Qualcomm tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2018: Chúng tôi tự hào khi là đối tác hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ 5G để hướng tới Công nghiệp 4.0

    Kuroe,  

    Bản thân công nghệ 5G không chỉ đơn thuần là mạng tốc độ cao, mà còn là nền tảng quan trọng trong việc phát triển kỷ nguyên Internet vạn vật. 5G sẽ đóng vai trò mở rộng hệ sinh thái Smartphone hơn nữa, nhờ vào những ưu thế quan trọng như độ phủ sóng rộng, tốc độ cao, độ trễ thấp.

    Ngày 06/04/2018 vừa qua, Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2018 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà lãnh đạo cũng như các doanh nghiệp để phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam. Hội thảo năm nay với chủ đề "Thúc đẩy phát triển nền kinh tế số trên nền tảng băng thông rộng: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ" được tổ chức nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ nội dung số, dịch vụ giá trị gia tăng, thanh toán và thương mại điện tử trên nền tảng 4G tại Việt Nam, cũng như chuẩn bị cho việc tiến tới 5G, Công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên Internet vạn vật.

     Ông Phạm Hồng Hải, thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

    Ông Phạm Hồng Hải, thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

    Bên lề buổi hội thảo, Qualcomm cũng tổ chức một buổi họp báo để chia sẻ những tin tức và công bố mới nhất của Qualcomm trong thời gian qua, như việc các nhà mạng di động trên thế giới chọn modem 5G Snapdragon X50 để thử nghiệm 5G di động trong năm 2018, cũng như việc modem 5G X50 sẽ chính thức được giới thiệu vào năm 2019. Bên cạnh đó, buổi họp báo còn là nơi để Qualcomm trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến việc phát triển công nghệ 5G và Internet vạn vật trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

    Tại buổi họp báo, trước câu hỏi về việc liệu có phải là quá sớm khi chuẩn bị cho công nghệ 5G tại Việt Nam hay không, khi mà 4G mới chỉ được triển khai ở Việt Nam được chưa đầy 18 tháng, ông Sudeepto Roy, phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Qualcomm cho biết: "Chẳng bao giờ là quá sớm để nói về tương lai. Cũng chẳng bao giờ là quá sớm cho việc chuẩn bị cho tương lai cả. Với một công nghệ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của kỷ nguyên Internet vạn vật như 5G, việc chuẩn bị sẵn sàng một cách thấu đáo từ sớm sẽ giúp cho quá trình phủ sóng 5G trong tương lai trở nên hiệu quả hơn rất nhiều."

    Ban lãnh đạo của Qualcomm tại buổi họp báo
    Ban lãnh đạo của Qualcomm tại buổi họp báo

    Bên cạnh đó, Qualcomm cũng tin rằng việc triển khai 5G trên toàn thế giới nói chung, cũng như tại Việt Nam nói riêng sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với việc nâng cấp từ 3G lên 4G trước đây. Bởi lẽ, nếu như việc nâng cấp hệ thống mạng từ 3G lên 4G trên thế giới bắt đầu từ Mỹ, rồi mới dần lan tỏa ra các quốc gia khác; thì ở thời điểm hiện tại, việc triển khai 5G đang diễn ra đồng loạt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v...v...

    Bản thân công nghệ 5G không chỉ đơn thuần là mạng tốc độ cao, mà còn là nền tảng quan trọng trong việc phát triển kỷ nguyên Internet vạn vật. 5G sẽ đóng vai trò mở rộng hệ sinh thái Smartphone hơn nữa, nhờ vào những ưu thế quan trọng như độ phủ sóng rộng, tốc độ cao, độ trễ thấp, v...v... Trong đó, việc độ trễ đường truyền có thể được giảm xuống chỉ còn 1ms sẽ mở ra nhiều tiềm năng ứng dụng quan trọng cho công nghệ này, chẳng hạn như phẫu thuật cho bệnh nhân từ xa.

     Ông Jim Cathay, phó chủ tịch Qualcomm chia sẻ trong buổi Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2018

    Ông Jim Cathay, phó chủ tịch Qualcomm chia sẻ trong buổi Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2018

    Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng đang gấp rút tiến hành triển khai việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như quy hoạch để có thể nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân cả nước. Tại hội thảo Quốc tế 4G LTE, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể đạt được tốc độ 4G tiêu chuẩn do băng tần sử dụng vẫn còn bị hạn chế. Hiện tại, mục tiêu của chúng ta là quy hoạch lại băng tần 700 MHz dùng cho di động, bởi đây là băng tần thấp phổ biến nhất để cung cấp dịch vụ di động trên toàn cầu. Hiện tại vẫn còn 156 kênh truyền hình tại Việt Nam hoạt động trên băng tần này, và chúng sẻ phải chuyển về băng tần dưới 694 MHz hoặc dừng hoạt động trước năm 2020. Việc quy hoạch băng tần cho mạng 5G sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2019, sau khi ITU (Tổ chức viễn thông quốc tế thuộc Liên hiệp quốc) xác định chính thức băng tần được sử dụng cho 5G.

    Bkav cũng là một đối tác hết sức quan trọng của Qualcomm tại thị trường Việt Nam
    Bkav cũng là một đối tác hết sức quan trọng của Qualcomm tại thị trường Việt Nam

    Bên cạnh đó, cũng trong buổi họp báo, Qualcomm cho biết, tại Việt Nam hiện tại Qualcomm đang là đối tác của 3 nhà mạng viễn thông hàng đầu là Vinaphone, Mobiphone và Viettel, cũng như đang hợp tác với Bphone của BKAV để tạo ra những thiết bị chất lượng cho người dùng cuối tại Việt Nam. Đối với Qualcomm, Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và Qualcomm cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển công nghệ Smartphone, Internet vạn vật để vươn ra thế giới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày