đưa ra một lời hứa không có ý nghĩa thực tế.
Cuối cùng là ý tưởng sẽ khiến nhiều người phấn khích: màn hình phụ (sử dụng công nghệ mực điện tử) gắn lên lưng điện thoại. Những chiếc Yota Phone có màn hình e-ink phụ đã được bán ra thị trường từ rất lâu rồi, nhưng chúng chưa bao giờ thuộc vào danh sách smartphone bán chạy cả. Yota Phone có thú vị không? Có. Yota Phone có hấp dẫn không? Hoàn toàn không.
Trở ngại về giá
Giá bán thì sao? Đã có lúc Google khẳng định giá của “bộ xương” Ara chỉ là 50 USD (khoảng hơn 1,1 triệu đồng). Giờ đây, ý tưởng “bộ xương” đó đã bị hủy bỏ và Google sẽ bán ra một “bộ khung” có cả màn hình, chip và RAM. Không ai biết mức giá của Ara mới sẽ là bao nhiêu, và nếu như bạn nhìn vào bài học của LG G5, giá thành của các module gắn rời chắc chắn sẽ ở mức cắt cổ.
Về mặt lý thuyết khả năng tách rời smartphone thành các module khác nhau chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho người dùng hạn hẹp kinh phí: ban đầu, bạn chỉ cần mua một bộ khung có giá không quá đắt mà không cần lo smartphone của mình sẽ sớm trở thành “đồ bỏ”. Khi đã dư dả tiền bạc, bạn có thể nâng cấp thêm những module cao hơn.
Nhưng chắc chắn Google cùng các đối tác sẽ phải bỏ ra những khoản chi phí R&D khổng lồ để tạo ra những module có thể kết hợp một cách dễ dàng và hoạt động ổn định. Không phải vô cớ mà Google không dùng cụm từ “giá hấp dẫn” khi quảng bá về Ara.
Cùng lúc, giá thành của smartphone Android càng ngày càng giảm. Trong thời đại hậu-Xiaomi, ngay cả những chiếc điện thoại 100 đô cũng có chip lõi tứ và camera “8 chấm”. Nếu nói về khía cạnh phá giá hay chỉ số giá trị/giá thành, smartphone module sẽ không phải là một giải pháp tối ưu.
Đứa con bị ruồng bỏ
Ban đầu, Ara thực chất đến từ ý tưởng Phonebloks: chiếc điện thoại lắp ghép này sinh ra để “thay đổi cách sản xuất các thiết bị điện tử nhằm giảm rác thải công nghệ”. Ý tưởng Phonebloks thú vị và hữu ích hơn hẳn hướng đi của Google dành cho Ara hiện tại. Thực tế, khi khuyến khích người dùng mua các module cấp thấp rồi dần dần nâng cấp lên các module cao cấp, Ara sẽ khiến lượng rác thải công nghệ gia tăng.
Các module mà Google nhắm tới như camera và màn hình phụ đều không phải là lý do khiến người dùng phải từ bỏ điện thoại cũ và mua điện thoại mới. Cùng lúc, một công ty khác có tên Fairphone đang tìm cách sản xuất ra một chiếc smartphone có khả năng sửa chữa cao. Ví dụ, nếu bạn cần thay thế vi xử lý hoặc màn hình cho Fairphone 2, bạn có thể mua linh kiện thay thế từ cửa hàng online của Fairphone. Với nhiều người, đây chắc chắn sẽ là một ý tưởng hấp dẫn hơn mô hình Ara hiện tại.
Lẽ ra, Google đã có thể thế chỗ cho những kẻ vô danh như Fairphone để thúc đẩy xu hướng thay thế linh kiện tuyệt vời này. Gã khổng lồ tìm kiếm có quyền lực đặc biệt đối với các đối tác phần cứng như Samsung, LG và Huawei.
Thế nhưng, Google đã đi theo hướng ngược lại. Tất cả những gì người dùng có là một vài đoạn video quảng cáo đã mắt, những màn demo được tán thưởng nhiệt liệt – tất cả chỉ để phục vụ mục đích quảng bá. “Ồ, hãy nhìn này, Google đang tạo ra một chiếc smartphone module thật sự ấn tượng”, nhưng vô nghĩa.
Bài học từ LG
Hiển nhiên Google không phải là công ty đi đầu trong lĩnh vực smartphone. Tại sự kiện MWC vào tháng 2 vừa qua, LG khiến cả thế giới phát cuồng khi ra mắt chiếc G5 có thể gia tăng dung lượng pin hoặc thay thế DAC chất lượng cao bằng cơ chế module ở phía dưới thân máy.
Nhưng, khi cơn sốt ban đầu qua đi, người ta bỗng chợt nhận ra rằng G5 không phải là một chiếc smartphone thực sự tốt. Không ai muốn trả các khoản tiền “hoang tưởng” dành cho các module bổ trợ. Cuối cùng, khi so sánh với Galaxy S7 ở vị trí một chiếc smartphone hoàn thiện, LG G5 thua cuộc đau đớn, dù rằng lựa chọn Samsung của năm nay chỉ là một bản cải tiến cấu hình của năm ngoái.
Người ta gọi mô hình module của LG G5 là một nỗ lực quảng bá tuyệt vọng nhằm trở nên nổi bật trong cuộc chiến smartphone đang ngày một khắc nghiệt hơn.
Google tiếp cận smartphone module ở một góc độ khác. Tính năng phân chia thành module sẽ giúp hệ điều hành và cũng là nguồn sống quan trọng của hãng – hệ điều hành Android – tiếp tục được ưa thích trên toàn cầu. Nhưng như lịch sử đã chứng minh, sự chú ý của các nhà phát triển phần cứng/phần mềm hay thậm chí là của những người dùng “cuồng” công nghệ không đồng nghĩa với thành công lâu dài.
Hãy nhìn vào thảm họa Google Glass. Khi chiếc kính này ra đời, người ta cũng tung hô rằng Glass nói riêng và kính thông minh là tương lai của công nghệ. Một số không nhỏ những người “cuồng” tech cũng bỏ hẳn 1.500 USD để mua Glass về thưởng thức. Đến vài tháng trước khi dự án này bị khai tử, Glass vẫn là cái tên thường được nói tới khi ca tụng “đế chế phần cứng” Google.
Nhưng Google chưa phải là một đế chế phần cứng. Từ góc độ thực dụng, Ara sẽ không biến mong ước của các chuyên gia PR Google thành sự thật.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng