Andy Rubin rời khỏi Google để thành lập startup riêng đã khiến gã khổng lồ công nghệ gần như mất phương hướng trong tham vọng "robot hóa" để phục vụ con người.
Tham vọng thôn tính mảng tự động hóa của Google đang ngày càng trở nên khó che giấu. Với gần chục cuộc sáp nhập âm thầm trong suốt 2 năm qua, một đội ngũ robot hùng hậu đang dần hình thành dưới tay Google. Tuy nhiên, để trở thành cái tên đi đầu, Google sẽ phải đánh đổi khá nhiều để hoàn thành mục tiêu kiến tạo ngành công nghệ robot tiêu dùng trước năm 2020.
Với cái tên “Replicant” – “Kẻ Thích ứng” vốn chỉ lưu truyền nội bộ, dự án này là một nhóm gồm 9 công ty được Google mua lại từ cuối năm 2013. Đây là các công ty chuyên nghiên cứu và chế tạo robot có trụ sở rải rác trên khắp các quốc gia.
Cũng phải nói thêm, Replicant vốn là một bộ phận riêng biệt của Alphabet, công ty mẹ của Google cùng nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, khác với Android là một doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững chắc, Replicant lại là dự án bị bỏ ngỏ kể từ khi nhà sáng lập Andy Rubin rời Google vào năm 2014. Kể từ ngày đó, tự thân Replicant luôn phải hết sức chật vật để chạm tới tầm nhìn đầy tham vọng của Rubin, mà theo lời ông, "để trở thành kẻ đầu tiên tạo nên làn sóng sản phẩm tiêu dùng có tương tác với thế giới vật chất”.
Andy Rubin là cha đẻ của Android và người dẫn đường cho dự án Replicant trong vài năm ngắn ngủi.
Andy Rubin, cha đẻ của hệ điều hành Android kiêm cựu Trưởng bộ phận phát triển robot Replicant của Google, khẳng định công ty này đã có sẵn chiến lược phù hợp khi ông quyết định dứt áo ra đi. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, có vẻ như dự án Replicant vẫn đang bị... xếp xó và vì vậy, tham vọng ngày đó của Rubin đang ngày một xa tầm với.
Một thành viên thuộc Replicant chia sẻ, những mảnh ghép công nghệ họ đang sở hữu quả thực rất đáng giá, và rằng thành công sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian nếu họ có hướng đi cụ thể để tập trung nghiên cứu. Anh cũng cho biết, Alphabet đang cân nhắc lựa chọn các ứng viên tiềm năng cho vị trí CEO của dự án chiến lược này. Và đương nhiên, việc tìm được một người vừa có chuyên môn về robot, lại vừa am hiểu kinh doanh cùng một tầm nhìn táo bạo thật chẳng dễ chút nào. Được biết, Alphabet đang nỗ lực tìm cách xây dựng một bộ sưu tập các doanh nghiệp chuyên về robot có khả năng làm thay đổi toàn bộ cục diện của mọi lĩnh vực, từ phần cứng máy móc cho đến chăm sóc sức khỏe.
Những ngày đầu tiên
Sự ra đời và tồn tại của Replicant ở Google luôn gắn liền với cái tên Andy Rubin. Ông gia nhập Google vào năm 2005 khi bán công ty smartphone Android cho ông lớn tìm kiếm này. Suốt 10 năm sau đó, Rubin luôn là người có công lớn khi đưa Android trở thành một doanh nghiệp lớn với hơn 1 tỷ thiết bị trên khắp thế giới.
Từng được Google tin tưởng gửi gắm Replicant nhưng Andy Rubin đã sớm tạm dừng sự nghiệp tại đây.
Được biết tới như một thiên tài kỹ thuật nhưng lại gây ấn tượng với sự nhạy bén sắc sảo trong kinh doanh, Rubin luôn đề ra tiêu chuẩn rất cao cho các sản phẩm của mình. Vào đầu năm 2013, CEO Larry Page lúc bấy giờ quyết định bổ nhiệm Rubin từ CEO mảng Android sang vị trí mới: Điều hành bộ phận phát triển robot mới của Google, còn gọi là dự án Replicant.
Được biết, bộ phận bí mật này không thuộc phòng nghiên cứu Google X Lab vốn nổi tiếng đứng đằng sau các phát minh độc đáo của Google. Trong vài năm qua, Google cũng liên tục mua lại nhiều công ty lớn thuộc lĩnh vực robot. Cựu CEO Larry Page tỏ ra đặc biệt hứng thú với thể loại humanoid – robot mô phỏng các cử động của con người – điển hình là các cánh tay robot, robot nấu ăn hay chăm sóc người cao tuổi. Những tham vọng đó của Page đều được giao phó hoàn toàn cho Rubin và đội ngũ Replicant.
Rubin cho biết, Page luôn sẵn lòng hỗ trợ ông trong việc phát triển và vận hành các sản phẩm robot. Thậm chí, Page còn tin tưởng ông đến mức phó thác toàn bộ hoạt động của 9 công ty robot được Google mua lại trước đó cho Rubin quản lý. Được biết, 9 công ty này đã về chung nhà sau khi được Google chi tới gần 100 triệu USD để mua lại vào cuối năm 2013.
Cựu CEO Larry Page luôn rất kỳ vọng vào sự thành công của dự án Replicant.
Một nhân viên của Replicant tiết lộ, chiến lược sáp nhập này dựa trên thực tế: Việc chế tạo robot đòi hỏi một hệ thống phần mềm ưu việt kết hợp với phần cứng tân tiến nhất. Chính vì vậy, Google bắt đầu chủ trương thu nạp càng nhiều công ty robot hàng đầu càng tốt. Những công ty này phải vừa có khả năng kinh doanh ấn tượng cũng như sở hữu nhiều thành tựu độc đáo thuộc lĩnh vực mới mẻ này.
Google cũng rất kín tiếng về những kỳ vọng họ đặt ra cho các robot tương lai. Không ít người cho rằng, Google thậm chí còn tham vọng lớn đến mức không bỏ sót bất kỳ một mảng lợi nhuận nào, từ cung cấp robot sản xuất trong các nhà máy cho tới robot làm trợ lý cá nhân hay hỗ trợ con người trong sinh hoạt thường ngày.
Trước khi rời khỏi Google vào năm 2014, vị tướng tài Andy Rubin đã để lại vài dòng cho những người đồng nghiệp. Trong đó, Rubin vẫn luôn thể hiện niềm khao khát cháy bỏng - Phổ cập công nghệ robot tiêu dùng trước năm 2020: “Chúng ta đã xây dựng thành công một tổ chức tầm cỡ thế giới có đủ khả năng tung ra những sản phẩm đầu tiên dựa trên công nghệ robot. Rất có thể nhóm chế tạo robot sẽ mất tới hơn 20 năm mới có thể nghiên cứu thành công và cho ra mắt sản phẩm robot đời đầu, trở thành nền tảng vững chắc cho thế hệ sản phẩm tiêu dùng có khả năng tương tác với thế giới vật chất trong tương lai”.
Khi người cầm lái rời tàu
Hoài bão lớn nhường vậy nên khi Rubin rời Google để bắt đầu hiện thực hóa ước muốn bấy lâu của riêng mình, đây thực sự là một cú sốc lớn cho cả nhóm. James Kuffner, đồng sáng lập Replicant, vốn có trách nhiệm quản lý quá trình nghiên cứu và phát triển của dự án, nay lại phải gánh thêm trọng trách sát sao toàn bộ các khâu của Replicant. Dù là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực robot điện toán đám mây và mô phỏng con người, Kuffner vẫn thừa nhận mình không đủ kinh nghiệm về phát triển sản phẩm như Rubin đã từng đảm trách.
Theo một số nguồn tin, sau khi Rubin rời khỏi Google, không ít nhân viên các công ty robot được Google mua lại trước đó cảm thấy hoang mang và thất vọng. Thậm chí, một vài người còn cho rằng, bộ phận robot đang dần trở nên "mù mờ” sau khi Rubin dứt áo ra đi, cho dù ông đã quả quyết: “Tôi chỉ quyết định ra đi khi nhóm phát triển đã đi vào quy củ và có chiến lược phát triển rõ ràng”.
Dù từng khẳng định sự ra đi này không hề đáng ngạc nhiên nhưng Rubin cũng thừa nhận rằng, chính 9 công ty ông từng giúp Google mua lại cách đây 2 năm sẽ là những người thấy bất ngờ nhất: "Chính tôi là người thuyết phục từng người trong số họ tham gia vào ý tưởng điên rồ này. Dĩ nhiên, họ sẽ coi tôi là nhà tài trợ của họ, và có lẽ chứng kiến nhà tài trợ của mình dứt áo ra đi là chuyện không hề dễ dàng”.
Robot "Mèo Hoang" đến từ công ty Boston Dynamics.
Nhiều nguồn tin cũng cho biết, sau khi Rubin rời đi, không một ai ở lại biết cách liên kết các thương vụ mua bán để hình thành chiến lược. Rubin đã có công vạch ra phương hướng và mục tiêu phát triển, nhưng sự ra đi của ông đã đẩy dự án này vào tình thế “rắn mất đầu”. Điều nãy cũng đồng nghĩa với việc nhóm chế tạo không còn được dẫn đường chỉ lối để tiến gần hơn với cái đích đã được ông vạch sẵn. Thậm chí, một trong những người có vai vế ở Google cho rằng nhóm chế tạo robot hiện tại đang là “một mớ hỗn độn chưa vào quy củ”.
Để tiếp quản những thành tựu của Rubin, bộ phận robot cần một người có bề dày kinh nghiệm đáng nể về robot cùng nền tảng nghiên cứu mạnh mẽ. Đây cũng chính là thế mạnh áp đảo của Rubin. Nói vui thì, ông chính là người sáng chế cánh tay robot giúp ông pha cà phê mỗi sáng, đồng thời cũng chính là người có công vận hành hơn 1 tỷ chiếc smartphone trên toàn thế giới. Cho tới ngày hôm nay, mặc dù đã trải qua nhiều cuộc phỏng vấn với không ít các ứng viên nặng ký cho vị trí đứng đầu Replicant, nhiều người cũng phải công nhận rằng, rất khó và sẽ không bao giờ xuất hiện một nhà lãnh đạo nào khác có khả năng thay thế Rubin.
Chướng ngại quá lớn
Cho dù không được đánh giá cao ở thời điểm hiện tại nhưng bộ sưu tập 9 công ty robot của Alphabet – vốn được ca tụng như một “viên ngọc quý của ngành công nghiệp” – vẫn có nhiều cơ hội để vượt qua các thách thức và chướng ngại trước mắt để đi tới thành công.
Vài mẫu robot của Boston Dynamics - Công ty robot nổi bật nhất của Google hiện tại.
Nói cách khác, dự án Replicant đang hết sức nỗ lực đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ song song cùng lúc. Lúc này, Replicant là nơi Google chăm chút đổ nhiều tiền đầu tư nhất cho lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, một vài nhân viên của Replicant vẫn cảm thấy thất vọng về tương lai của nhóm. Họ cảm thấy "quá cô độc trên con đường phía trước". Ngoài trụ sở chính của Google ở vùng Vịnh, dự án này cũng có “tai mắt” tại Massachusetts và Tokyo. Đáng buồn là, đội ngũ nhân lực ở những nơi này đang không ngừng thu hẹp do nhân viên không còn hứng thú muốn hợp tác.
Một trong số họ bí mật chia sẻ với báo giới, Amazon cũng là cái tên sừng sỏ từng có ý định thâu tóm các công ty nhỏ này nhưng lại chậm chân trước gã khổng lồ tìm kiếm. Người này khá bất mãn khi Google dễ dàng “nuốt trọn” gói thầu béo bở này. Anh cũng tỏ ra quan ngại về chiến lược của Google khi cho rằng, ông lớn này không thể lấy số lượng gỡ gạc lại chất lượng: “Dù đã sở hữu hàng loạt công ty mới đầy tiềm năng nhưng có vẻ như Google vẫn đang loay hoay tìm cách bắn tên lửa lên mặt trăng, trong khi Amazon đã sắp xây xong cái thang đi lên đó”. Nhân viên này cũng bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng nếu được Amazon mua lại, công nghệ của công ty anh sẽ có khả năng được tung hoành trong các trung tâm hậu cần sản phẩm của gã khổng lồ thương mại điện tử thay vì cứ mãi giậm chân tại chỗ trong những chính sách nghiên cứu hiện đã đóng băng của Google.
Thử nghiệm robot Schaft của Google.
Những người làm việc cho Replicant tin rằng họ đang phần nào giải quyết một trong những vấn đề công nghệ khó khăn nhất trên thế giới - Robot. Nếu coi máy tính là thành tựu tinh vi phức tạp nhất được con người tạo ra, thì robot nên được coi là sự kết hợp của hàng triệu chiếc máy tính. Bạn sẽ cần kết hợp các phần mềm tiên tiến với trí tuệ nhân tạo, song hành cùng một thiết bị cơ khí hoạt động cực kỳ chính xác với bộ động cơ, cảm biến và khả năng nhận biết thế giới xung quanh phi thường.
Trong thời kỳ hoàng kim của các phi vụ sáp nhập nói trên, báo giới đã vô tình vẽ nên khái niệm đang dần ăn sâu vào tiềm thức không ít người: Google đang xây dựng một đội quân robot. Trên thực tế, Google tuyên bố sẽ không theo đuổi kinh doanh quân sự, mà chỉ tập trung vào xây dựng một thế hệ robot hỗ trợ con người, dù là trong sản xuất, trong sinh hoạt hay những dịch vụ hậu cần hàng hóa. Google cũng sẽ sớm tiết lộ một vài kết quả khả quan của những lần thử nghiệm, cho dù chưa có kế hoạch ra mắt sản phẩm.
Hiệu ứng gợn sóng
Cho đến nay, "di sản" lớn nhất trong nỗ lực chế tạo robot của Google chính là khả năng tác động vào các ngành công nghiệp gần gũi với robot. Một số người cho rằng, chính những thương vụ sáp nhập công ty con hàng loạt của công ty này đã thổi một luồng gió mới đầy sức sống vào cộng đồng này. Người trong cuộc cũng tiết lộ, những khoản đầu tư hào phóng của Google đã giúp kích thích tăng trưởng ngành công nghiệp robot, giống như cách thức dự án xe tự hành của Google thúc đẩy những ý tưởng tương tự tại nhiều công ty khác.
Robot Schaft của Google phô diễn kỹ năng đi bộ và làm việc.
Cũng có giai đoạn các công ty tư nhân chưa từng nghĩ tới mảng robot bởi họ cho rằng, đây là lĩnh vực quá đắt đỏ trong khi chưa hề có dấu hiệu khả quan nào trước mắt. Chính vì thế, lĩnh vực robot phần lớn đều được chính phủ hỗ trợ và đẩy mạnh thông qua các cuộc thi như DARPA hay các chương trình robot tại các trường đại học. Hiện tại, robot làm việc chủ yếu trong các nhà máy hoặc các trung tâm hậu cần đầu ra của sản phẩm. Theo đó, sự đầu tư và chuỗi mua bán sáp nhập liên tiếp của Google cũng góp phần tăng tốc sự phát triển của công nghệ tư nhân và định hướng tập trung vào khách hàng. Đồng thời, chiến lược này cũng khơi gợi sự quan tâm của các công ty robot đang tìm kiếm một lối thoát chiến lược khả thi.
Thế nhưng, chính hoài bão robot lại đang khiến Google phải trả giá. Một cựu nhân viên của Boston Dynamics tiết lộ, phần lớn nhân viên của các công ty được mua lại đều cảm thấy thất vọng bởi nền văn hóa mở trước đây của họ giờ đây lại đang nằm trong vòng bí mật. Chính vì được Google mua lại vào năm 2013 nên robot Schaft đã vắng mặt tại cuộc thi DARPA 2014 – nơi các robot thông minh nhất thế giới tranh tài. Sự vắng mặt này khiến người ta nghĩ rằng, chính Google đang cản trở tiến độ tổng thể của robot, khi mục đích của DARPA là nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này, giúp hỗ trợ con người trong những tình huống thảm họa.
Có thể nói, mọi niềm tin trước kia giờ đây đều đang dành trọn cho những nỗ lực của Alphabet trong việc khai thác robot. Nội bộ của Boston Dynamic cũng hy vọng, chiến lược robot đang bị bỏ ngỏ của Alphabet sẽ tiếp tục được làm nóng trong một ngày gần nhất. Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng, nếu thất bại trong việc kiếm tiền từ robot hay để các công ty con “chìm xuồng”, đương nhiên công ty này cũng sẽ tự mình gánh chịu hậu quả và trở thành một thông điệp xấu của thị trường robot thế giới.
Tham khảo BusinessInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng